Giải pháp về nguồn cung ứng rau xuất khẩu

Một phần của tài liệu KHÓA LUẬN tốt NGHIỆP XUẤT KHẨU RAU của THÀNH PHỐ đà lạt SANG THỊ TRƯỜNG NHẬT bản (Trang 66)

3.3.1.1. Đảm bảo nguồn xuất khẩu hàng năm

Đà Lạt tuy có nhiều điều kiện thuận lợi từ tự nhiên nhưng lại chưa tận dụng được hết những tiềm năng này. Khả năng cung cấp của các doanh nghiệp vẫn còn hạn chế, trong khi Nhật Bản lại là một thị trường có nhu cầu cao về rau nhập khẩu. Vì vậy, việc đầu tiên mà các doanh nghiệp, cũng như các hộ trồng rau cần làm là gia tăng thêm sản lượng trên nền sản xuất nông nghiệp bền vững để có thể đáp ứng được những đơn hàng lớn từ phía Nhật Bản. Ngoài ra, các doanh nghiệp cần kí kết các hợp đồng dài hạn với các nhà cung cấp nguyên phụ liệu để sản phẩm có chất lượng ổn định, giao hàng kịp thời nhằm bảo vệ uy tín và có được sự tin tưởng của đối tác Nhật.

3.3.1.2. Phát triển, đa dạng hoá sản phẩm

Để tạo ra một nguồn hàng xuất khẩu ổn định, chất lượng cao và có khả năng cạnh tranh với các đối thủ khác tại thị trường Nhật Bản, các doanh nghiệp sản xuất rau của Đà Lạt cũng nên quan tâm đẩy mạnh đa dạng hoá sản phẩm. Ngoài 13 loại rau chủ lực đã được tập trung đầu tư nghiên cứu và cải tiến giống là bắp cải, cải thảo, xà lách, khoai tây, súp lơ, bó xôi, xà lách xoong, cà chua, đậu cô ve, ớt ngọt,

cà rốt, nấm bào ngư và hành tây, ngành rau Đà Lạt cần mở rộng nghiên cứu thêm các loại cây trồng khác để đa dạng hóa chủng loại, tiến tới sản xuất những loại rau có sức tiêu thụ lớn tại Nhật Bản như bí ngô, măng tây…

Bên cạnh đó, để nắm bắt được những thay đổi trong thị hiếu và nhu cầu tiêu thụ của người tiêu dùng Nhật Bản, doanh nghiệp cần tăng cường công tác thu thập thông tin để đảm bảo tính cập nhật.

3.3.1.3. Tăng cường hợp tác giữa doanh nghiệp xuất khẩu và người nông dân, các Hiệp hội ngành hàng

Hiện nay, phần lớn nguồn nguyên liệu cho rau xuất khẩu sang Nhật đều được các thương lái thu gom từ nông dân. Tuy nhiên, đại đa số nông dân Đà Lạt là những người sản xuất nhỏ, thiếu vốn. Họ dễ bị tổn thương do các tác động và biến động của thị trường. Mặt khác, sản xuất manh mún và tự phát đơn lẻ không thể tạo ra khả năng cạnh tranh và sức mạnh thị trường. Trong khi đó, các doanh nghiệp xuất khẩu lại phải từ chối các đơn hàng xuất khẩu lớn từ phía Nhật Bản vì không đáp ứng được khối lượng yêu cầu khi mà nhu cầu về rau nhập khẩu của quốc gia này lại có xu hướng tăng mạnh. Do đó, việc thiết lập mối quan hệ trong sản xuất và tiêu thụ giữa nhà nông (nhà sản xuất), nhà khoa học, nhà phân phối (doanh nghiệp) và Nhà nước là rất cần thiết.

Doanh nghiệp nên hỗ trợ cho người nông dân về vốn cũng như các giống rau tốt, sạch bệnh và các loại thuốc phù hợp để sử dụng cho loại rau đó, đồng thời phổ biến các kĩ thuật sản xuất mới nhằm giúp người nông dân có thể nắm bắt kịp thời và áp dụng vào thực tiễn sản xuất.

Giữa các doanh nghiệp xuất khẩu và người nông dân cũng cần có sự ràng buộc thực hiện các điều khoản hợp đồng, thoả thuận rõ ràng về các điều kiện như quyền lợi giữa các bên, khả năng đáp ứng nhu cầu của người nông dân về nguồn hàng cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp phải đảm bảo thu mua đúng số lượng cũng như giá cả đã thoả thuận với người dân; còn các nông hộ phải giữ cam kết tuân theo kĩ thuật mà doanh nghiệp yêu cầu. Thành phố Đà Lạt cũng cần thực hiện tốt chức năng giám sát và quản lý việc thực hiện hợp đồng này, và có những biện pháp xử lí nghiêm đối với các trường hợp vi phạm.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần liên kết với Hiệp hội ngành hàng để thu thập và cập nhật các thông tin thị trường rau trong nước và xuất khẩu, xu hướng tiêu thụ, cung cầu tại thị trường Nhật Bản…, từ đó vạch ra chiến lược, hướng đi đúng đắn cho việc sản xuất và xuất khẩu rau sang thị trường này.

Đối với các doanh nghiệp không thể đáp ứng được những đơn hàng xuất khẩu có khối lượng lớn thì nên hợp tác với các doanh nghiệp khác để cùng thực hiện hợp đồng, và tạo ra một khối lượng lớn các sản phẩm đạt tiêu chuẩn.

3.3.1.4. Đẩy mạnh đầu tư trang thiết bị

Để có đủ sức cung ứng rau thường xuyên cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, các doanh nghiệp cần có chiến lược đầu tư các trang thiết bị như máy móc, dây chuyền sản xuất… Đặc biệt, các doanh nghiệp nên đầu tư trang bị hệ thống kho lạnh để có thể dự trữ một nguồn hàng ổn định với chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu rau quanh năm, và không cần phải lo lắng việc không đáp ứng được những đơn đặt hàng của Nhật Bản trong mùa trái vụ do chất lượng rau không đạt tiêu chuẩn để xuất khẩu sang thị trường này.

Đồng thời, các doanh nghiệp nên tiếp tục triển khai, đưa vào hệ thống trang trại công nghệ nhà kính trong sản xuất rau an toàn, chất lượng tốt. Việc mở rộng đầu tư xây dựng sản xuất rau đại trà chuyển dần theo hướng công nghệ cao có hệ thống nhà kính, hệ thống tưới tiêu, sử dụng đất sạch, màng phủ nông nghiệp… sẽ giúp Đà Lạt có thể sản xuất rau quanh năm mà không phải lệ thuộc nhiều vào mùa vụ và có được một lượng rau cung cấp liên tục cho xuất khẩu.

3.3.1.5. Cải thiện hệ thống phân phối

Để rau Đà Lạt có thể được xuất khẩu mạnh hơn nữa vào thị trường Nhật Bản thì khâu phân phối rau phải được quan tâm đúng mức. Về cơ bản, mạng lưới phân phối và tiêu thụ rau như hiện tại tương đối thích hợp với điều kiện kinh tế, tập quán sản xuất và quy mô của ngành rau Đà Lạt. Trước mắt, thành phố cần củng cố các kênh lưu thông hàng hóa, mạng lưới tiêu thụ rau xuất khẩu hiện tại cũng như gắn người sản xuất với hệ thống cung ứng rau xuất khẩu.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần xây dựng các mối quan hệ với người nhập khẩu hoặc người môi giới để tạo nguồn cầu ổn định, đồng thời củng cố mối quan hệ

giữa người sản xuất, các đơn vị xuất khẩu và các doanh nghiệp chế biến để đảm bảo các khâu của quá trình xuất khẩu được thực hiện nhịp nhàng.

Ngoài ra, thành phố Đà Lạt cũng nên thành lập các hợp tác xã chuyên về sản xuất rau. Những hợp tác xã này có thể chủ động liên hệ với các kênh tiêu thụ rau trong địa bàn tỉnh, cũng như tự chủ trong việc điều phối sản xuất, kiểm tra chất lượng sản phẩm, đồng thời đại diện cho nông dân thoả thuận giá cả mua bán, lên kế hoạch và quản lý quá trình sản xuất của nông dân theo nhu cầu của khách hàng, gắn hoạt động sản xuất với nhu cầu của thị trường Nhật Bản.

3.3.1.6. Nâng cấp hệ thống thông tin

Người sản xuất rau ở Đà Lạt trước nay thường không quan tâm nhiều đến các thông tin thị trường mà chủ yếu sản xuất theo kinh nghiệm cá nhân nên lượng rau cung ứng cho xuất khẩu của thành phố chưa được ổn định, gây khó khăn cho việc thực hiện đúng đơn hàng và làm giảm khả năng giành được những hợp đồng lớn từ phía các đối tác nước ngoài nói chung và các đối tác Nhật Bản nói riêng.

Trong thời gian tới, Đà Lạt nên xây dựng một hệ thống thông tin đa chiều nhằm giúp các thành phần tham gia xuất khẩu có thể cập nhật, nắm bắt thông tin một cách tốt nhất. Để xây dựng được hệ thống thông tin hiệu quả, thành phố cần đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thông tin để đảm bảo thông tin được truyền đi kịp thời và đầy đủ, tăng cường tần suất các bản tin thị trường, chương trình khuyến nông…

Một phần của tài liệu KHÓA LUẬN tốt NGHIỆP XUẤT KHẨU RAU của THÀNH PHỐ đà lạt SANG THỊ TRƯỜNG NHẬT bản (Trang 66)