Nhóm biện pháp 5: Tăng cường quản lý CSVC, phương tiện dạy học

Một phần của tài liệu SÁNG KIẾN KINH NGHIỆM BIỆN PHÁP QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI CỦA HIỆU TRƯỞNG CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC PHỔ THÔNG CHUYÊN VÙNG ĐÔNG NAM BỘ (Trang 91)

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN CÁC BIỆN PHÁP

3.3.5.Nhóm biện pháp 5: Tăng cường quản lý CSVC, phương tiện dạy học

Mục đích của biện pháp

Quản lý CSVC, phương tiện thiết bị dạy học nhằm mục đích khai thác tối đa tiềm năng của CSVC, phương tiện dạy học phục vụ thiết thực cho việc đổi mới phương pháp giảng dạy, học tập, NCKH góp phần nâng cao năng lực giảng dạy, nghiên cứu của GV và năng lực học tập, nghiên cứu của HS; mở rộng tầm hiểu biết của GV và HS theo kịp với tốc độ phát triển thông tin của xã hội hiện đại.

Nội dung và tổ chức thực hiện biện pháp

- Trước thực trạng thiếu thốn, xuống cấp của CSVC, phương tiện dạy học của nhà trường, không đáp ứng được yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, trong đó có đổi mới phương pháp dạy BDHSG và hình thức thi HSGQG, chúng tôi đề nghị các biện pháp cụ thể sau:

+ Đối với các môn có thí nghiệm thực hành (vật lý, hóa học và sinh học), trong kỳ thi HSGQG từ năm 2012 có thi phần thực hành, HT cần ưu tiên đầu tư trang bị phương tiện, thiết bị thí nghiệm thực hành cho các bài thực hành để đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng và tính đồng bộ.

+ Đối với môn ngoại ngữ, từ khâu dạy học, HT phải quan tâm đầu tư thiết bị dạy học hiện đại mới đảm bảo đổi mới phương pháp dạy học và nội dung dạy học. Đó là vì cũng từ năm 2012, trong kỳ thi HSG quốc gia có thêm phần thi nói, để đảm bảo đánh giá đủ bốn kỹ năng nghe, nói, đọc, viết. Ở khâu tổ chức thi HSGQG, môn ngoại ngữ lại rất cần sự hỗ trợ của công nghệ thông tin: máy tính ghi âm, lưu lại câu trả lời của thí sinh và file lưu này được chuyển về Hội đồng chấm thi cấp quốc gia.

+ Môn tin học, HS luôn được học và thi theo hình thức lập trình trên máy vi tính, nên HT phải nâng cấp các phòng dạy tin học, trang bị hệ thống máy vi tính hiện đại, đồng thời trang bị hệ thống máy phát điện đủ để phục vụ cho việc dạy và học, cho các kỳ thi diễn ra bình thường khi gặp sự cố từ lưới điện của điện lực.

Điều quan trọng là các trang thiết bị cho các phòng thí nghiệm, phòng máy vi tính, phòng Lab được mua hoặc cấp phải theo đề nghị của các tổ bộ môn trong nhà trường, nhằm tránh lãng phí (như trong thời gian qua có rất nhiều thiết bị không đồng bộ) và phát huy được hiệu năng sử dụng.

- Đối với thư viện, HT chú ý thường xuyên cho bổ sung và cập nhật sách báo, sách tham khảo, các văn bản hướng dẫn nghiệp vụ; bổ sung phần mềm hỗ trợ giảng dạy, tài liệu số, các CD chứa thông tin, tư liệu của đồng nghiệp. Đặc biệt HT cần sớm trang bị hệ thống thư viện điện tử để phục vụ tối đa nhu cầu sử dụng của GV và HS, tạo cho GV có phương tiện, tài liệu, thông tin để làm việc.

- Phân công một Phó Hiệu trưởng phụ trách CSVC điều hành kiểm tra bảo quản, phục vụ tốt cho mọi hoạt động giáo dục trong nhà trường và có quy định ưu tiên cho HS đội tuyển về chế độ sử dụng các nguồn thông tin tự học, tự nghiên cứu, mở rộng và nâng cao kiến thức.

Một phần của tài liệu SÁNG KIẾN KINH NGHIỆM BIỆN PHÁP QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI CỦA HIỆU TRƯỞNG CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC PHỔ THÔNG CHUYÊN VÙNG ĐÔNG NAM BỘ (Trang 91)