Ngoài việc bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên, rất cần có một cách nhìn nhân văn trong việc nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đội ngũ giáo viên, có như vậy họ mới yên tâm công tác, toàn tâm, toàn ý trong công việc. Người quản lý hiểu và làm được như vậy nghĩa là đã góp phần nâng cao chất lượng và tạo động lực cho nguồn nhân lực.
Hiện nay, phần lớn giáo viên cho rằng yếu tố động lực, đặc biệt là chế độ chính sách đối với giáo viên làm hoạt động chủ nhiệm là chưa hợp lý. Qua kết quả khảo sát ta thấy có đến 73% số giáo viên được hỏi cho rằng chế độ chính sách đối với giáo viên làm hoạt động chủ nhiệm là không hợp lý, trong khi chỉ có 7% số giáo viên được hỏi cho rằng các yếu tố tạo động lực là hợp lý, 20% còn lại cho rằng các yếu tố tạo động lực là ít hợp lý. Hiện nay chế độ của giáo viên chủ nhiệm được tính là 4 tiết trong 1 tuần. Song, thực tế cho thấy nhiều công việc đòi hỏi giáo viên chủ nhiệm phải dành rất nhiều thời gian, công sức, tâm huyết, kiên trì cho công việc mới đem lại hiệu quả giáo dục cao. Hình thức khen thưởng, chế độ, chính sách đối với giáo viên làm hoạt động chủ nhiệm chưa rõ ràng và chưa tương xứng với đặc thù của công việc mà họ đảm nhận. Thực tế cho thấy có không ít giáo viên ngại làm hoạt động chủ nhiệm. Qua đó cho ta thấy cần có một cách nhìn mới: cảm thông, nhân văn hơn đối giáo viên làm hoạt động chủ nhiệm lớp. Các cán bộ quản lý, lãnh đạo nhà trường cần có biện pháp bồi dưỡng để nâng cao nhận thức, tư tưởng, chính trị, phẩm chất, đạo đức, lối sống, chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên, song song với nó là chế độ, chính sách, đãi ngộ những GVCN giỏi, có tâm huyết, có thành tích, có cống hiến. Có như vậy nhà trường mới có được một đội ngũ giáo viên làm hoạt động chủ nhiệm tốt, toàn tâm, toàn ý cho công việc.
77