III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN CÁC BIỆN PHÁP
3.3.6. Nhóm biện pháp 6: Xây dựng và hoàn thiện chế độ đãi ngộ, tạo động lực
cho đội ngũ GV và HSG
Mục đích của biện pháp
- Chế độ đãi ngộ là sự quan tâm chăm lo đời sống vật chất (tài chính) và tinh thần (phi tài chính) của người lao động. Bất kỳ người quản lý nào cũng cần có chính sách đãi ngộ lao động để khuyến khích người lao động làm việc với kết quả tốt nhất. HT các trường THPT chuyên không phải là trường hợp ngoại lệ. Nếu HT không coi việc đãi ngộ, tạo động lực cho đội ngũ GV và HSG là một việc quan trọng thì HĐBDHSG khó đạt kết quả cao, khả năng “chảy máu chất xám” trong nhà trường là điều ắt sẽ xảy ra. Ngược lại, nếu HT xây dựng và hoàn thiện được một chế độ đãi ngộ, tạo động lực cho đội ngũ GV và HSG tham gia HĐBDHSG thì sẽ gặt hái được thành công với hiệu quả cao.
- Chế độ đãi ngộ thỏa đáng cho HS sẽ thu hút HS dự thi vào trường nhiều, khả năng tuyển chọn được HS có năng khiếu cao. Cha mẹ HS yên tâm cho con mình học tại trường chuyên.
- Chế độ đãi ngộ thỏa đáng cho GV sẽ thu hút đội ngũ GV giỏi về trường và họ sẽ toàn tâm cho việc nghiên cứu dạy BDHSG.
Nội dung và tổ chức thực hiện biện pháp
- “Trải thảm đỏ” thu hút giáo viên giỏi:
+ HT cần tham mưu với Sở GD-ĐT và lãnh đạo Tỉnh có chính sách thu hút nhân tài để thuận lợi trong công tác tuyển dụng, tránh tình trạng nhiều ứng viên là GV có kinh nghiệm BDHSG hội đủ các điều kiện tuyển dụng về trường chuyên, nhưng đến phút chót lại quyết định “đầu quân” cho trường chuyên ở các tỉnh khác.
+ Căn cứ kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực của tỉnh, HT đề xuất cho GV dạy chuyên được ưu tiên tham gia các đề án, dự án đào tạo cán bộ chất lượng cao trong và ngoài nước với chi phí học tập của Tỉnh.
+ Ưu tiên cho cựu HS đạt giải HSGQG học Đại học sư phạm có kết quả khá, giỏi hoặc có bằng thạc sĩ về giảng dạy tại trường chuyên của tỉnh.
- Làm tốt chính sách ưu đãi cho cán bộ, GV, nhân viên trường chuyên:
+ Đối với GV dạy bồi dưỡng HSGQG dự thi đạt giải cao (I và II), được xét đề nghị nâng lương trước hạn và được xem xét khen thưởng đột xuất.
+ Hiện tại không ít GV dạy chuyên dành quá nhiều thời gian cho việc dạy thêm ở nhà. Dạy thêm là thu nhập chính của GV dạy chuyên, bởi vì theo họ: không đủ sống bằng lương và phụ cấp. Thử hỏi như vậy làm gì còn nhiều thời gian cho việc nghiên cứu dạy BDHSG. Đây là điều khiến các nhà quản lý phải suy ngẫm. HT cần tham mưu với Sở GD-ĐT và lãnh đạo Tỉnh điều chỉnh tăng chế độ ưu đãi về kinh tế cho cán bộ, GV, nhân viên trường chuyên sao cho phù hợp với thời điểm hiện tại.
- Xây dựng, nâng cấp ký túc xá cho HS và nhà công vụ cho GV:
Đầu tư xây dựng hoặc nâng cấp ký túc xá cho HS và nhà công vụ cho GV là việc làm cấp bách phục vụ cho HS ở xa và GV chưa có nhà ở. Nhà trường cần bố trí nhà công vụ miễn phí cho các GV này để họ toàn tâm, toàn ý với công việc nghiên cứu, giảng dạy HSG. Nên cho HS trong đội tuyển ở ký túc xá miễn phí. Nếu trong thời gian phải xây dựng hoặc đang nâng cấp ký túc xá và nhà công vụ thì GV và HS được nhà trường hỗ trợ tiền thuê chỗ ở.
+ Tổ chức các buổi họp mặt giữa HS trong đội tuyển với cựu HS của trường từng đạt giải HSGQG và nay đã thành đạt, nhằm tạo điều kiện cho HS giao lưu, tìm hiểu, tạo sự yêu thích, say mê và quyết tâm phấn đấu học tập.
+ Hằng năm, căn cứ vào kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực, HT đề xuất cho các HSGQG sau khi tốt nghiệp THPT được ưu tiên tuyển chọn để tham gia các đề án, dự án đào tạo cán bộ chất lượng cao trong và ngoài nước theo quy định của tỉnh. + Riêng đối với các dự án, đề án đào tạo trong nước, trong thời gian theo học ở các trường đại học và đạt loại giỏi hoặc khá, cựu HSGQG được cấp học bổng, được ưu tiên tuyển dụng và có nghĩa vụ phục vụ tối thiểu 5 năm tại tỉnh nhà.
- Xã hội hóa nguồn kinh phí BDHSG:
Hiện nay nguồn kinh phí chi cho HĐBDHSG chưa tương xứng với công sức lao động sư phạm của GV, chưa phát huy tác dụng động viên, khích lệ GV đầu tư hết mình cho việc bồi dưỡng HSG. Do vậy, HT nhà trường phải có kế hoạch huy động tăng nguồn kinh phí, đó là biện pháp rất cần thiết. Cụ thể là:
+ Chủ động lập tờ trình tham mưu với Ủy ban nhân dân Tỉnh và Sở GD-ĐT về việc xin nguồn kinh phí độc lập cho HĐBDHSG nằm ngoài ngân sách cấp cho trường hằng năm, nhằm giúp đơn vị cân đối về kinh phí, yên tâm đầu tư cho đào tạo mũi nhọn.
+ Trên cơ sở chủ trương xã hội hóa giáo dục, nhà trường phối hợp với Ban Đại diện CMHS vận động nguồn quỹ phụ huynh HS để khen thưởng cho HS đạt thành tích cao trong các kỳ thi HSG các cấp.
+ HT tăng cường mối quan hệ hợp tác với Hội khuyến học của địa phương để vận động quần chúng nhân dân gây nguồn quỹ khuyến học dành cho đối tượng HSG nhưng có hoàn cảnh khó khăn.
+ HT cần chủ động tổ chức những buổi họp mặt truyền thống giới thiệu về hoạt động BDHSG của trường, qua đó kêu gọi các Mạnh Thường Quân, các tổ chức nhà nước, doanh nghiệp tư nhân đóng góp nguồn quỹ “Bồi dưỡng nhân tài” hỗ trợ tích cực cho việc bồi dưỡng, đào tạo nguồn HSG cho nhà trường và cho địa phương.
+ Trong thời đại công nghệ thông tin phát triển, HT nên sử dụng website của trường đăng chuyên đề “Bồi dưỡng nhân tài”. Trong đó giới thiệu các hoạt động về BDHSG, thành tích đã đạt được, những khó khăn thách thức, những bài học kinh
nghiệm… về lĩnh vực này vừa quảng bá hình ảnh nhà trường, vừa kêu gọi sự đóng góp quan tâm chia sẻ của mọi tầng lớp xã hội cho HĐBDHSG của trường.
- Cải tiến hình thức tuyên dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân trong HĐBDHSG:
+ HT đề nghị Ủy ban nhân dân Tỉnh khen thưởng thích đáng và trân trọng hơn cho GV và HS đạt thành tích về BDHSG qua các kỳ thi nhằm để biểu dương tinh thần của GV và HS.
+ Nhà trường tổ chức long trọng những buổi lễ công bố và khen thưởng thành tích HSGQG, vinh danh những cá nhân, tập thể đã có nhiều đóng góp trong công tác BDHSG. Biểu dương sự đóng góp của gia đình, tổ chức đoàn thể, các lực lượng xã hội đã quan tâm hỗ trợ tốt cho nhà trường trong việc thực hiện chỉ tiêu về chất lượng đào tạo mũi nhọn.
+ “Thưởng nóng” các tổ chuyên môn và cá nhân (GV, HS) có thành tích cao trong kỳ thi HSG các cấp sẽ phát huy tác dụng, giúp đối tượng nhận thưởng được thăng hoa và tăng tính khích lệ lên nhiều lần.
+ Lập bảng vàng thành tích HSGQG trong phòng truyền thống nhà trường.