Tổng hợp hình phạt là một chế định pháp luật hình sự ra đời từ rất sớm trong lịch sử lập pháp luật hình sự Việt Nam. Cùng với sự phát triển của đất nước, pháp luật hình sự cũng có những thay đổi, bổ sung để kịp thời điều chỉnh những quan hệ xã hội mới. Trong bối cảnh đó, để đáp ứng đòi hỏi của xã hội, chế định tổng hợp hình phạt đã ngày càng được hoàn thiện hơn.
1.4.1. Giai đoạn từ năm 1945 cho đến trước khi có Bộ luật hình sự Việt Nam
năm 1985
Trong giai đoạn này, nhìn chung chế định tổng hợp hình phạt chưa được quy định trong các văn bản pháp luật mà mới chỉ được đề cập đến trong các văn bản báo cáo tổng kết công tác của ngành Tòa án và các công văn của Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn các Tòa án địa phương về việc xét xử. Các trường hợp tổng hợp cụ thể như sau:
Tổng hợp hình phạt trong trường hợp phạm nhiều tội, trong giai đoạn này pháp luật hình sự nước ta chưa có quy định cụ thể về tổng hợp hình phạt đối với trường hợp phạm nhiều tội. Chính vì thế, vào những thời điểm khác nhau thì việc tổng hợp hình phạt được các Tòa án thực hiện với nhiều cách thức không thống nhất. Cụ thể như sau: Trước năm 1964, việc quyết định hình phạt đối với trường hợp phạm nhiều tội thì mặc dù Tòa án đã phân tích, nhận định trong bản án là phạm nhiều tội, tuy nhiên không tuyên án cho từng tội rồi tổng hợp lại thành hình phạt chung mà lại tuyên hình phạt chung cho tất cả các tội. Bên cạnh đó, cũng có Tòa án quyết định hình phạt cụ thể cho mỗi tội rồi tổng hợp thành hình phạt chung buộc bị cáo phải chấp hành. Việc quyết định hình phạt chung cho các tội cũng được thực hiện bằng nhiều cách khác nhau như thu hút hình phạt nhẹ vào hình phạt nặng hoặc cộng tất cả các hình phạt đã tuyên cho từng tội lại, hoặc cộng thêm vào hình phạt nặng nhất một phần của các hình phạt đã tuyên.
Để khắc phục tình trạng trên, trong Báo cáo tổng kết công tác ngành Tòa án năm 1964, sau khi chỉ ra những thiếu sót mà các Tòa án cần khắc phục, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã hướng dẫn các Tòa án cách thức nhận định tội danh trong trường hợp phạm nhiều tội như sau: “Đối với trường hợp bị cáo phạm nhiều tội, khi xét xử nói chung trong những trường hợp thấy cần thiết và có thể, Tòa án nên phân tích, kết luận rõ đối với từng hành vi phạm tội và quyết định hình phạt cho từng hành vi rồi mới quyết định hình phạt chung bắt bị cáo phải chấp hành. Nhưng cũng cần chú ý rằng, đối với những trường hợp tuy bị cáo có nhiều hành vi nhưng mỗi hành vi cũng cấu thành một tội phạm hình sự, nhưng xét thấy việc xét xử về nhiều tội là không cần thiết thì không máy móc phải xét xử hết các tội và xử tổng hợp nhiều tội”. Ngoài ra, trong báo cáo tổng kết
năm 1964 này cũng đã nêu ra hai phương pháp tổng hợp hình phạt. Đó là phương pháp cộng hình phạt và thu hút hình phạt với phạm vi áp dụng khác nhau. Mặc dù vậy, sự hướng dẫn này cũng chưa thật sự cụ thể và chi tiết nên đã dẫn đến tình trạng áp dụng không thống nhất. Chính vì thế, ngày 13/9/1973, Tòa án nhân dân tối cao đã ra công văn số 612 hướng dẫn các Tòa án tổng hợp hình phạt trong đó có chỉ rõ thế nào là trường hợp cộng một phần, cộng toàn bộ và thu hút hình phạt.
Tổng hợp hình phạt trong trường hợp có nhiều bản án thì Báo cáo tổng kết công tác của Tòa án nhân dân tối cao năm 1964 cũng đã nêu ra hai trường hợp với cách thức tổng hợp có nhiều điểm tương đồng với các quy định hiện hành với các quy định của Bộ luật hình sự. Cụ thể như sau:
“1. Trường hợp bị cáo đang chấp hành hình phạt tù (chưa hết thời hạn) lại bị đưa ra xét xử về một tội phạm khác mà y phạm phải trước khi hoặc trong khi phạt tù. Đối với trường hợp này, trừ khi bị can bị xử tử hình hoặc tù chung thân, chúng ta cũng có hai cách giải quyết:
a) Nếu tội phạm xảy ra từ trước tới nay mới phát hiện và mới đưa ra xét xử, thì sau khi tuyên hình phạt cho tội phạm mới đưa ra xét xử, trên cơ sở hình phạt đã tuyên trong bản án trước và hình phạt mới tuyên, Tòa án nên quyết định theo chủ trương xét xử tổng
hợp nói trên, một hình phạt tổng hợp bắt bị can phải chấp hành rồi trừ đi thời gian đã chấp hành, còn lại bắt bị can chấp hành tiếp….
b) Nếu là tội xảy ra trong thời gian đang ở tù thì sau khi tuyên phạt cho tội mới, trên cơ sở phần còn lại của hình phạt cũ và hình phạt mới, Tòa án quyết định một hình phạt bắt bị can phải chấp hành tiếp, không tính thời gian đã chấp hành hình phạt cũ vào….”.
Tiếp theo trong Công văn số 612/NCPL ngày 14/9/1973 của Tòa án nhân dân tối cao về việc viết các bản án hình sự sơ thẩm và phúc thẩm, chế định tổng hợp hình phạt của nhiều bản án được hướng dẫn đầy đủ hơn báo cáo tổng kết công tác ngành Tòa án trước đó.
Theo đó thì tổng hợp hình phạt trong trường hợp có nhiều bản án được chia làm hai loại: trường hợp một người đang phải chấp hành một bản án lại bị xét xử về một tội đã phạm trước khi có bản án này và trường hợp một người đang chấp hành một bản án mà lại phạm tội mới. Trong trường hợp thứ nhất, thời hạn thi hành hình phạt chung được tính từ ngày bị cáo bắt đầu chấp hành hình phạt của bản án trước. Trong trường hợp thứ hai, thời hạn thi hành hình phạt chung được tính từ ngày tuyên hình phạt chung. Như vậy, cách tính thời hạn chấp hành hình phạt chung nói trên đã thể hiện được thái độ nghiêm khắc hơn của Nhà nước đối với những người đang phải chấp hành một bản án mà lại phạm tội mới.
Trường hợp tổng hợp hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội. Trong khoảng thời gian từ sau Cách mạng tháng Tám thành công đến năm 1975 chưa có văn bản pháp luật hình sự nào chính thức quy định nguyên tắc xử lý, quyết định hình phạt, tổng hợp hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội. Từ sau khi giải phóng miền Nam năm 1975 đến trước khi có Bộ luật hình sự đầu tiên năm 1985 thì Tòa án nhân dân tối cao đã ra chuyên đề sơ kết kinh nghiệm xét xử các vụ án về người chưa thành niên phạm tội (kèm theo công văn số 37/NCPL ngày 16/01/1976). Nội dung của bản sơ kết này đầy đủ hơn, chi tiết hơn so với những báo cáo tổng kết trước đó nhưng vấn đề tổng hợp hình phạt
đối với người chưa thành niên trong trường hợp có tội thực hiện trước và có tội thực hiện sau khi đủ 18 tuổi lại chỉ được đề cập đến khá sơ lược.
Tổng hợp hình phạt trong trường hợp có liên quan đến án treo. Ở nước ta đây là chế định được quy định từ rất sớm. Án treo ra đời và gắn liền với sự ra đời của pháp luật hình sự Việt Nam, được quy định trong một số Sắc lệnh như: Sắc lệnh số 33C/SL (quy định tại Điều IV); Sắc lệnh số 21/SL ngày 14/02/1946. Nội dung chủ yếu của các văn bản này quy định về: hình phạt được hưởng án treo, điều kiện được hưởng án treo, thời gian thử thách và xóa án tích.
Trước khi Bộ luật hình sự Việt Nam năm 1985 ra đời thì vấn đề tổng hợp hình phạt trong trường hợp người được hưởng án treo lại phạm tội mới trong thời gian thử thách được quy định tại Điều 10 Sắc lệnh số 21/SL ngày 14/02/1946: “Nếu trong 5 năm ấy, tội
nhân bị kết án một lần nữa trước một Tòa án quân sự thì bản án treo sẽ đem thi hành”.
Cụ thể như sau: Khi tội phạm mới đưa ra xét xử, không bị phạt tù, người phạm tội đồng thời phải chấp hành hai bản án (nguyên tắc cùng tồn tại). Nếu tội phạm mới bị xử phạt tù thì phải tổng hợp với hình phạt của bản án cũ.
Tiếp đến hướng dẫn tại Thông tư số 2308/NCPL ngày 01/12/1961 thì việc tổng hợp đối với người được hưởng án treo phạm tội mới trong thời gian thử thách đã có sự thay đổi căn bản như sau: “Nếu trong thời gian thử thách, người được hưởng án treo lại
phạm tội mới cùng tính chất hoặc nặng hơn tội cũ, Tòa án sẽ cộng một phần hay toàn bộ hình phạt cũ vào hình phạt mới để chấp hành”.