Kỹ nghệ lấy Tây – những kẻ khốn cùng tha hóa

Một phần của tài liệu “số đỏ” và “kỹ nghệ lấy tây” của vũ trọng phụng, từ tác phẩm văn học đến tác phẩm sân khấu (Trang 75)

8. Cấu trúc của luận văn

3.1.2. Kỹ nghệ lấy Tây – những kẻ khốn cùng tha hóa

Tác phẩm Vũ Trọng Phụng thường khai thác đời sống thị thành. Ở đó, nhà văn đã chứng kiến một xã hội Việt Nam bị thay đổi trong mọi mối quan hệ xã hội. Xóm Thị Cầu trong Kỹ nghệ lấy Tây của Vũ Trọng Phụng là nơi diễn ra sự thay đổi đầy chua xót, nơi tác giả đã “mắt thấy tai nghe”, nơi “mọi thứ bây giờ thay đổi cả”. Cái quy luật “khách quan” lạnh lùng mà Vũ Trọng Phụng đã phát hiện và trình bày trong các tác phẩm của ông không chỉ là câu chuyện của xa xưa mà còn có giá trị thời sự cho đến hôm nay.

Thị Cầu là nơi dung thân của những người đàn bà làm nghề me Tây, một nghề mà khi nhắc đến, những người trong xã hội lúc bấy giờ không tránh khỏi sự ác cảm, thị phi. Ở đây, không phải riêng chuyện của một mợ nào đó “đi Tây”, chuyện của một cô Tây Hoẻn, mà là một câu chuyện dài “đầy bi hài

của cả một làng me, với cả một lịch sử thăng trầm và sự phũ phàng, chua cay, bẽ bàng của biết bao cuộc đời lỡ dở, tàn tạ.”.

Thế giới làng me qua ngòi bút của nhà văn họ Vũ hiện lên hết sức phong phú và sinh động, gồm đủ loại: có lớp “thợ già” đi trước chăm lo làm nhiệm vụ truyền nghề, đào tạo nghề cho lớp kế cận như bà Kiểm Lâm, bà cai Budích, bà Ách Nhoáng, có lớp học trò mới bổ sung những cô gái “thợ trẻ” : Duyên, Ái, Tích... Cuộc sống giữa những người đàn bà An Nam với những ông Tây theo kiểu “già nhân ngãi, non vợ chồng” cũng diễn ra rất phức tạp. Thực chất đó là những cuộc gả bán, mặc cả, lừa đảo giữa một bên “vì nhục dục”, một bên “vì tiền”. Họ là những người đàn bà bản xứ , thuộc nhiều tầng lớp, môi trường sống khác nhau, đủ các lứa tuổi,...vì cùng đường phải “đổ xô” đi lấy “chồng Tây” - những tên lính lê dương thô bỉ. Họ đánh mất tất cả, từ thể xác đến tâm hồn, khi hành cái “nghề” lấy Tây quái gở. Đối với người phụ nữ, làm điếm đã là một nỗi nhục. Phải làm me Tây thì nỗi nhục này càng gấp bội phần vì vừa phải làm điếm vừa là đầy tớ cho Tây, nhất là Tây lê dương, một thứ lính viễn chinh, thành phần cặn bã của xã hội tư sản. Không ít những người phụ nữ, sau những năm “lăn lộn” trong cái “kỹ nghệ” làm me đầy bi hài đã trở thành những “con quái vật”, những thứ “đàn bà ma bùn” như lời của chính họ “tổng kết” cái cuộc đời “bỏ đi” của mình. Chung quy tất cả cũng chỉ vì ma lực của đồng tiền!

Bộ mặt của tên lính lê dương già nua (chồng mới của bà Kiểm Lâm) như là một hình ảnh tượng trưng cho sự tàn tạ, bẩn thỉu, mệt mỏi, vô hồn của đám lính đánh thuê ô hợp: “một cái mặt lởm chởm những râu và ria với lùng bùng những túi thịt dưới hai con mắt với cặp môi không màu, trắng bệch và hai hàm răng sâu, một cái mặt buồn khi người ta vô tư lự và cáu kỉnh nhăn nhở khi người ta muốn cười” [45, tr.70]. Chúng đánh thuê là vì tiền, hầu hết là những kẻ nát rượu và lấy vợ bản xứ để làm đồ mua vui, thỏa mãn thú tính.

Bọn chúng lấy vợ chỉ vì “nuôi đầy tớ họ sợ nó ăn cắp, thà lấy một người vợ để vừa được sai bảo, vừa được...việc khác nữa” [45], cốt sao cho qua những ngày làm lính ở Việt Nam. Phải bám lấy những tên lính tượng trưng cho tội ác xâm lược đó, những phụ nữ đi làm me còn phải chuốc lấy sự ác cảm của đồng bào mình. Đây chính là những kẻ “bị quê hương ruồng bỏ, giống nòi khinh”. Còn những kẻ lê dương hung hãn, liều lĩnh, thô bỉ và dâm đãng kia thì lại có thể sẵn sàng chà đạp họ bất cứ lúc nào, đúng như lời Ái và Tích phàn nàn: “Cái kiếp lấy Tây ngán lắm, bà ạ, nó cứ hay rượu chè, hay sừng sộ, lắm lúc tưởng có thể mình chỉ bị một cái thụi cũng bỏ đời.” [45, tr. 78]. Phải làm một thứ điếm mạt hạng, những người phụ nữ đó bị đẩy vào bước đường cùng của sự tủi nhục, tối tăm.

Cũng giống như bất kỳ một nghề nghiệp nào khác, giữa các me đồng nghiệp cũng diễn ra những cuộc cạnh tranh quyết liệt để dèm pha nhau, phá giá nhau, nẫng tay trên của nhau, lôi kéo các “khách hàng” vào những “cuộc chiến tranh quyết liệt” với đầy đủ các “ngón nghề”. Từ cách dạy nghề, học nghề, truyền nghề, cảnh dắt mối ăn hoa hồng cho đến cảnh tìm việc, nghỉ việc rồi thất nghiệp...Tất cả đều được Vũ Trọng Phụng “khám phá”, phản ánh một cách chân thực nhất. Tác giả nhận rõ thực chất của nghề lấy Tây là một loại mại dâm trá hình được “ngụy trang” sau chiếc mặt nạ “ái tình” với biết bao kỹ thuật và chiến thuật, yêu giả, ghen giả để đạt tới cái đích là đồng tiền.

Tuy vậy, ở cái xóm me Tây ấy có nhiều me Tây, mỗi người mỗi thân phận. “Trong 300 người, mỗi khối óc là một thế giới riêng. Ba trăm cái tiểu sử hoặc lâm ly hoặc bi hùng trộn lẫn với nhau tại đó” [45, tr. 17], và “ đẹp, dù xấu các me đều có những nét mặt khó tả cả” [45, tr. 50]. Đó là bà Đội Chóp – người đã “can đảm đánh trống ra lệnh cho chị em hậu sinh chúng tôi không nơm nớp lo sợ những ông khổng lồ tóc đỏ, mắt xanh, nói thì oang oang như gắt, chân tay hay giơ lên như sự sừng sộ...” [45, tr. 64]. Là bà Đội Tứ có

cái tính cách dữ dội của loài “sư tử”, không hề biết sợ những gã chồng Tây:

“...chửi thì chửi trả, đánh cũng đánh trả...bị đấm một cái mà tát lại được những ba cái...Giơ dao lên dọa, gái này cũng tốc phăng ngay cái cooc xê lên. Anh nào cũng phải gờm.” [45, tr. 62 – 67].

Một me thì “nằm đắp chăn uể oải đọc một tờ báo cũ” [45, tr. 41], còn me kia thì “ngồi thừ trên ghế, khoanh tay co ro, cái quần trắng cái áo len xanh, đôi bít tất hoa đào cũng không thể bài trí nổi cho mặt có được lấy một vài nét” [45, tr. 41]. Lại có me có cái mặt thản nhiên đến nỗi cứ “trơ như đá, vững như đồng(...) cứ “gan lì tướng công như Từ Hải lúc chết đứng” [45, tr. 76] ngay trong “đêm tân hôn”. Còn me già này, thân tàn ma dại thì “để tâm tư vào việc khóc mướn”, đã “vui vẻ mà khóc, tươi cười mà khóc, khóc một cách chu đáo, mà lại không tính tiền, nghĩa là khóc gatuyt vậy” [45, tr.55].

Me Tây – là cả “một thế giới riêng”. Nhưng họ có khác nhau gì đâu. Đằng sau cái “kỹ nghệ” ấy là biết bao cuộc đời lỡ dở, những số phận tối tăm, những linh hồn sa ngã, tha hóa “vô phương cứu chữa”. Tất cả đều là nạn nhân của sự phụ tình, của những lễ nghi Nho giáo phong kiến để rồi bước đường cùng phải dấn thân vào kiếp me Tây!

Một phần của tài liệu “số đỏ” và “kỹ nghệ lấy tây” của vũ trọng phụng, từ tác phẩm văn học đến tác phẩm sân khấu (Trang 75)