Ở Nhật Bản, công dân có quyền khiếu nại bất cứ hành vi và quyết định nào của nhà nước kể cả các văn bản qui phạm pháp luật, các chính sách của nhà nước nếu như họ cho rằng những hoạt động đó ảnh hưởng bất lợi đến quyền và lợi ích của họ. Hệ thống các cơ quan tiếp nhận và giải quyết khiếu nại hành chính của Nhật Bản được tổ chức thực sự đầy đủ, toàn diện và linh hoạt ở cả hệ thống hành pháp, tư pháp và lập pháp đảm bảo bất cứ một khiếu nại nào của người dân cũng được xem xét thấu đáo và thoả đáng. Hiến pháp của Nhật Bản cho phép người dân có quyền biểu thị chính kiến của mình bằng phương pháp trưng cầu dân ý về mọi lĩnh vực và đặc biệt là về sự tồn tại của chính quyền. Nhật Bản theo chế độ tam quyền phân lập và thực hiện sự phân cấp mạnh mẽ cho chính quyền địa phương. Các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp thực hiện nguyên tắc pháp quyền là phân quyền mạnh mẽ và có sự kiềm chế, kiểm soát trong việc thực hiện quyền lực nhà nước. Thủ tướng có quyền bổ nhiệm chánh án tòa án tối cao nhưng đồng thời tòa án cũng độc lập và có quyền xem xét những hành vi vi phạm pháp luật của Thủ tướng. Chánh án có quyền xem xét các đạo luật được ban hành nếu vi hiến và có thể ra quyết định hủy bỏ một đạo luật của quốc hội. Quốc hội có quyền bỏ phiếu bất tín nhiệm Thủ tướng và nội các nhưng đồng thời Thủ tướng cũng có quyền giải tán nghị viện. Thủ tướng bổ nhiệm bộ trưởng và không cần có sự chấp thuận của nghị viện. Các nghị sĩ làm việc theo chế độ chuyên nghiệp và không kiêm nhiệm. Mỗi chính quyền địa phương có chế độ độc lập với chính quyền trung ương. Thị trưởng do nhân dân bầu ra và cũng có thể bị miễn nhiệm nếu có chữ ký của một phần ba số dân và có sự xác nhận chữ ký đúng của ủy ban bầu cử địa phương thì phải tổ chức bầu cử lại và nếu bị hơn một nửa dân số không tán thành thì phải giải tán chính quyền để thành lập lại. Như vậy, người dân có quyền trực tiếp quyết định vận mệnh của chính quyền. Chính vì vậy, hầu hết các khiếu nại của người dân đều được giải quyết nhanh chóng và thỏa đáng. Hệ thống các cơ quan giải quyết khiếu nại tùy theo từng địa phương có thể thành lập ra cơ quan thanh tra (Ombudsman). Có khoảng 32 địa phương thành lập ra cơ quan thanh tra để tiếp nhận và giải quyết các khiếu nại của địa phương.( Nguyễn Quốc Hiệp, 2013)
Học viện Nông nghiệp Việt Nam – Luận văn Thạc sỹ Khoa học Nông nghiệp Page 22