Sự hình thành văn hóa gia đình truyền thống ở Bố Trạch

Một phần của tài liệu Nâng cao hiệu quả xây dựng văn hóa gia đình ở huyện Bố Trạch tỉnh Quảng Bình trong giai đoạn hiện nay (Trang 59)

- Quan niệm văn hoá gia đình

2.2.1. Sự hình thành văn hóa gia đình truyền thống ở Bố Trạch

Lịch sử hình thành và phát triển của huyện Bố Trạch gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển của Tỉnh Quảng Bình, một phần đất thiêng liêng của lãnh thổ Việt Nam. Vùng đất Quảng Bình hôm nay đã trải qua nhiều lần thay đổi địa giới lãnh thổ và tên gọi. Theo thư tịch cổ "Việt sử lược" của Bùi Dương Lịch, "Việt Nam sử lược" của Trần trọng Kim..., Hán thư, Tống thư của Trung Quốc thì thửa Vua Hùng lập quốc, đất Quảng Bình trong đó có Bố Trạch thuộc bộ Việt Mường, một trong 15 bộ của nước Văn Lang.

Đầu thế kỷ III trước Công nguyên, Thục Phán lên làm vua đổi tên thành nước Âu Lạc, chia thành 3 quận. Bộ Việt Mường đổi tên thành Tượng Lâm. Năm 207 tr.c.n, Triệu Đà một viên tướng nhà Tần đánh chiếm Âu Lạc, xưng vương và lập nên nước Nam Việt, chia lãnh thổ thành 2 quận là Cửu Chân và Giao Chỉ. Bố Trạch ngày nay thuộc quận Giao Chỉ. Năm 111 tr.c.n, nhà Hán triệt tiêu nhà Triệu xóa tên nước Nam Việt đặt thành bộ Giao Chỉ thuộc “Thiên Triều”. Giao Chỉ được chia làm 9 quận, trong đó quận Nhật Nam là vùng đất từ Đèo Ngang đến đèo Cả hiện nay. Vùng đất Bố Trạch, Quảng Ninh, Lệ Thủy bây giờ thuộc huyện Tây Quyển của quận Nhật Nam. Năm 192, trong cuộc khởi nghĩa của thủ lĩnh Khâu Liên (Khu Liên) đánh đuổi quân nhà Hán, Khâu Liên lên làm vua lập nên nước Lâm Ấp bao gồm một dãi từ nam Hoành Sơn đến bắc Hải Vân ngày nay. Vùng đất Bố Trạch

thuộc nước Lâm Ấp từ thời đó. Năm 758, Lâm Ấp đổi tên thành Chiêm Thành (Chăm pa).

Năm 1069, để phá tan âm mưu cấu kết chiếm đất Đại Việt từ hai mặt Bắc (nhà Tống) - Nam (Chiêm Thành), một đạo quân do Lý Thánh Tông cầm đầu và tướng Lý Thường Kiệt chỉ huy đã vượt dãy Hoành Sơn (Đèo ngang) tiến đánh vào kinh thành Chăm Pa, bắt Vua Chiêm là Chế Củ. Để chuộc mạng, Vua Chiêm đã cắt dâng 3 châu phía Nam Hoành Sơn là: Bố Chinh, Ma Linh, Địa lý (gồm Quảng Bình - Quảng Trị) cho nhà Lý. Quảng Bình trở về với cội nguồn Đại Việt từ đó và Bố Trạch thuộc châu Bố Chính.

Năm 1075, Lý Thường Kiệt đổi tên Châu Bố Chinh thành Châu Bố Chính, Châu Địa lý thành Châu Lâm Bình. Mảnh đất Quảng Bình từ đó chính thức được đưa vào bản đồ nước ta. Chính Lý thường Kiệt là người có công đầu xác định và đặt nền móng đầu tiên của vùng đất Quảng Bình trọn vẹn cương vực lãnh thổ như ngày nay. Cùng với việc đổi tên, Lý thường Kiệt đã thực hiện chính sách chiêu mộ dân chúng, đưa quan quân ngoài Bắc vào lập nghiệp trên mảnh đất của 3 châu; sắp đặt lại các tổ chức hành chính nhằm bảo vệ biên cương của Tổ Quốc. Điều này hoàn toàn phù hợp với chính sách ngụ Binh ư nông nhà Lý lúc bấy giờ. Họ tập hợp thành xóm, làng và mỗi xóm làng không những là một đơn vị hành chính, đơn vị kinh tế mà còn là một pháo đài chiến đấu khi có chiến tranh. Lịch sử hình thành làng xã ở 3 châu bắt đầu từ đây. Phần đất vùng phía Nam sông Gianh thuộc sơn hệ Lệ Đệ được vinh dự đón người Thanh Nghệ đến lập làng, xóm.

Đến thời Nguyễn Hoàng (1558 - 1604) trấn thủ đất Thuận Hóa (1558) mới chia châu Bố Chính thành 02 châu là Nam Bố Chính và Bắc Bố Chính. Phía nam sông Gianh là Nam Bố Chính, phía Bắc sông Gianh là Bắc Bố Chính. Vùng đất Bắc sông Gianh gọi là xứ Đàng Ngoài, vùng Nam sông

Gianh còn gọi xứ Đàng Trong. Năm 1605 Nguyễn Hoàng đổi tên Châu Bố Chính thành phủ Quảng Bình, cái tên Quảng Bình có từ thời đó.

Nguyễn Huệ là người có công chấm dứt nội chiến Nam Bắc phân tranh hơn 200 năm, lấy sông Gianh làm ranh giới thống nhất đất nước, xóa bỏ 2 châu Bắc, Nam Bố Chính thành lập Châu Thuận Chính (Thuận có nghĩa là hòa thuận chấm dứt chiến tranh). Năm 1802, sau khi đàn áp phong trào Tây Sơn lập ra Triều Nguyễn, Nguyễn Phúc Ánh lên ngôi lấy niên hiệu Gia Long, Gia Long trở lại tên gọi vùng đất Quảng Bình hiện nay là Bố Chính nội, Bố Chính ngoại nhằm phân biệt Đàng Trong, Đàng Ngoài trong việc phong tước phẩm, định mức thuế đối với nhân dân hai bờ sông Gianh.

Đến năm Minh Mạng thứ 3 (1822) đổi châu Nam Bố Chính làm huyện Bố Chính. Năm Minh Mạng thứ 12 (1831) đổi là huyện Bố Trạch với 5 tổng: Tổng Cao Lao, tổng Liên Phương, tổng Hoàn Lão, tổng Hoàn Phúc, tổng Hà Bạc. Năm 1832, đời Vua Minh Mạng, Bố Chính trở về tên gọi là tỉnh Quảng Bình (tên tỉnh Quảng Bình là một đơn vị hành chính bắt đầu từ đây). Từ đây, cho đến thời Vua Thiệu Trị toàn tỉnh có 02 phủ, 6 huyện (phủ là đơn vị hành chính bao gồm nhiều huyện). Phủ Quảng Ninh có 03 huyện: Phong Lộc, Phong Đăng và Lệ Thủy (Đồng Hới thuộc phủ Quảng Ninh). Phủ Quảng Trạch gồm 03 huyện: Bố Trạch, Bình Chánh, Minh Chánh. Sau phong trào Cần Vương, Quảng Bình có 2 phủ và 3 huyện: Lệ Thủy, Bố Trạch, Tuyên Hóa. Cách mạng tháng Tám thành công lập ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Quảng Bình có 5 huyện, thị và Bố Trạch là một trong 5 huyện, thị đó.

Sau các cuộc di dân lớn người Việt trở thành cư dân chính trên vùng đất này. Người dân bản địa hoặc là chạy vào phương Nam theo vua Chiêm hoặc lại hòa đồng cùng dân nhập cư. Nói đến Bố Trạch không thể không nhắc đến sự kiện lịch sử - văn hóa và danh nhân thời cổ trung đại là Ngài Lưu Văn Tiên - Đại tướng quân, tước hiệu Vua phong là Dực bảo trung hưng linh phù

chi thần; Nguyễn văn Khai - Đại tướng quân Nguyễn Quý Công; Lê Quang Lữ - Triệu phong Lê Quý Công. Đây chính là các vị tiền khai canh đầu tiên, lập ra một trong những làng ở huyện Bố Trạch.

Trải qua nhiều biến động thăng trầm của lịch sử, với sự khắc nghiệt của thiên nhiên và các cuộc chiến tranh đã rèn luyện và hun đúc cho người dân Bố Trạch đức tính chịu thương, chịu khó, cần cù, nhẫn nại, dũng cảm, kiên cường trong cuộc chiến chống thiên tai và địch họa; nền văn hóa Bố Trạch là khu vực giao thoa giữa văn hóa bản địa và các yếu tố văn hóa hai miền Nam, Bắc (văn hóa Bàu Tró, Sa Huỳnh, Đàng Ngoài, Đàng Trong…) Bố Trạch là vùng đất mang trong mình bề dày văn hóa lâu đời, nét giao thao văn hóa và pha trộn văn hóa của người Việt từ phía Bắc vào và của người Chăm ở miền Trung. Xuất phát từ văn hóa làng, sắc thái nông nghiệp trong nền văn hóa Bố Trạch được phản ánh qua các làn điệu dân ca truyền thống, thể hiện đời sống văn hóa tinh thần khá đa dạng như: hò khoan giã gạo, hò đối đáp đêm trăng... Mọi hình thức văn nghệ dân gian nơi đây đều thể hiện bản sắc văn hóa đậm đà, sâu sắc. Do hoàn cảnh địa lí, người dân Bố Trạch phải gánh chịu thiên tai hết sức khắc nghiệt và địch họa rất ghê gớm nên có tính cách riêng. Lịch sử đã chứng minh nhiều lần giặc ngoại xâm muốn hủy diệt vùng đất hẹp này, song lần nào, người Bố Trạch cũng anh dũng đứng lên đấu tranh thắng lợi, bằng nhiều cách rất độc đáo, rất linh hoạt, lạc quan. Cuộc sống của cư dân Bố Trạch thấm đẫm vào tâm hồn con người, thể hiện ra trong các làn điệu hò. Vùng biển có hò mái đẩy, hò chèo cạn. Vùng nông nghiệp có hò khoan, hò giã gạo, hò làm nón, hò dệt vải, hát bội, hát tường, hát ghẹo, hát đối... Trước đây, người Bố Trạch gần như già, trẻ, gái, trai đều biết hò. Từ những câu hò đối đáp mà tình yêu quê hương, tình yêu đôi lứa, tình yêu con người… nẩy nở sinh sôi và được lưu truyền trong các gia đình và trong dân gian. Cứ như thế, điệu hò từ trong máu thịt của người mẹ, từ

vành nôi khi trẻ mới chào đời; vang xa trên cánh đồng mỗi mùa cấy gặt, khi bám biển vươn khơi hay ân tình bên cối gạo đêm trăng, phản ánh muôn mặt cuộc sống lao động, tâm hồn, đời sống văn hóa tinh thần đồng thời góp vào kho tàng văn hóa dân gian Việt Nam.

Cũng từ mảnh đất có sông hói, kênh rạch, đầm phá chằng chịt, có biển, có sông lại sống chung với lũ lụt; canh tác, đi lại gắn với con đò đã tạo nên lễ hội đua thuyền hàng năm mang đặc trưng bản sắc văn hóa vùng sông nước Bố Trạch. Lễ hội đua thuyền Bố Trạch đã có từ hàng trăm năm, xuất phát từ tín ngưỡng cầu đảo (cầu mưa). Lễ hội đua thuyền này không chỉ là ngày hội vui chơi, đua tài sông nước mà còn là một lễ cầu vũ, cầu an (an cư), cầu thịnh (lạc nghiệp) trên một miền đất luôn rình rập thảm họa thiên nhiên và chiến tranh. Trước đây, cứ mỗi độ xuân về, sông Lý Hòa (Hải Trạch), sông Son (Sơn Trạch, Hưng Trạch), sông Dinh (Nhân Trạch)... lại dậy sóng trong lễ hội đua thuyền và nó được gìn giữ, lưu truyền từ đời này sang đời khác. Nó đã đi vào tiềm thức, trở thành máu thịt của người dân Bố Trạch; là sinh hoạt cộng đồng, giúp cho họ có thêm sức mạnh để chiến thắng thiên tai.

Khi nghiên cứu văn hóa gia đình ở Bố Trạch, chủ yếu sẽ nghiên cứu văn hóa gia đình của người Kinh, bởi ở Bố Trạch người Kinh chiếm đa số, đồng bào dân tộc thiểu số ở đây rất ít. Tất cả các dân tộc cư trú ở Bố Trạch đều đoàn kết, gắn bó, yêu thương, đùm bọc nhau trong cuộc sống và đã đóng góp phần mình trong công cuộc xây dựng quê hương giàu đẹp.

2.2.2. Văn hóa gia đình truyền thống ở Bố Trạch là văn hóa gia đình của xã hội cổ truyền nông dân - nông thôn - nông nghiệp

Một phần của tài liệu Nâng cao hiệu quả xây dựng văn hóa gia đình ở huyện Bố Trạch tỉnh Quảng Bình trong giai đoạn hiện nay (Trang 59)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(142 trang)
w