7. Cấu trúc của luận văn
3.1. Những bài học giáo dục của truyện ngụ ngôn Tônxtôi với học sinh
Xã hội ngày càng phát triển và cuộc sống của con người cũng đang thay đổi, phát triển không ngừng. Trẻ em ngày nay sớm được tiếp xúc với nền sản xuất công nghiệp hiện đại, sớm được sống trong nhịp điệu của cuộc sống hiện đại khiến cho lối sống và suy nghĩ của các em đang phát triển theo một hướng mới. Trẻ đang dần hướng sự quan tâm của mình đến những câu chuyện trinh thám, khoa học viễn tưởng, những trò chơi điện tử hơn là đọc những câu chuyện ngụ ngôn. Việc sử dụng truyện ngụ ngôn, trong đó có tác phẩm của Tônxtôi làm phương tiện để giáo dục trẻ trong thời đại ngày nay vì thế rất cần thiết, bởi giáo dục con người một cách toàn diện thì, bên cạnh những yếu tố hiện đại, rất cần có sự tiếp thu những tinh hoa của truyền thống. Truyện ngụ ngôn Tônxtôi chính là tinh hoa văn học trong quá khứ cần được giữ gìn, lưu truyền tới các thế hệ độc giả không chỉ hiện nay mà còn cho cả mai sau.
Truyện ngụ ngôn Tônxtôi có kết cấu ngắn gọn vừa sức tiếp thu của học sinh. Nó phù hợp với đặc điểm tâm lý và đặc điểm tư duy nhận thức của học sinh tiểu học. Ở lứa tuổi này, các em nhìn đời bằng đôi mắt hồn nhiên và tin cậy, suy nghĩ bằng hình ảnh, sống với thế giới của cái đẹp, cái hoàn mĩ của sự sáng tạo. Trẻ cũng rất thích sự phiêu lưu, mạo hiểm và ngạc nhiên trước những bí mật của cuộc sống. Tất cả những cái đó đã đưa các em đến với truyện ngụ ngôn.
Thế giới nghệ thuật truyện ngụ ngôn Tônxtôi phong phú, sinh động, muôn hình, muôn vẻ, qua đó học sinh có thể tự do tìm hiểu, khám phá và phát hiện. Nhân vật trong truyện, từ con người, thần thánh cho đến các con vật đều được tổ chức một cách hài hòa với nội dung tư tưởng, chủ đề tác phẩm. Những
nhân vật đó không hề mới mẻ, xa lạ mà ngược lại rất gần gũi, quen thuộc với học sinh tiểu học. Các em có thể bắt gặp chúng ngay trong cuộc sống hàng ngày, đó là bác đánh cá già, con mèo, con chuột, con ong, con kiến,... Thông thường, những truyện ngụ ngôn kết thúc bằng một kết luận hoặc một lời giáo huấn. Tônxtôi đã vứt bỏ những đoạn kết ấy, chỉ giữ lại hành động và tính cách của nhân vật, dựa vào đó, trẻ em sẽ tự rút ra được ý nghĩa của truyện, hiểu được câu chuyện nói về điều gì và dạy điều gì. Qua những lần tự tìm hiểu, khám phá như vậy, tư duy của trẻ dần phát triển, trẻ sẽ ghi nhớ và hiểu sâu sắc hơn ý nghĩa, bài học đạo đức mà mỗi câu chuyện mang lại. Từ đó hình thành những ý niệm về cuộc sống, học sinh phân biệt được cái đẹp, cái thiện, cái xấu, cái ác, biết bảo vệ lẽ phải, phê phán lên án cái xấu, cái ác.
-Giáo dục nhận thức:
Những câu chuyện trong ngụ ngôn Tônxtôi có ý nghĩa giáo dục nhận thức sâu sắc, mang lại cho học sinh tiểu học cái nhìn toàn diện về thế giới xung quanh. Thông qua các nhân vật là cỏ cây, muông thú, con người tác giả đã đưa ra các bài học về đạo lý hoặc triết lý nhân sinh đối với con người. Chính vì vậy truyện ngụ ngôn thường có hai lớp nghĩa: Lớp nghĩa đen theo nội dung truyện kể và lớp nghĩa bóng theo triết lý trừu tượng, bên cạnh lớp nghĩa bóng ẩn chứa bên trong thì lớp nghĩa đen bên ngoài có tác dụng to lớn giúp các em biết, lí giải được nguồn gốc, sự hình thành cũng như đặc điểm của các sự vật hiện tượng xung quanh. Chẳng hạn như các câu chuyện lí giải nguồn gốc, đặc điểm của các sự vật hiện tượng, giúp trẻ trả lời được những câu hỏi tại sao Sóc lúc nào cũng vui vẻ nhảy nhót còn Sói lúc nào cũng buồn rũ (Sói và sóc), tại sao Lừa cứ rống hoài (Sư tử và lừa), hay tại sao Dơi luôn lẩn sống ở các hầm nhà, hóc cây, chỉ đến lúc trời chập choạng mới bay ra (Con Dơi). Chính những hiểu biết này, sự lí giải những câu hỏi tại sao này giúp trẻ có biểu tượng về thế giới xung quanh.
Bên cạnh đó, truyện ngụ ngôn Tônxtôi còn giúp học sinh phát triển tư duy khi tập trung suy nghĩ, tìm ra một sự giải thích, một lẽ sống ở đời. Tại sao loài chim không chọn công làm vua mà lại chọn đại bàng, tại sao chó Sói không chọn cuộc sống như chó nhà để không phải lo về cái ăn, tại sao người cha lại đưa cho các con một cái chổi sể và yêu cầu các con hãy bẻ cả cái chổi sể đó, tại sao một chú Rùa chậm chạp lại có thể chiến thắng một chú Thỏ nhanh nhẹn trong cuộc chạy đua, hay tại sao Muỗi có thể đánh bại một con Sư tử to lớn nhưng rồi lại bị chết bởi một con nhện bé nhỏ... Rất nhiều câu hỏi được các em đặt ra sau mỗi câu chuyện. Nhũng câu hỏi ấy luôn thường trực trong suy nghĩ của các em, có khi các em tự mình khám phá để tìm ra câu trả lời, cũng có khi phải cần đến sự giúp đỡ của người lớn, và cũng có những lúc, học sinh tự trả lời cho mình dù đó chỉ là biểu hiện bên ngoài của sự việc. Cứ như vậy, quá trình tư duy của học sinh tiểu học sẽ được nâng cao dần, và đến một lúc nào đó các em sẽ có đủ kiến thức để hiểu rằng: Truyện ngụ ngôn tuy nói về loài vật nhưng lại ẩn chứa bên trong nó ẩn ý sâu xa, một bài học đạo đức, một triết lý nhân sinh về thế giới loài người. Sự đoàn kết bao giờ cũng chiến thắng cái riêng lẻ, cái thiện bao giờ cũng chiến thắng cái ác. Kết luận này của học sinh chứng tỏ đã có sự thay đổi trong tư duy và nhận thức của các em. Các em có sự thay đổi về quá trình tìm hiểu, lí giải và kết luận về thế giới xung quanh. Sự nhận thức ban đầu về thế giới ấy có thể có những sai lệch nhưng đó chính là tiền đề cho sự phát triển của những hiểu biết sau này khi đã trưởng thành của mỗi cá thể.
Truyện ngụ ngôn Tônxtôi không chỉ giúp trẻ có cái nhìn khá chính xác về thế giới xung quanh mà còn giúp trẻ nhận thức về những nguyên tắc của đạo lý làm người. Thông qua đó, trẻ có được những cái nhìn về thực tế xã hội, rút ra cho mình những bài học về cuộc sống, những phẩm chất đạo đức cần có, những kinh nghiệm trong giao tiếp ứng xử, những thói quen tốt cần phát huy và những hành vi xấu cần gạt bỏ để sống và hòa nhập với cộng đồng.
Những bài học trong truyện ngụ ngôn Tônxtôi có ý nghĩa giáo dục vô cùng sâu sắc đối với trẻ. Qua mỗi câu chuyện, nhà văn không chỉ khuyên con người sống ở trên đời phải tự biết mình là ai, không nên khoe khoang, huênh hoang tự cho mình là nhất (Hai chú gà trống và đại bàng; Mèo và cáo; Ếch và sư tử; Muỗi và sư tử; Thỏ và rùa; Đại bàng, quạ và người chăn cừu; Cây trám và cây sậy; Nồi và chảo; Bò đực và ếch,...); khuyên con người cần suy xét mọi việc một cách kĩ lưỡng, ứng xử linh hoạt trong mỗi trường hợp (Sư tử, lừa và cáo; Chủ cửa hàng và hai tên trộm, Người đi đường,...); khuyên con người sống trong một tập thể phải biết vì người khác không nên chỉ chăm chăm nghĩ đến lợi ích của bản thân để cuối cùng tự chuốc họa vào thân (Cáo và sếu; Lừa và ngựa);... mà còn phê phán những kẻ tham lam, ngu dốt chỉ biết nghĩ đến cái lợi trước mắt (Con chuột tham lam; Con chim con; Con chó và cái bóng; Cáo và dê; Đại bàng và cáo; Bà chủ và gà mái; Gà mái và trứng vàng; Gấu và ong;...); phê phán những kẻ thiếu hiểu biết, suy nghĩ nông cạn để rồi tự chuốc họa vào thân (Chuột và ếch, Cáo và chó sói, Quạ và đàn bồ câu, Gà mái và chim én, Cáo và dê; Ếch đòi có vua,...); khuyên kẻ yếu không nên gây sự với nhau để kẻ mạnh lợi dụng (Sư tử, gấu và cáo; Ếch, chuột và diều hâu;...);... Truyện ngụ ngôn Tônxtôi còn là cách nói khéo léo để phê phán những kẻ ưa hình thức, sống giả dối, sống dưới cái bóng của người khác (Lừa
đội lốt sư tử), những kẻ giả dối, ham muốn quyền uy (Ngư dân và cá con; Ngựa và người chủ; Người nông dân và thủy thần; Diều hâu và bồ câu), những kẻ giả nhân, giả nghĩa (Sói và ngựa cái)... Những câu chuyện ngụ ngôn với những mâu thuẫn, những cách xử trí, ứng đáp của mỗi nhân vật trong mỗi hoàn cảnh khác nhau đã gieo vào khối óc non nớt của trẻ một sự nhận thức, đó chính là bước đầu hiểu biết những nguyên tắc của đạo lí làm người. Những hiểu biết ấy sẽ giúp học sinh nhận thức và đối chiếu với bản thân mình mà tỏ thái độ yêu ghét và thực hiện các hành vi tương ứng.
-Giáo dục đạo đức:
Truyện ngụ ngôn Tônxtôi có ảnh hưởng to lớn đến mặt đạo đức của học sinh tiểu học trong quá trình hình thành và phát triển nhân cách của trẻ. Những chuẩn mực hành vi văn hóa, đạo đức, tâm lý trong truyện ngụ ngôn rất gần gũi, quen thuộc với cuộc sống sinh hoạt hằng ngày của các em như tình cảm gia đình, tình anh em, tình bạn bè... Chính những câu chuyện ngụ ngôn ấy giúp trẻ thấy được, nhận thức rõ hơn về quy luật đời sống xã hội: chính nghĩa cuối cùng bao giờ cũng chiến thắng cái phi nghĩa, gian tà, cái thiện bao giờ cũng chiến thắng cái ác, cái xấu. Những câu chuyện ngụ ngôn sẽ dần khắc sâu trong tâm hồn trẻ thơ, rồi kết tinh và trở thành những hành vi đạo đức trong cuộc sống hàng ngày. Học sinh tiểu học tiếp nhận văn học theo cách riêng của mình, những gì nặng nề về lý trí, suy tư không phù hợp với lứa tuổi cùa các em. Những bài học đạo đức, luân lý trong truyện ngụ ngôn đi vào tâm hồn các em một cách rất tự nhiên, đơn giản, gần gũi nhất là các trường họp thường gặp trong cuộc sống hàng ngày.
Con đường đi tới triết lí của truyện ngụ ngôn thường thông qua sự phê phán, phủ định rồi rút ra kết luận về sự đúng đắn. Răn dạy mặt trái của cuộc sống bằng sự phê phán sai lầm của người đời để chỉ cho học sinh thấy những sai lầm trong nhận thức và hành động sẽ dẫn đến những thất bại cay đắng, chẳng hạn như truyện Quạ và bồ câu (Quạ thấy bồ câu được nuôi ăn đầy đủ, nó bôi trắng lông mình rồi bay vào chuồng bồ câu. Đàn bồ câu thoạt đầu tưởng nó cũng là bồ câu như mọi con khác, liền cho nó vào chuồng. Nhưng quạ quên khuấy nguồn gốc của mình và cất tiếng kêu theo lối quạ. Bấy giờ họ nhà bồ câu xúm vào mổ và đuổi nó đi. Quạ bay trở về với họ nhà quạ, nhưng họ nhà quạ sợ hãi nó bởi vì nó trắng toát, và cũng đuổi nó đi nốt) là bài học lớn cho những kẻ sai lầm trong nhận thức và hành động; hay truyện Sư tử và chuột (con Chuột bị Sư tử bắt, nó cầu xin Sư tử tha cho nó một lần và hứa sẽ trả ơn. Sư tử bật cười vì điều Chuột nói nhưng vẫn thả cho Chuột đi. Một lần
Sư tử bị bác thợ săn bắt và lấy dây trói Sư tử vào thân cây. Chuột nghe thấy tiếng Sư tử gầm, chạy đến cắn đứt dây thừng và Cứu sư tử) là bài học làm điều tốt sẽ được trả ơn, báo đáp;... Có thể nói, truyện ngụ ngôn Tônxtôi là một bức tranh hiện thực đa sắc màu. Qua các câu chuyện học sinh không chỉ hứng thú với thế giới nhân vật là loài vật nhưng có hành động và suy nghĩ giống con người mà các em còn nhận thức được các triết lý, bài học ẩn chứa sau mỗi câu chuyện đó. Điều này giúp các em có một thái độ đúng đắn, biết đồng tình ủng hộ, yêu mến những người lương thiện, những việc làm tốt, biết lên án những bất công, đấu tranh với những cái xấu, cái ác, hình thành bản tính thiện trong mỗi con người.
-Giáo dục tình cảm:
Việc giáo dục tình cảm cũng được Tônxtôi rất coi trọng. Trong truyện ngụ ngôn của ông có rất nhiều câu chuyện đề cập đến tình cảm gia đình, tình cảm anh em, tình cảm giữa người với người trong xã hội. Ở truyện Cha và các con, qua việc yêu cầu các con hãy bẻ chiếc chổi sể và việc tháo rời chiếc chổi ra để bẻ, người cha muốn nhấn mạnh sức mạnh của sự đoàn kết, gắn bó. Đọc truyện, học sinh sẽ rút ra được bài học anh em trong gia đình phải biết đoàn kết, đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau. Chỉ khi anh em trong gia đình biết yêu thương, đùm bọc lẫn nhau thì gia đình mới hạnh phúc và nó chính là sức mạnh để giúp gia đình vượt qua mọi khó khăn, vất vả, cám dỗ của cuộc sống. Cùng đề cập đến tình cảm gia đình, truyện Chim cun cút và thợ săn lại đưa học sinh vào một tình huống khác. Một con chim cút bị mắc vào lưới thợ săn, nó van xin họ thả ra và hứa sẽ nhử những con cút khác vào lưới của. Kết quả con Chim cút đó đã bị người săn trừng phạt vì tội phản lại đồng loại. Qua câu chuyện, học sinh biết lên án hành động của con chim cun cút và tự rút ra cho mình bài học không nên sống ích kỷ, chỉ biết nghĩ đến bản thân mà sẵn sàng làm hại chính những người thân nhất của mình,...
Có thể nói truyện ngụ ngôn có giá trị rất lớn trong việc giáo dục tình cảm đạo đức cho học sinh tiểu học. Tuy nhiên, việc giáo dục này không chỉ được thực hiện trong một vài ngày mà cần phải có thời gian, cần phải trải qua cả một quá trình dài học tập và đúc kết kinh nghiệm sống. Thực hiện tốt quá trình giáo dục này sẽ góp phần hình thành ở học sinh những năng lực, phẩm chất cần thiết của con người mới đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của xã hội.
-Giáo dục thẩm mĩ:
Truyện ngụ ngôn Tônxtôi không chỉ giúp học sinh có một cái nhìn toàn diện về cuộc sống với nhũng triết lí nhân sinh, giáo dục học sinh về lối sống, tình yêu thương mà còn gợi lên ở học sinh những cảm xúc thẩm mĩ. Nói đến thẩm mĩ là nói đến cái đẹp, cái xấu, cái bi, cái hùng,.. Nhưng đối với học sinh tiểu học tính thẩm mĩ được nhìn nhận từ góc độ đạo đức, tức là giúp học sinh nhận biết và phân biệt được cái đẹp, cái xấu.
Truyện ngụ ngôn Tônxtôi không miêu tả vẻ đẹp hình dáng của một nhân vật cụ thể mà vẻ đẹp được nhắc tới đó là vẻ đẹp của tính cách và tâm hồn. Với giá trị hiện thực sâu sắc, những lời nói bóng gió chứa đựng những ẩn ý sâu xa, học sinh bước đầu nhận ra được cái đẹp, cái xấu. Qua những câu chuyện ngụ ngôn, học sinh được nghe, hiểu, cảm nhận về cái đẹp, học sinh được học những điều hay, lẽ phải, biết những việc gì mình nên làm và không nên làm. Dần dần những cái đẹp đó thâm sâu vào học sinh, tạo nên vẻ đẹp của tâm hồn. Chẳng hạn, trong truyện Công và sếu, Tônxtôi khẳng định một chân lý quen thuộc mà người đời vẫn thường nhắc tới đó là cái đẹp không phải xuất phát từ hình thức mà cái đẹp phải được thể hiện trong tâm hồn con người. Dù Công có bộ lông nhiều màu sắc, sặc sỡ nhưng nơi mà Công sống là nơi ẩm thấp, bẩn thỉu ngược lại bộ lông của Sếu xám xịt, không đẹp như lông Công nhưng nơi Sếu sống lại là trời cao. Lối sống của Sếu thể hiện mong muốn được vươn lên cao, hướng tới cái đẹp, cái hoàn thiện và đó mới chính là cái đẹp con người cần có trong cuộc sống.
Truyện Con Công cũng khẳng định vẻ đẹp của tâm hồn, trí tuệ mới là