- Quan niệm văn hoá gia đình
1.2.3. Những tác động của văn hóa gia đình đến sự phát triển xã hộ
Gia đình là một thể chế xã hội cơ bản, theo Tacques Sabran thì gia đình là “xã hội vi mô” thì nó phải phản ánh tất cả các quan hệ xã hội và tất cả các
mặt của đời sống xã hội vào bản thân nó và ngược lại văn hóa chung của xã hội cũng được phản ảnh vào gia đình. Gia đình là thành tố cơ bản cấu trúc xã hội và thực hiện các chức năng của nó để duy trì sự thích nghi và ổn định của xã hội. Văn hoá gia đình là hệ thống những giá trị, chuẩn mực đặc thù điều tiết mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình và mối quan hệ giữa gia đình với xã hội được hình thành và phát triển qua lịch sử lâu dài của đời sống gia đình, gắn liền với những điều kiện kinh tế, môi trường tự nhiên và xã hội.
Tính đặc thù hay bản sắc của văn hoá gia đình để lại những dấu ấn trong đời sống vật chất, tinh thần của gia đình được biểu hiện thông qua các mối quan hệ, cấu trúc, chức năng, sinh hoạt, đời sống tâm linh... của gia đình. Đó là những dấu ấn được duy trì qua lịch sử, trở thành truyền thống, ăn sâu vào tiềm thức, tâm lý, chi phối hành vi, cách ứng xử giữa các thành viên gia đình, giữa gia đình và xã hội, tiếp nối từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Như vậy, văn hóa gia đình thấm sâu vào tất cả các mặt sinh hoạt và tất cả các quan hệ giữa các thành viên gia đình, cũng như giữa các thành viên gia đình với bên ngoài. Rõ ràng văn hóa gia đình chiếm một vị trí hàng đầu trong sự phát triển xã hội. Nếu chúng ta không quan niệm phát triển xã hội chỉ là tăng trưởng kinh tế, tăng thêm những của cải vật chất của con người, mà quan niệm phát triển xã hội chủ yếu và trước hết là là phát triển con người về mọi mặt, thì phải thừa nhận rằng văn hóa gia đình là tiền đề không thể thiếu của sự phát triển xã hội. Bởi vì con người là cái gốc của xã hội, sự phát triển của xã hội là từ con người và vì con người. Nếu con người không có một môi trường văn hóa gia đình thích hợp và thuận lợi thì khó lòng có được những năng lực cần thiết cho sự phát triển xã hội. Chủ Tịch Hồ Chí Minh đã từng nhấn mạnh “Rất quan tâm đến gia đình là đúng, nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, xã hội tốt thì gia đình càng tốt, gia đình tốt thì xã hội mới tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình. Chính vì muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội phải chú ý hạt nhân cho tốt” [40; 523].
Thực tiễn xã hội cho thấy, các cuộc khủng hoảng xã hội đều dẫn tới khủng hoảng gia đình ở dạng này hay dạng khác. Gia đình từ chỗ là vật tải những giá trị tinh thần bền vững nhất trở thành tiêu điểm - ít ra là một trong những tiêu điểm - của xung đột xã hội. Trả lời cho câu hỏi của các nhà nghiên cứu phương Tây: “Liệu phương Đông có thể đưa ra một cách nhìn khác về những giá trị cần thiết cho một thế giới tốt đẹp hơn không”. Ông Tôm Mirô - Giám đốc Viện nghiên cứu chính sách Singapore đã đưa ra mười giá trị làm nền tảng và sức mạnh cho sự thành công của các nước Đông Á, trong đó ông nhấn mạnh gia đình là “hạt nhân”, là “trụ cột” xã hội. Thực tế nhiều nước đang phát triển ở Đông Á coi gia đình là giá trị nền tảng cho sức mạnh và thành công của mình. Ở các nước phương Tây sau một thời gian ít quan tâm tới vấn đề gia đình thì ngày nay để khắc phục sự khủng hoảng của xã hội họ lại chủ trương củng cố gia đình, vấn đề văn hóa đạo đức gia đình được đặt lên hàng đầu.
Gia đình với tư cách là một nhóm xã hội - một “xã hội vi mô” vừa chịu sự tác động của xã hội vừa tác động trở lại xã hội. Văn hóa gia đình và văn hóa xã hội cũng tác động lẫn nhau như sự tác động của gia đình và xã hội. Nhưng mỗi cá nhân bắt đầu từ gia đình và văn hóa cá nhân bắt đầu từ văn hóa gia đình và mang dấu ấn gia đình. Có thể nói văn hóa cá nhân, văn hóa gia đình và văn hóa xã hội có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, khăng khít như ba đỉnh của một “tam giác văn hóa”. Để “tam giác văn hóa” phát huy những giá trị tốt đẹp trong giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội hiện nay, mỗi người Việt Nam cần ý thức rằng, xây dựng văn hóa gia đình không chỉ là việc riêng của mỗi nhà mà còn là trách nhiệm của cả xã hội; gia đình no ấm, hạnh phúc, bình đẳng, tiến bộ góp phần tạo nên sức mạnh của đất nước.
Như vậy, khi gia đình là cái gốc của con người, đồng thời là cái gốc của xã hội, khi văn hóa gia đình là nền tảng của văn hóa con người, nền tảng của văn hóa xã hội, thì mỗi biến động của gia đình đều ảnh hưởng đến mỗi con người và đến xã hội và ngược lại. Và không thể phát triển xã hội trong điều kiện cuộc sống con người, cuộc sống gia đình thiếu vắng yếu tố văn hóa.