Phần lớn các đối tác Nhật Bản nhập khẩu rau từ các doanh nghiệp xuất khẩu rau Đà Lạt đều là những bạn hàng truyền thống mà các doanh nghiệp đã thiết lập được mối quan hệ tốt và sự tin tưởng đối với họ. Vì vậy, phương thức thanh toán được các nhà xuất khẩu sử dụng phổ biến nhất là phương thức chuyển tiền bằng điện
(T/T) nhằm tiếp tục duy trì mối quan hệ làm ăn lâu dài với các đối tác nước ngoài. Đây cũng là phương thức thanh toán nhanh, đơn giản mà lại ít tốn kém chi phí, đồng thời tạo thuận lợi cho nhà nhập khẩu trong việc thanh toán tiền hàng, góp phần tăng khả năng cạnh tranh của rau Đà Lạt trong môi trường cạnh tranh khắc nghiệt như hiện nay. Phương thức này được sử dụng trong gần 70% trong tổng số đơn hàng xuất khẩu rau của Đà Lạt sang Nhật Bản.
Tuy nhiên, phương thức chuyển tiền bằng điện lại mang lại nhiều rủi ro cho nhà xuất khẩu, đặc biệt là khi nhà nhập khẩu đã nhận hàng nhưng lại cố tình lấy lí do để kéo dài việc thanh toán tiền hàng hoặc lấy lí do từ chối nhận hàng khi hàng đã được gửi đi, gây thiệt hại cho các doanh nghiệp xuất khẩu rau của Đà Lạt. Đặc biệt, do rau là một mặt hàng có vòng đời ngắn, khi mua nguyên liệu rau xuất khẩu thì các doanh nghiệp phải thanh toán ngay cho nông dân bằng tiền mặt, do đó nếu có bất kì sự chậm trễ nào trong thanh toán tiền hàng thì các doanh nghiệp có thể bị ảnh hưởng nặng nề.
Vì vậy, để khắc phục tình trạng này cũng như để hạn chế rủi ro thì các nhà xuất khẩu khi kí kết hợp đồng nên đàm phán để sử dụng phương thức chuyển tiền bằng điện trả trước một phần hoặc phương thức thanh toán bằng thư điện tử (L/C). Nếu thoả thuận thanh toán bằng phương thức L/C thì người xuất khẩu sẽ được đảm bảo thanh toán khi thực hiện đúng hợp đồng.