Những khó khăn trong việc giảng dạy truyện ngụ ngôn Tônxtôi

Một phần của tài liệu Thế giới nghệ thuật trong truyện ngụ ngôn l n tonxtoi và ý nghĩa giáo dục đối với học sinh tiểu học (Trang 73)

7. Cấu trúc của luận văn

3.2.2.1. Những khó khăn trong việc giảng dạy truyện ngụ ngôn Tônxtôi

Truyện ngụ ngôn Tônxtôi không những là những bài học giáo dục đạo đức, kinh nghiệm ứng xử của con người, mà trước hết đó là những tác phẩm nghệ thuật đích thực, có sức hấp dẫn đối với thế giới tuổi thơ. Chính vì vậy, việc đưa tác phẩm của nhà văn vào trường Tiểu học không chỉ đáp ứng mục tiêu trang bị cho các em những tri thức sơ giản và cần thiết về các chuẩn mực hành vi, văn

hóa, đạo đức truyền thống, trau dồi vốn sống, vốn văn hóa, phát huy năng lực trí tuệ cũng như năng lực tư duy, mà còn cho các em được tiếp xúc với những tác phẩm văn chương đích thực của một cây bút nổi tiếng trong văn học thế giới.

Chính vì thế, việc giảng dạy những tác phẩm của Tônxtôi nói riêng, tác phẩm văn học nước ngoài nói chung, đòi hỏi người giáo viên phải có phông văn hóa nhất định về nền văn học, văn hóa của quốc gia đó và bản thân nhà văn đó. Tuy nhiên, hiện nay, có một thực tế là nhiều giáo viên ngại dạy những tác phẩm văn học nước ngoài, trong đó không ngoại trừ tác phẩm của Tônxtôi. Bởi làm sao để chuyển tải được hết nội dung, tư tưởng cũng như giá trị mà tác phẩm đem lại trong một thời lượng hết sức ngắn gọn của một tiết học đến một đối tượng là học sinh ở lứa tuổi còn nhỏ, khi mà vốn sống, tri thức của các em còn mới ở mức độ đơn giản. Hơn nữa, việc giảng dạy những tác phẩm đó là nhằm để trau dồi ngôn ngữ tiếng Việt chứ không phải là một giờ giảng Văn như ở cấp học trung học cơ sở hay trung học phổ thông. Có thể nói, để giảng dạy các tác phẩm của Tônxtôi trong nhà trường Tiểu học, người giáo viên phải kết hợp rất nhiều phương tiện, phương pháp dạy học, phân tích, giảng giải cho học sinh từ tên gọi của nhân vật cho đến ngôn ngữ, hành động, tính cách nhân vật. Những vấn đề này đối với giáo viên tiểu học quả là một thách thức.

Hơn nữa, hoạt động nhận thức của học sinh tiểu học bao gồm quá trình từ chú ý – tri giác – trí nhớ - tưởng tượng – tư duy, trong đó, tư duy là hoạt động quan trọng nhất, là quá trình nhận thức giúp các em phản ánh được bản chất của đối tượng nghĩa là giúp các em tiếp thu được khái niệm các môn học. Tư duy ở giai đoạn đầu tiểu học chủ yếu vẫn là tư duy cụ thể (tư duy trực quan hình ảnh và tư duy trực quan hành động), học sinh chỉ nhớ được tên nhân vật và diễn biến chính mà không nhớ được chi tiết hành động, ngôn ngữ chính của nhân vật. Đây là một khó khăn đối với giáo viên khi chuyển tải các văn bản văn học, nhất là các tác phẩm nước ngoài đến học sinh. Ở giai đoạn cuối cấp tiểu học, học sinh chuyển sang tư duy trừu tượng. Vì thế, để phát triển tư duy cho học sinh, giáo

viên cần chú ý thiết kế các tình huống có vấn đề cho học sinh tiến hành các thao tác tư duy, phát huy năng lực cảm thụ văn học ở các em, bồi dưỡng ở các em khả năng sử dụng ngôn ngữ. Đây cũng là những khó khăn mà mỗi giáo viên trong giờ tiếng Việt gặp phải, khi mà trình độ, nhận thức của học sinh trong một lớp học không đồng đều, năng lực cảm thụ văn học ở các em không giống nhau.

Tác phẩm của Tônxtôi trong nhà trường tiểu học đề cập đến những vấn đề gần gũi với học sinh Việt Nam, song, đó là tác phẩm mang phong cách của một tác giả Nga, văn hóa Nga, con người Nga phản ánh cuộc sống của nhân dân Nga, thiếu nhi Nga. Vì thế, để học sinh Việt Nam khám phá hết được những giá trị thẩm mĩ của nó là vấn đề không dễ giải quyết trong một tiết học, một cấp học.

Như đã trình bày ở phần khảo sát, phần lớn truyện ngụ ngôn Tônxtôi được đưa vào giảng dạy trong các tiết học Tập đọc, Kể chuyện. Tiết học Tập đọc chủ yếu rèn luyện kỹ năng chính là nghe và nói cho học sinh. Nghe để tiếp nhận, lĩnh hội nắm được nội dung của bài, nhớ được chi tiết để sau đó hình dung tưởng tượng ra nội dung mà mình tiếp thu được. Nói là nói trước tập thể, nói về một vấn đề, nói có ngữ điệu, giọng điệu, kèm cử chỉ, điệu bộ. Đối với phân môn Kể chuyện, yêu cầu đặt ra đối với giáo viên xem ra khó hơn. Người giáo viên không những phải hiểu, phải cảm thụ cái hay, cái đẹp trong mỗi câu chuyện mà còn phải làm sao để chuyển tải được tất cả những cái hay, cái đẹp đó đến học sinh, kích thích sự hứng thú ở các em. Kết quả của giờ kể chuyện là làm sao để học sinh có thể kể lại được câu chuyện đó, cảm nhận được những giá trị thẩm mỹ của tác phẩm. Song, không phải giáo viên nào cũng có năng khiếu thiên bẩm kể chuyện hấp dẫn đối với học sinh. Khả năng sư phạm ở người giáo viên tiểu học trong những giờ học Kể chuyện là phải biết gợi mở, lôi cuốn học sinh bằng giọng điệu, ngôn ngữ kể chuyện hấp dẫn chứ không phải là cầm văn bản đọc cho học sinh nghe. Chính vì thế mà nhiều giáo viên ngại dạy phân môn này, thậm chí coi đây là môn học phụ. Hơn nữa, việc đầu tư cho mỗi tiết học Kể chuyện cũng chưa được quan tâm, chú ý. Để tiết học có hiệu quả, cần có những phương tiện

dạy học hỗ trợ như: phòng kể chuyện, sách tham khảo về tác giả, tác phẩm; tranh ảnh phục vụ, phương tiện nghe nhìn, máy chiếu,... Những phương tiện này không phải trong trường học nào cũng được đầu tư đầy đủ, nhất là đối với những trường học ở những vùng miền còn khó khăn.

Một phần của tài liệu Thế giới nghệ thuật trong truyện ngụ ngôn l n tonxtoi và ý nghĩa giáo dục đối với học sinh tiểu học (Trang 73)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(125 trang)