7. Cấu trúc của luận văn
2.1.2.2. Nghệ thuật nhân hóa
Theo Từ điển văn học, nhân hóa là “khái niệm chỉ một dạng đặc biệt của ẩn dụ: chuyển những đặc điểm của con người (và rộng ra: của những sinh thể) sang những đối tượng và hiện tượng không phải người, hoặc không có đặc tính của những cơ thể sống... Nhân hóa với tư cách là tượng trưng, gắn trực tiếp với tư tưởng chính của tác phẩm và được tạo nên từ hệ thống những nhân cách hóa cục bộ” [16,1252].
Nhân hóa là phép tu từ trong văn học bao gồm việc gán cho đối tượng phi động vật hoặc loài vật những đặc điểm và tính cách của con người, chẳng hạn như có khả năng nói năng, giao tiếp bằng ngôn ngữ, có khả năng tham gia vào các quan hệ đặc trưng cho xã hội loài người. Nếu chỉ sử dụng thế giới loài vật để kể chuyện mua vui hài hước thì ta không thể thấy được giá trị trong cách kể, cách xây dựng nhân vật của nhà văn.
Ngụ ngôn mượn thế giới loài vật để nói chuyện người. Nhưng nếu chỉ mượn thế giới loài vật để nói chuyện người thì ta rất dễ nhầm nó với truyện cổ tích loài vật. Hai loại truyện này có thể chung nguồn gốc nhưng chức năng và đặc điểm hoàn toàn khác nhau. Trong truyện cổ tích loài vật, con vật là đối tượng thẩm mỹ, trực tiếp chủ yếu của sự nhận thức và lý giải. Còn trong truyện ngụ ngôn, con vật là nhân vật làm phương tiện nhận thức, lý giải những vấn đề của con người và xã hội loài người. Hay nói cách khác, ngụ ngôn, trong đó có ngụ ngôn Tônxtôi mang nghệ thuật nhân cách hóa loài vật. Dưới ngòi bút của Tônxtôi, mọi vật đều có hồn, được tác giả thổi vào đó một luồng sinh khí mới, mang những tính cách, đặc trưng của con người. Cũng giống như nhiều nhà văn khác khi viết truyện ngụ ngôn, Tônxtôi cũng mượn loài vật để nói chuyện về
người. Qua thế giới loài vật với hàng trăm câu chuyện, Tônxtôi đã tái hiện bức tranh hiện thực xã hội đương thời một cách sinh động với nhiều màu sắc đa dạng, vốn có của nó. Mỗi câu chuyện là một vở kịch nhỏ, đầy kịch tính và có ý nghĩa giáo dục sâu sắc.
Bằng biện pháp nhân hóa nhân vật, tác giả đã cho thấy sự sống động, đa dạng trong cuộc sống loài vật. Tất cả những nhân vật vay mượn ấy đã phản ánh rõ rệt tính cách của con người, phản ánh đủ các hạng người trong xã hội từ giai cấp thống trị như vua, quý tộc, bọn người gian ác bóc lột, đè bẹp những người dân yếu hơn mình mà đại diện là Sư tử, Sói. Con Cáo đại diện cho bản chất ranh ma, xảo quyệt, lúc nào cũng chất đầy âm mưu thâm độc nhưng cũng rất trí tuệ, thông minh tháo vát. Nó chính là bọn nịnh thần chuyên bịp bợm, lừa đảo. Người mạnh phải có kẻ yếu, những con vật bé nhỏ, làm những miếng mồi ngon cho sự hung tàn dã man ấy là Cừu non, Bồ câu, hay những con Ong thợ, con Kiến,... đó là đại diện cho hình ảnh người nông dân bần cùng, sống an phận, không tranh giành, chỉ biết giữ gìn cho mình làm sao có được cuộc sống yên lành, họ luôn phải đề phòng sự nguy hiểm xảy ra bất cứ lúc nào.
Truyện ngụ ngôn Tônxtôi lôi cuốn bạn đọc nhỏ tuổi chính là ở nghệ thuật nhân cách hóa loài vật. Chẳng hạn, nói về Sư tử - chúa tể muôn loài, để thể hiện sự hống hách, độc đoán, chuyên quyền của nhân vật này, Tônxtôi đã đưa vào ngôn ngữ của nhân vật những cách nói: “tao”, “ta”, “bay”, “ngươi”, “đứa”. Sự vỗ ngực sĩ diện ấy thể hiện cho tầng lớp thống trị, chuyên quyền, đè nén người dân lương thiện. Tự đặt ra những chế độ vô lý chỉ có kẻ độc quyền. Tônxtôi đã gắn tính cách Sư tử với tính cách của những người luôn cho mình là trên hết. Có thể nói, hầu như các nhân vật là loài vật trong truyện ngụ ngôn Tônxtôi đều mang tính cách của con người. Ngoài nhân vật Sư tử như vừa phân tích, không thể không nhắc đến những nhân vật đại diện cho giai cấp thống trị, bè lũ triều thần ăn bám, độc ác, bất nhân, nịnh trên nạt dưới
mà hình ảnh tiêu biểu là Sói và Cáo. Tônxtôi đã gắn cho Cáo tính cách của kẻ lừa lọc, phỉnh nịnh (Cáo và dê, Cáo và cò), kẻ ba hoa khoác lác (Mèo và cáo),
kẻ gian tham, khôn khéo (Sư tử, sói và cáo; Sư tử, lừa và cáo, Quạ và cáo, Sư
tử và cáo) qua cách xưng hô “tớ”, “cậu”,... Nhưng đôi khi trong cuộc sống, chính những người khôn khéo lại vấp phải những kẻ có trí thông minh, sắc sảo hơn mình (Chó, gà trống và cáo, Cáo và gà rừng). Với nhân vật Sói, Tônxtôi gắn cho nó tính cách của những kẻ tham lam, độc quyền, dùng uy lực của mình để bóc lột, chèn ép người khác yếu thế hơn mình (Sói và sóc, Sói và cáo) qua cách nói “ta”, “tao”, “mày”,... Bên cạnh đó, tác giả cũng thể hiện ở Sói sự phóng khoáng, tự do, sống cuộc sống không phải luồn cúi ai, không phải lo lắng cạm bẫy cuộc đời, tuy vất vả nhưng sống vẫn thảnh thơi (Sói và chó). Môtip này còn bắt gặp trong Chuột đồng và chuột nhà.
Với các nhân vật bé nhỏ, hiền lành như: Cừu, Lừa, Thỏ, Ếch, Cò,... Tônxtôi đã dành cho những chúng những tiếng “than thở”, “van xin” của những con người nhỏ bé bị áp bức trong xã hội, chịu chấp nhận thân phận như một định mệnh chỉ còn biết cắn răng chịu đựng không dám phản kháng. Qua đó nhà văn thể hiện sự cảm thông của ông trước những số phận bạc bẽo, cuộc sống khổ nhục của những người không có địa vị trong xã hội.
Là nhà văn thấu hiểu những hiện thực xấu xa còn tồn tại trong xã hội, cho nên Tônxtôi đã sử dụng nghệ thuật mượn thế giới loài vật để nói chuyện người rất thành công. Bằng trực giác tâm lí, nhà văn đã rất nhạy bén trong nhận thức thực tiễn, qua thế giới nhân vật loài vật, ông đã nêu ra một loạt chân dung với những cá tính riêng biệt, mang nét đặc trưng của con người: kẻ lưu manh, kiêu ngạo, nhát gan, tò mò, hiếu kì, khoe khoang, đạo đức giả, đức tính hiền lành, thật thà, cả tin,... Mỗi người mỗi thái độ, mỗi tính cách, mỗi ngôn ngữ phù hợp.
Không chỉ nhân cách hóa loài vật, Tônxtôi còn nhân cách hóa cả sự vật, đồ vật. Trong truyện của ông, những cây trám cũng trở thành nhân vật chính,
cũng có tiếng nói của riêng mình. Chúng có thể nói chuyện với nhau trao đổi tâm tư, tình cảm cho nhau và cũng có tâm sự giống như con người, có yêu, có ghét, có sự mâu thuẫn trong cuộc sống hàng ngày. Đặc điểm này được thể hiện rất rõ trong truyện Cây trám và cây sậy. Cây Sậy khiêm nhường biết rõ thân phận của mình, không sĩ diện, tự đắc như cây Trám, cứ tưởng mình là cứng cáp, chống chịu được tất cả. Sự khiêm tốn, biết mình của cây Sậy đã khiến nó mềm mại bay trong gió, còn cây Trám bị bẻ gẫy vì tính kiêu ngạo, vênh váo của mình. Dưới ngòi bút của Tônxtôi ngay cả những đồ vật tưởng như vô tri vô giác cũng trở nên có hồn, có tính cách, lời nói đặc trưng của mình. Truyện Nồi và chảo là một ví dụ. Nồi đất cãi nhau với chảo sắt. Nồi dọa đánh chảo, song nó không nhận thức được rằng, nếu đánh nhau, kẻ bị vỡ lại chính là nó.
Có thể nói thế giới nhân vật trong truyện ngụ ngôn Tônxtôi rất đa dạng, phong phú. Dù là nhân vật nào đi chăng nữa, là con vật, cây cối, đồ vật, hay cảnh tượng thiên nhiên cũng được dùng với mục đích chủ yếu là “nói chuyện người”, biến nó thành những con người mang tính cách người. Tônxtôi có sự am hiểu sâu sắc về đặc điểm cũng như tính cách của các loài vật. Mỗi câu chuyện của ông không chỉ miêu tả, tái hiện thế giới loài vật mà qua đó nhà văn muốn truyền tải những kinh nghiệm sống, những bài học đạo đức luân lý cùng cách ứng nhân xử thế ở đời.
Nhân hóa không phải là một thủ pháp nghệ thuật mang tính đặc trưng chỉ riêng có ở truyện ngụ ngôn. Ta có thể bắt gặp nhân hóa trong nhiều thể loại văn học dân gian khác như cổ tích, thần thoại... Nhưng trong truyện ngụ ngôn Tônxtôi, nhân vật là loài vật chiếm số lượng lớn, vì thế nhân hóa là một biện pháp nghệ thuật quan trọng để thể hiện tiếng cười mỉa mai châm biếm và bài học ngụ ý cho mỗi tác phẩm của nhà văn.
Tựu trung, Tônxtôi đã nhân cách hóa nhân vật loài vật, mỗi con vật là đặc trưng cho một nét tính cách của con người. Nguyên mẫu của loài vật
trong tự nhiên có nhiều nét khác biệt, nhưng khi đi vào trong truyện ngụ ngôn của Tônxtôi, nhà văn đã “kích” nó lên. Sở dĩ ông làm như vậy bởi phương châm của ông là “lấy vật để dạy người”. Chính vì vậy để cho loài vật mang những nét tính cách như con người là cách làm cho thấy những ưu thế đặc biệt. Nhà văn đã khéo léo khoác lên loài vật những tính cách, lời nói, hành động của con người. Việc phú cho loài vật những đặc điểm tính cách của con người như vậy đã tạo cho truyện ngụ ngôn Tônxtôi vừa mang tính giải trí, vừa có tác động giáo dục, cải tạo quần chúng.