III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN CÁC BIỆN PHÁP
3.3.1. Nhóm biện pháp 1: Nâng cao nhận thức cho đội ngũ CBQL, GV, HS và
gia đình HS về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của HĐBDHSG
Mục đích của biện pháp
Nhận thức là quá trình và kết quả phản ánh, tái tạo thực tiễn vào trong tư duy con người. Nhận thức là để làm thay đổi thực tiễn theo hướng phục vụ con người. Do vậy để thay đổi thực tiễn công tác QL HĐBDHSG nhằm nâng cao hiệu quả việc thực hiện mục tiêu “bồi dưỡng nhân tài” cho xã hội, vấn đề đầu tiên là phải tác động đến CBQL, GV, HS và gia đình HS có được nhận thức đúng đắn về vai trò, mục đích, tầm quan trọng cũng như những vấn đề đang tồn tại trong thực trạng của công tác quản lý HĐBDHSG. Cần thống nhất ý chí, hành động đề ra và thực hiện những
biện pháp đảm bảo cả tính cấp thiết và tính khả thi. Đây là một yêu cầu cấp thiết trong tình hình triển khai thực hiện HĐBDHSG ở các trường chuyên hiện nay.
Nội dung và tổ chức thực hiện biện pháp
- Đối với CBQL và GV
Từ việc tìm hiểu thực trạng ở chương 2 cho thấy nhận thức của CBQL và GV về HĐBDHSG ở các trường THPT chuyên vùng ĐNB nhìn chung là tương đối đúng đắn. Nhưng trước tình hình chất lượng đào tạo HSG hiện nay, một bộ phận CBQL, GV có tâm lý ngại khó, thiếu niềm tin, chưa đổi mới tư duy, chưa mạnh dạn đầu tư. Vì vậy, để thực hiện thành công mục tiêu bồi dưỡng HSG, phát triển tiềm năng cho mục tiêu “bồi dưỡng nhân tài” thì cần vận dụng hài hòa các biện sau:
+ Nâng cao nhận thức cho CBQL và GV về những vấn đề đổi mới của giáo dục, bồi dưỡng ý thức trách nhiệm đối với nhiệm vụ giáo dục nói chung và BDHSG nói riêng ở các trường THPT chuyên hiện nay. Với bối cảnh đất nước ta đang bước vào giai đoạn đẩy nhanh và mạnh quá trình phát triển kinh tế, yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là trí lực là vấn đề có ý nghĩa quan trọng cho việc phát triển nhanh và bền vững. Cần xác định rõ công tác BDHSG là một vấn đề quan trọng, cần thiết và là mục tiêu đào tạo mũi nhọn của các THPT chuyên. Đó không chỉ là mục tiêu phấn đấu mà còn là trách nhiệm lớn lao của trường chuyên. Bởi vì: HSG, HS có năng khiếu nếu được phát hiện và bồi dưỡng kịp thời ngay từ bậc THPT có thể sẽ trở thành nhân tài trong tương lai và góp phần quyết định đến sự phồn vinh của đất nước mai sau.
+ Hiệu trưởng tổ chức, tuyên truyền, quán triệt các nghị quyết chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, nhà nước, các văn bản chỉ đạo của ngành giáo dục về những vấn đề có liên quan đến công tác BDHSG.
+ Mức độ tác động phải thường xuyên liên tục, đa diện, đa chiều với hình thức độc lập hoặc lồng ghép cùng với các hoạt động như: Hội nghị Công chức - Viên chức, họp Hội đồng sư phạm, sinh hoạt chuyên môn, các hoạt động chuyên đề. Cần phải chú ý đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi về tài liệu, phương tiện, thời gian để CBQL và GV có thể tự bồi dưỡng trình độ nhận thức của bản thân.
HS là lực lượng được thụ hưởng trong HĐBDHSG. Các em phải có nhận thức đúng đắn về vai trò, ý nghĩa của việc tham gia đội tuyển. Nhận thức đúng sẽ tạo cơ sở cho việc xác định đúng mục tiêu học tập và hướng phấn đấu của cá nhân. Hiện tại vẫn còn một bộ phận HS xác định động cơ bồi dưỡng HSG là để thỏa mãn sở thích cá nhân, để góp mặt với phong trào, thậm chí có em muốn vào đội tuyển để được bồi dưỡng kiến thức cao hơn nhưng không phải để thi HSG mà để thi đại học.
Nhiệm vụ của nhà quản lý là phải tác động, tuyên truyền, giáo dục cho HS hiểu việc bồi dưỡng không chỉ để mở rộng, nâng cao kiến thức môn học mà còn phát triển năng khiếu, rèn luyện các kỹ năng học tập chuyên sâu, nghiên cứu, khám phá nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu học tập trong xã hội hiện đại, nền giáo dục hiện đại. Cần phải giải thích cho HS biết rằng: việc đầu tư công sức vào các kỳ thi không chỉ vì thành tích, vì các điều kiện ưu tiên mà cái chính yếu là phát huy tối đa năng lực cá nhân, khơi dậy những tiềm lực vốn có để phát triển tài năng trong tương lai.
Việc tác động nhận thức cho HS phải phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi, tránh nặng nề, áp đặt. Các biện pháp khả thi có thể nêu ra như sau:
+ Khơi dậy niềm say mê học tập, sáng tạo, khám phá kiến thức.
+ Hướng dẫn HS tìm hiểu, nghiên cứu những tài liệu, những thông tin về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng, động cơ, mục đích và lợi ích lâu dài của việc học BDHSG.
+ Tuyên truyền, nâng cao ý thức và khát vọng của HS về tinh thần trách nhiệm, bồi dưỡng lý tưởng phấn đấu phụng sự xã hội qua các buổi sinh hoạt tập thể: chào cờ đầu tuần, câu lạc bộ, sinh hoạt chuyên đề của Đoàn thanh niên.
+ Phát huy vai trò của GVCN, GV dạy chuyên trong các buổi sinh hoạt lớp, ngoại khóa để “truyền lửa” nhiệt huyết chinh phục kiến thức cho HS.
+ Nêu gương những HSG đã có đạt nhiều thành tích, đem lại vinh quang cho bản thân, gia đình, nhà trường và hiện nay đang thành công trong lĩnh vực NCKH với những học hàm, học vị đáng kính nể.
+ Tổ chức tọa đàm, mời những cựu HS của trường là HSG có thành tích cao và thành đạt trên con đường học vấn giao lưu với HS đang tham gia đội tuyển.
+ Phân công GV thường xuyên theo dõi biểu hiện tư tưởng, tình cảm, tâm lý HS tham gia bồi dưỡng và kịp thời điều chỉnh động cơ, thái độ học tập cho phù hợp.
Từ năm 2007, Bộ GD-ĐT ban hành quyết định không tuyển thẳng HSGQG vào các trường đại học, mà chỉ tuyển thẳng những HS có giải Olympic quốc tế. Nhiều gia đình HS đã không còn tha thiết, mặn mà với việc cho con em mình tham gia vào các đội tuyển BDHSG.
Đến năm 2012, Bộ GD-ĐT có khôi phục chế độ tuyển thẳng. Theo khoản 2 điều 7 của thông tư 09/2012/TT-BGDĐT ngày 05 tháng 03 năm 2012, ở mục c có ghi: “Thí sinh trong đội tuyển Olympic đã tốt nghiệp trung học được tuyển thẳng vào đại học, nếu chưa tốt nghiệp THPT sẽ được bảo lưu sau khi tốt nghiệp trung học; ngành học của những thí sinh này được ưu tiên xem xét phù hợp với môn thí sinh đã dự thi.” và theo mục e: “Thí sinh đoạt giải nhất, nhì, ba trong kỳ thi chọn học sinh giỏi Quốc gia và đã tốt nghiệp THPT được tuyển thẳng vào đại học theo đúng ngành hoặc ngành gần của môn mà thí sinh đã đoạt giải”. Tuy nhiên, trên thực tế, các trường Đại học tên tuổi chỉ tuyển HS trong đội tuyển Olympic quốc tế và HSGQG có giải nhất. Số HS này từ ngày thành lập trường đến nay, mỗi trường chuyên khảo sát chỉ có trên đầu ngón tay. Do bị chi phối của tâm lý thực tế nảy sinh từ nền kinh tế thị trường, nhiều phụ huynh ngại cho con em tham gia các kỳ thi đòi hỏi cao về trí tuệ này. Theo CMHS, việc tập trung để ôn thi đại học thiết thực hơn. Đây chính là điều khiến cho nhiều em không hào hứng tham gia thi chọn HSG. Khắc phục tình trạng đó, các nhà quản lý cần chủ động, tích cực vận dụng các biện pháp thích hợp sau để tiếp tục tác động nhận thức của gia đình HS:
+ Lãnh đạo nhà trường cần xây dựng kế hoạch chỉ đạo với những nội dung cụ thể về việc đảm bảo quyền lợi của HS tham gia đội tuyển, quy định các chế độ ưu tiên hợp lý, đúng quy chế vừa có thể đảm bảo thành tích HSG, vừa đảm bảo kết quả thi Đại học để tạo niềm tin, thái độ yên tâm cho gia đình HS.
+ Phối hợp với Ban Đại diện CMHS, phát huy sức mạnh tuyên truyền, vận động các gia đình có HS vào đội tuyển tích cực học bồi dưỡng. Duy trì mối liên hệ giữa nhà trường với CMHS trong đội tuyển nhằm thường xuyên cung cấp những thông tin cần thiết về kết quả học tập và quyền lợi của HS cho gia đình.
+ Quan tâm đúng mức tới công tác định hướng nghề nghiệp tương lai, vận động các HS trong đội tuyển nên chọn con đường NCKH, vì con đường này sẽ phát huy tối đa năng lực của bản thân.