- Quan niệm văn hoá gia đình
2.2.3. Văn hóa gia đình truyền thống ở Bố Trạch in đậm tư tưởng Nho giáo
Nho giáo
Văn hóa gia đình Bố Trạch được hình thành qua hàng nghìn năm lịch sử, hình thành và duy trì lâu đời về nề nếp “gia giáo”, “gia huấn”, “gia phong”, “gia lễ”, “gia quy” và chịu sự tác động của tư tưởng, văn hoá Nho giáo. Sự tác động này có hai mặt, một mặt Nho giáo đề cao gia đình, củng
cố gia đình và văn hoá gia đình vì lợi ích của giai cấp phong kiến thống trị. Tuy nhiên, nó cũng có những hạn chế như: đưa gia đình và các quan hệ của gia đình vào những khuôn khổ cứng nhắc và bảo thủ, bắt người phụ nữ lệ thuộc vào đàn ông, con cái lệ thuộc vào bố mẹ, thế hệ sau lệ thuộc vào thế hệ trước.
Sinh hoạt văn hóa tâm linh
Trong các dạng sinh hoạt văn hóa tinh thần gia đình, thì sinh hoạt văn hóa tâm linh được quan tâm hơn cả. Đối với người dân Bố Trạch việc thờ cùng tổ tiên là một ứng xử rất thiêng liêng, bởi vì không chỉ là để ghi nhớ công ơn của tổ tiên, ông bà, giáo dục sự hiếu nghĩa, biết ơn người sinh thành và sống có đạo đức đối với thế hệ con cháu trong nhà… mà họ còn tin vào sự phù trì, phù hộ của những đấng thiêng liêng cho cuộc sống an lành, may mắn. Trong mỗi gia đình người dân ở đây đều có bàn thờ tổ tiên, đặt ở nơi trang trọng trong nhà. Tùy theo điều kiện kinh tế của từng gia đình mà có cách thờ cúng khác nhau. Nhưng hầu hết các gia đình đều bài trí điện thờ tổ tiên theo ba cấp. Trên cùng là lư hương thờ bổn mạng gia chủ; kế đến là lư hương và nếu gia đình khá giả thì có bộ tam sự hay ngũ sự (lư trầm, lư hương, chân đèn và các loại vật linh khác) thờ tiên tổ; ngoài cùng là thờ đại đồng (gồm tất cả những người trong gia đình đã qua đời). Để thờ ba cấp thường trong mỗi gia đình có “tran” thờ hai cấp để thờ bổn mạng và thờ tiên tổ, một bàn thờ trong để đồ lễ và một hương án, ngoài cùng để đặt bộ tam sự thờ đại đồng và để dọn hương hoa, ầm trà khi thờ cúng. Ngoài ra, người dân Bố Trạch còn thắp hương bàn thờ vào các dịp 30, mồng 1, ngày 14, 15 âm lịch hàng tháng. Có thể nói hình ảnh bàn thờ gia tiên là một biểu trưng văn hóa, mang yếu tố tâm linh, đặc biệt đối với những gia đình có đặt thờ tự chính của tổ tiên, ông bà… thì ngôi nhà không được bán cho người khác vì làm vậy sẽ bị khuynh gia bại sản và đây là nét đặc trưng riêng của người dân Bố Trạch.
Ngoài việc thờ cúng tổ tiên, ông bà, cha mẹ… người dân nơi đây còn thờ phụng và thường lễ tế đình làng, viếng chùa làng. Thời xưa ở Bố Trạch hầu hết các làng dù to hay nhỏ đều có một ngôi đình và một ngôi chùa. Đình làng là nơi để thờ các vị thần của làng, thờ các vị có công với làng, với nước cũng là nơi tổ chức các lễ tế, hội làng và sinh hoạt hội họp của làng. Ở đình làng, mỗi năm, có một lần tổ chức lễ bái, tùy theo khả năng của từng làng mà cổ kỵ, có khi rất to: lợn luộc cả con, xôi vò cả gánh, bánh trái, rượu trà nhiều vô kể. Lễ tế tại đình làng thường được tổ chức rất long trọng, có trống, có chiêng, thanh la, đội nhạc cổ…
Bên cạnh việc lễ tế đình làng, ngày xưa, các làng đều có chùa thờ Phật. Điều đáng chú ý các chùa ở Bố Trạch (Vĩnh Phước, Thanh Quang, Quan Âm) đều không có thầy tu trụ trì. Dân làng không có ai ăn chay niệm phật. Hàng năm, làng tổ chức một lần cúng chùa bằng sự tự nguyện của mọi người.
Ngoài các lễ lớn ở các đình, chùa của làng, người dân ở đây còn cúng Thành Hoàng (người khai khẩn nên làng), lễ khai canh (cày ruộng), lễ xuống đồng (xuống cấy), lễ cầu ngư… Thông qua các lễ cúng này, người dân tìm đến nơi tôn nghiêm, linh thiêng để mong ước tìm được sự thanh thản, tĩnh tâm cho mình, sự yên bình, khỏe mạnh, cầu cho sự an lành của quê hương.
Bên cạnh các nghi lễ thờ cúng, lễ cưới cũng mang đậm dấu ấn của con người Bố Trạch. Một lễ cưới phải đầy đủ các bước như lễ bỏ trầu, lễ hỏi, lễ xin cưới, lễ rước dâu… Tục lệ khi lấy vợ, nhà trai phải nộp cho làng bên nhà gái một khoản lệ phí gọi là “cheo” thì đám cưới mới được công nhận là hợp pháp. Lấy vợ trong làng thì nộp “cheo” ít, có tính chất tượng trưng; lấy vợ ngoài làng thì phải nộp “cheo” rất nặng, gấp đôi, gấp ba “cheo” nội. Trước khi làm lễ thành hôn, gia đình nhà trai phải sắm một lễ gọi là lễ xin cưới, gồm rượu, trà, trầu cau, một số món ăn để dâng lên bàn thờ tổ tiên. Có thể thấy bên cạnh sự phù hợp với điều kiện, phong tục làng, xã, quan niệm gả chồng gần
thể hiện tình cảm và sự quan tâm của cha mẹ đối với việc hôn nhân của con cái, đồng thời, yên tâm có người trông nom, chăm sóc lúc tuổi già. Lũy tre làng được coi là biểu tượng ngăn cách và cản trở sự giao lưu của thanh niên nam nữ, làm cho quan niệm hôn nhân trong phạm vi làng ngày càng bị bó hẹp. Mỗi cá nhân, mỗi gia đình bị chi phối bởi các quy tắc, hương ước nghiêm ngặt của dòng họ, làng, xã với “phép vua, thua lệ làng”.
Tinh thần hiếu học
Bố Trạch là vùng đất sớm có tiếng là hiếu học và học giỏi. Theo lịch sử cuối đời Lý (1010 - 1225) đầu đời Trần việc học hành khoa cử ở địa phương bắt đầu phát triển. Có thể nói dưới triều đại nào Bố Trạch cũng có nhiều người đi học và nhiều người đỗ đạt cao, điều đó chứng tỏ người Bố Trạch không những ham học từ rất sớm mà còn có nhiều người học giỏi…
Kể từ khi nhà nước phong kiến Việt Nam tổ chức các kỳ thi cử đầu tiên, Bố Trạch đã có nhiều người học hành và đỗ đạt cao, nhiều vị khoa bảng làm đến quan đại thần đem tài trí xây dựng và bảo vệ đất nước. Làng Cao Lao Hạ (Hạ Trạch) và làng Lý Hòa (Hải Trạch) là hai làng không chỉ có nhiều người đi học mà còn có nhiều dòng họ nổi tiếng học cao, làm quan to. Dòng họ Nguyễn Duy ở làng Lý Hòa vào cưới thế kỷ XIX có 5 đời dỗ đạt khoa bảng, phó bảng, tiến sĩ. Dòng họ Lưu ở Cao Lao nhiều người làm quan đến chức thượng thư… Truyền thống hiếu học đó đã trở thành niềm tự hào của nhân dân Bố Trạch và ngày càng được vun đắp, phát huy mạnh mẽ. Theo dòng thời gian, mảnh đất ấy đã sản sinh ra nhiều nhà trí thức, nhà thơ, kỷ sư, bác sỹ, tiến sĩ, cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước, có người nổi tiếng không chỉ trong phạm vi trong nước mà lưu danh quốc tế như nhà thơ Lưu Trọng Lư
Chính từ mảnh đất có truyền thống hiếu học mà việc giáo dục con cái trong gia đình truyền thống ở Bố Trạch với những nội dung khá công phu và
bài bản. Câu ca “Dạy con từ thuở còn thơ” được các thế hệ trước truyền lại cho thế hệ sau. Các bậc cha mẹ đã chú trọng giáo dục con về tri thức, đạo lý, dạy con biết yêu lao động, cần cù, chăm chỉ, hiếu kính với ông bà, cha mẹ, tôn sư trọng đạo, ứng xử nề nếp trong gia đình và ngoài xã hội.
Lòng hiếu thảo
Đây là một đạo lý sâu xa trong mô hình gia đình truyền thống ở Bố Trạch, thể hiện mối quan hệ giữa con cháu với ông bà, cha mẹ. Đạo hiếu trong gia đình truyền thống ở đây biểu hiện tính quy cũ và máy móc, bởi con cháu ngoài việc hiếu kính với cha mẹ còn phải phục tùng tuyệt đối mọi suy nghĩ, ý muốn và mệnh lệnh của cha mẹ. Con cái là sở hữu của cha mẹ, là của để dành của cha mẹ để nhờ vả, nương tựa lúc tuổi già cho nên cha mẹ có toàn quyền quyết định đối với hạnh phúc, sinh mệnh của chúng. Quan hệ giữa cha mẹ và con cái trở thành quan hệ một chiều với quan điểm cho rằng chỉ có ai biết hiếu để với cha mẹ thì sau này mới đủ điều kiện để xây dựng một gia đình riêng tốt đẹp. Sự nghiêm khắc của cha mẹ đối với con cái là biểu tượng quyền uy trong gia đình, quyền uy đó thường được quyết định bởi cha hoặc anh con trai trưởng, đây chính là mô hình gia đình gia trưởng nét đặc trưng trong văn hóa gia đình truyền thống ở Bố Trạch.
Mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình
Bên cạnh sự tôn nghiêm, quy tắc lễ giáo trong gia đình, những tình cảm của cha mẹ đối với con cái cũng được biểu hiện khá rõ, đặc biệt là sự yêu thương của người mẹ dành cho con cái. Nếu lễ giáo và đạo đức thường được người cha duy trì theo mô hình của một thiết chế chặt chẽ, quy cũ nhằm răn đe, kiểm soát và uốn nắn hành vi của con cái thì tình cảm của người mẹ được biểu hiện khá tự nhiên. Chính vì vậy, trong quan hệ với người cha, con cái thường kính và sợ, còn đối với mẹ lại là sự gần gũi, yêu thương và chia sẽ.
Người cao tuổi trong gia đình truyền thống ở Bố Trạch được biểu hiện sự kính trọng cả về tuổi tác lẫn vốn sống. Người cao tuổi có vai trò quan trọng
trong việc lưu giữ và duy trì các giá trị truyền thống như thờ cúng tổ tiên, ghi chép gia phả, lưu truyền những câu chuyện gia đình, dòng tộc con cháu, dạy nghề cho con cháu và truyền thụ những nét văn hóa đặc sắc của gia đình dòng họ, làng xã cho thế hệ sau. Chính vì thế, trong gia đình truyền thống, người già hết sức quan tâm đến văn hóa gia đình, đến gia phong, đến đời sống tâm linh, việc thờ cúng ông bà, nhớ ơn người đã có công giáo dưỡng, việc tổ chức ngày giỗ, ngày tết là những sinh hoạt văn hóa gia đình rất sâu sắc để duy trì các quan hệ nhân bản của làng, xã cũng như của toàn xã hội. Bởi vậy truyền thống gia đình của người Việt Nam nói chung và của Bố Trạch nói riêng là hiếu thảo với ông bà, cha mẹ, việc nuôi dưỡng ông bà, cha mẹ là một giá trị, tiêu chuẩn tối cao của đạo đức, một giá trị nhân văn sâu sắc.
Trong các gia đình truyền thống ở Bố Trạch, đứa trẻ từ lúc được sinh ra đến khi trưởng thành phải qua hàng loạt các nghi lễ truyền thống của gia đình, họ hàng, làng, xã. Những nghi lễ đó thể hiện sự sắp đặt, mong đợi và kỳ vọng của cha mẹ đối với các thế hệ kế thừa và phát triển của truyền thống gia đình. Trên khắp các làng quê Bố Trạch, tinh thần hiếu học được nhen nhóm từ một ý tưởng chất phác của các bậc cha mẹ “có dăm ba chữ để con thành người”. Dù công việc có bận rộn, dù việc làm ăn vất vả nhưng các bậc cha mẹ đều dành dụm để nuôi con ăn học. Nhiều gia đình nghèo đói từ chân đất, áo vải nhưng đã tạo nên được những gia đình khoa bảng nhiều đời, đóng góp cho xã hội những nhân cách văn hóa mà sử sách còn lưu danh mãi. Những tiêu chí giáo dục trong gia đình truyền thống đối với con cái được phân biệt rõ theo giới tính như con trai thì phải học hành, thi cử đỗ đạt, thể hiện chí làm trai… còn con gái thì phải biết nữ công gia chánh, ngoan ngoãn, nết na, có tam tòng, tứ đức. Từ xưa đến nay, trong gia đình có sự yêu thương, đùm bọc, che chở giữa anh chị em ngày từ thuở ấu thơ, điều này phản ánh rõ nét trong câu ca:
Anh em như thể chân tay Rách lành đùm bọc, dở hay đỡ đần
Mặc dù tất cả anh chị em trong gia đình điều chịu sự quản lý, dạy dỗ của cha mẹ nhưng người con trai trưởng bao giờ cũng có vai trò đặc biệt quan trọng, không chỉ đối với việc kế thừa truyền thống gia đình, hiếu kính, phụng dưỡng cha mẹ, mà phải có trách nhiệm giúp đỡ các anh chị em khác, duy trì các mối quan hệ họ hàng thân thuộc. Tư tưởng “quyền huynh thế phụ” trong gia đình truyền thống ở Bố Trạch đã cho thấy trong nhiều trường hợp người anh có vai trò như người cha trong việc chăm sóc, dạy dỗ em và ngược lại người em phải nghe lời và phục tùng mệnh lệnh của người anh. Khi cha mất, người anh phải có trách nhiệm lo cho các em trong gia đình, trách nhiệm, quyền hạn của người anh thể hiện tính gia trưởng trong gia đình truyền thống nhưng đây cũng là yếu tố đảm bảo sự bền vững, trật tự trong gia đình, trong giáo dục mối quan hệ anh em ruột thịt và luôn được nhấn mạnh với một quan niệm “một giọt máu đào hơn ao nước lã”. Tuy nhiên, so với tính gia trưởng của gia đình các vùng ở phía Bắc thì ở Bố Trạch, mặc dù vị trí anh con trai trưởng vẫn được tôn trọng nhưng có phần cởi mở hơn, anh em có thể bàn bạc thống nhất trong gia đình khi có những vấn đề, sự kiện lớn liên quan đến gia đình, dòng họ.
Mối quan hệ giữa gia đình với gia tộc (dòng họ)
Mối quan hệ này có nhiều cách ứng xử rất linh hoạt. Dòng họ liên kết chặt chẽ với nhau, bởi hai yếu tố cơ bản: huyết thống và tâm linh. Từ những gia đình cùng chung huyết thống tạo nên dòng họ. Hằng năm, dòng họ nào cũng tề tựu trước nhà thờ để tưởng niệm tổ tiên, các thành viên trong gia đình đều hướng về dòng họ và luôn được giáo dục ý thức tôn ti trật tự truyền thống. Dẫu mỗi thành viên có thành danh với quyền cao chức trọng hay giàu sang phú quý, khi về với họ cũng phải theo tộc ước và xưng hô ứng xử theo phép tắc, thứ bậc. Mối quan hệ gia đình và gia tộc rất được người dân coi trọng, gia đình sẽ không còn là gia đình nếu không đặt trong mối quan hệ với dòng họ.
Mối quan hệ giữa gia đình và cộng đồng
Người Bố Trạch quan niệm rằng “Bán anh em xa, mua láng giềng gần” hay các gia đình coi nhau như anh em khi vui buồn cùng chia sẽ, khi ốm đau, hoạn nạn thăm hỏi, động viên nhau. Vì thế, gia đình nào cũng rất trân trọng xây dựng mối quan hệ xóm làng. Đình làng, việc làng, lệ làng trở thành việc chung của mỗi người, mỗi gia đình và đã trở thành hình ảnh thiêng liêng khó phai mờ trong lòng của mỗi người dân nơi đây. Bởi vậy dù đi đâu, về đâu, mỗi con người, mỗi gia đình cũng muốn làm đẹp cho quê hương, làng, xã, luôn hướng về quê hương làng xóm để sống, làm việc và rèn luyện cho bản thân mình, lấy niềm tự hào của quê hương làm lẽ sống, niềm vui.
Sáu năm một lễ Thành Hoàng Đi đâu cũng nhớ về làng mà ăn
Trong những nét đẹp của văn hoá Bố Trạch, những giá trị văn hoá gia đình truyền thống luôn là một niềm tự hào của quê hương "Hai giỏi".