Nhóm giải pháp về nhận thức

Một phần của tài liệu Nâng cao hiệu quả xây dựng văn hóa gia đình ở huyện Bố Trạch tỉnh Quảng Bình trong giai đoạn hiện nay (Trang 110)

- Quan niệm văn hoá gia đình

3.2.1. Nhóm giải pháp về nhận thức

Đây là nhóm giải pháp đầu tiên, cơ bản nhằm tạo ra sự hiểu biết toàn diện, sâu sắc về gia đình và văn hóa gia đình cho cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn huyện Bố Trạch, trên cơ sở đó khẳng định tầm quan trọng của văn hóa gia đình trong sự phát triển của xã hội. Con người là chủ thể của gia đình, đồng thời là sảm phẩm của văn hóa gia đình. Nếu con người không có hoặc kiến thức về gia đình và văn hóa gia đình không đầy đủ thì sẽ dẫn đến những hành vi ứng xử thô bạo và thiếu văn hóa.

Thực tế cho thấy, nguyên nhân dẫn đến những hạn chế, khiếm khuyết trong công tác xây dựng văn hóa gia đình là do một bộ phận nhân dân chưa ý thức được một cách đầy đủ về vai trò của văn hóa gia đình, đặc biệt là tầm quan trọng của công tác giáo dục gia đình đối với sự phát triển con người và xã hội, nên đã có những biểu hiện tiêu cực, xuống cấp của văn hóa gia đình ở

một bộ phận nhân dân trên địa bàn huyện. Vì thế, công tác gia đình là một nội dung quan trọng trong kế hoạch và chương trình phát triển kinh tế - xã hội hàng năm, 5 năm và dài hạn của cấp ủy Đảng bộ, chính quyền Bố Trạch. Mục tiêu của công tác tuyên truyền vận động nhằm từng bước làm chuyển biến nhận thức trong xã hội về vai trò, vị trí của văn hóa gia đình cũng như những biểu hiện sai lệch về giá trị văn hóa gia đình trong điều kiện cơ chế thị trường. Đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng và cần phải thực hiện những nội dung cơ bản sau:

Thứ nhất: Nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, cộng đồng và thành viên gia đình về vị trí, vai trò của gia đình trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Mỗi một cán bộ, đảng viên phải gương mẫu chăm lo xây dựng gia đình, văn hóa gia đình, đạt các tiêu chuẩn gia đình văn hóa, gắn việc xây dựng gia đình với sự nghiệp giải phóng phụ nữ. Từ đó, từng bước nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân thấy rõ sự cần thiết và tính cấp bách của công tác xây dựng gia đình nhằm hình thành một lối sống, nếp sống có văn hoá trong mỗi gia đình, trong mỗi người dân, đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội hiện nay, đồng thời giữ gìn và phát triển tốt những giá trị, những tinh hoa truyền thống mà cha ông ta đã để lại.

Thứ hai: Các cấp uỷ Đảng, chính quyền, đoàn thể từ huyện đến cơ sở trước hết phải nhận thức được trách nhiệm của mình đối với công tác xây dựng gia đình, thấy rõ được tác dụng tích cực của gia đình hạnh phúc bền vững sẽ là động lực thúc đẩy sự nghiệp xây dựng và phát triển của địa phương đồng thời xây dựng các loại hình truyền thông, giáo dục và vận động phong phú, đa dạng phù hợp với từng gia đình, từng nhóm đối tượng người dân theo từng vùng, miền.

Thứ ba: Phải tuyên truyền, giáo dục cho quần chúng nhân dân những chuẩn mực văn hóa gia đình, nội dung các tiêu chí của gia đình văn hóa,

nhận thức được sự cần thiết của sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hoá gia đình trong thời kỳ đổi mới. Bên cạnh đó, chú trọng giáo dục chủ nghĩa yêu nước, lý tưởng sống cao đẹp, những kiến thức khoa học và thẩm mỹ cần thiết trong đời sống gia đình cho mọi người, đặc biệt chú trọng đến tầng lớp thanh, thiếu niên... Thông qua nội dung của phòng trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, xây dựng làng, bản, gia đình văn hoá để hướng tới thực hiện mục tiêu mục tiêu giữ gìn nét đẹp văn hóa của gia đình, làm cho gia đình thực sự là tổ ấm hạnh phúc cho mỗi thành viên. Các cơ quan, ban, ngành, các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện Luật Bảo vệ, Chăm sóc và Giáo dục trẻ em, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Phòng chống bạo lực gia đình, Luận Bình đẳng giới và văn bản quy phạm khác có liên quan đến gia đình. Chú trọng công tác tuyên truyền vận động việc xóa bỏ các hủ tục, tập quán lạc hậu và các thói quen xấu trong đời sống của đồng bào dân tộc, đặc biệt là tư tưởng trông chờ vào các chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước để phát huy vai trò chủ động, tạo lập cuộc sống ổn định, thoát nghèo bền vững.

Thứ tư: Trong công tác tuyên truyền cần phổ biến sâu rộng những gương điển hình của những gia đình mẫu mực, gương người tốt, việc tốt. Chú ý đến công tác giáo dục vấn đề giới tính, tiền hôn nhân cho tầng lớp thanh niên. Đồng thời, kiên quyết đấu tranh, phê phán những biểu hiện tiêu cực, lạc hậu, tạo ra những dư luận xã hội tác động đến tâm lý của con người, chi phối hành vi ứng xử của con người trong gia đình và xã hội.

Điều quan trọng nhất là tuyên truyền, giáo dục về các giá trị, chuẩn mực của văn hóa gia đình phải được xác định từ mỗi gia đình, từ nhà trường và xã hội. Các hoạt động này không tách rời nhau mà phải hỗ trợ, kết hợp, bổ sung cho nhau. Nội dung giáo dục của gia đình tương đối toàn diện: giáo dục tri thức, kinh nghiệm, giáo dục đạo đức, lối sống, nhân cách, thẩm mỹ, ý thức

cộng đồng… Giáo dục gia đình là một bộ phận quan trọng nhưng không thể thay thế được giáo dục nhà trường. Bởi vì nhà trường là nơi giáo dục mang tính khoa học, toàn diện. Trong quá trình giáo dục nhà trường ngoài việc giáo dục kiến thức cần bổ sung vào chương trình những nội dung về giới tính, kỹ năng sống... Nhà trường cần tiến hành các hình thức giáo dục linh hoạt phù hợp với đối tượng để tăng hiệu quả đào tạo như tham quan dã ngoại đến các di tích lịch sử, tổ chức các cuộc thi viết về những người thân yêu, nêu gương “người tốt, việc tốt”… Đây chính là những động lực để các em học sinh thay đổi nhận thức và hành vi ứng xử trong gia đình và ngoài xã hội. Bên cạnh giáo dục gia đình, giáo dục nhà trường cần quan tâm đến giáo dục xã hội. Khi xã hội thay đổi thì giáo dục gia đình và giáo dục nhà trường cũng phải thay đổi cho phù hợp, không nên áp đặt. Như vậy, kết hợp chặt chẽ giữa giáo dục gia đình, nhà trường, xã hội sẽ tạo được những thế hệ con người phát triển toàn diện về thể lực, trí lực, đạo đức và tâm hồn trong sáng, góp phần xây dựng quê hương, đất nước giàu mạnh.

Một phần của tài liệu Nâng cao hiệu quả xây dựng văn hóa gia đình ở huyện Bố Trạch tỉnh Quảng Bình trong giai đoạn hiện nay (Trang 110)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(142 trang)
w