- Quan niệm văn hoá gia đình
2.2.2. Văn hóa gia đình truyền thống ở Bố Trạch là văn hóa gia đình của xã hội cổ truyền nông dân nông thôn nông nghiệp
Huyện Bố Trạch tuy có nhiều vùng sinh thái kinh tế, nhưng chủ yếu nguồn thu nhập là từ nông nghiệp thuộc các xã vùng đồng bằng (chiếm 2/3GDP toàn huyện). Cũng như các vùng quê trong cả nước trong suốt thời kỳ trung, cận đại về cơ bản vẫn là nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu, trình độ
sản xuất thấp. Chính điều kiện kinh tế này đã qui định cơ cấu, tính chất của gia đình và văn hóa gia đình truyền thống ở Bố Trạch.
Địa bàn cư trú của của người Bố Trạch phân bố rải rác khắp cả ba vùng miền núi, đồng bằng và dãi cát ven biển. Nhưng để thuận tiện cho việc khai phá, gieo trồng và phát triển ngành nghề, người Bố Trạch đã biết dựa vào lợi thế và điều kiện tự nhiên để chọn để lập làng và xây dựng vị thế ổn định cho cuộc sống lâu dài. Với sự lựa chọn “nhất nông vi bổn” nên hình thế đất được coi là “đắc địa” nhất “thượng gia hạ điền” (trên nhà dưới ruộng) hay “tiền điền hậu trạch” (trước là ruộng, sau là đất ở), là môi trường thuận lợi để cộng đồng dân cư quần tụ trong làng xã, vừa khai thác nguồn lợi thiên nhiên vừa chung sức đấu tranh chế ngự thiên nhiên và tổ chức cuộc sống cộng đồng. Các yếu tố thiên nhiên ở đây rất thuận lợi cho quá trình sản xuất lúa nhưng cũng là mối đe dọa đối với đời sống con người mỗi khi bão lũ tràn về. Nhằm mục đích duy trì nguồn nhân lực cho sản xuất nông nghiệp, các thế hệ người dân Bố Trạch trước đây đã bắt buộc phát huy hình thức gia đình đông con cháu và nhiều thế hệ cùng chung dưới một mái nhà. Trong nền sản xuất còn thô sơ, lạc hậu, thì nguồn nhân lực trong gia đình chiếm một vai trò hết sức quan trọng. Vì vậy mà trong quan niệm truyền thống các gia đình đông con, nhiều cháu, nhiều thế hệ không những được coi trọng, được coi là gia đình có phúc mà còn là nguồn lao động hùng mạnh. Do vậy, quy mô gia đình thường là duy trì hình thức gia đình lớn (đại gia đình). Bởi vì gia đình lớn trở thành một tập thể thống nhất chủ yếu và chỗ dựa duy nhất của mỗi con người. Mặt khác, trong điều kiện phát triển kinh tế ở trình độ còn thấp, công nghệ sản xuất còn lạc hậu, nền sản xuất còn phụ thuộc lớn vào thiên nhiên và đặc biệt là phải đương đầu với các cuộc chiến tranh… do đó, đòi hỏi một lực lượng lớn lao động hội tụ với nhau thành một cộng đồng, trở thành sức mạnh tập thể để chiến thắng cái khắc nghiệt của cuộc sống đảm bảo sự sinh tồn của con
người. Chính trong hoàn cảnh và điều kiện thực tiễn như vậy cái duy nhất là kết hợp sức lao động với kinh nghiệm của ông bà, cha mẹ… là vấn đề cốt lõi và quyết định giá trị chức năng, thể hiện vai trò của gia đình lớn.
Trong gia đình truyền thống ở Bố Trạch, giữa các cặp vợ chồng ít có sự chia sẽ trực tiếp về kinh tế nhưng sự gắn kết gia đình với chức năng kinh tế cơ bản lại dựa trên gia đình lớn. Mối quan hệ giữa quy mô gia đình và kinh tế gia đình được phản ánh trong các mối quan hệ hai chiều tác động lẫn nhau. Gia đình có đông thành viên nhưng sự tụ họp, chia sẽ, phân công công việc lại khá hợp lý theo giới tính và độ tuổi, dưới sự điều hành của người chủ gia đình (Người chủ trong gia đình truyền thống thường là những người đàn ông giữ quyền lãnh đạo và quyết định những vấn đề quan trọng quán xuyến mọi công việc gia đình). Điều này được lý giải ở vai trò trụ cột của người đàn ông về kinh tế, là trách nhiệm tinh thần đối với các thành viên khác trong gia đình, đồng thời là người chủ các gia tài lớn như nhà cửa, đất đai, phương tiện sản xuất, người có uy tín đối với gia đình và cộng đồng dân cư. Đối với người phụ nữ mặc dù có những quy định nghiêm ngặt, khắt khe, nhưng trong các gia đình truyền thống ở Bố Trạch người phụ nữ vẫn có vai trò quan trọng và được tôn trọng, thường được trao quyền cai quản việc nhà, tay hòm chìa khóa và là người đóng vai trò chính trong việc nội trợ và nuôi dạy con cái, tham gia công việc đồng áng. Chính trong cái gia đình lớn ấy con người bị ràng buộc trong tình nghĩa sâu nặng và khuôn phép chặt chẽ của gia đình, dòng họ, làng xóm.