Giải pháp về nâng cao chất lượng rau xuất khẩu

Một phần của tài liệu KHÓA LUẬN tốt NGHIỆP XUẤT KHẨU RAU của THÀNH PHỐ đà lạt SANG THỊ TRƯỜNG NHẬT bản (Trang 69)

3.3.2.1. Lựa chọn giống phù hợp, năng suất cao

Để nâng cao chất lượng sản phẩm xuất khẩu sang một thị trường khó tính như Nhật Bản, trước hết thành phố cần tập trung đến công tác chọn giống cây trồng. Chọn được giống rau có năng suất cao, phù hợp nhu cầu thị trường sẽ giúp nâng cao sản lượng xuất khẩu.

Một điểm mạnh của ngành rau Đà Lạt là đã sử dụng hoàn toàn cây giống từ nuôi cấy mô, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc gieo trồng, rút ngắn thời gian sản xuất. Tuy nhiên, với định hướng mở rộng diện tích và quy mô sản xuất, các cơ sở sản xuất giống phải tăng cường đầu tư cho công tác nghiên cứu, lai tạo và nuôi cấy giống, đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu về giống tốt và sạch bệnh cho ngành rau Đà Lạt

nhằm đem lại chất lượng rau đồng đều và sản lượng ổn định, tạo ra các giống rau mang đặc thù riêng của Đà Lạt và đạt tiêu chuẩn xuất khẩu của Nhật Bản.

Bên cạnh đó, Đà Lạt cần tăng cường đầu tư về công nghệ, phát huy tối đa nguồn nhân lực, nâng cấp hệ thống sẵn có về nghiên cứu, chọn tạo, nhân và sản xuất giống để rút ngắn tối đa thời gian từ giai đoạn nghiên cứu giống rau xuất khẩu đến giai đoạn áp dụng giống rau đó để sản xuất đại trà. Việc áp dụng công nghệ cao vào quá trình tác động giống cây trồng đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ và đầu tư lâu dài của cơ sở sản xuất giống và các cơ quan nghiên cứu như Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng kĩ thuật nông nghiệp Lâm Đồng, Sở Khoa học và Công nghệ Lâm Đồng, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn… để cây giống được cải tạo và kiểm định đầy đủ, có chất lượng tốt, năng suất cao và phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, sinh thái của địa phương, như vậy sản phẩm rau Đà Lạt mới bảo toàn và phát huy được phẩm chất vốn có.

Các doanh nghiệp và hộ nông dân nên tìm hiểu kĩ lưỡng trước khi nhập khẩu giống từ nước ngoài, tăng cường công tác kiểm soát giống để tránh những dịch bệnh có thể lây lan do giống nhập khẩu, thực hiện quy trình khảo nghiệm về năng suất, chất lượng… của cây giống nhập khẩu.

3.3.2.2. Nâng cao kĩ thuật canh tác

Giống tốt phải được kết hợp nhuần nhuyễn với các biện pháp kĩ thuật canh tác tiên tiến thì mới phát huy được đầy đủ hiệu quả. Hiện nay, một bộ phận người nông dân Đà Lạt vẫn còn giữ vẫn còn giữ thói quen canh tác cũ mang tính thủ công và phụ thuộc vào thiên nhiên. Do đó, thành phố cần khuyến khích người nông dân chuyển đổi hình thức canh tác thủ công sang hình thức canh tác hiện đại ứng dụng kĩ thuật tiên tiến vào sản xuất như trồng rau trong nhà kính, nhà lưới, hệ thống phun tự động... Bên cạnh đó, thành phố cũng cần đẩy mạnh việc áp dụng các quy trình sản xuất đạt chuẩn quốc tế về vệ sinh an toàn thực phẩm, áp dụng các biện pháp kĩ thuật sản xuất theo tiêu chí quốc tế.

Quy trình trồng rau sạch do Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng kĩ thuật nông nghiệp Lâm Đồng đưa ra được áp dụng ở nhiều đơn vị đã đem lại hiệu quả cao trong sản xuất. Tuy nhiên, tỷ suất này còn có thể được nâng cao nếu việc nghiên cứu và áp dụng quy trình tiếp tục được thực hiện một cách chuyên sâu. Do mỗi loại

cây trồng có sự thích ứng riêng với lượng nước tưới, cách tưới, lượng phân bón, thời gian bón… trong quá trình gieo trồng và chăm sóc nên việc đưa ra quy trình sản xuất cho từng loại cây sẽ đem lại hiệu quả sản xuất cao hơn nữa.

Bên cạnh đó, thành phố cũng nên khuyến khích người nông dân sử dụng các dạng phân vi sinh và các dạng thuốc bảo vệ thực vật cho phép, tuân thủ đúng quy định về liều lượng và thời gian hợp lý, đồng thời hướng dẫn họ áp dụng các biện pháp sinh học an toàn vào sản xuất như trồng cây đậu để cải tạo đất, hay sử dụng thiên địch để diệt trừ sau bệnh thay cho các loại thuốc trừ sâu độc hại. Các doanh nghiệp sản xuất rau và các hộ nông dân cần thường xuyên cập nhật thông tin về các kĩ thuật canh tác mới, cách phòng trừ sâu bệnh; đồng thời tuân thủ nghiêm ngặt các phương thức canh tác, trồng trọt, chăm sóc của từng loại rau củ.

Việc tăng cường công tác nghiên cứu để nâng cao chất lượng và sản lượng sẽ góp phần phát huy những thế mạnh của ngành rau Đà Lạt, góp phần đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu rau của thành phố sang thị trường Nhật Bản - một thị trường luôn có những đòi hỏi cao về chất lượng cũng như độ an toàn của rau nhập khẩu. Công tác này cần được thực hiện với sự liên kết, phối hợp chặt chẽ của ngành rau Đà Lạt với các cơ quan, đơn vị nghiên cứu. Tuy nhiên, việc áp dụng rộng rãi các quy trình, biện pháp kĩ thuật ở tất cả các đơn vị sản xuất là không dễ dàng và không thể thực hiện trong ngắn hạn, do đó cần có sự kết hợp với các biện pháp khác như mở rộng quy hoạch, nâng cao nhận thức của các đơn vị sản xuất và kinh doanh rau, tuyên truyền, hỗ trợ về vốn, kiến thức và kĩ thuật của Nhà nước và địa phương thì mới đạt được hiệu quả.

3.3.2.3. Nâng cao công tác chế biến, bảo quản rau

Hiện nay, công nghiệp chế biến và bảo quản rau của thành phố Đà Lạt còn lạc hậu dẫn đến việc thành phố phải xuất khẩu sản phẩm sơ chế, trong khi rau tươi sau khi trải qua một chặng đường vận chuyển dài sang Nhật Bản sẽ bị hao hụt và giảm chất lượng. Do đó, trong thời gian tới, Đà Lạt cần nâng cao công tác chế biến, bảo quản rau xuất khẩu.

Các doanh nghiệp cần trang bị đầy đủ máy móc thiết bị, nhà xưởng cũng như hệ thống làm mát, bồn rửa sản phẩm, kho lạnh… để chế biến rau xuất khẩu, đồng thời chú trọng đến công tác an toàn vệ sinh thực phẩm và vệ sinh môi trường bằng cách

hướng đến việc đầu tư quy trình chế biến theo tiêu chuẩn ISO, HACCP…, và đảm bảo không sử dụng các loại hoá chất có hại trong quá trình chế biến và bảo quản rau.

Bên cạnh đó, thành phố cần tăng cường phổ biến thông tin, kiến thức về kĩ thuật chế biến và bảo quản rau cho các đơn vị thu mua hàng xuất khẩu, đồng thời tổ chức các buổi khuyến nông về công tác chế biến, bảo quản rau để giúp người nông dân và các doanh nghiệp nâng cao trình độ về chế biến và bảo quản rau. Ngoài ra, thành phố cũng nên liên kết với các trung tâm nghiên cứu trong nước, các trường nông nghiệp, các tổ chức quốc tế như Ausaid, GTZ, VNCI… để nghiên cứu phương thức chế biến và bảo quản rau phù hợp nhất.

Thành phố cũng cần các nhà máy để xử lí phần rau phế phẩm và có biện pháp tìm đầu ra cho lượng rau phế phẩm này để tiết kiệm tối đa lượng rau bị bỏ phí.

3.3.2.4. Công tác quản lý, kiểm soát chất lượng rau

Một thực trạng hiện nay là hầu hết các doanh nghiệp ở Đà Lạt chưa có một bộ phận riêng về kiểm soát chất lượng rau, trong khi Nhật Bản lại là một thị trường với những quy định khắt khe về chất lượng rau nhập khẩu. Vì vậy, thành phố cần đưa ra quy định bắt buộc các doanh nghiệp này phải có bộ phận quản lý và giám sát chất lượng để đảm bảo chất lượng rau qua các khâu từ sản xuất, chế biến, đóng gói, vận chuyển… của quá trình xuất khẩu, đồng thời ghi chép và lưu trữ những thông tin về tình hình chất lượng rau để trình bày khi có thanh tra.

Bên cạnh đó, thành phố cũng cần thường xuyên tiến hành các cuộc kiểm tra đột xuất các doanh nghiệp sản xuất nhằm đảm bảo chất lượng rau xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản nói riêng và thị trường thế giới nói chung; thực hiện chức năng giám sát và quản lý việc thực hiện hợp đồng giữa doanh nghiệp và các hộ nông dân; giám sát và quản lý việc thương thảo rau xuất khẩu của các doanh nghiệp; đồng thời có những biện pháp khen thưởng đối với những doanh nghiệp thực hiện tốt công tác về chất lượng và xử lí nghiêm những đơn vị vi phạm.

Một phần của tài liệu KHÓA LUẬN tốt NGHIỆP XUẤT KHẨU RAU của THÀNH PHỐ đà lạt SANG THỊ TRƯỜNG NHẬT bản (Trang 69)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(86 trang)