- Quan niệm văn hoá gia đình
3.3.2. Kiến nghị với lãnh đạo các cấp, các ngành của địa phương
Gia đình là đơn vị kinh tế xã hội, có nghĩa vụ vừa chăm lo chất lượng cuộc sống gia đình vừa tạo ra nền móng vững chắc cho sự giàu mạnh của quê hương. Vì vậy, vấn đề việc làm thu nhập, đào tạo nghề... đặt ra vô cùng bức thiết. Do đó, huyện cần có chương trình tạo công ăn, việc làm cho các thành viên trong mỗi gia đình, đồng thời từng bước xã hội hóa dịch vụ gia đình nhằm giảm nhẹ công việc nội trợ, tăng thời gian hoạt động trí tuệ, tự nâng cao trình độ hiểu biết, đặc biệt là người phụ nữ. Tổ chức hướng nghiệp và chuyển giao công nghệ phù hợp với kinh tế gia đình.
Gia đình là một đơn vị tiêu dùng cơ bản, do vậy, cần tạo điều kiện tuyên truyền sâu rộng, nâng cao nhận thức của người Việt Nam dùng hàng Việt Nam trong các tầng lớp nhân dân. Thực hiện có hiệu quả Quyết định số 167, của Thủ tưởng chính phủ, về hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở, xây dựng nhà đại đoàn kết, cuộc vận động “ngày vì người nghèo”, chương trình 134, 135... tạo điều kiện thuận lợi cho các gia đình nghèo, gia đình đặc biệt khó khăn, nhất là ở vùng sâu vùng xa nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống, rút ngắn khoảng cách giữa các vùng miền.
Tăng cường hiệu lực pháp chế, chống các tệ nạn xã hội, những vấn đề nóng bỏng đang diễn ra trong xã hội như: ma tuý, mại dâm, bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em, sinh đẻ có kế hoạch... xem đây là nhiệm vụ của cả hệ thống
chính trị và của toàn xã hội. Tổ chức hỗ trợ có hiệu quả những người lầm lỗi và các gia đình đang bị tệ nạn xã hội uy hiếp. Giáo dục và tạo điều kiện để từng gia đình phòng chống tệ nạn xã hội, bảo vệ gia đình mình.
Cần có chính sách khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, những người tình nguyện và cộng đồng tham gia xây dựng và thực hiện các chương trình, các dự án, các loại hình dịch vụ gia đình nhằm củng cố, ổn định và phát triển gia đình. Tạo phong trào rộng khắp với sự tham gia tích cực của gia đình, cộng đồng, nhà trường và toàn xã hội trong việc xây dựng gia đình ít con, no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.
TIỂU KẾT CHƯƠNG 3
Phải khẳng định rằng, những yếu tố quê hương, dân tộc và thời đại đã có tác động lớn tới vấn đề văn hoá gia đình ở Việt Nam nói chung và ở huyện Bố Trạch nói riêng. Kết quả sau gần 30 năm thực hiện sự nghiệp đổi mới của Đảng, đã xuất hiện nhiều kiểu loại gia đình mới bên cạnh các loại gia đình truyền thống, nhiều giá trị văn hóa gia đình truyền thống thay đổi và cũng hình thành những nét văn hóa gia đình mới phù hợp với quy luật phát triển của xã hội. Thiết chế của gia đình qua các thời kỳ lịch sử xã hội đã phát huy tính tích cực và đóng vai trò quan trọng cho sự phát triển đất nước. Tuy nhiên, thực tế công tác xây dựng gia đình đã bộc lộ những yếu kém và nảy sinh không ít những tiêu cực. Vì vậy, trong thời gian tới cần tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật trên cơ sở đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hóa để tạo điều kiện thuận lợi cho vấn đề nâng cao chất lượng văn hóa gia đình, bên cạnh đó, cần có sự kế thừa và phát huy những giá trị của truyền thống văn hóa dân tộc, tiếp thu những giá trị văn hóa của gia đình hiện đại. Đồng thời, phải sử dụng một loạt những biện pháp mang tính cấp thiết và lâu dài để thực hiện được mục đích xây dựng gia đình hội tụ đủ những giá trị tốt đẹp của văn hóa gia đình truyền thống và hiện đại, để gia đình thực sự là tổ ấm hạnh phúc và là nền tảng vững chắc trong tiến trình phát triển của quê hương, đất nước.
KẾT LUẬN
Gia đình là tế bào của xã hội. Gia đình hạnh phúc thì xã hội sẽ phồn vinh. Vì thế, từ xưa đến nay, gia đình và văn hóa gia đình luôn là vấn đề quan tâm của mọi quốc gia và dân tộc. Bởi gia đình đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành và phát triển nhân cách con người. Gia đình là môi trường nuôi dưỡng trẻ em và tổ ấm của mọi người. Nếu đứa trẻ được sinh ra và lớn lên trong một gia đình tốt, nề nếp, nhân bản thì sẽ trở thành một người nhân hậu, có ích cho xã hội, và ngược lại .
Tại các nước châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng, các gia đình vốn được hình thành và ổn định từ lâu trên cơ sở hôn nhân và huyết thống. Gia đình ở Việt Nam có truyền thống kính trên nhường dưới, vợ chồng, anh em, con cái hòa thuận. Cha mẹ không chỉ sinh ra con mà còn trực tiếp giáo dục con thành người. Thông qua nhiều tập tục, nghi lễ, từ xa xưa đã hình thành những khuôn mẫu giáo dục khá chặt chẽ, trong số đó có những giá trị cho đến nay vẫn còn ý nghĩa tích cực. Tuy nhiên, bước sang thời kì lịch sử , khi nền văn minh nông nghiệp bị thay thế bởi văn minh công nghiệp, khi ý thức hệ phong kiến bị thay thế bằng ý thức hệ mới thì sự biến động về tính chất của gia đình là điều không thể tránh khỏi. Đã xuất hiện nhiều hiện tượng đáng buồn do sự xuống cấp trong quan hệ gia đình. Hình ảnh gia đình như chiếc nôi thân yêu trong đời sống mỗi người đang có phần suy yếu, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến đạo đức gia đình…
Trước tình hình đó, việc nêu cao trách nhiệm của gia đình trong việc xây dựng và bồi dưỡng các thành viên của mình có lối sống văn hóa làm cho gai đình thực sự là tổ ấm của mỗi người, là tế bào lành mạnh của xã hội có ý nghĩa thiết thực hơn bao giờ hết. Sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa gia đình là một bộ phận không tách rời sự nghiệp xây dựng và phát triển nền
văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Quá trình đó sẽ gặp nhiều khó khăn và thử thách đòi hỏi chúng ta phải có ý chí, quyết tâm và tinh thần sáng tạo với những giải pháp khoa học, đúng đắn và phù hợp.
Với ba phương hướng và năm nhóm giải pháp được đề ra trong luạn văn, thiết nghĩ đó sẽ là những con đường cần được triển khai, thực hiện để nâng cao hiệu quả xây dựng văn hóa gia đình trên phạm vi cả tỉnh Quảng Bình nói chung và huyện Bố Trạch nói riêng.
Có thể khẳng định rằng: gia đình như một xã hội thu nhỏ, chịu tác động mạnh mẽ của xã hội. Vì vậy, xây dựng văn hóa gia đình có vai trò to lớn trong việc bồi dưỡng nhân lực, đào tạo nhân tài cho sự phát triển bền vững, ổn định của xã hội Việt Nam, quyết định mọi thắng lợi của công cuộc đổi mới ở nước ta hiện nay và tương lai.