Cấu trúc của văn hóa gia đình trong giai đoạn hiện nay

Một phần của tài liệu Nâng cao hiệu quả xây dựng văn hóa gia đình ở huyện Bố Trạch tỉnh Quảng Bình trong giai đoạn hiện nay (Trang 30)

- Quan niệm văn hoá gia đình

1.1.2. Cấu trúc của văn hóa gia đình trong giai đoạn hiện nay

1.1.2.1. Các thành tố của văn hóa gia đình

Nghiên cứu cấu trúc văn hoá gia đình có thể có nhiều hình thức khác nhau, nhưng theo nhóm tác giả biên soạn giáo trình Lý luận văn hóa và đường lối văn hóa của Đảng cộng sản Việt Nam có hai dạng:

- Văn hoá gia đình được thể hiện ở các dạng hoạt động cơ bản của gia đình: văn hoá sản sinh nuôi dạy con cái, văn hoá vật chất và tiêu dùng các sản phẩm vật chất, văn hoá tinh thần và hưởng thụ các sản phẩm tinh thần.

- Văn hoá gia đình thể hiện ở hệ giá trị của gia đình: các giá trị cấu trúc (các giá trị gắn với quan hệ bên trong của gia đình); các giá trị chức năng (giá trị thể hiện vai trò của gia đình đối với sự phát triển xã hội); các giá trị tâm linh (những giá trị không vụ lợi, mang tính thiêng liêng, bí ẩn)… [27; 228].

Sự chia tách trên đây cũng chỉ là tương đối. Có thể thấy, văn hoá gia đình ngoài yếu tố cốt lõi là hệ giá trị, gia đình còn được xem xét như là một tập hợp của những biểu hiện văn hoá gắn với các mặt quan hệ và đời sống gia đình. Văn hoá gia đình vừa là sự biểu hiện giá trị trong quá trình phát triển, vừa có vai trò định hướng và mục tiêu cho sự phát triển gia đình qua mỗi thời đại lịch sử.

Ở đây, chúng tôi muốn đề cập đến cấu trúc văn hóa gia đình được thể hiện ở hệ giá trị của gia đình.

* Các giá trị cấu trúc của văn hóa gia đình:

Giá trị cấu trúc là giá trị biểu hiện các mối quan hệ bên trong của gia đình: quan hệ vợ chồng, quan hệ giữa cha mẹ - con cái và quan hệ anh, chị, em và quan hệ giữa ông, bà và các cháu trong gia đình.

Trước hết là mối quan hệ giữa vợ và chồng. Các giá trị văn hóa thể hiện mối quan hệ này ở mỗi hình thái gia đình có sự khác nhau. Ở hình thái gia đình của xã hội phong kiến, vai trò của người phụ nữ (người mẹ) luôn tuân thủ quyết định của người cha, vì lẽ vợ phải theo chồng, luôn phụ thuộc người chồng, người vợ chỉ biết sinh đẻ, phục vụ mọi sinh hoạt trong gia đình, nuôi dạy con

Ngày nay trong xu thế tiến bộ xã hội, quan hệ vợ chồng được xây dựng trên cơ sở tình yêu đôi lứa, hòa hợp với lối sống và văn hóa gia đình. Đảng ta đã xây dựng chủ trương “Xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”, làm cho gia đình thực sự là tế bào lành mạnh của xã hội, là tổ ấm của mỗi người. Phát huy trách nhiệm của gia đình trong việc lưu truyền những giá trị văn hóa dân tộc từ thế hệ này sang thế hệ khác” [15; 112]. Ở Việt Nam, quan hệ vợ chồng được “Luật hôn nhân và gia đình” xác định: Vợ chồng chung thủy, thương yêu, quý trọng, chăm sóc giúp đỡ lẫn nhau, cùng nhau xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, bền vững. Bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ giữa vợ, chồng, Luật quy định: Vợ chồng bình đẳng với nhau, có nghĩa vụ và quyền ngang nhau về mọi mặt trong gia đình. Ngoài ra Luật còn có những điều quy định rõ việc tôn trọng danh dự, nhân phẩm, uy tín của vợ chồng, việc tôn trọng quyền tự do, tín ngưỡng, tôn giáo của vợ chồng, việc giúp đỡ tạo điều kiện cho nhau phát triển về mọi mặt.

Việc xác lập quan hệ vợ chồng trên cơ sở pháp luật nêu trên có ý nghĩa đề cao vai trò của gia đình trong đời sống xã hội, giữ gìn và phát huy truyền thống và phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, xóa bỏ những phong tục tập quán lạc hậu về hôn nhân và gia đình.

Quan hệ cha mẹ và con cái là mối quan hệ hai chiều, cha mẹ đối với con cái và con cái đối với cha mẹ. Đó là mối quan hệ thấm nhuần tình thương và trách nhiệm. Cha mẹ dành cho con tình thương yêu, chăm lo nuôi dưỡng, giáo dục con nên người có ích cho gia đình và xã hội. Con đối với cha mẹ, chính là sự ghi nhớ công lao sinh thành, dưỡng dục, kính trọng, chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ, làm vui lòng cha mẹ từ buổi ấu thơ cho đến lúc trưỡng thành.

Quan hệ giữa anh - chị - em là quan hệ ruột thịt trong cùng một tổ ấm mà mỗi người đều có bổn phận, trách nhiệm đối với nhau. Trong gia đình truyền thống cũng như trong xã hội hiện đại, quan hệ giữa anh - chị - em là quan hệ “ruột rà máu mủ”, thương yêu giúp đỡ lẫn nhau, kính trên nhường dưới và gắn kết máu chảy ruột mềm. Tuy nhiên ở chế độ phong kiến đề cao vai trò của con trưởng (chủ yếu là con trai trưởng và anh có quyền thay cha), ngược lại các em phải phục tùng anh trai hoặc chị phục tùng em trai như phục tùng cha mẹ. Ngày nay, mối quan hệ đó cũng đã được định rõ trong Luật hôn nhân và gia đình của nước ta hiện nay: Anh, chị em, có bổn phận thương yêu chăm sóc, giúp đỡ lẫn nhau, có nghĩa vụ và quyền đùm bọc, nuôi dưỡng nhau trong trường hợp không còn cha mẹ hoặc cha mẹ không có điều kiện trong nom, nuôi dưỡng, giáo dục con. Như vậy, mối quan hệ này đã có phần dân chủ và được tôn trọng nhau hơn.

Giá trị cấu trúc văn hóa gia đình còn được biểu hiện ở quy mô gia đình - ở số lượng các mối quan hệ trong các hình thái gia đình và vai trò của các thành viên của gia đình trong các hình thái đó.

1.1.2.2. Các mô hình gia đình tiêu biểu

Ở nước ta tồn tại hai hình thái gia đình chính:

Thứ nhất, hình thức gia đình lớn (đại gia đình), thường có 3 hoặc 4 thế hệ cùng chung sống với nhau trong một ngôi nhà. Gia đình lớn đã trở thành tập thể chủ yếu và chỗ dựa tuyệt đối suốt cuộc đời của mỗi người. Con người bị ràng buộc trong tình nghĩa sâu nặng và trong khuôn phép chặt chẽ của gia đình.

Trong một gia đình chung sống với nhau, nếu ta lấy bản thân ta mà tính lên, ta sẽ có: Trên ta là cha mẹ gọi là phụ mẫu; Trên cha mẹ là ông bà, gọi là tổ phụ, tổ mẫu; trên ông bà là cụ ông, cụ bà gọi là tằng tổ phụ, tằng tổ mẫu; Trên hai cụ gọi là hai kị, hay còn gọi là cao tổ phụ, cao tổ mẫu; Trên nữa gọi chung là cao cao tổ, lên mãi cho đến thủy tổ. Nếu ta lấy bản thân ta tính xuống, ta sẽ có: Dưới ta là con, dưới con là cháu, dưới nữa gọi là viên tôn. Nếu tính từ cao tổ đến huyền tôn gọi là cửu tộc.

Trong gia đình, có năm đời chung sống với nhau gọi là ngũ đại đồng đường, trường hợp này rất hiếm; Bốn đời chung sống với nhau gọi là tứ đại đồng đường; Ba đời chung sống với nhau thì gọi là tam đại đồng đường.

Trong hình thái gia đình lớn thường có cấu trúc gia đình phức tạp, giá trị tinh thần của nó thể hiện ở tinh thần cộng đồng và “mùi thơm ấm áp” của nề nếp gia trưởng.

Thứ hai, mô hình gia đình nhỏ, hay còn gọi là gia đình hạt nhân bao gồm hai thế hệ (cha, mẹ và con cái chưa trưởng thành), có khi chỉ có một thế hệ (vợ chồng). Gia đình hạt nhân là dạng gia đình đặc biệt quan trọng trong đời sống. Mối quan hệ trong gia đình là quan hệ bình đẳng, dân chủ, yêu thương nhau, có nghĩa vụ trách nhiệm giúp đỡ nhau, nuôi dạy con cái và tham gia các hoạt động vì lợi ích của xã hội. Cấu trúc gia đình hạt nhân đang là hình thái mà con người ở xã hội hiện đại ưa thích hơn vì nó phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế xã hội và con người về nhân cách.

Về quyền quyết định hôn nhân

Trong gia đình truyền thống việc chọn vợ, chọn chồng cho các thành viên là thuộc về cha mẹ “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”. Tiếng nói quyết định ấy trở nên thiêng liêng và có sức mạnh to lớn, thực hiện quyết định đó là một nghĩa vụ đạo đức cao cả và xem đó như một giá trị. Song nhiều khi có những quyết định nghiệt ngã, hũy diệt tình yêu và thể xác con người, biến thành yếu tố phản giá tri, vô nhân đạo.

Gia đình hạt nhân tôn trọng sự lựa chọn chồng, vợ của con cái khi đến tuổi trưởng thành. Việc lựa chọn dựa trên tình yêu đôi lứa và nhu cầu chung sống gia đình chính đáng của họ và quyền lựa chọn ấy ở bất cứ hình thái nào cũng là một gia trị văn hóa đẹp đẽ của mọi thời đại.

Về vai trò của các thành viên trong các quyết định của gia đình. Ở gia đình lớn, mọi quyền quyết định các công việc nội bộ của gia đình hay của gia đình đối với xã hội đều do chủ gia đình hoặc do cộng đồng gia đình đề ra, mang tính “gia trưởng”, cộng đồng truyền thống. Ở gia đình hạt nhân thì mọi quyết định đều có sự bàn bạc, thống nhất ý kiến của các thành viên, mang giá trị “dân chủ”, “bình đẳng”. Các giá trị này biểu hiện vai trò, vị thế của các thành viên hoặc của cả cộng đồng trong đời sống gia đình là yếu tố thuộc về cấu trúc các hình thái gia đình. Trên cơ sở đó người ta có thể chia văn hóa gia đình thành hai loại văn hóa gia đình gia trưởng và văn hóa gia đình dân chủ. Sự phân chia này cũng chỉ mang tính tương đối, đặc biệt trong văn hóa gia đình Việt Nam cổ truyền vừa mang tính dân chủ, vừa mang tính gia trưởng mà ngày nay chúng ta đang phát huy những mặt tích cực của nó.

1.1.2.3. Chức năng của văn hóa gia đình

Thực chất các giá trị chức năng của văn hóa gia đình là sự biểu hiện vai trò, vị trí của văn hóa gia đình đối với các thành viên của nó và đối với xã hội. Các giá trị chức năng của văn hóa gia đình luôn luôn biến động theo từng thời kỳ lịch sử. Các nhà nghiên cứu đã đưa ra nhiều ý kiến khác nhau, tùy theo điều kiện lịch sử xã hội, mỗi gia đình có đầy đủ các chức năng hay không. Trên cơ sở tiếp cận cách nhìn xã hội học, từ góc nhìn văn hóa hoặc chúng ta có xem xét chức năng của văn hóa gia đình theo các nội dung cụ thể như sau:

Một là, chức năng tái sản sinh ra các thành viên mới cho gia đình và xã hội (chức năng sinh đẻ)

Gia đình tái sản xuất ra con người - sản phẩm quý nhất của xã hội, vừa đáp ứng nhu cầu tự nhiên, tâm sinh lý của con người, đồng thời mang ý nghĩa

xã hội là cung cấp công dân mới, lực lượng lao động mới, đảm bảo sự phát triển liên tục và trường tồn của xã hội loài người. Xã hội tồn tại và phát triển dựa trên hai cơ sở quan trọng là tái sản xuất ra của cải vật chất và tái sản xuất ra chính bản thân con người. Việc tái sản xuất ra thế hệ tương lai của đất nước, của dân tộc, một mặt đáp ứng nhu cầu cung cấp lực lượng lao động mới cho xã hội, mặt khác đáp ứng và thỏa mãn nhu cầu chính của gia đình. Trong hệ tư tưởng của xã hội cũ quan niệm đông con là nhiều phúc “đông con hơn nhiều của”. Hiện nay, nhận thức của xã hội đã có những đổi thay, trong gia đình điều quan trọng không phải là số lượng các thành viên mà điều quan trọng là chất lượng của các thành viên con cái và gia đình hiện nay không còn là một phạm trù riêng biệt mà quan hệ chặt chẽ với lợi ích xã hội.

Hai là, chức năng kinh tế (sản xuất ra các giá trị vật chất)

Đây là chức năng quan trọng đảm bảo sự tồn tại và phát triển của gia đình và toàn xã hội. C. Mác đã từng đưa ra quan điểm “Người ta phải có khả năng sống đã rồi mới có thể “làm ra lịch sử”. Nhưng muốn sống được cần phải có thức ăn, thức uống, nhà ở, quần áo và một vài thứ khác nữa” [38; 39- 40]. Chức năng kinh tế nhằm thỏa mãn các nhu cầu vật chất và tinh thần của các thành viên trong gia đình. Ở đây, vai trò của văn hóa gia đình hết sức quan trọng, nó định hướng tiêu dùng, hướng dẫn tiêu dùng khi gia đình không chỉ là một đơn vị kinh tế, đơn vị sản xuất, mà còn là đơn vị tiêu dùng. Nó có tác dụng kìm hãm nhu cầu tiêu dùng không chính đáng và kích thích nhu cầu tiêu dùng tích cực, qua đó thúc đẩy hoạt động kinh tế của gia đình, của xã hội và sự giao lưu hàng hóa xã hội.

Ba là, chức năng giáo dục

Gia đình tái sinh sản con người không chỉ vì lợi ích duy trì giống nòi mà còn vì lợi ích chung của xã hội, do đó đi đôi với chức năng sinh đẻ, chức năng giáo dục đóng vai trò rất quan trọng. Sự hình thành nhân cách con người

bắt đầu từ sự giáo dục gia đình. Trong tác phẩm "Đặc điểm gia đình đồng bằng sông Hồng" của tác giả Mai Huy Bích đã trích dẫn lời của nhà xã hội học R.Epark “Người ta sinh ra không phải đã là con người, mà chỉ trở thành con người trong quá trình giáo dục” [6; 62]. Gia đình là nơi nuôi dưỡng và là trường học đầu tiên tác động đến con người về thể chất, văn hóa, trí tuệ, xã hội, lao động… chính cha mẹ là người thầy đầu tiên dạy cho con những đức tính, tình cảm tốt đẹp theo truyền thống văn hóa của dân tộc. Giáo dục xã hội và giáo dục nhà trường là những yếu tố quyết định để định hướng phát triển nhân cách. Tuy nhiên, giáo dục gia đình lại có vai trò quan trọng đầu tiên trong việc hình thành nhân cách cá nhân. Sự hình thành nhân cách trẻ em do nhiều yếu tố, trong đó yếu tố giáo dục đóng vai trò quyết định. Xã hội hóa con người chính là biến thực thể tự nhiên thành thực thể xã hội làm cho con người nhận thức và hành động theo yêu cầu phát triển của xã hội và phát triển khả năng phục vụ lợi ích chung của xã hội. C.Mác đã từng khẳng định rằng, con người là động vật xã hội, sau khi lọt lòng mẹ, nếu đứa trẻ không được sống trong môi trường gia đình, không được sự giáo dục của gia đình, của nhà trường và xã hội đứa trẻ sẽ không trở thành một con người. Khoa học đã chứng minh hết sức thuyết phục luận điểm này. Trong xã hội phong kiến Việt Nam, theo quan niệm Nho giáo, giáo dục gia đình chủ yếu thiên về giáo dục đạo đức, giáo dục phẩm hạnh, giáo dục cách “đối nhân xử thế”, giáo dục quan hệ họ hàng, làng xóm… những tư tưởng “tam cương”, “ngũ thường”, “danh phận”… được các gia đình chấp nhận, tuân theo chặt chẽ. Ngày nay, giáo dục gia đình được phát triển lên một trình độ mới nhằm phát triển nhân cách toàn diện cho con người. Giáo dục nhà trường, xã hội, gia đình được phối kết hợp một cách chặt chẽ. Giáo dục gia đình trở thành một bộ phận quan trọng của giáo dục xã hội, là điều kiện cơ bản, thường xuyên để thực hiện thành công mục tiêu nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho đất nước.

Bốn là, chức năng thoả mãn nhu cầu tình cảm cho các thành viên gia đình

Gia đình là một cộng đồng đặc biệt mà đặc trưng là các thành viên của nó có quan hệ hôn nhân hoặc quan hệ huyết thống. Cũng do đặc trưng này mà những thành viên trong gia đình gắn bó sâu sắc về mặt tình cảm, tâm linh. Trong quá trình sống của con người, nhiều vấn đề tâm sinh lý thuộc về giới tính xảy ra trong phạm vi gia đình, trước hết là quan hệ vợ chồng, cha mẹ, con cái. Bởi vậy hiểu biết tâm sinh lý cá nhân, sở thích của nhau để đối xử cho phù hợp, tế nhị, chân thành tạo nên không khí tinh thần lành mạnh, ổn định là vấn đề quan trọng mà gia đình phải đảm nhận.

Một phần của tài liệu Nâng cao hiệu quả xây dựng văn hóa gia đình ở huyện Bố Trạch tỉnh Quảng Bình trong giai đoạn hiện nay (Trang 30)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(142 trang)
w