7. Kết cấu của luận văn
3.2.2 Tái cơ cấu để phát triển
Theo PGS.TS Nguyễn Đức Dũng, từ thập niên cuối cùng của thế kỉ XX đến nay, chúng ta đã chứng kiến sự bùng nổ của những xu thế mới có ảnh hưởng rất mạnh mẽ đến sự phát triển của các quốc gia trên toàn cầu. Trong đó nổi bật nhất là xu thế toàn cầu hóa – một đặc trưng của thời đại mới, thời đại chuyển đổi sang nền kinh tế thứ ba – nền kinh tế tri thức. Trước hết, xu thế đó diễn ra trong hoạt động công nghệ thông tin vốn rất gắn bó và nhạy cảm đối với hoạt động thông tin đại chúng [10,tr.25].
Quả thực, công nghệ thông tin là tiền đề hình thành mạng xã hội, từ đó ảnh hưởng mạnh mẽ đến hoạt động truyền thông đại chúng. Trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin hiện nay, không một ai có thể hoàn toàn đứng biệt lập với sự tác động của hoạt động truyền thông đại chúng, trong đó có mạng xã hội. Báo chí ở Việt Nam cũng đang chịu những sự tác động mạnh mẽ như vậy. Đặc biệt, sự phát triển của mạng xã hội đang đe dọa nghiêm trọng đến báo chí truyền thống ở phương diện công chúng. Đa phần người sử dụng mạng xã hội đều là giới trẻ, và nhóm công chúng này đang có sự dịch chuyển trong cách thức thu thập và chia sẻ thông tin. Báo chí không còn là nguồn phát thông tin duy nhất, hàng ngày, bỏ ra một thời gian dài tham gia mạng xã hội, giới trẻ đang dần chuyển hướng sang thu thập những thông tin cần thiết thông qua mạng xã hội, truy cập các sản phẩm báo chí thông qua mạng xã hội. Báo chí truyền thống đang có nguy cơ mất dần nhóm công chúng có số lượng lớn này vào truyền thông mạng xã hội nếu không có những chiến lược thay đổi đúng đắn.
Trong tương lai, cả báo chí lẫn mạng xã hội đều sẽ có những sự phát triển vượt bậc. Các loại hình báo chí sẽ cùng phát triển và có sự cạnh tranh với nhau để phân chia lại nhóm công chúng nói chung và công chúng là giới trẻ nói riêng. Các mạng xã hội cũng có sự cạnh tranh để giành số lượng người sử dụng, những mạng xã hội nào có càng nhiều tính năng, tiện ích thì sẽ càng thu hút nhiều người sử dụng. Đồng thời, có sự cạnh tranh thông tin giữa báo chí chính thống và báo chí phi chính thống (mạng xã hội). Số người truy cập mạng xã hội trong đó đa phần là những người trẻ tuổi để tìm kiếm thông tin ngày càng nhiều, điều này tác động trực tiếp đến sự phát triển của báo chí truyền thống.
Mạng xã hội đang định hình lại kỹ nghệ đưa tin. Báo chí đang chuyển từ thuần túy văn hóa nghe, nhìn hay đọc sang hội nhập với văn hóa đối thoại. Nguyên tắc đầu tiên của đối thoại là lắng nghe và mạng xã hội đang cung cấp cho ngành công nghệ này thứ công cụ nghe tuyệt vời. Dan Gillmoor, một cây bút lâu năm phụ trách chuyên mục trên tờ Silicon Valley nhận ra rằng các độc giả hiểu biết vấn đề nhiều hơn ông, và họ đọc tác phẩm của ông để củng cố sự hiểu biết
đó. Nhà báo có thể dùng thông tin mạng xã hội để đi sâu vào một đề tài, tìm kiếm sự cộng tác của độc giả, khám phá nơi đó các chi tiết, các góc độ và những sắc thái mà mình không có trong đầu cũng như khám phá ra những sai sót mình đang mắc phải. Không cả tin vào những gì xuất hiện trên mạng Internet, nhưng kiểm chứng thông tin là một kỹ năng tác nghiệp của người làm báo. Một nhà báo giỏi ngày nay vừa tinh thông nghiệp vụ truyền thống vừa là một nhà báo trực tuyến và xã hội năng động.
Sự kết nối liên tục các phân khúc trong kỹ nghệ đưa tin làm cho ngành công nghiệp này trở nên hữu hiệu. Hiện nay, cứ 10 đồng doanh thu quảng cáo trên Internet mới có 1 đồng từ việc sản xuất ấn phẩm hay từ chương trình truyền hình. Nhưng về mặt đại thể, báo mạng không thể tốt hơn dòng báo truyền thống về nội dung, mỹ quan, lợi thế địa lý và nền nếp hay truyền thống văn hóa. Điều này đồng nghĩa với nhu cầu tái cơ cấu ngành báo để vừa khai thác hữu hiệu vừa chia sẻ hợp lý nguồn lợi giữa các phân khúc. Trên thực tế, nhiều nhật báo, tạp chí hay chương trình truyền thanh, truyền hình hiện nay đã đưa vào hoạt động các trang web và tài khoản trên mạng xã hội. Nhưng việc khai thác có lợi các tiện nghi Internet đòi hỏi các kỹ năng, nghệ thuật cũng như kinh nghiệm.
Ở tầm mức lớn hơn, sự tái cơ cấu ngành báo thế giới trở nên sôi động trong hai năm 2011 và 2012. Mạng YouTube đầu tư vào Reuters để sản xuất các chương trình truyền hình. Mạng Yahoo! thiết lập sự hợp tác với ABC News. Trong khi đó mạng AOL mua tờ Huffington Post, Facebook mua tạp chí New Republic và khai trương trang Social Reader để mở dịch vụ đối tác với các tờ báo có đông độc giả như The Washington Post, The Wall Street Journal, The Gardian. Hãng thông tấn AP cung cấp nội dung cho hơn hai mươi công ty truyền thông và thu phí bản quyền bằng việc chia sẻ lợi nhuận quảng cáo. Trong khi đó các thương hiệu báo chí nổi tiếng như The Financial Times hay The Boston Globe từ chối tham gia vào các kho ứng dụng (app) vốn đang bị Apple và Google thao túng để cung cấp trực tiếp các nội dung vào điện thoại di động của khách hàng thông qua phần mềm HTML5. Một lần nữa, các bước đi này đang nhanh chóng định hình lại nền báo chí và kỹ nghệ đưa tin toàn cầu.