Nâng cao tính chuyên nghiệp của báo chí hiện đại

Một phần của tài liệu Luận văn ThS. Truyền thông đại chúng Tác động của mạng xã hội đến giới trẻ (Trang 104)

7. Kết cấu của luận văn

3.3.5Nâng cao tính chuyên nghiệp của báo chí hiện đại

Có thể nói rằng, tính chuyên nghiệp của báo chí là nhu cầu bức thiết và là vấn đề lớn của báo chí thế giới nói chung và báo chí Việt Nam nói riêng. Chính vì vậy, nâng cao tính chuyên nghiệp của đội ngũ nhà báo là một yêu cầu cấp thiết trong quá trình hội nhập.

Tại hội thảo khoa học về chủ đề “Tính chuyên nghiệp của báo chí hiện đại

– những vấn đề lý luận và thực tiễn” do Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với

Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức ngày 18/06/2013 ở Hà Nội, PGS.TS Nguyễn Văn Dững – Phó trưởng khoa Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho rằng: “Để nâng cao tính chuyên nghiệp của báo chí, các cơ sở đào tạo

cần chú trọng hơn nữa đến vấn đề giáo dục lý tưởng hành nghề và ý thức tự giác về nghề cho sinh viên. Lý tưởng hành nghề và ý thức tự giác về nghề nghiệp không chỉ dừng lại ở thông điệp chính trị mà là bắt nguồn từ việc trang bị những kiến thức nền tảng về nghề. Bên cạnh đó, cần thiết tổ chức, sắp xếp, quy hoạch lại hệ thống báo chí theo hướng chú trọng hiệu quả hoạt động thay vì kiểu mặt trận cơ cấu. Mặt khác tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý đảm bảo cho báo chí hoạt động một cách binh chủng, xung kích trên mặt trận thông tin và công tác tư tưởng. Một trong những vấn đề cơ bản then chốt và chủ yếu nhất của báo chí trong cơ chế thị trường là giải quyết tốt mâu thuẫn giữa lợi ích kinh tế và lợi ích chính trị, xã hội. Đồng thời báo chí cần nâng cao chất lượng thông tin và đảm bảo quyền được thông tin của nhân dân. Ngoài ra, sự tự học, tự rèn luyện nghiêm túc,cần mẫn, cầu thị, trên cơ sở nền tảng kiến thức ban đầu của mỗi nhà báo có ý nghĩa rất quan trọng trong việc bồi dưỡng , nâng cao tính chuyên nghiệp của hoạt động báo chí”. Nhà báo Phan Quang, nguyên Chủ tịch Hội Nhà

báo Việt Nam khẳng định, việc nâng cao tính chuyên nghiệp của báo chí trước hết là phải nâng cao tính chuyên nghiệp của phóng viên và điều đó quan hệ biện chứng với cách quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện của cơ quan báo chí. Ông cũng thẳng thắn khi cho rằng, để đảm báo tính chuyên nghiệp của nhà báo và cơ quan báo chí, phải giải quyết đồng bộ các vấn đề từ tự chủ kinh tế cho báo bằng các nguồn thu quảng cáo chính đáng, hàng lang cho báo chí hoạt động.

Tính chuyên nghiệp của báo chí không phải là một cái gì đó có sẵn, bất biến mà là những tiêu chuẩn, quy tắc, nguyên tắc, giá trị đòi hỏi các nhà báo, cùng các đơn vị, cá nhân có liên quan đến hoạt động báo chí phải phấn đấu liên tục và hướng tới thường xuyên trong hoạt động nghề nghiệp của mình. Tính chuyên nghiệp đó được hình thành bởi sự tác động và quan hệ của bốn yếu tố sau đây: nhà báo, hệ thống tổ chức – quản lý báo chí, hệ thống luật pháp, công chúng. Hệ thống pháp luật đầy đủ, chi tiết, cụ thể sẽ tạo ra hành lang pháp lý cho nhà báo, các cơ quan quản lý báo chí và công chúng hoạt động hiệu quả, phát huy hết khả năng của mình. Đồng thời đó cũng là cơ sở pháp lý để đánh giá tài năng của nhà báo và chất lượng của báo chí. Cơ quan tổ chức, quản lý hoạt động báo chí là những bộ phận có mối liên hệ trực tiếp, thường xuyên với nhà báo và các phòng ban chức năng để định hướng cho sự hoạt động của báo chí, để kịp thời phát hiện ra những bài báo xuất sắc, những nhà báo tài năng và kịp thời điều chỉnh những quy trình, nguyên tắc cho phù hợp với đòi hỏi của thực tiễn. Tòa soạn là đơn vị trực tiếp quản lý hoạt động của nhà báo về các mặt chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp. Lãnh đạo các tòa soạn báo là những người trực tiếp định hướng cho phóng viên cần phải đi sâu giải quyết những vấn đề gì mà công chúng và xã hội yêu cầu. Người đứng đầu các tòa báo luôn luôn phải chịu nhiều sức ép từ mọi phía. Một tờ báo có tính chuyên nghiệp cao là tờ báo dám phanh phui những sai phạm, dám đấu tranh chống lại cá nhân tiêu cực tham nhũng dù ở vị trí nào trong xã hội để bảo vệ quyền lợi của nhân dân. Một tờ báo có tính chuyên nghiệp là tờ báo có cơ cấu giữa các trang, các bài hợp lý, chú trọng nội dung và không ngừng nâng cao chất lượng bài viết ở mọi lĩnh vực. Cách trình bày khoa học, đẹp mắt, kỹ thuật in ấn đạt đến trình độ thẩm mỹ cao cũng là yếu tố góp phần nâng cao tính chuyên nghiệp của một tờ báo. Người đứng đầu các đơn vị hoạt động báo chí hoặc các chuyên viên làm việc ở các cơ quan quản lý báo chí không chỉ quản lý báo chí theo luật, mà còn phải làm việc với tất cả đạo đức, lương tâm và trách nhiệm của mình thì báo chí mới có thể đạt được và giữa vững tính chuyên nghiệp. Và công chúng là một lực lượng xã hội đông đảo có vị trí,

vai trò hết sức quan trọng trong quá trình hình thành tính chuyên nghiệp của báo chí. Công chúng không phải chỉ là đối tượng được phục vụ mà báo chí hướng tới, mà còn là nơi cung cấp thông tin kịp thời, chính xác cho nhà báo. Họ tạo ra dư luận xã hội mạnh mẽ, góp phần cùng báo chí giám sát xã hội, thẩm định chất lượng các thông tin được đăng tải trên báo chí và các cơ quan truyền thông, qua đó tác dụng điều chỉnh xã hội kịp thời.

Một phần của tài liệu Luận văn ThS. Truyền thông đại chúng Tác động của mạng xã hội đến giới trẻ (Trang 104)