Loại nhân vật là con người

Một phần của tài liệu Thế giới nghệ thuật trong truyện ngụ ngôn l n tonxtoi và ý nghĩa giáo dục đối với học sinh tiểu học (Trang 34)

7. Cấu trúc của luận văn

2.1.1.2. Loại nhân vật là con người

Trong truyện ngụ ngôn Tônxtôi, nhân vật chính là con người lại ít được quan tâm và xuất hiện, chỉ chiếm 13,1%. Nhân vật là con người trong ngụ ngôn Tônxtôi khiến ta nhớ đến một câu chuyện rất nổi tiếng của Việt Nam Trí khôn của ta đây. Tuy tần số xuất hiện ít, nhưng trong ngụ ngôn Tônxtôi, con người cũng là một trong những đối tượng miêu tả chính. Thế giới con người hiện lên trong tác phẩm của nhà văn cũng hết sức phong phú, sinh động: đó là người bán hàng thông minh, dựa vào những phán đoán mà tìm ra tên trộm (Chủ cửa hàng và hai tên trộm), đó là người nông dân cần cù chăm chỉ, khôn ngoan rất mực trong cuộc sống cũng như trong vấn đề dạy dỗ con cái (Cha và các con, Người làm vườn và các con), là người tiều phu cùng quẫn nhưng không chấp nhận giải thoát mình bằng cách đi theo Thần Chết (Ông già và Thần chết), là người đi đường, kẻ nói dối, ông chủ, đầy tớ, người chăn cừu,... Khi đề cập đến loại nhân vật này, tác giả cũng không dừng lại miêu tả, hay chỉ đích danh một con người có tên tuổi cụ thể, một tầng lớp cụ thể nào trong xã hội, dường như ông muốn hướng tới con người với ý nghĩa chung nhất, đó là con người của cuộc đời. Nhân vật con người trong ngụ ngôn Tônxtôi vì thế cũng đa dạng vô cùng với đủ hạng người, đủ tầng lớp, nghề nghiệp, đủ các thành phần, các giai cấp trong xã hội: những người cùng khổ, những gã lưu manh, tên ăn trộm, những người đàn bà, đàn ông, thầy thuốc, thầy kiện, thương gia, những người thấp cổ bé họng đến những người quyền cao chức trọng. Rõ ràng để làm nên sự phong phú đa dạng của thế giới nhân vật trong truyện ngụ ngôn Tônxtôi, không chỉ có các nhân vật là loài vật như khẳng định của hầu hết các nhà nghiên cứu xưa nay, mà còn có sự tham gia đóng góp của những nhân vật là con người. Con người dường như đã có sự tham dự

nhiều hơn và thường xuyên hơn trong truyện ngụ ngôn của Tônxtôi. Đặc điểm này cũng trở thành nét độc đáo cho tác phẩm của nhà văn.

Con người trong ngụ ngôn Tônxtôi hiện lên với đầy đủ những thói hư tật xấu. Đó là người thanh niên tham lam, cùng nhặt được tiền với ông già nhưng chỉ muốn ẵm trọn một mình, cuối cùng bị quan trên bắt vì tội nhặt được tiền mà không trình báo (Người đi đường). Đây là kết cục của những kẻ ích kỉ, không biết nhường nhịn, chia sẻ, quá hiếu thắng, quá tham lam để rồi chính minh chịu thiệt, rút cục chỉ béo quan trên mà thôi. Đó là đứa trẻ chăn cừu nói dối, trêu đùa chọc tức mọi người dẫn đến một kết quả đáng buồn là cả đàn cừu của cậu ta đã bị sói ăn thịt (Kẻ nói dối). Bài học rút ra từ câu chuyện thật sâu sắc. Đó còn là bà chủ vì muốn ngày nào con gà mái cũng đẻ trứng cho mình mà đã cho nó ăn thật nhiều, kết quả là gà mái béo phì và từ đó chẳng đẻ được quả trứng nào (Bà chủ và gà mái); là anh nông dân có con gà đẻ trứng vàng, vì muốn có nhiều vàng nên đem gà ra mổ nhưng kết quả là anh ta thấy nó cũng như mọi con gà mái khác (Gà mái và trứng vàng) ; là bà chủ tham công tiếc việc đánh thức mọi người dậy từ nửa đêm gà gáy để làm việc (Người làm và gà trống); là người nông dân tham lam nhận chiếc rìu bằng vàng không phải của mình (Nông dân và thủy thần),... Miêu tả con người là đối tượng trực tiếp trong những câu chuyện ngụ ngôn, Tônxtôi dường như muốn phê phán mạnh mẽ những thói hư tật xấu của con người. Qua mỗi câu chuyện của nhà văn, người đọc tự soi mình vào đó để rồi có thể rút ra những bài học cần thiết, bổ ích.

Tình cảm con người cũng được Tônxtôi dành miêu tả trong những trang văn ngụ ngôn ngắn gọn của mình. Đó là tình cảm anh em trong cùng một nhà gắn bó keo sơn, đoàn kết, hợp lực vượt qua mọi khó khăn (Cha và các con,

Người làm vườn và các con). Đó là tình cảm của con người với vạn vật trong thế giới tự nhiên được Tônxtôi đề cập đến trong truyện Cô bé và con ve. Nội dung tác phẩm chỉ gói gọn trong ba câu văn, song ý nghĩa nhân văn của nó hết

sức sâu sắc: cô bé bắt được con ve, định vặt chân nó nhưng người cha ngăn cô bé lại, cô nhớ đến tiếng hát của con ve liền thả nó đi. Trong câu chuyện Đắm

thuyền, Tônxtôi ca ngợi những người biết vượt lên hoàn cảnh, tự cứu chính mình, không trông chờ, ỉ lại vào hoàn cảnh hay những người xung quanh...

Như vậy, với cái nhìn tinh tế, sâu sắc, Tônxtôi đã miêu tả thế giới con người trong những câu chuyện ngụ ngôn của mình vô cùng chân thực, sinh động tái hiện bức tranh hiện thực xã hội, con người Nga thời bấy giờ. Nhà văn đi vào khám phá cái bản chất sâu xa bên trong của mỗi con người và miêu tả nó. Ông đã dùng những câu chuyện ngụ ngôn ngắn gọn nhưng vô cùng sắc nhọn để nêu lên những thói hư tật xấu của con người. Bên cạnh tài châm biếm và răn đời mang tính thực tế rút ra từ những kinh nghiệm xử thế, ngòi bút Tônxtôi còn hướng đến tình yêu thương giữa con người với con người, con người với vạn vật trong thế giới tự nhiên. Ông động viên, khích lệ, ca ngợi lao động, tình yêu thương và tự do như nền tảng của nhân phẩm. Mỗi tác phẩm của Tônxtôi vì thế mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc.

Một phần của tài liệu Thế giới nghệ thuật trong truyện ngụ ngôn l n tonxtoi và ý nghĩa giáo dục đối với học sinh tiểu học (Trang 34)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(125 trang)