3.2.3.1. Mục tiêu
Việc lựa chọn phân công hợp lý, hiệu quả GVCN lớp sẽ giúp cho công tác giáo dục toàn diện học sinh của nhà trường được triển khai một cách thuận lợi, mang lại kết quả cao. Đồng thời làm cho các biện pháp giáo dục của nhà trường đến được tất cả các đối tượng học sinh.
3.2.3.2. Nội dung biện pháp
Có thể phân công theo 2 phương án sau:
+ Phương án 1: Phân công GVCN lớp từ đầu năm lớp 10 và liên tục chủ nhiệm lớp đó cho đến lớp 12. Phương án này có điểm tích cực ở chỗ với việc chủ
91
nhiệm liên tục trong cả 3 năm học GVCN lớp sẽ nắm vững đặc điểm tâm lý, hoàn cảnh sống, năng lực cá nhân của từng học sinh đồng thời sẽ giúp cho GVCN lớp thuận lợi hơn trong việc xây dựng kế hoạch hoạt động chủ nhiệm lớp (nếu chỉ chủ nhiệm một năm thì chỉ có thể xây dựng được kế hoạch hoạt động chủ nhiệm lớp trong vòng một năm, nếu chủ nhiệm cả 3 năm thì GVCN lớp ngoài việc xây dựng kế hoạch chủ nhiệm lớp cho từng năm còn có thể xây dựng được kế hoạch chủ nhiệm lớp cho cả 3 năm học), đó là điều kiện thuận lợi cho GVCN lớp triển khai các dự định, những ý tưởng giáo dục của mình một cách hiệu quả nhất. Tuy nhiên phương án này cũng có mặt hạn chế ở chỗ nếu GVCN lớp thiếu sự sáng tạo trong công tác quản lý, điều hành lớp, các biện pháp giáo dục sẽ trở lên đơn điệu, nhàm chán làm cho các em học sinh không có hứng thú cộng tác, hiệu quả giáo dục vì thế sẽ không cao.
+ Phương án 2: Phân công GVCN lớp theo đặc điểm tình hình đội ngũ giáo viên của nhà trường từng năm học. Có nghĩa là GVCN lớp có thể chủ nhiệm lớp A năm học này, năm học sau lại chủ nhiệm lớp B mà không theo lớp A trong suốt cả 3 năm học THPT. Phương án này có điểm tích cực là học sinh được giáo dục qua nhiều phương pháp khác nhau mà không gây sự nhàm chán. GVCN lớp sẽ có điều kiện áp dụng biện pháp giáo dục của mình với nhiều đối tượng học sinh khác nhau qua đó sẽ tích lũy được nhiều kinh nghiệm giáo dục hơn. Tuy nhiên cũng có điểm hạn chế ở chỗ sẽ làm cho mối quan hệ giữa GVCN với học sinh thiếu gắn bó chặt chẽ, việc theo dõi và phát triển nhân cách học sinh bị gián đoạn, khó có thể triển khai được kế hoạch hoạt động chủ nhiệm lớp mang tính chiến lược.
3.2.3.3. Cách tiến hành
Trước hết BGH nhà trường có buổi họp với nội dung dự kiến phân công GVCN trước khi năm học bắt đầu. Việc phân công GVCN cần căn cứ vào các yêu cầu về:
+ Trình độ chuyên môn của giáo viên.
+ Kinh nghiệm giáo dục học sinh, kinh nghiệm làm hoạt động chủ nhiệm lớp của giáo viên.
92
+ Các kỹ năng cơ bản mà GVCN lớp cần phải có như kỹ năng tìm hiểu đặc điểm tâm lý học sinh, kỹ năng xây dựng kế hoạch hoạt động chủ nhiệm lớp, kỹ năng xây dựng tập thể lớp, kỹ năng tổ chức giờ sinh hoạt lớp, kỹ năng ứng phó với căng thẳng và quản lý cảm xúc của bản thân, kỹ năng quản lý toàn diện hoạt động của học sinh trong một lớp v.v.
+ Điều kiện hoàn thành nhiệm vụ được giao như điều kiện gia đình, điều kiện sức khỏe v.v.
3.2.3.4. Điều kiện thực hiện
Để lựa chọn, phân công được GVCN lớp đạt hiệu quả cao nhất lãnh đạo nhà trường cần tranh thủ ý kiến đóng góp, xây dựng của các tổ chức đoàn thể trong trường như tổ chuyên môn, Công đoàn, Đoàn thanh niên, các giáo viên có nhiều kinh nghiệm trong công tác quản lý học sinh thậm chí có thể tìm hiểu năng lực của GVCN lớp thông qua kênh thăm dò phản hồi từ học sinh.