Ngôn từ đa dạng phong phú

Một phần của tài liệu “số đỏ” và “kỹ nghệ lấy tây” của vũ trọng phụng, từ tác phẩm văn học đến tác phẩm sân khấu (Trang 87)

8. Cấu trúc của luận văn

4.1.1. Ngôn từ đa dạng phong phú

Đối với người nghệ sĩ, ngôn từ là tế bào của văn bản, không có ngôn từ là không có gì cả, hơn thế, ngôn từ còn là thái độ, là tư tưởng, là giọng điệu, là phong cách của người nghệ sĩ. Theo M. Bakhtin: “ (...) Cùng với những mâu thuẫn nội tại ở bản thân đối tượng, người viết văn xuôi nhận ra những tiếng nói xã hội trái ngược nhau xung quanh, một sự pha tạp ngôn ngữ tựa như chuyện xây tháp Babilon vẫn thường diễn ra xung quanh bất cứ một đối tượng nào; quá trình phát triển biện chứng của đối tượng đan kết với cuộc đối thoại xã hội xung quanh nó. Đối với người viết văn xuôi, đối tượng là tụ điểm những tiếng nói khác nhau, mà giữa chúng, anh ta phải cất lên tiếng nói của mình; những tiếng nói ấy tạo thành cái bè đệm cần thiết cho tiếng nói của anh ta, không có chúng thì những âm sắc nghệ thuật văn xuôi của anh ta không thể nào được người ta cảm thấy, không có sức vang vọng.” [6, tr. 196]. Bởi thế ngôn từ trước hết chính là nó, đồng thời là một liên kết để tạo ra cái trong nó, ngoài nó, lớn hơn nó.

Trong thế giới ngôn từ nghệ thuật của chủ nghĩa hiện thực, ngôn ngữ của Vũ Trọng Phụng là một mảng màu riêng, thật đặc sắc. Đó là ngôn ngữ nghệ thuật thấm đẫm cá tính sáng tạo của ông. Nhà văn, qua Số đỏ, đã tạo ra một chuỗi cười dài, khoái trá, hả hê thông qua việc tỏ ra rất thông thạo ngôn ngữ bình dân, đặc biệt là thứ ngôn ngữ vỉa hè như: “…cứ ỡm ờ mãi!”, “xin một tị!” , “Một tị tỉ tì ti thôi”…Khi nhân vật “anh hùng” xuất hiện, nó xứng

đáng là một nhân vật bình dân chân chính, nó sấn sổ “cướp giật ái tình” của cô hàng mía, nó nghêu ngao câu cải lương Nam Kì: “Than ôi, cái cảnh đêm thu tịch mịch…” , câu cửa miệng của một “bậc vĩ nhân” là “mẹ kiếp”, “nước mẹ gì”…những câu đó của Xuân là những lời văn hoa đã đi vào lịch sử.

Cấu trúc ngôn từ trong tác phẩm Vũ Trọng Phụng thường lộn xộn, nhịp điệu mỗi cú đoạn đi về một hướng. Lời văn nghệ thuật của ông có khả năng tổ chức các biến cố, sự kiện theo nguyên tắc đột biến, bất ngờ. Cái đám tang của cụ cố tổ là bản tóm tắt ngắn gọn “số đỏ” bằng những từ ngữ nhốn nháo, những cấu trúc ngôn từ nghịch lí, tương phản, pha trộn nhiều phong cách, Tây – Tàu - Ta, cổ hủ, hiện đại, sự hỗn hợp cặn bã nhiều nền văn hóa: bên cạnh “tiếng kèn Xuân Nữ ai oán” là: “ai cũng vui vẻ sung sướng, vênh váo”, bên cạnh “những bộ mặt nghiêm chỉnh” là “người ta chim nhau, cười tình với nhau, bình phẩm nhau, ghen tuông nhau, mỉa mai nhau” và “đám cứ đi, đám cứ đi”, nó “ đi rầm rộ, làm huyên náo cả một đô thành, với kiệu, lợn quay, kèn bu dích, với “trai thanh gái lịch” [44, tr. 179]...

Còn đây là lời “tự kể” của gã lính lê dương cỡ “cự môn thê thiếp” nuối tiếc cô vợ người Việt thứ tư mà hắn đã bỏ: “Chúng tôi hợp nhau. Không phải hợp nhau về tinh thần, đã không cùng một thứ lưỡi thì làm sao hiểu nhau được...? Nhưng nó hợp tôi về....xác thịt. Bây giờ bỏ đi rồi, tôi lại tiếc. Không thể nào lại còn tìm được một người đàn bà thứ hai có cái thân thể bốc lửa ngùn ngụt đến thế nữa” [45, tr. 25]. Trong đoạn văn trên, từ cách ngắt câu, nhả giọng, lựa chọn, sử dụng từ ngữ, đến cách diễn đạt hiện đai “thân thể bốc lửa ngùn ngụt” đã làm cho lời văn mới mẻ ngay cả với đời sống ngôn ngữ hôm nay.

Một nét đáng kể trong ngôn từ nghệ thuật của Vũ Trọng Phụng nữa là so sánh. Đó là lối so sánh mà đối tượng nhắm để so sánh không phải là một mà là nhiều đối tượng, mục đích tạo ra những nét nghĩa đối lập có khi hài hước,bông đùa, có khi lại châm biếm sâu cay: “Người Âu ở Đông Dương có cái thói quen hễ cứ thấy một người bản xứ làm báo thì nghi cho là hội kín, cũng như thấy một người vận âu phục lại gần nhà mình chỉ có một nghề chim vợ Tây” [45, tr. 13]. Thì ra, tâm địa của lũ người đó thật xấu xa, nghi ngờ từ chính trị cho đến khoản...tình dục...

Tả nhân vật bà Phó Đoan, nhà văn đã viết thế này: “...một bà trạc ngoại tứ tuần mà trang phục còn trai lơ hơn của các thiếu nữ, mặt bự ra những son và phấn, tóc đen lay láy nhưng mà quăn quăn, cả người nặng ít ra cũng bảy mươi cân, nhưng cái khăn vành giây đúng mốt hết sức thì lại nhỏ xíu và ngắn ngủn có một mẩu, một tay cầm một cái dù thật tí hon và một cái ví da khổng lồ, tay kia ôm một con chó bé trông kì dị như một con kì lân...”

[44, tr. 12]. Rõ ràng, thông qua việc miêu tả ngoại hình, Vũ Trọng Phụng đã lột tả được bản chất lố lăng, kệch cỡm và trơ trẽn của bà Phó Đoan. Nhân vật nhờ thế mà có sức tố cáo sâu rộng. Kiểu so sánh này còn được Vũ Trọng Phụng thể hiện ở việc so sánh cái mặt của một me Tây “hầm hầm như quan khâm sai Lê Hoan” [45, tr. 78], hay “Cái giường của một me Tây cũng như cái đùi khui của một thầy cảnh sát, cũng như cái búa của bác thợ rèn, cũng như cái cổ của một ông nghị Việt Nam” [45, tr. 53]

Một điểm khá nổi bật trong ngôn từ của Vũ Trọng Phụng là ngôn ngữ đối thoại. Đối thoại trong sáng tác văn học không chỉ đơn giản là tái tạo sự giao tiếp bằng lời nói của nhân vật mà còn là một phương tiện nghệ thuật nhằm khám phá, thể hiện cuộc sống qua cái nhìn độc đáo của nhà văn. Tác phẩm Vũ Trọng Phụng được cấu trúc bởi những đối thoại liên tiếp giữa tác

giả và nhân vật, giữa tác giả với người đọc. Ngôn ngữ nhân vật luôn đóng vai trò người kể chuyện. Đối thoại trong tiểu thuyết Vũ Trọng Phụng là kiểu đối thoại phanh phui, phơi bày sự thật. Các đối thoại trong tác phẩm của ông như những bản cáo trạng đanh thép, tung ra những chứng cứ, dồn dập những thông tin nhằm tố cáo, vạch trần bản chất của đối tượng. Trong Kỹ nghệ lấy Tây, đối thoại của bà hàng nước với tác giả mang tính tự sự. Bà kể một cách ngắn gọn nhưng khái quát được cảnh thiếu nữ Hà thành lấy Tây: “Tuần lễ trước có cả mấy cô thiếu nữ Hà Thành cũng sang đây để kiếm chồng! Có chồng rồi, vì không biết nèo cho được đồng lương cao, thành ra không đủ tiền mua rượu, thuốc lá, đồ hộp cho chúng nó. Thiếu thốn, bị chồng vặc, chưa chi đã sợ, ấy thế là bảo nhau tìm đường chuồn. Thành thử lấy chồng lỗ vốn!”, rồi bà đánh giá: “Rõ khốn nạn. Tài có, sắc có, chữ nghĩa cũng có mà thế đấy”.

[45, tr. 18]. Rồi đoạn đối thoại giữa nhà văn họ Vũ với Suzanne:

“ – Lấy một người chồng An Nam...

- Cũng khó lắm. Hạng người có gan dám hỏi tôi chẳng hạn thì không chắc đã được gia đình công nhận hẳn cho cái việc người ta đã làm. Nếu còn bị điều nọ tiếng kia thì khó chịu lắm. Vả lại chỉ say mê cái sắc đẹp một lúc, có khi rồi bỏ mình [...] Ở cái xã hội quý phái Âu Tây, một ít máu An Nam trong huyết quản cũng chẳng là sự vinh. Giời ơi! Thì ra tôi không có Tổ quốc!

[...]

- Lấy một người chồng lai...

- Ông nói phải lắm. Tôi đã nghĩ thế. Một người chồng lai, có Pháp tịch, mà không thể nói khinh được tôi [...] Nhưng mà thà về với một người mẹ khổ sở, cùng mẹ ăn cơm ngô, cơm khoai.” [45, tr. 54 – 55]. Thông qua ngôn

ngữ đối thoại, Vũ Trọng Phụng đã tô đậm nỗi đau khổ, nhục nhã của những me Tây, nỗi đau khổ ấy cứ “cha truyền con nối”, lan đến cả con cái họ!

Trong Số đỏ, hoạt cảnh đối thoại xuất hiện với mật độ khá dày đặc. Những cuộc đấu khẩu, cãi cọ nảy lửa, xuất hiện nhiều tạo nên tính kịch cho hành động với những thời khắc sinh động nhất của câu chuyện. Có thể kể ra những cuộc cãi cọ giữa cụ lang Tì và cụ lang Phế, giữa vợ chồng cụ cố Hồng, giữa ông phán mọc sừng và Xuân Tóc Đỏ với các tình địch...Đó là những hành động đóng kịch với những màn hề kịch cười chảy nước mắt:

“...cụ lang Tỳ, cụ lang Phế ngồi cạnh bệnh nhân, rồi giơ gói là và lọ thuốc thánh ra.

- Đây thuốc thánh chúng tôi xin ở đền Bia cho cụ chúng tôi đây. Thưa hai cụ, khoa học của người trần dù tiến bộ đến bậc nào thì cũng chẳng mầu nhiệm bằng sự cứu vớt chúng sinh của đức Thánh được

- Ồ! Rau thài lài! Rau xam! chỉ có thế này thôi ư? - Ơ kìa! nước quỷ gì thế này? Nước ao à?

...

Cụ Lang tỳ tỏ vẻ giận dỗi mà rằng:

- Thuốc men mà thế này thì công tôi bao lâu nay cũng toi! Đẵ cắt ba thang, đã đỡ, ấy thế mà.

- Thưa cụ, không phải tôi đến tranh công của cụ. Nếu thuốc của cụ mà hay thì hẳn người ta không phải đi xin thuốc Thánh đền Bia.

- Để tôi xem! Nước này mà là nước ao! Nước này chính là nước ruộng! Uống nước này thì khỏi hết bệnh, không còn bệnh mà chữa kìa!

- Cụ vặc ra với ai thế? Cụ giật lấy để làm gì thế? Đơn tôi kê đấy à?”

[44, tr. 83 – 84]

Cái tài của Vũ Trọng Phụng là ông làm sống dậy được thế giới ngôn ngữ của đủ mọi hạng người dưới đáy Hà Nội, kể cả giọng lưỡi gian hùng của những tay cờ bạc, lừa đảo, giết người, trộm cắp... Ngôn ngữ trong tác phẩm Vũ Trọng Phụng được cá tính hóa cao độ: mỗi con người, mỗi tính cách có một cách nói riêng, đúng là nhân vật nào ngôn ngữ ấy. Điều này chứng tỏ nhà văn có sự nhạy cảm kì lạ với tiếng nói của con người, có biệt tài trong việc nắm bắt thần thái, bản chất của nhân vật qua ngôn ngữ của chúng. Ngôn ngữ của Xuân Tóc Đỏ, cụ cố Hồng, bà Phó Đoan...trong Số đỏ; của bà Đội Chóp, bà Ách Nhoáng, me Kiểm Lâm...trong Kỹ nghệ lấy Tây là những tiếng nói đầy cá tính, bộc lộ đầy đủ nhất bản chất của nhân vật.

Vũ Trọng Phụng đã đẩy nhanh hơn quá trình cá thể hoá ngôn ngữ, sử dụng linh hoạt những kiểu ngôn ngữ khác nhau để tạo nên những nhân vật có cuộc sống riêng, không lẫn với bất cứ ai. Ông đã đáp ứng được yêu cầu “Nhà viết tiểu thuyết phải phát hiện ra phong cách, ngôn ngữ riêng của từng nhân vật. Trong lời ăn tiếng nói con người có dấu ấn của kinh nghiệm sống cá nhân, trình độ văn hóa, tư tưởng và tâm lý của họ. Đằng sau mỗi câu nói điển hình có phản ánh ít nhiều một hoàn cảnh xã hội và một tiểu sử cá nhân. Ngôn ngữ của nhân vật là một thứ ngôn ngữ phản ánh tính cách.” [11, tr. 90].

Khi khái quát về Số đỏ, nhà phê bình Đỗ Đức Hiểu đã nhận định: “ một văn bản chứa đựng nhiều văn bản: nó là tiếng vang, là giao điểm của nhiều văn bản mang những mối quan hệ bên trong với các văn bản khác,

đồng thời là một sáng tạo mới của một tài năng nghệ sĩ, vì vậy, “Số đỏ” là

một hệ thống ngôn từ đặc sắc mang tính xã hội và lịch sử cụ thể” [22, tr. 202]. Các nhân vật trong Số đỏăn nói, cử động rất vô nghĩa lý, cứ như những cái máy vô hồn vặn sẵn dây cót. Thằng Xuân gặp ai cũng cúi đầu rất thấp: “Chúng tôi rất hân hạnh”, rồi xổ ra một tràng những câu thuộc lòng như con vẹt: “Hạnh phúc có gì khác nếu không phải là hạnh phúc của vợ chồng?”,

“Cái gì hủ lậu ta đào thải đi”, “Thể thao...nòi giống..” [45] , đó còn là thứ ngôn ngữ lai căng với câu cửa miệng “mẹ kiếp”: “Mẹ kiếp! Chứ xưa nay có mua mũ bao giờ mà tóc chả đỏ” [45 tr. 266], hoặc “Mẹ kiếp! Quần với chả áo! – Cái này là cái gì? À, lời hứa!...Thắt đáy, nở ngực, nở đít...phải phải! Thắt đáy, nở ngực, nở đít là Lời hứa! Hở ngực, hở tay, hở đùi là Chinh phục! Hở đến nách và hở nửa vú là Ngây Thơ!” [45, tr. 307]

Cụ cố Hồng thì tuy chẳng biết gì, nhưng động đến, mở miệng ra là:

“Biết rồi, khổ lắm nói mãi!” :

" Cụ Hồng lại nhăn mặt lần thứ mười mà khẽ gắt cũng lần thứ mười rằng:

- Biết rồi! Biết rồi, khổ lắm, nói mãi!

Đã hiểu cái tính ấy, cụ bà cứ thản nhiên nói tiếp:

- Ấy thế rồi, ta cứ lo toan trước việc ma chay đi mà thôi. - Biết rồi! Khổ lắm! Nói mãi!

- Tôi thì tôi nên theo cả lối cổ và lối mới, nghĩa là cứ minh tinh, nhà táng, kèn tàu, kiệu bát cống, và rõ nhiều câu đối. Nếu chúng nó muốn thì chúng nó cứ đi thuê kén bú rích Tây đi, càng hay. Nhưng mà không thể vì cái thích của chúng mà bỏ đi cái thích của tôi được.

- Biết rồi! Khổ lắm...nói mãi!

Đến đây thì cụ bà không nói gì nữa, ngồi trầm ngâm nghĩ ngợi, làm cho cụ ông phải hỏi ngay:

- Thế sao nữa, hở bà?” [44, tr. 328 – 329]

Đó còn là những chữ “em chã, em chã” được Vũ Trọng Phụng đưa vào miệng cậu Phước, con trai của bà Phó Đoan, một bà me Tây nạ dòng có hình dáng tú bà.“Em chã! em chã!”thoát thai từ “em chả! em chả!”, là sự rút ngắn của “em chả (...) đâu!” với ngụ ý: “Em chả thèm đâu! Em chả chơi đâu! Em chả ăn đâu!”... một câu nói diễn tả thái độ ngúng nguẩy, nửa nạc nửa mỡ của một cô con gái dậy thì, nũng nịu, ỡm ờ, nói vậy mà không phải vậy. Trong giới me Tây lại là âm ngọng nghịu của thứ tiếng Tây pha tiếng Việt: “Đã bị “công sây ờ ghe” rồi mà lần này lại thế, bà cho gọi là đi đứt”

[45, tr. 34], là “Maniet Bay dan, don Bố cu tốt! Toa vù lào ê pu dê”, “Bạc đồng me sừ chớ có mà phát xê”... [45]

Với Vũ Trọng Phụng, các nhân vật của ông đều được ông cho phép nói năng theo đúng tiếng nói của chính nó. Nhà văn không chỉ dừng lại ở địa hạt ngôn ngữ, mà còn đi sâu vào thực thể con người. Ngôn ngữ Vũ Trọng Phụng đầy mãnh lực, mang tính châm biếm sâu cay, nhưng ẩn sâu là một tinh thần nhân văn cao cả.

Một phần của tài liệu “số đỏ” và “kỹ nghệ lấy tây” của vũ trọng phụng, từ tác phẩm văn học đến tác phẩm sân khấu (Trang 87)