2.2.3.1 Những kết quả đạt được
- Chi nhánh đã làm tốt chính sách phục vụ khách hàng, cải tiến phong cách phục vụ thuận lợi, nhanh chóng, đáp ứng nhu cầu gửi tiền của dân cư và các tổ chức kinh tế nên tổng nguồn vốn huy động tăng lên nhanh chóng. SeABank không ngừng đưa ra những ưu đãi hấp dẫn như quay số trúng thưởng nhận tiền mặt ngay tại quầy hay nhận mã số quay thưởng để có cơ hội trúng các phần quà hấp dẫn tại cuối chương trình khi khách hàng đến gửi tiền như chương trình: “Hè sang, rộn rang quà tặng”.Bên cạnh đó, NH còn đưa ra nhiều chương trình tặng quà nhằm tri ân đối với những khách hàng ruột, đã gắn bó lâu dài và thân thiết với NH như chương trình “ Cảm ơn đã gắn bó “ đang được áp dụng hiện nay.
- Về hoạt động cho vay của chi nhánh, dư nợ tăng qua các năm phần nào góp phần thúc đẩy mở rộng sản xuất kinh doanh. Cụ thể, dư nợ tín dụng năm 2010 là 356 tỷ đồng, đến năm 2012 tăng lên 752 tỷ đồng, tăng 396 tỷ đồng so với năm 2010. Về cơ cấu tín dụng phân theo kỳ hạn, ngân hàng luôn cân đối cho vay giữa những khoản tín dụng ngắn hạn với trung - dài hạn để phù hợp với tình hình thực tế của nền kinh tế. Có thể thấy khoản tín dụng ngắn hạn mà ngân hàng cung cấp đã thực sự giúp các doanh nghiệp nâng dần quy mô hoạt động, dân cư có vốn để cải thiện đời sống, góp phần tăng uy tín cũng như quy mô tín dụng của Ngân hàng. Năm 2010, dự báo nền kinh tế đang trên đà tăng trưởng, NH mở rộng, tập trung vào các khoản tín dụng trung – dài hạn nhằm giúp các DN có cơ hội tiếp cận được với vốn để mở rộng sản xuất, tăng quy mô hoạt động vì vậy cơ cấu tín dụng trung – dài hạn không ngừng tăng lên từ năm 2010 – 2012 ( cụ thể, năm 2010, dư nợ tín dụng trung – dài hạn là 141 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 40% trên tổng dư nợ, sang đến năm 2011 và 2012 tỷ trọng này không ngừng tăng lên với tỷ trọng tương ứng là 45% và 47% trên tổng dư nợ).
- Tỷ lệ nợ quá hạn trên tổng dư nợ vẫn ở mức an toàn ( dưới 5% ) trong 2 năm 2010 và 2011. Có thể cho rằng các chính sách tài chính của NH đang được hoàn thiện nhằm cải thiện chất lượng tín dụng. Nhờ đó, lợi nhuận thu được từ hoạt động tín dụng không ngừng tăng lên theo tốc độ tăng của dư nợ tín dụng. Tỷ lệ sinh lời từ hoạt động tín dụng cũng tăng theo, năm 2010 lợi nhuận từ hoạt động tín dụng là 9,767 tỷ đồng,đạt 2,7% trên tổng dư nợ sang năm 2011 tăng mạnh lên 24,904 tỷ đồng, đạt 3,3% trên tổng dư nợ nhưng đến năm 2012, dư nợ tín dụng giảm, lợi nhuận từ hoạt động tín dụng cũng giảm xuống chỉ còn 16,85 tỷ đồng, tuy nhiên tỷ suất sinh lời từ hoạt động tín dụng giảm không đáng kể, chỉ giảm 1% tức xuống còn 3,2%. Điều này cho thấy chất lượng tín dụng của NH cũng tương đối tốt.
Đạt được kết quả trên là do:
- Chi nhánh đã thực hiện đúng và đầy đủ những định hướng chung và quy định đối với cho vay của NHNN và NH Đông Nam Á đã đề ra, đồng thời cũng có những biện pháp riêng như quan hệ tốt với khách hàng, chính sách tuyên truyền cũng
khá hiệu quả: Khi khách hàng có nhu cầu vay vốn có thể điện thoại trực tiếp đến đường dây nóng của NH để được cán bộ tín dụng tuyên truyền, giải thích về chế độ vay vốn, thủ tục vay vốn như thế nào, quản lý sử dụng vốn vay ra sao,..mọi thắc mắc, nhu cầu của khách hàng sẽ đều được đáp ứng. Thậm chí, đối với các khách hàng quen thuộc, thân thiết với NH thì sẽ được NH trả lời sau 24h kể từ khi NH nhận được Hồ sơ vay vốn…
- Quy trình vay vốn được áp dụng khoa học, hợp lý và linh động tùy theo từng trường hợp cụ thể đã giúp các doanh nghiệp, hộ vay vốn tiếp cận được với nguồn vốn vay nhanh chóng, hiệu quả trong khi tâm lý khách hàng lại thoải mái vì được phục vụ một cách tốt nhất.
- Quảng Ninh là một tỉnh có các ngành kinh tế mũi nhọn tương đối nhạy cảm với biến động của nền kinh tế thế giới nói chung và trong nước nói riêng như du lịch, dịch vụ, than, buôn bán biên giới, vật liệu xây dựng, cảng biển … đã tác động không nhỏ đến nền kinh tế xã hội của toàn tỉnh. Nhưng nhờ có sự can thiệp kịp thời bằng chính sách vĩ mô của Ngân hàng Nhà nước và giải pháp đồng bộ của chính quyền địa phương, nền kinh tế của Quảng Ninh ổn định và có những bước tăng trưởng đáng mừng, giải quyết được nhiều việc làm mới, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Đời sống của nhân dân được ổn định và đã được cải thiện hơn. Từ đó đã tạo điều kiện nhất định cho các Ngân hàng thương mại và các tổ chức tài chính trên địa bàn trong đó có SeABank – Quảng Ninh có cơ hội để phát triển.
2.2.3.2 Những hạn chế còn tồn tại
Bên cạnh những mặt tích cực, trong hoạt động tín dụng của SeAbank – Quảng Ninh còn có những điểm hạn chế như sau :
Một là, sự xuất hiện ngày càng nhiều và mật độ các Ngân hàng thương mại tại Quảng Ninh đặc biệt là tại Thành phố Hạ Long ngày càng đông, đã tạo ra sự cạnh tranh rất quyết liệt giữa các Ngân hàng thương mại, vấn đề phát triển Tín dụng gặp nhiều khó khăn, công tác huy động vốn thuộc thị trường I rất khó khăn và phức tạp. Tổng dư nợ các năm đều lớn hơn tổng nguồn vốn huy động, đặc biệt năm 2011, tổng dư nợ tín
dụng là 752 tỷ đồng, nhưng tổng huy động vốn chỉ có 511 tỷ đồng. Điều này chứng tỏ ngân hàng chưa thực hiện tốt công tác huy động vốn, nguồn vốn huy động tham gia vào cho vay ít, không đáp ứng đủ nhu cầu cho vay của ngân hàng, dẫn đến việc ngân hàng phải sử dụng nguồn vốn điều hòa từ ngân hàng cấp trên, hay phải đi vay từ ngân hàng nhà nước và các tổ chức tín dụng khác. Việc này đã làm giảm lợi nhuận của NH, gây ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập của NH do chi phí của nguồn vốn đi vay cao hơn rất nhiều so với nguồn vốn huy động từ tiền gửi của dân cư.
Hai là, nợ quá hạn tuy vẫn ở trong mức an toàn nhưng lại có xu hướng tăng qua các năm. Cụ thể, năm 2010, nợ quá hạn là 17 tỷ đồng, chiếm 4,78% trên tổng dư nợ. Đến năm 2011 và năm 2012, nợ quá hạn tiếp tục tăng, đặc biệt là năm 2012, tỷ lệ nợ quá hạn tăng lên tận 6,53% trên tổng dư nợ tín dụng, con số này đã vượt mức an toàn là 1,53%. Từ đó cho thấy NH cần phải có những chính sách tín dụng áp dụng phù hợp và có các biện pháp cụ thể để kiểm soát nợ quá hạn, không thể để cho nợ quá hạn tăng lên ở các năm sau nữa.
Ba là, hoạt động tín dụng tập trung chủ yếu vào tín dụng ngắn hạn, tỷ trọng tín dụng trung và dài hạn chưa cao, trong khi đó nhu cầu vốn kinh doanh của doanh nghiệp chủ yếu là vốn dài hạn để đầu tư xây dựng , mua sắm máy móc thiết bị, mở rộng sản suất, Có thể thấy khả năng đáp ứng của chi nhánh còn hạn chế. Điều này cũng ảnh hưởng một phần từ tình hình nền kinh tế bất ổn, các doanh nghiệp làm ăn không mấy hiệu quả nên các doanh nghiệp không gây được lòng tin đối với NH để NH có thể cấp những khoản tín dụng lớn trong thời gian dài được. Điều này uy hiếp trực tiếp đến chất lượng của các khoản tín dụng sau này.
Bốn là, hoạt động tín dụng trong những năm qua tăng trưởng khá, song công tác kiểm soát trong và sau khi vay còn lỏng lẻo, mang tính hình thức, thông tin tín dụng không được cập nhật đầy đủ, dẫn đến việc thẩm định chất lượng không cao. Do môi trường thông tin còn hạn chế, không có cơ quan chuyên ngành đánh giá đúng doanh nghiệp, hoạt động của kiểm soát độc lập còn hạn chế. Việc tổng hợp thông tin để đánh giá và xếp hạng doanh nghiệp chưa có cơ quan nào có thể đảm bảo để làm cơ sở đánh
giá, phân loại các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cán bộ tín dụng xử lý thông tin nhiều khi không quán triệt một cách đầy đủ các quan điểm, yêu cầu của nguyên tắc cho vay, do quá tin tưởng khách hàng nên xem nhẹ khâu kiểm tra, kiểm soát. Ngân hàng còn thiếu các bộ được đào tạo chuyên ngành với chuyên môn kỹ thuật sâu để thẩm định tính khả thi, hiệu quả của dự án.
Năm là, tại SeABank chi nhánh Quảng Ninh không có Bộ phận quản lý rủi ro tín dụng, không có các chuyên viên quản lý rủi ro và chuyên viên xử lý nợ xấu. Nếu có nợ quá hạn hay nợ xấu phát sinh, cán bộ tín dụng của chi nhánh không được phép trực tiếp xử lý mà phải thông báo cho bộ phận xử lý nợ trên Hội sở biết để họ xuống xử lý. Điều này đã gây bất lợi cho NH, khiến việc xử lý nợ không được thực hiện kịp thời, dẫn đến việc các khoản nợ quá hạn này sẽ bị chuyển sang nợ xấu và làm tăng nợ xấu cho NH, gây ảnh hưởng đến việc đánh giá chất lượng tín dụng của NH.
CHƯƠNG 3
GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG TÍN DỤNG TẠI NHTMCP ĐÔNG NAM Á – CN QUẢNG NINH