Hình thức của hợp đồng là phương thức bày tỏ ý chí của các bên tham gia quan hệ hợp đồng dân sự, là phương tiện để ghi nhận nội dung mà
các chủ thể đã thoả thuận. Điều 400 Bộ luật Dân sự 1995 quy định hợp đồng dân sự có thể được giao kết bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể, khi pháp luật không quy định đối với loại hợp đồng đó phải được giao kết bằng một hình thức nhất định. Khi các bên thoả thuận giao kết hợp đồng bằng hình thức nhất định, thì hợp đồng được coi là đã giao kết khi đã tuân theo hình thức đó. Trong trường hợp pháp luật có quy định hợp đồng phải được thể hiện bằng văn bản, phải được chứng nhận của Công chứng nhà nước, chứng thực, đăng ký hoặc xin phép, thì phải tuân theo các quy định này.
Với quy định này có thể hiểu trong các trường hợp pháp luật quy định hợp đồng phải được thể hiện bằng văn bản, phải được chứng nhận của Công chứng nhà nước, chứng thực, đăng ký hoặc xin phép mà các bên không tuân theo thì sẽ bị coi là vi phạm pháp luật và hợp đồng đó sẽ bị tuyên vô hiệu, nếu có yêu cầu. Trong thực tiễn đã có rất nhiều trường hợp Toà án căn cứ vào điều khoản này để tuyên bố hợp đồng vô hiệu do vi phạm về hình thức. Quy định của Bộ luật Dân sự 1995 về vấn đề này đã gây ra sự nhầm lẫn giữa điều kiện có hiệu lực và hành vi cố ý vi phạm hình thức của hợp đồng, khiến không ít người lợi dụng sự ngay tình của người khác trong giao kết hợp đồng để trục lợi (ý chí đích thực của các chủ thể đã không còn khi giao kết hợp đồng). Thực tế các hợp đồng bị tuyên bố vô hiệu do vi phạm về hình thức đã khiến cho các chủ thể pháp luật đều e ngại, đắn đo khi tham gia ký kết hợp đồng. Quy định cứng nhắc này đã làm ảnh hưởng không nhỏ tới nguyên tắc tự do hợp đồng.