3.2.3.1. Ý nghĩa
Đổi mới mục tiêu, nội dung và hình thức bồi dưỡng HSG là quan trọng và cần thiết. Đổi mới mục tiêu sẽ định hướng đúng đắn trong việc giáo dục HS theo hướng giáo dục năng khiếu, giáo dục toàn diện. Đổi mới nội dung, hình thức bồi dưỡng có ý nghĩa quyết định đến chất lượng bồi dưỡng HSG.
3.2.3.2. Nội dung
+ Đổi mới mục tiêu
Phát hiện những HS có tư chất thông minh, đạt kết quả xuất sắc trong học tập để bồi dưỡng thành những người có lòng yêu đất nước, tinh thần tự hào dân tộc; có ý thức vươn lên; có nền tảng kiến thức vững vàng; có phương pháp tự học, và sáng tạo; có sức khỏe tốt để tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế.
+ Đổi mới nội dung
Với đặc thù của trường chất lượng cao, nội dung dạy học nên thực hiện linh hoạt, không cứng nhắc, nhằm đạt hiệu quả cao. Để HS được chuẩn bị tốt nhất khi tham gia các kì thi HSG, nhà trường phải đảm bảo cho các em được học đầy đủ những kiến thức cơ bản của chương trình giáo dục theo chuẩn kiến thức kỹ năng và kiến thức nâng cao.
+ Đổi mới hình thức bồi dƣỡng
Bồi dưỡng HSG là một hoạt động giáo dục đặc biệt vì đối tượng, mục tiêu của quá trình đào tạo là HS năng khiếu và trình độ tri thức cao so với mặt bằng. Do đó, hình thức bồi dưỡng cho đối tượng HSG phải có tính chuyên biệt và cần đạt được những tiêu chí sau: phát triển phương pháp tư duy ở trình độ phù hợp với khả năng trí tuệ của HS; bồi dưỡng phương pháp tự học, tự kiểm tra đánh giá; phát triển các kĩ năng, phương pháp học tập sáng tạo; nâng cao ý thức và khát vọng vươn lên của HS; khuyến khích sự phát triển về lương tâm và ý thức trách nhiệm đối gia đình, nhà trường và xã hội.
3.2.3.3. Tổ chức thực hiện
+ Đổi mới mục tiêu
Nhà trường có trách nhiệm thực hiện nghiêm túc kế hoạch do Sở GD&ĐT xây dựng, trong đó chú trọng đến hoạt động bồi dưỡng HSG các cấp với số lượng và chất lượng HSG ngày càng nâng cao và bền vững.
Bên cạnh việc bồi dưỡng học sinh giỏi, nhà trường quan tâm đến giáo dục phát triển toàn diện cho học sinh thông qua việc giảng dạy giá trị sống, kỹ năng sống, các buổi ngoại khóa, hoạt động ngoài giờ lên lớp, hướng nghiệp dạy nghề.
+ Đổi mới nội dung
Hiện nay sách tham khảo rất nhiều, nếu GV không biết phân loại, chọn lọc sẽ dẫn đến tình trạng ôn luyện không trọng tâm, không sát chương trình của bậc học. Chính vì vậy việc nghiên cứu, chọn lọc tài liệu và giao cho GV biên soạn là hết sức quan trọng. Việc này đòi hỏi GV dạy đội tuyển HSG phải có trình độ chuyên môn vững vàng, có kinh nghiệm trong giảng dạy để đảm bảo tính chính xác, khoa học của nội dung giảng dạy. Trước thực tế trên, nhà trường xây dựng kế hoạch biên soạn nội dung, tài liệu bồi dưỡng HSG các cấp cho các khối lớp.
Thứ nhất, thành lập ban chỉ đạo xây dựng chương trình bao gồm Ban giám hiệu, các tổ trưởng, nhóm trưởng chuyên môn.
Thứ hai, thành lập các nhóm biên soạn tài liệu giảng dạy các môn Toán học, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tin học, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý và Tiếng Anh gồm tổ trưởng, nhóm trưởng chuyên môn, GV cốt cán.
Thứ ba, sau khi biên soạn tiến hành thẩm định trong tổ chuyên môn. Biên soạn tài liệu giảng dạy bồi dưỡng HSG đòi hỏi GV phải đầu tư thời gian, trí tuệ và sự nỗ lực của bản thân. Do vậy, việc triển khai bồi dưỡng cho GV dạy HSG năng lực phát triển chương trình và tài liệu dạy học là rất cần thiết. Từ đó GV có được những định hướng chung để triển khai và ứng dụng hiệu quả hơn trong việc đào tạo và bồi dưỡng HSG.
Sở GD&ĐT cần tổ chức biên soạn tài liệu hướng dẫn bồi dưỡng HSG cấp tỉnh về cấu trúc, nội dung bồi dưỡng để các trường phổ thông trên toàn tỉnh có định hướng chung, thống nhất trong quá trình giảng dạy, từ đó nâng cao chất lượng bồi dưỡng HSG một cách đồng đều.
+ Đổi mới hình thức bồi dƣỡng
Trong quá trình bồi dưỡng HSG, mỗi GV cần thường xuyên đổi mới hình thức tổ chức dạy học thông qua việc xây dựng hệ thống kiến thức khoa học, chính xác, câu hỏi lôgic, trọng tâm, các thủ thuật trong giảng dạy kết hợp với các thiết bị dạy học phù hợp.
GV hướng dẫn HS phương pháp học tập khoa học, có kế hoạch, phương pháp tự học, kích thích HS khám phá hướng tới sự phát triển các năng lực tư duy, kỹ năng làm bài, rèn luyện tính tư duy độc lập, chủ động và sáng tạo. GV cần rèn cho HS ý thức phấn đấu, rèn luyện phát triển toàn diện; rèn cho HS thói quen chia sẻ, hợp tác trong học tập và trong cuộc sống.