7. Cấu trúc của luận văn
3.2.2.2. xuất một số biện pháp giảng dạy hiệu quả truyện ngụ ngôn
Tônxtôi trong trường Tiểu học
Từ thực tế trên, theo chúng tôi, để có thể giảng dạy tốt những tác phẩm của Tônxtôi trong nhà trường Tiểu học, người giáo viên cần có sự linh hoạt, năng động, sáng tạo trong dạy học. Tùy từng đối tượng học sinh, người giáo viên có những phương pháp giảng dạy thích hợp mang lại hiểu quả cho giờ học. Khắc phục được những khó khăn nêu trên, người giáo viên sẽ chủ động hơn trong thực tiễn giảng dạy.
-Trước hết, đối với phân môn Tập đọc:
Dạy tác phẩm của Tônxtôi qua tập đọc là giáo viên phải biến tác phẩm của nhà văn thành mỗi tác phẩm của học sinh. Học sinh không chỉ tiếp nhận mà còn phải hiểu được ý nghĩa, giá trị của tác phẩm từ đó rút ra được bài học bổ ích cho bản thân. Mỗi bài tập đọc sẽ cung cấp cho học sinh hiểu biết về cuộc sống, con người Nga. Bên cạnh đó còn khích lệ các em lòng yêu thích, đam mê đọc sách, biết cách kể lại câu chuyện từ việc đọc sách.
Muốn vậy, người giáo viên tiểu học cần phải hiểu rõ cuộc đời, sự nghiệp sáng tác của Tônxtôi và những truyện ngụ ngôn trong hành trình sáng tạo của nhà văn. Đây là những tác phẩm Tônxtôi dành riêng cho con em nông dân – đối tượng giáo dục của nhà văn ở Iaxnai Pôliana khi ông mở trường học dạy chúng. Những câu chuyện ngụ ngôn của ông có kết cấu ngắn gọn, có giá trị thẩm mỹ và giá trị giáo dục sâu sắc, thấm đẫm tinh thần nhân văn cao đẹp. Khi hiểu rõ về tác giả, cuộc đời cũng như sự nghiệp sáng tác của Tônxtôi, người giáo viên sẽ có những thuận lợi hơn trong việc tiếp nhận tác phẩm của nhà văn, hiểu sâu sắc cái hay, cái đẹp của chúng, từ đó sẽ truyền đạt một cách dễ dàng hơn đến học sinh.
Hơn nữa, để giờ Tập đọc hấp dẫn, giáo viên cần nắm vững nội dung tác phẩm: nó bao gồm những nhân vật nào, hành động của nhân vật ra sao, tính cách nhân vật như thế nào, nội dung tác phẩm đề cập đến những vấn đề gì, ý nghĩa của nó ra sao,... Nắm vững được những vấn đề này, giáo viên sẽ đọc đúng hơn, chuyển tải tới học sinh những nội dung cơ bản của tác phẩm. Bên cạnh đó, giáo viên có thể sử dụng đồ dùng trực quan như: tranh ảnh, clip, hoặc vật thật để kích thích học sinh hứng thú với tác phẩm.
Quy trình một tiết Tập đọc bao gồm:
+ Giới thiệu bài: tùy từng trường hợp, giáo viên có thể có những cách vào bài tự nhiên, tránh đọc hay nêu ý khái quát của bài. Có thể dựa vào tranh minh họa hoặc nêu một tình huống có vấn đề gần với nội dung câu chuyện để lôi cuốn học sinh ngay từ những phút đầu của giờ dạy.
+ Luyện đọc và tìm hiểu bài: Hoạt động này ở mỗi lớp yêu cầu đạt được theo cấp độ từ đơn giản đến phức tạp, từ dễ đến khó. Giáo viên phải luyện học sinh đọc đúng: bao gồm các hoạt động: Giáo viên đọc mẫu – hướng dẫn học sinh đọc kết hợp giải nghĩa từ - luyện đọc từng câu, câu dài, câu khó – luyện đọc đoạn (có thể phân nhóm, chia từng đoạn cho từng nhóm đọc nối tiếp nhau). Phần tìm hiểu bài, ở lớp 2,3, giáo viên hướng dẫn học sinh đọc và trả lời từng câu hỏi trong sách giáo khoa, ở lớp 4,5 yêu cầu học sinh cao hơn: tìm ý của mỗi đoạn và đại ý của bài. Sau khi tìm hiểu bài, học sinh có những tri thức nhất định về tác phẩm sẽ có thể đọc diễn cảm về nó. Giáo viên có thể yêu cầu những học sinh có năng khiếu cảm nhận văn học đọc mẫu trước lớp.
+ Củng cố, dặn dò: Giáo viên liên hệ bài đọc với thực tế, với học sinh. Dặn dò luyện đọc bài ở nhà và chuẩn bị cho tiết học sau.
-Đối với phân môn Kể chuyện:
Trước tiên, người giáo viên cần xác định rõ mục đích của phân môn này trong chương trình. Bao gồm:
Dạy kể chuyện góp phần thỏa mãn nhu cầu nghe kể của trẻ em đồng thời là một phương tiện giáo dục trẻ. Trẻ em rất thích được nghe người lớn, cha mẹ, ông bà, thầy cô kể chuyện. Ngay từ khi còn trong nôi, các em đã được nghe những câu hát ru. Lớn hơn một chút các em được làm quen với những câu chuyện cổ tích qua lời kể của bà, của mẹ. Khi đến trường, các em được nghe cô giáo kể lại những tác phẩm văn học trong giờ học tiếng Việt. Nghe kể chuyện là một nhu cầu không thể thiếu ở trẻ em. Tiết Kể chuyện trong chương tình tiểu học nói chung, kể chuyện ngụ ngôn Tônxtôi nói riêng trước hết là nhằm thỏa mãn nhu cầu đó của trẻ. Hơn nữa kể chuyện còn là phương tiện giáo dục trẻ, giúp trẻ hình thành và phát triển nhân cách, đem lại những cảm xúc thẩm mĩ lành mạnh và niềm hứng khởi học văn cho học sinh.
Bên cạnh đó, tiết học Kể chuyện còn góp phần rèn luyện kỹ năng tiếng Việt, nâng cao năng lực cảm thụ văn học của học sinh tiểu học. Có thể nói, thông qua giờ dạy Kể chuyện ở tiểu học, học sinh được tiếp xúc sớm nhất với các tác phẩm văn học. Các em được nghe kể, tập kể những tác phẩm có dung lượng phù hợp, ngắn gọn, chủ yếu là văn học dân gian, trong đó có những câu chuyện ngụ ngôn của Tônxtôi. Trong quá trình nghe, hiểu, nhớ và kể lại truyện, tư duy của trẻ luôn hoạt động do đó được phát triển, giúp các em các thao tác ghi nhớ, phân tích, tổng hợp kiến thức, giúp cho trí tưởng tượng của các em bay bổng, rèn tư duy ngôn ngữ phát triển trong mỗi học sinh.
Để giờ Kể chuyện trở nên hấp dẫn, tạo ấn tượng đối với mỗi học sinh, giáo viên cần nắm rõ phương pháp đặc thù của kể chuyện là kể. Nghĩa là cả thầy và trò cùng kể. Kể chứ không sa đà vào phân tích tác phẩm, giảng giải dài dòng. Cả giáo viên và học sinh phải được sống trong không khí của câu chuyện, phải là chính nhân vật của chuyện. Để được như vậy có thể phân vai kể cho học sinh đối với những tác phẩm có từ hai nhân vật trở lên.
Mặt khác, cũng cần phải phân biệt giữa đọc truyện và kể chuyện. Đọc truyện phải trung thành với văn bản, trong khi kể chuyện thì có thể dùng ngôn
ngữ của người kể làm cho câu chuyện sống động. Lời kể có thể tự do thêm bớt, cốt truyện có thể co giãn, tất nhiên phải giữ nguyên nội dung.
Muốn không khí giờ Kể chuyện sôi động, giáo viên cần có sự chuẩn bị, nắm rõ nội dung câu chuyện, đặc điểm nhân vật, đồng cảm với hành động, suy nghĩ của nhân vật. Giáo viên cần chỉ cho học sinh phân biệt giữa lời kể và lời nhân vật để có thể thay đổi ngữ điệu kể chuyện, ngắt nghỉ đúng chỗ, tạo sự hấp dẫn cho câu chuyện. Một điều rất cần thiết nữa, đó là giáo viên phải chuẩn bị hệ thống câu hỏi để học sinh trả lời, qua đó nắm được nội dung câu chuyện. Câu hỏi thể hiện rất rõ năng lực sư phạm của người giáo viên. Câu hỏi phải phù hợp với trình độ nhận thức học sinh, nhưng đồng thời phải giúp các em rèn năng lực tưởng tượng, ghi nhớ, tư duy, sáng tạo. Nếu chỉ dừng lại ở hỏi – đáp thì tính chủ động của học sinh khi tiếp cận văn bản sẽ rất hạn chế.