Tất cả mọi học sinh THPT, theo cách này hay cách khác đều vấp phải cùng các vấn đề mà giáo viên cần phải tìm hiểu, như: sự phát triển tự ý thức, giao tiếp với bạn cùng tuổi và sự tìm kiếm tình bạn tình yêu cùng những trăn trở về giới tính, sự lựa chọn nghề nghiệp và sự tự quyết về mặt đạo đức - xã hội.
- Đặc điểm phát triển nhận thức, trí tuệ
So với lứa tuổi học sinh THCS, hoạt động của THPT đa dạng, phong phú hơn. Hoạt động học tập có những tính chất, nội dung riêng, đặc thù, yêu cầu cao
về tính năng động, độc lập, gắn liền với xu hướng học tiếp lên cao hay học nghề, đi làm. Do vậy, đòi hỏi khả năng nhận thức cao, tư duy lý luận, khả năng khái quát hóa, khả năng suy đoán logic. Tính phân hóa của hoạt động học tập thể hiện
rõ hơn, cao hơn do xu hướng chọn nghề chi phối. Bên cạnh đó, hoạt động chọn
nghề chi phối nhiều đến đời sống tâm lý của học sinh. Ngoài ra, các hoạt động xã hội khác nhau thu hút sự tham gia của học sinh cũng có ảnh hưởng tích cực
đến sự phát triển tâm lý, nhân cách ở các em, làm phong phú thêm đời sống nội tâm và giúp các em có được những kinh nghiệm xã hội bổ ích. Các đặc điểm hoạt động của học sinh lứa tuổi này cũng chi phối sự phát triển mặt nhận thức, trí tuệ ở các em.
- Sự phát triển trong giai đoạn tuổi dậy thì
Tuổi dậy thì là thời kỳ xảy ra những biến động mãnh liệt về tâm lý của mỗi con người, cũng là thời kỳ then chốt của phát triển tâm lý. Đây là thời kỳ học sinh phải đối phó với những đổi thay to lớn trong môi trường học tập và rất nhiều những yêu cầu mới của xã hội. Con người đứng trước những thay đổi sinh lý hình thái rất đột ngột về cơ thể, và tất nhiên sẽ dẫn đến hàng loạt những biến động tâm lý. Vì ở thời kỳ quá độ nên đặc trưng tâm lý vừa còn vương chút trẻ con lại có những mầm mống mới nhú của tâm lý người lớn. Đặc điểm tâm lý thời kỳ này có 4 đặc điểm chung như sau:
Một là, về mặt phát triển trí lực và thể lực thì tuổi dậy thì là thời kỳ hoàng
kim để phát triển trí lực. Chẳng hạn về sức nhớ, nam từ 11-12 tuổi, nữ từ 10-11 chuyển từ ghi nhớ máy móc đã phát triển một phần sang ghi nhớ có ý nghĩa.
38
Nam từ 14-15 tuổi, nữ từ 13-14 tuổi, nhớ được từng phần theo ý nghĩa đã phát triển tới nhớ được theo ý nghĩa toàn bộ. Về tư duy, từ tư duy cụ thể, tư duy lấy tôi làm trung tâm đã phát triển tới dư duy logic, trừu tượng. Về mặt học tập, động cơ, thái độ, hứng thú và năng lực học tập đều được nâng cao. Vì các môn học nhiều thêm, nội dung đã phân biệt, nên tư duy trừu tượng logic được dịp phát triển mạnh. khả năng phân tích, tổng hợp, suy luận và phán đoán cũng được nâng cao. Do thân hình lớn vổng lên, chuyển hoá trong cơ thể mạnh mẽ, hiếu động luôn chân luôn tay, tựa như toàn thân chỗ nào cũng dư thừa sức lực, nhất là trong những hoạt động tranh đua, cùng với sự tự ý thức hơi quá và lòng tự tôn hừng hực, tạo nên sự bất kham, mọi trường hợp đều muốn bộc lộ nguyện vọng mãnh liệt của bản thân. Có khi làm đến cật lực mà lòng cảm thấy rất hào hứng, quên mất sự điều chỉnh sao cho thoả đáng, do đó ảnh hưởng đến sức khoẻ. Tóm lại thời kỳ này đã thể hiện đầy đủ người thanh niên có lý tưởng, có lòng tiến thủ và dồi dào sức khỏe.
Hai là, về tính tình: ở bước đầu và bước vào giữa của tuổi dậy thì, có sự
bộc lộ hết sức mạnh mẽ về tính tình rất không ổn định, rất dễ chuyển từ cực này sang cực kia. Sở dĩ gọi là tính lưỡng cực trong tính nết của thanh niên là, họ có biểu hiện trong tính tình khẳng định và phủ định, tích cực và tiêu cực, khẩn trương và buông lỏng, hoạt động và lập lờ, yêu và ghét, vui vẻ và buồn nản, hấp tấp và bình tĩnh, cáu bẳn và bình ổn.... Ví dụ xem một bộ phim có ý nghĩa, nghe buổi nói chuyện cảm động, liền hạ quyết tâm, noi gương nhân vật anh hùng điển hình, làm người tốt việc tốt. Nhưng khi bị bạn bè hoặc bạn học châm chọc dè bỉu, thì họ lại dễ thối chí bỏ cuộc, cho mình là ngốc nghếch. Tính hai cực ở thanh niên, tất nhiên có nguồn gốc ở cơ chế sinh lý, nhưng nó có nguyên nhân xã hội. nếu phân tích theo cơ chế sinh lý thì, tính nết là kết quả của hoạt động phối hợp của vỏ đại não và thần kinh giao cảm dưới lớp vỏ đó. Ở tuổi dậy thì chức năng nội tiết phát triển rất mau lẹ, nhưng tác dụng ức chế của vỏ não thì chưa tới mức hoàn hảo, nên có đặc trưng là tính nết ở tuổi này rất thất thường. Còn nếu phân tích theo nguyên nhân xã hội thì thanh niên có nhiều nhu cầu rất mãnh liệt, ra sức muốn biểu hiện sức lực của mình. Nhưng chưa có được nhận thức đầy đủ với tính cách phức tạp của xã hội, chưa hiểu thấu tính hợp lý và tính khả thi trong
39
hành vi của bản thân, cũng chưa xác lập được một nhân sinh quan đúng đắn, nguyện vọng và hiện thực không thống nhất được, nên dẫn đến những xao động rất lớn trong tính tình. Nhưng nhìn chung vẫn là tính nết mạnh mẽ, tình cảm phong phú và nhiệt tình sôi sục, đó vốn là mặt chủ đạo của tuổi này.
Ba là, nhìn theo hướng phát triển cá tính thì, ở thời kỳ này sự tự quan sát,
tự đánh giá, tự thể hiện, tự đôn đốc, tự khống chế... đều được tăng cường. Ở thời kỳ này đã bắt đầu có cảm nghĩ mình là người lớn, thầm lặng cảm thấy mình đang lớn dần thành người lớn. Vì tự ý thức được như thế nên tính tự giác cũng được nâng cao nhanh chóng, luôn hướng lên trên, ngả theo lẽ phải, nôn nóng tìm kiếm cái cốt lõi của cuộc sống. Ý thức xã hội được tăng cường mau chóng, rất nhạy bén với mọi biến động của xã hội, dám nói lên ý kiến và nhân định của bản thân và khao khát muốn được người khác đánh giá, hết sức quan tâm đến sự phát triển tài năng bản thân và trau dồi đạo đức, phẩm chất. Khả năng tự kiềm chế dần được nâng cao, hành vi thiếu tự chủ dần giảm bớt, biết khống chế hành vi của mình theo khuôn phép của xã hội. Nếu so với người lớn thì ở tuổi này còn dễ bị ảnh hưởng bởi hoàn cảnh bên ngoài, bởi tính nết, tình cảm. Đây là thời kỳ quan trọng để phát triển tính cách và ý thức đạo đức.
Bốn là, nếu nhìn theo hướng phát triển tâm lý giới tính thì ở tuổi dậy thì
có thể chia tâm lý về giới tính ra làm 3 giai đoạn: giai đoạn có ý thức phân biệt người khác giới, khi đến tuổi 14-15, thiếu niên nam nữ bắt đầu phát dục, đặc trưng thứ 2 về giới tính đã lộ rõ, biến đổi về sinh lý dẫn đến biến đổi về tâm lý, ý thức được sự khác nhau giữa hai giới, bắt đầu có thái độ né tránh bạn khác giới. Khi không né tránh được thì thẹn thùng, xấu hổ. Trong giai đoạn này thân thể đã phát triển đến mức gần như người lớn, thanh niên nam nữ thích gần nhau, nảy sinh tình cảm và mến mộ nhau. Giai đoạn “mối tình đầu” cũng là cuối kỳ tuổi dậy thì.
- Sự phát triển ý thức nghề nghiệp và sự chuẩn bị cho cuộc sống tương lai
Học sinh THPT là những người đang học ở các lớp cuối của hệ thống giáo dục phổ thông. Việc chọn nghề và tính tự quyết mang tính đạo đức - xã hội là quan trọng nhất của lứa tuổi này. Về bản chất thì đây là các khía cạnh khác nhau
40
của cùng một vấn đề bởi vì chúng không chỉ trả lời cho câu hỏi học sinh đặt ra “Mình sẽ là ai?” trong khuôn khổ của sự phân công lao động xã hội (lựa chọn ngành nghề), mà còn trả lời câu hỏi “Mình sẽ là người như thế nào?” (sự tự quyết mang tính đạo đức).
Việc chọn nghề gì sẽ liên quan đến toàn bộ kế hoạch đường đời của học sinh, vì thế, khác với học sinh THCS, ý thức chọn nghề ở học sinh THPT có ý nghĩa nghiêm túc, trực tiếp, cấp bách. Tự quyết nghề nghiệp là một quá trình nhiều giai đoạn, có thể nhìn nhận dưới nhiều góc độ khác nhau. Trước hết, đó như là một loạt các nhiệm vụ mà xã hội đặt ra trước người thanh niên và người thanh niên này phải giải quyết trong một thời gian xác định. Thứ hai, như một quá trình ra quyết định, qua đó, một mặt, cá nhân thiết lập sự cân bằng giữa những mong muốn với thiên hướng của mình, mặt khác, giữa mong muốn của mình với hệ thống phân công lao động xã hội. Thứ ba, như một quá trình hình thành phong cách sống của cá nhân mà hoạt động nghề nghiệp là một phần trong đó. Như vậy, chọn nghề là một vấn đề có ý nghĩa quan trọng không chỉ với cá nhân, mà còn cả với xã hội nữa.