3.3.4.1. Củng cố thương hiệu rau Đà Lạt
Thương hiệu là công cụ để nhận diện và khác biệt hóa sản phẩm, là phương tiện bảo vệ hợp pháp các lợi thế và đặc điểm riêng của sản phẩm, khẳng định chất lượng, đưa hình ảnh của doanh nghiệp và sản phẩm, dịch vụ vào sâu trong tâm trí khách hàng, cũng chính là nguồn gốc của lợi thế cạnh tranh và lợi nhuận.
Tuy nhiên, trong thực tế chỉ gần đây mối quan tâm dành cho vấn đề xây dựng thương hiệu rau Đà Lạt mới bắt đầu gia tăng. Ở thị trường nước ngoài, trong đó có Nhật Bản, rau Đà Lạt xuất khẩu chủ yếu dưới hình thức không có thương hiệu, phải tiêu thụ với thương hiệu của nhà phân phối. Trong khi đó, người Nhật lại rất quan tâm đến các mặt hàng có thương hiệu. Điều này cũng là một khó khăn đối với rau Đà Lạt trong việc cạnh tranh để vào được một thị trường khó tính như Nhật Bản. Để rau Đà Lạt thực sự trở thành một thương hiệu trên thị trường đòi hỏi phải có sự đầu tư nghiêm túc, lâu dài. Đây là việc làm không chỉ của riêng doanh nghiệp mà là của toàn xã hội, từ chính sách, chủ trương của nhà nước và địa phương, các hoạt động canh tác của người nông dân, thu mua của thương lái, hợp tác xã…
Trước hết, công tác mở rộng áp dụng tiêu chuẩn VietGAP cần đi kèm với việc cấp nhãn hiệu chứng nhận. Ngoài việc gây dựng niềm tin, uy tín đối với người tiêu dùng, đây cũng là biện pháp để đảm bảo rau Đà Lạt được công nhận một cách rõ ràng về tiêu chuẩn chất lượng cũng như nguồn gốc xuất xứ, phòng ngừa và ngăn chặn các hành vi cố tình gây nhầm lẫn nhằm lợi dụng sức mạnh thương hiệu. Đầu tư cho quá trình sau thu hoạch theo đó cần đặc biệt quan tâm đến yếu tố bao bì, đảm bảo truyền tải đầy đủ các thông tin về nguồn gốc, xuất xứ, tiêu chuẩn chất lượng đến người tiêu dùng; ngoài ra còn có thể nêu thêm những hướng dẫn cụ thể để nhận diện sản phẩm rau Đà Lạt.
Tiếp đó, việc đăng ký nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý cần được thực hiện khẩn trương. Đối với công tác này, vai trò của Hiệp hội rau Đà Lạt càng cần phải được phát huy. Ở thị trường nước ngoài, Hiệp hội cần khuyến khích các doanh nghiệp xuất khẩu với đầy đủ các yếu tố thương hiệu đi cùng sản phẩm để có sự tiếp cận và thực hiện chức năng thông tin đối với người tiêu dùng, đồng thời giúp nâng cao giá trị xuất khẩu. Bên cạnh đó, Hiệp hội cũng có vai trò tìm hiểu, hướng dẫn và hỗ trợ để giúp doanh nghiệp hoàn thành các thủ tục đăng ký theo quy định của thị trường mục tiêu đầy đủ và kịp thời. Một khi cơ sở pháp lý đã hoàn chỉnh sẽ tạo điều kiện rất lớn cho việc đẩy mạnh và phát triển thương hiệu ở thị trường nước ngoài, trong đó có Nhật Bản.
Bên cạnh đó, trong quá trình xây dựng và phát triển nhãn hiệu, các doanh nghiệp cần lưu ý đặt tên nhãn hiệu mà ai cũng có thể đọc và dễ nhớ, chọn biểu tượng rõ
ràng, không cầu kì, nên chọn những tên và kí hiệu mang tính phổ quát, có ý nghĩa với thị trường Nhật Bản, tìm hiểu kĩ văn hoá Nhật Bản trước khi thiết kế nhãn hiệu.
3.3.4.2. Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại và quảng bá thương hiệu
Việc phát triển thương hiệu thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại và quảng bá thương hiệu là hết sức cần thiết. Những hoạt động này sẽ giúp quảng bá cho doanh nghiệp và sản phẩm rau Đà Lạt tới các đối tác nước ngoài nói chung và đối tác Nhật Bản nói riêng.
Nhìn chung đối với sản phẩm rau Đà Lạt hiện nay, hội chợ và triển lãm vẫn là biện pháp xúc tiến thương mại thông dụng nhất được sử dụng. Các đơn vị sản xuất và kinh doanh rau ở Đà Lạt nên thu hút thêm sự quan tâm chú ý của cộng đồng quốc tế như báo giới, khách du lịch, đối tác… thông qua các hội chợ ở trong nước. Đồng thời, các doanh nghiệp nên tích cực tham gia các hội chợ, triển lãm cũng như có các kế hoạch trưng bày sản phẩm tại các show room của Nhật. Việc tham gia các hội chợ chuyên ngành sẽ tạo cơ hội cho các doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm, gặp gỡ các đối tác kinh doanh, nhận biết đối thủ cạnh tranh… Hội chợ còn giúp cho các doanh nghiệp biết được xu hướng phát triển của thị trường, phản ứng của thị trường đối với sản phẩm.
Các doanh nghiệp cũng nên quan tâm hơn nữa đến việc quảng bá thương hiệu qua mạng internet. Đây là hình thức đơn giản nhất và dễ dàng nhất để thương hiệu tiếp cận với người tiêu dùng trong thời đại kĩ thuật số. Các doanh nghiệp cần chú trọng đẩy mạnh cung cấp đầy đủ và cập nhật thường xuyên các thông tin trên website của mình, đảm bảo chức năng thương mại điện tử thông tin và về lâu dài nên hướng đến giai đoạn thương mại điện tử giao dịch.