Trường THPT là đơn vị cơ sở thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, tiếp nối cấp trung học cơ sở và kết thúc bậc trung học, gồm 3 khối lớp 10, 11, 12.
Trường THPT được tổ chức và hoạt động theo quy định của Luật Giáo dục và Điều lệ trường Trung học, do Chủ tịch UBND cấp tỉnh, thành phố quyết định thành lập, sáp nhập, chia tách, giải thể, là đơn vị sự nghiệp có ngân sách riêng, có bộ máy quản lý hành chính và chuyên môn hoàn chỉnh. Hàng năm, được Nhà nước cấp kinh phí để đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ giáo dục và giảng dạy cùng các hoạt động khác của nhà trường.
Trường THPT giáo dục những tri thức phổ thông cơ bản, lao động kỹ thuật tổng hợp, hướng nghiệp và dạy nghề phổ thông. Trường THPT thực hiện phân hóa trong dạy học đáp ứng nhu cầu, hứng thú và khả năng của mỗi học sinh. Mức độ thực hiện việc phân hóa đảm bảo tính phổ thông với nội dung giáo dục mang tính chất nền tảng, làm cơ sở cho sự phát triển toàn diện nhân cách của học sinh. [3].
Căn cứ Điều lệ trường THCS, trường THPT và trường PT có nhiều cấp học, Ban hành kèm theo Thông tư số: 12/2011/TT-BGDĐT ngày 28/3 /2011 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Điều 3 quy định trường trung học có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:
1. Tổ chức giảng dạy, học tập và các hoạt động giáo dục khác theo mục tiêu, chương trình giáo dục phổ thông dành cho cấp THCS và cấp THPT do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành. Công khai mục tiêu, nội dung các hoạt động giáo dục, nguồn lực và tài chính, kết quả đánh giá chất lượng giáo dục.
2. Quản lý giáo viên, cán bộ, nhân viên theo quy định của pháp luật. 3. Tuyển sinh và tiếp nhận học sinh; vận động học sinh đến trường; quản lý học sinh theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
4. Thực hiện kế hoạch phổ cập giáo dục trong phạm vi được phân công. 5. Huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực cho hoạt động giáo dục. Phối hợp với gia đình học sinh, tổ chức và cá nhân trong hoạt động giáo dục.
6. Quản lý, sử dụng và bảo quản cơ sở vật chất, trang thiết bị theo quy định của Nhà nước.
7. Tổ chức cho giáo viên, nhân viên, học sinh tham gia hoạt động xã hội. 8. Thực hiện các hoạt động về kiểm định chất lượng giáo dục.
9. Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.
Trên cơ sở mục tiêu tổng quát đã nêu ở Luật Giáo dục, mục tiêu và kế hoạch giáo dục của trường THPT cụ thể như sau:
- Hình thành và củng cố các giá trị về tư tưởng, đạo đức, lối sống phù hợp thích hợp với trình độ, lứa tuổi học sinh THPT; có ý thức giữ gìn và phát huy các giá trị văn hoá, truyền thống dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại; trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, sẵn sàng bảo vệ Tổ quốc; có văn hoá trong quan hệ gia đình, bạn bè, xã hội; sống lành mạnh, tự tin, giản dị, tiết kiệm; hiểu biết, tôn trọng và chấp hành pháp luật; quan tâm đến những vấn đề cấp bách của đất nước, của toàn cầu.
- Củng cố, phát triển những nội dung đã học ở bậc trung học cơ sở; có những hiểu biết cần thiết về kỹ thuật và hướng nghiệp, đảm bảo hoàn thành nội dung học vấn phổ thông về tự nhiên, xã hội và con người, gắn với cuộc sống cộng đồng và thực tiễn địa phương.
- Được tiếp tục phát triển và nâng cao các kỹ năng học tập; độc lập suy nghĩ, sáng tạo trong tư duy và hành động; có khả năng sử dụng một ngoại ngữ trong giao tiếp thông thường và khả năng ứng dụng một số thành tựu của công nghệ thông tin ở trình độ phổ thông trong giải quyết công việc; có hiểu biết và kỹ năng cần thiết về kỹ thuật tổng hợp và hướng nghiệp để có thể vận dụng trong cuộc sống lao động, trong việc lựa chọn hướng phát triển phù hợp với năng lực của bản thân.
- Hiểu biết và có thói quen rèn luyện thân thể thường xuyên, đạt tiêu chuẩn rèn luyện theo lứa tuổi; giữ gìn vệ sinh cá nhân và môi trường; sử dụng thời gian hợp lý, biết cách làm việc và nghỉ ngơi khoa học.
- Hiểu biết và có khả năng cảm thụ, đánh giá cái đẹp trong cuộc sống và văn học, nghệ thuật, có nhu cầu sáng tạo cái đẹp; sống hoà hợp với thiên nhiên và xã hội [3].