Hoạt động bồi dưỡng học sinh giỏi ở trường THCS Lê Quý Đôn

Một phần của tài liệu Quản lý hoạt động bồi dưỡng học sinh giỏi ở trường trung học cơ sở lê quý đôn, huyện ý yên, nam định trong bối cảnh hiện nay luận văn ths giáo dục học (Trang 42)

2.3.1.1. Mục tiêu bồi dưỡng

Trên cơ sở bảo đảm nội dung giáo dục toàn diện, tạo điều kiện cho các em học sinh có tư chất, kết quả học tập tốt được phát triển tài năng của mình, bồi dưỡng các em thành những HSG có đủ phẩm chất, năng lực, tạo nguồn HSG cho các trường THPT chuyên, bổ sung vào nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh, của đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

2.3.1.2. Nội dung bồi dưỡng

Việc bồi dưỡng HSG đã được nhà trường tổ chức trong một thời gian dài. Tuy nhiên, do ở cấp THCS không có nội dung chương trình dành riêng cho HSG nên mỗi GV tham gia bồi dưỡng HSG phải tự nghiên cứu, sưu tầm tài liệu và tự soạn giáo án, các chuyên đề nâng cao và chuyên sâu phù hợp với khả năng nhận thức của HS dựa trên nội dung chương trình và chuẩn kiến thức kỹ năng đối với từng môn học do Bộ GD&ĐT quy định, trong đó nhấn mạnh đến việc khắc sâu kiến thức trọng tâm, kỹ năng học và làm bài của HS. Sau mỗi chuyên đề, GV tổ chức kiểm tra, đánh giá từ đó phát hiện những điểm mạnh và hạn chế trong quá trình giảng dạy để điều chỉnh nội dung giảng dạy.

2.3.1.3. Hình thức bồi dưỡng

Nhà trường tổ chức bồi dưỡng HSG ở cả 4 khối lớp, mỗi đội tuyển từ 10 đến 20 HS. Trong đó, lớp 6 tổ chức đội tuyển của ba môn là Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh ; lớp 7 tổ chức bốn môn Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh, Vật lý;

lớp 8 tổ chức đội tuyển của tám môn là Toán, Vật Lý, Hóa học, Sinh học, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Tiếng Anh; Các đội tuyển lớp 6, 7 và 8 được bồi dưỡng để tham gia kỳ thi HSG cấp huyện cùng các đội tuyển của 32 trường THCS khác trong toàn huyện. Đội tuyển HSG lớp 9 gồm chín môn (thêm môn Tin học). Các đội tuyển HSG lớp 9 được bồi dưỡng để tham gia kỳ thi HSG cấp tỉnh gồm các đội tuyển của 10 huyện và thành phố trong toàn tỉnh do Sở GD&ĐT tổ chức.

Đối với HS lớp 6 khi được tuyển sinh vào trường, nhà trường đã phân loại HS ngay từ đầu dựa trên kết quả học tập của HS ở tiểu học. Những HS đã tham gia kỳ thi HSG cấp tỉnh lớp 5 được xếp học ở hai lớp 6A1 và 6A2 và những học sinh có lực học thấp hơn học ở các lớp còn lại. Như vậy sẽ giúp GV bộ môn dễ áp dụng phương pháp giảng dạy phù hợp với khả năng nhận thức của học sinh ở mỗi lớp, đồng thời giúp nhà trường bố trí những GV có năng lực bồi dưỡng HSG giảng dạy ở những lớp có HS khá giỏi. Trong quá trình giảng dạy, GV bộ môn phát hiện, bồi dưỡng và tuyển chọn từ 15 đến 20 em HS giỏi, có năng khiếu, say mê môn học tham gia vào đội tuyển HSG cấp huyện ở ba môn Văn, Toán và Tiếng Anh.

Đội tuyển HSG lớp 7 được hình thành dựa trên nền tảng là đội tuyển HSG lớp 6 của năm học trước, song có sự điều chỉnh và bổ sung. Qua quá trình giảng dạy, đồng thời thông qua kết quả các kỳ thi và khảo sát chất lượng do nhà trường và Phòng giáo dục tổ chức, GV bộ môn sẽ tuyển chọn đội tuyển HSG lớp 7 ở bốn môn Văn, Toán, Tiếng Anh và Vật lý để bồi dưỡng.

Các đội tuyển HSG lớp 8 cũng được các GV bộ môn thành lập qua quá trình giảng dạy và dựa trên kết quả các kỳ thi, mỗi đội tuyển từ 10 đến 15 HS. Đội tuyển Văn, Toán, Vật Lý và Tiếng Anh chủ yếu là những HS đã tham gia đội tuyển lớp 7, còn các đội tuyển Sinh học, Hóa học, Lịch sử, Địa lý được

tuyển chọn HS ở tất cả các lớp 8 là HS tiên tiến và hạnh kiểm khá trở lên, có nguyện vọng tham gia đội tuyển thi HSG.

Tất cả các đội tuyển lớp 6, 7 và 8 được nhà trường tiến hành chọn và tổ chức bồi dưỡng cho HS vào đầu tháng 3 hàng năm. Nhà trường tổ chức thời lượng bồi dưỡng từ 15 đến 20 buổi, mỗi buổi gồm ba tiết học. Trong quá trình bồi dưỡng, GV phụ trách tổ chức kiểm tra, căn cứ vào kết quả kiểm tra và nhận thức trong quá trình bồi dưỡng để chọn đội tuyển tham dự kỳ thi chọn HSG cấp huyện.

Đối với kỳ thi HSG cấp tỉnh dành cho HS lớp 9, nhà trường tuyển chọn đội tuyển Tin học ngay từ đầu năm học, và tiếp tục tuyển chọn, bồi dưỡng những HS đã tham gia các đội tuyển HSG lớp 8 ở năm học trước. Nhà trường cũng tham mưu với phòng GD&ĐT gọi tuyển sinh bổ sung vào các đội tuyển những HSG lớp 8 ở các trường bạn đã đạt giải Nhất, Nhì, Ba trong kỳ thi chọn HSG cấp huyện. Tất cả các đội tuyển được tập trung bồi dưỡng từ giữa tháng 9 với thời lượng 3 buổi/ tuần. Hàng tháng, GV phụ trách tổ chức kiểm tra lấy điểm định kỳ, từ đó điều chỉnh nội dung và phương pháp giảng dạy cho phù hợp, đồng thời báo cáo kết quả bồi dưỡng HSG ở đội tuyển của mình cho lãnh đạo nhà trường. Trước kỳ thi HSG cấp tỉnh, nhà trường kết hợp với phòng GD&ĐT tổ chức kỳ thi khảo sát chất lượng các đội tuyển. Sau kỳ thi, số HS còn lại của các đội tuyển còn khoảng từ 10 đến 15 HS và các em được tiếp tục được bồi dưỡng kiến thức để tham gia kì thi chọn học sinh cấp tỉnh lớp 9.

Khảo sát bằng phiếu về thời lượng ôn tập, bồi dưỡng HSG được tiến hành ở 150 HS tham gia đội tuyển HSG cấp huyện và cấp tỉnh của khối 8 và khối 9 ở các môn: Toán học, Ngữ văn, Vật lý, Hóa học, Tin học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý và Tiếng Anh. Có 54 HS chiếm 36% số HS được khảo sát phản ánh thời lượng bồi dưỡng hơi căng thẳng; có 62 HS chiếm 41,3% số HS được khảo sát cho rằng thời lượng là vừa phải; 25 HS chiếm 16,7% cảm thấy

nhẹ nhàng với lịch học, chỉ có 6% HS cảm thấy căng thẳng với lịch bồi dưỡng được đề ra. Nhiều HS đưa ra đề xuất mong muốn lịch học bồi dưỡng HSG sớm hơn.

2.3.1.4. Phương pháp bồi dưỡng

Phương pháp dạy HSG ở nhà trường cho đến nay vẫn là tự phát, chưa có một mô hình lý thuyết cơ bản và cụ thể nào để GV làm theo. GV chú trọng hướng dẫn HS phương pháp tư duy, kỹ năng làm bài, tăng cường thực hành khắc sâu kiến thức, hướng dẫn học sinh tự học, tự nghiên cứu tài liệu và sách giáo khoa. Bên cạnh đó, để đạt hiệu quả cao trong quá trình bồi dưỡng, các GV tổ chức rèn luyện kỹ năng cho HS thông qua việc luyện các đề thi HSG của những năm trước, các đề thi chọn HSG của các tỉnh và các đề thi tuyển sinh vào lớp chuyên của các trường THPT chuyên trong cả nước. Trong quá trình bồi dưỡng, GV phụ trách đội tuyển tổ chức kiểm tra theo cấu trúc đề và thời gian như đề thi HSG của Sở GD&ĐT, nội dung kiểm tra chủ yếu tập trung vào các kiến thức học sinh đã được ôn luyện. Từ đó, GV đánh giá được hiệu quả giảng dạy, kỹ năng làm bài của HS để có định hướng giảng dạy và bồi dưỡng đạt hiệu quả cao hơn trong các buổi dạy tiếp theo.

Nhà trường liên kết với các cơ sở giáo dục khác, thường xuyên trao đổi, học tập phương pháp giảng dạy nhằm nâng cao chất lượng bồi dưỡng HSG.

Một phần của tài liệu Quản lý hoạt động bồi dưỡng học sinh giỏi ở trường trung học cơ sở lê quý đôn, huyện ý yên, nam định trong bối cảnh hiện nay luận văn ths giáo dục học (Trang 42)