Cách thức tổng hợp hình phạt trong trường hợp phạm nhiều tộ

Một phần của tài liệu tổng hợp hình phạt trong luật hình sự việt nam (Trang 37)

Việc tổng hợp hình phạt phải tuân thủ theo những nguyên tắc nhất định như sau: Đối với các phương pháp tổng hợp hình phạt (chính) trong trường hợp phạm nhiều tội:

Phương pháp thu hút

Đây là phương pháp được áp dụng trong trường hợp trong số các loại hình phạt đã tuyên có hình phạt tử hình hoặc tù chung thân hoặc cả hai thì lấy hình phạt cao nhất làm hình phạt chung. Như vậy, nguyên tắc này được áp dụng trong trường hợp không thể cộng hết các hình phạt lại với nhau do có một trong các hình phạt đã tuyên là hình phạt nặng nhất trong hệ thống hình phạt hay do các hình phạt không thể cùng chấp hành.

Ví dụ: Bị cáo A phạm tội hiếp dâm và giết người. Khi xét xử Tòa án tuyên tử hình đối với tội giết người và mười năm tù đối với tội hiếp dâm. Như vậy, hình phạt chung đối với bị cáo A trong trường hợp này là tử hình. Hoặc chẳng hạn, bị cáo B phạm tội cố ý gây thương tích hoặc tổn hại sức khỏe của người khác và tội cướp tài sản. Khi xét xử Tòa án tuyên hình phạt tù chung thân đối với tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe của người khác và bảy năm đối với tội cướp tài sản. Trong trường hợp này, hình phạt chung được tổng hợp cho bị cáo B sẽ là tù chung thân.

Phương pháp cộng hình phạt

Đối với hình phạt chính thì ngoài phương pháp thu hút thì còn phương pháp cộng hình phạt. Vì vậy, khi quyết định hình phạt Tòa án cần chú ý và xem xét, căn nhắc kỹ về các phương pháp tổng hợp hình phạt. Về phương pháp cộng hình phạt thì có hai phương pháp cộng hình phạt mà chúng ta cần lưu ý như sau:

Cộng hình phạt cùng loại: Đây là nguyên tắc cho phép cộng toàn bộ các hình phạt với nhau (hình phạt sau khi đã cộng không vượt quá giới hạn mà luật cho phép đối với loại hình phạt đó). Phương pháp này được áp dụng trong trường hợp hình phạt chung nhỏ hơn hoặc bằng mức cao nhất mà luật định cho việc tổng hợp hình phạt đối với loại hình phạt đã tuyên nhưng phải cùng loại với nhau, cùng là cải tạo không giam giữ hoặc cùng là tù có thời hạn. Nghĩa là, sau khi tuyên các hình phạt nếu là cùng loại đối với từng tội phạm cụ thể rồi tổng hợp các hình phạt cùng loại đó lại nhưng không vượt mức cao nhất của loại hình phạt (theo quy định tại Điều 50), tức là đối với hình phạt cải tạo không giam giữ thì không quá ba năm, còn đối với tù có thời hạn thì không quá ba mươi năm.

Nếu khi tổng hợp các hình phạt đã tuyên mà vượt quá ba năm đối với cải tạo không giam giữ hoặc vượt quá ba mươi năm đối với tù có thời hạn thì Tòa án sẽ vận dụng phương pháp cộng một phần hình phạt mà thôi. Ví dụ: A bị Tòa án tuyên phạt hai mươi năm tù về tội cướp tài sản theo quy định tại khoản 3 Điều 133 và mười lăm năm tù về tội cướp giật tài sản theo khoản 4 Điều 136 Bộ luật hình sự. Trong trường hợp này, hình phạt chung mà bị cáo phải chấp hành đáng lẽ ra là ba mươi lăm năm tù nhưng do hình phạt

chung không được vượt quá ba mươi năm nên Tòa án chỉ tổng hợp hình phạt chung mà bị cáo phải chấp hành là ba mươi năm tù.

Cộng hình phạt khác loại: Trong hệ thống hình phạt chính, nếu các hình phạt được quyết định là khác loại thì chỉ có thể xảy ra trường hợp cùng tồn tại hai hình phạt cùng một lúc đó là tù có thời hạn và cải tạo không giam giữ. Bởi vì, nếu có hình phạt là tù chung thân hoặc tử hình thì đã sử dụng phương pháp thu hút; cảnh cáo và trục xuất không có gì để tổng hợp với hình phạt khác; bên cạnh đó, hình phạt tiền cũng không tổng hợp với các hình phạt khác. Trong trường hợp này, hình phạt cải tạo không giam giữ được đổi sang hình phạt tù (chỉ có một chiều) theo tỷ lệ ba ngày cải tạo không giam giữ bằng một ngày tù và tổng hợp hình phạt theo quy định chung.

Đối với hình phạt bổ sung

- Tòa án quyết định một hoặc một số hình phạt bổ sung chung trong giới hạn loại hình phạt đó cho tất cả các tội phạm. Khác với hình phạt chính thì hình phạt bổ sung không có sự tổng hợp mà đối với mỗi loại tội phạm thì có thể có những hình phạt bổ sung khác nhau mà bắt buộc người bị kết án phải chấp hành. Trong trường hợp phạm nhiều tội này thì Tòa án có thể quyết định hình phạt bổ sung cho tất cả các tội nhưng phải trong giới hạn loại hình phạt đó mà luật quy định hợp lý và tương xứng với hành vi phạm tội đó.

- Tòa án quyết định hình phạt bổ sung riêng cho từng tội phạm. Ngoài phương án quyết định hình phạt bổ sung cho các tội phạm thì Tòa án có thể quyết định hình phạt bổ sung cho từng tội rồi người bị kết án vẫn phải chấp hành các hình phạt bổ sung.

Trong cả hai trường hợp trên, người bị kết án phải chấp hành một lúc nhiều hình phạt bổ sung mà không có sự tổng hợp. Cần lưu ý là, hình phạt tiền không được tổng hợp với các loại hình phạt khác mà được cộng lại với nhau rồi chấp hành độc lập. Đối với hình phạt trục xuất cũng không tổng hợp hình phạt mà người kết án phải chấp hành độc lập với các hình phạt bổ sung khác.

Về cách thức tổng hợp hình phạt trong trường hợp phạm nhiều tội cần lưu ý trước khi tổng hợp và quyết định hình phạt chung cho các tội thì Tòa án phải quyết định hình phạt cho từng tội. Việc tuyên hình phạt cho từng tội sau đó mới tổng hợp thành hình phạt chung có ý nghĩa rất quan trọng, cụ thể như sau:

Thứ nhất, việc tuyên hình phạt cho từng tội sẽ đảm bảo cho hình phạt tuyên tương

xứng với từng tội mà bị cáo đã thực hiện để hình phạt chung sau khi được tổng hợp sẽ là hình phạt tương xứng với hành vi mà bị cáo đã thực hiện. Khi đó, bị cáo mới chấp hành và mục đích của việc tổng hợp hình phạt mới đạt được.

Thứ hai, chỉ khi quyết định hình phạt cho từng tội đúng thì Tòa án mới có thể tổng

hợp đúng. Như vậy, việc quyết định hình phạt cho từng tội là bước tạo tiền đề cho Tòa án trước khi tiến hành tổng hợp hình phạt cho các tội.

Thứ ba, việc quyết định hình phạt của các tội tạo cơ sở pháp lý cho Tòa án cấp trên

phát hiện những sai sót trong quá trình xét xử phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm các bản án của Tòa án cấp dưới, đồng thời nó cũng là cơ sở để xem xét việc áp dụng các chế định khác như chế định tái phạm, tái phạm nguy hiểm….

Tóm lại, tổng hợp hình phạt trong trường hợp phạm nhiều tội là một trong những chế định của luật hình sự, có giá trị đặc biệt quan trọng đối với hoạt động quyết định hình phạt của Tòa án. Việc nắm vững và nhận thức đúng đắn các trường hợp thuộc trường hợp phạm nhiều tội là hết sức quan trọng của Tòa án. Cơ sở pháp lý của việc tổng hợp hình phạt trong trường hợp này chính là các căn cứ quyết định hình phạt với tính chất là những đòi hỏi của pháp luật có tính chất bắt buộc Tòa án phải tuân thủ khi quyết định hình phạt nhằm đảm bảo đạt được các mục đích của hình phạt khi áp dụng đối với người phạm nhiều tội. Thực hiện đúng những quy định của pháp luật về trường hợp phạm nhiều tội để Tòa án có được một quyết định phù hợp với nhân thân người phạm tội và khả năng giáo dục, cải tạo người phạm tội.

Một phần của tài liệu tổng hợp hình phạt trong luật hình sự việt nam (Trang 37)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(87 trang)