Những tác động của văn hóa gia đình đến văn hóa dân tộc

Một phần của tài liệu Nâng cao hiệu quả xây dựng văn hóa gia đình ở huyện Bố Trạch tỉnh Quảng Bình trong giai đoạn hiện nay (Trang 41)

- Quan niệm văn hoá gia đình

1.2.2.Những tác động của văn hóa gia đình đến văn hóa dân tộc

Từ thời xa xưa, người ta đã nhận thấy rất rõ tác động của văn hóa gia đình đối với văn hóa xã hội. Không phải ngẫu nhiên mà các nhà Nho đã gắn chặt hai giá trị ‘hiếu” và “trung” với nhau; và chữ “nhân” ở cả hai cấp độ gia đình và quốc gia “Nhất gia nhân, nhất quốc hưng nhân” (một nhà nhân hậu thì cả nước cũng đều nhân hậu) [41; 26]. Trong mọi thời đại, tất cả những gì diễn ra trong gia đình (từ sinh đẻ, giáo dục con cái, từ sản xuất đến tiêu dùng… đều có ảnh hưởng rất lớn đến quá trình xã hội.

Văn hóa gia đình là các hệ giá trị về các mối quan hệ, ứng xử,những tình cảm của con người... tồn tại trong lịch sử đều được phản ánh vào những phong tục, tập quán, những nghi lễ liên quan đến đời sống gia đình. Ở Việt Nam “văn hóa thuần túy gia đình” từ xưa đã có tên gọi “gia phong” (nếp nhà), được coi như một trong những nền tảng văn hiến của dân tộc. Ngày nay, văn hóa gia đình cũng là nền tảng cho văn hóa xã hội. Văn hóa gia đình giàu tính nhân văn, nhân bản, đề cao giá trị đạo đức, xây dựng nếp sống văn hóa trật tự, kỷ cương, hun đúc tâm hồn, bản lĩnh cho con người trong từng tế bào của xã hội.

Văn hóa gia đình góp phần duy trì và phát triển văn hóa các nhóm cộng đồng xã hội (dòng họ, làng xã, dân tộc…). Nó lưu giữ bảo tồn các giá trị, chuẩn mực văn hóa truyền thống của các cộng đồng bên trong đời sống gia đình. Bởi giá trị văn hóa tốt đẹp của gia đình luôn luôn gắn kết giá trị tốt đẹp của các cộng đồng. Thông qua việc trao chuyền văn hóa cộng đồng cho các thành viên của nó mà góp phần vào sự phát triển bản sắc văn hóa của dân tộc.

Đồng thời văn hóa gia đình cùng văn hóa các vùng, miền, các sắc tộc tạo nên tính phong phú, đa dạng của văn hóa dân tộc.

Văn hóa gia đình là một bộ phận, là cái “gốc” của văn hóa làng, văn hóa nước. Vì vậy, việc đẩy mạnh phong trào xây dựng gia đình văn hóa không thể tách rời việc nghiên cứu, xem xét, đánh giá từ góc độ văn hóa gia đình. Nghĩa là, cuộc vận động xây dựng gia đình văn hóa và tiêu chí gia đình văn hóa hiện nay phải dựa trên những giá trị văn hóa truyền thống của gia đình Việt Nam. Đồng thời trong quá trình xây dựng gia đình văn hóa phải biết giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Đó là cơ sở xây dựng tư tưởng, đạo đức lối sống tốt đẹp, xây dựng đời sống văn hóa lành mạnh từ trong mỗi gia đình, lấy gia đình làm “pháo đài” chống lại sự xâm nhập của các tệ nạn xã hội và những tác động xấu từ mặt trái của cơ chế thị trường. Xây dựng gia đình văn hóa là xây dựng mô hình gia đình Việt Nam hiện đại, phù hợp với tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế. Mục tiêu chúng ta cần vươn tới và thực hiện là xây dựng gia đình văn hóa truyền thống, hiện đại. Xây dựng gia đình văn hóa là vừa phải kế thừa và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam, vừa kết hợp với những giá trị tiên tiến của gia đình hiện đại để phù hợp với sự vận động phát triển tất yếu của xã hội. Tất cả nhằm hướng tới thực hiện mục tiêu làm cho gia đình thực sự là tế bào lành mạnh của xã hội, là tổ ấm của mỗi người.

Như vậy, văn hóa gia đình là một bộ phận hợp thành của nền văn hóa Việt Nam. Đó là hệ thống những giá trị, chuẩn mực đặc thù, có chức năng kiểm soát, điều hành hành vi và mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình và giữa gia đình với xã hội. Chính vì thế, giữ gìn văn hóa gia đình cũng là góp phần giữ gìn truyền thống văn hóa Việt Nam.

Một phần của tài liệu Nâng cao hiệu quả xây dựng văn hóa gia đình ở huyện Bố Trạch tỉnh Quảng Bình trong giai đoạn hiện nay (Trang 41)