người bán với các Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam
4.3.2.1 Chuẩn mực số 230 – Hồ sơ kiểm toán
Nhìn chung, hồ sơ kiểm toán tại Công ty SVC được trình bày ngắn gọn nhưng tương đối đầy đủ về các nội dung chính. Hồ sơ được sắp xếp, lưu trữ một cách khoa học và được bảo quản cẩn thận. Tuy nhiên, theo chuẩn mực số 230, nội dung trong hồ sơ kiểm toán phải trình bày cả những công việc và đánh giá của KTV liên quan đến việc tìm hiểu khách hàng, HTKSNB và các thủ tục kiểm soát như: Trình bày những bằng chứng thay đổi về hệ thống kế toán và HTKSNB của khách hàng cũng như bằng chứng và kết luận trong việc đánh giá rủi ro tiềm tàng, rủi ro kiểm soát; những phân tích về các tỷ lệ, xu hướng quan trọng đối với tình hình hoạt động của khách hàng, … Mặc dù trong quá trình thực hiện kiểm toán, các KTV ở Công ty SVC có thực hiện các công việc này nhưng lại không được lưu trữ trong hồ sơ kiểm toán. Bên cạnh đó, các suy luận của KTV cũng không được trình bày trong hồ sơ kiểm toán, trong khi đó, chuẩn mực có yêu cầu trình bày đầy đủ các nội dung này. Việc lưu trữ ít dữ liệu sẽ gây khó khăn cho KTV khác thực hiện kiểm toán khi tiếp nhận khách hàng này.
4.3.2.2 Chuẩn mực số 250 – Xem xét tính tuân thủ pháp luật và các
quy định trong kiểm toán báo cáo tài chính
Nội dung của chuẩn mực nhắc đến trách nhiệm của đơn vị được kiểm toán trong việc tuân thủ pháp luật và các quy định cũng như việc xem xét của KTV về tính tuân thủ pháp luật và các quy định, các thủ tục cần thực hiện khi phát hiện hành vi không tuân thủ pháp luật và các quy định, …. Tại Công ty SVC, khi tiến hành kiểm toán tại công ty khách hàng, các KTV công ty đã thực hiện theo đúng quy định của chuẩn mực. Trước mỗi cuộc kiểm toán, Ban Giám đốc Công ty SVC đều cập nhật lại các văn bản, các quy định mới bổ sung liên quan đến hoạt động sản xuất và ngành nghề kinh doanh liên quan đến công ty khách hàng, sau đó, phổ biến lại cho các KTV và trợ lý kiểm toán trong công ty nắm rõ.
4.3.2.3 Chuẩn mực số 310 – Hiểu biết về tình hình kinh doanh
Các KTV Công ty SVC trong quá trình thực hiện kiểm toán đã tuân thủ chuẩn mực này khá tốt. Các thông tin về tình hình kinh doanh của khách hàng mới được thu thập, tổng hợp khá đầy đủ; thông tin về các khách hàng cũ được cập nhật lại trong mỗi lần kiểm toán. Nhưng theo chuẩn mực, khi tìm hiểu về tình hình tài chính của khách hàng, KTV cần tìm hiểu các tỷ suất quan trọng về hoạt động kinh doanh cũng như xu hướng biến động của kết quả tài chính, …. Ở đây, các KTV chỉ dừng lại tại việc tìm hiểu xu hướng biến động của số dư khoản mục. Mặc dù không yêu cầu bắt buộc phải thực hiện đầy đủ các công việc được nêu trong chuẩn mực; tuy nhiên, khi đưa ra kết luận về tình hình tài chính mà chỉ thông qua việc tìm hiểu xu hướng biến động mà không thực hiện tìm hiểu các tỷ suất đôi khi không phản ánh đúng tình hình tài chính của khách hàng và kết luận sẽ mang tính chất chủ quan của KTV. Bên cạnh đó, chuẩn mực cũng nêu rõ các nguồn để KTV tìm hiểu về tình hình kinh doanh của khách hàng, trong đó có nguồn thông tin từ hồ sơ kiểm toán năm trước, ý kiến của chuyên gia kinh tế. Trong thực tế, do những yếu tố khách quan nên việc tham khảo ý kiến của chuyên gia kinh tế không được sử dụng. Cùng với đó, khi kiểm toán tại các khách hàng mới, việc tham khảo ý kiến của KTV năm trước cũng như hồ sơ kiểm toán năm trước không được Công ty SVC thực hiện.
4.3.2.4 Chuẩn mực số 510 – Kiểm toán năm đầu tiên – Số dư đầu năm
tài chính
Kiểm toán viên Công ty SVC khi thực hiện kiểm toán đã có xem xét việc phản ánh các số dư đầu năm theo chế độ kế toán được áp dụng trong năm trước cũng như sự nhất quán trong năm nay; có thực hiện kiểm tra việc kết chuyển số dư cuối năm trước sang số dư đầu năm nay. Tuy nhiên, do yêu cầu về thời gian cũng như những tố khách quan nên KTV không thực hiện xem xét hồ sơ kiểm toán của KTV năm trước và cũng không thực hiện các thủ tục kiểm toán để kiểm tra tính chính xác của số dư cuối kỳ mà thay vào đó, KTV sẽ phát hành báo cáo kiểm toán ngoại trừ số dư đầu năm. Việc làm này tuy tiết kiệm được thời gian thực hiện cũng như loại bỏ được trách nhiệm của KTV đối với số dư đầu năm nhưng khi khách hàng của Công ty SVC là khách hàng khó tính thì việc phát hành báo cáo kiểm toán ngoại trừ sẽ khó thực hiện.
4.3.2.5 Chuẩn mực số 520 – Quy trình phân tích
Nhìn chung, quy trình phân tích thực hiện trong cuộc kiểm toán không được KTV Công ty SVC chú trọng.
- Quy trình phân tích áp dụng khi lập kế hoạch kiểm toán: Trong chuẩn mực có nêu: KTV phải áp dụng quy trình phân tích trong quá trình lập kế hoạch kiểm toán để tìm hiểu tình hình kinh doanh của đơn vị và xác định những vùng có thể có rủi ro. Quy trình phân tích giúp KTV xác định nội dung, lịch trình và phạm vi các thủ tục kiểm toán. Thế nhưng trong giai đoạn này, quy trình phân tích chỉ dừng lại ở việc so sánh thông tin tương ứng kỳ này với kỳ trước; xem xét mối quan hệ giữa các thông tin tài chính với nhau mà không thực hiện so sánh giữa số liệu thực tế với số liệu kế hoạch của đơn vị; so sánh giữa đơn vị với các đơn vị cùng ngành có cùng quy mô hoạt động, hoặc với số liệu thống kê, định mức của ngành; xem xét mối quan hệ giữa thông tin tài chính với thông tin phi tài chính. Bên cạnh đó, KTV Công ty SVC cũng chỉ dừng lại ở việc thực hiện phân tích bảng cân đối kế toán mà không thực hiện phân tích bảng kết quả hoạt động kinh doanh cũng như báo cáo lưu chuyển tiền tệ.
- Quy trình phân tích trong thử nghiệm cơ bản: Thực hiện thủ tục kiểm tra phân tích trong giai đoạn này KTV có sự kết hợp giữa việc thực hiện quy trình phân tích với kiểm tra chi tiết theo quy định của chuẩn mực. Tuy nhiên, quy trình phân tích cũng tương tự như trong giai đoạnh lập kế hoạch kiểm toán là chỉ dừng lại ở việc so sánh thông tin tương ứng kỳ này với kỳ trước từ đó đưa ra nhận xét tương ứng về các biến động mà không thực hiện thêm công việc phân tích nào khác.
- Quy trình phân tích áp dụng trong giai đoạn soát xét tổng thể cuộc kiểm toán: Theo chuẩn mục, KTV phải áp dụng quy trình phân tích trong giai đoạn này để có kết luận tổng quát về sự phù hợp trên các khía cạnh trọng yếu của BCTC. Quy trình phân tích khẳng định lại những kết luận có được trong suốt quá trình kiểm tra các tài khoản hoặc các khoản mục trên BCTC. Trên cơ sở đó giúp KTV đưa ra kết luận tổng quát về tính trung thực, hợp lý của toàn bộ BCTC. Tuy nhiên, thực tế thì KTV không được thực hiện trong giai đoạn này.
Tóm lại: Thực hiện quy trình phân tích sẽ giúp KTV khai thác bằng
chứng kiểm toán nhanh chóng, hiệu quả đồng thời tiết kiệm được thời gian và chi phí kiểm toán. Việc thực hiện quy trình phân tích tại Công ty SVC sẽ không phát huy được tác dụng của quy trình này trong việc tìm kiếm gian lận, sai sót trọng yếu trên BCTC. Trong giai đoạn chuẩn bị kiểm toán, khi chỉ thực
hiện phân tích bảng cân đối kế toán mà không thực hiện phân tích bảng kết quả hoạt động kinh doanh và báo cáo lưu chuyển tiền tệ sẽ không phản ánh được tình hình hoạt động kinh doanh của công ty khách hàng cũng như loại bỏ được những tác động của việc sử dụng phương pháp kế toán hay các ước tính kế toán. Quy trình phân tích trong giai đoạn soát xét tổng thể cuộc kiểm toán giúp KTV có thể nhận dạng những rủi ro về sai phạm trọng yếu chưa nhận biết được ở các giai đoạn trước đó.
4.3.2.6 Chuẩn mực số 400 – Đánh giá rủi ro và kiểm soát nội bộ
Việc tìm hiểu hệ thống kế toán và hệ thống kiểm soát nội bộ được KTV thực hiện đầy đủ. Tuy nhiên, kết quả đạt được khi thực hiện các công việc này lại không được KTV lưu trong hồ sơ kiểm toán. Bên cạnh đó, công việc đánh giá rủi ro không được thực hiện trong quá trình kiểm toán. Điều này sẽ gây khó khăn cho các KTV khác khi tiếp nhận thực hiện kiểm toán tại khách hàng này trong những lần kiểm toán sau cũng như ảnh hưởng đến chất lượng kiểm toán.
4.3.2.7 Chuẩn mực số 220 – Kiểm soát chất lượng hoạt động kiểm
toán
Nhìn chung, việc thực hiện chuẩn mực này tại Công ty SVC thực hiện tương đối tốt. Điều này được thể hiện như sau:
- Tuân thủ chính sách đạo đức nghề nghiệp: Chính sách này được thực hiện khá tốt. Thông qua các mẫu bảng điều tra liên quan đến các nội dung gồm: Biện pháp đảm bảo tính độc lập của thành viên nhóm kiểm toán; cam kết tính độc lập của KTV, soát xét yếu tố ảnh hưởng đến tính độc lập và đạo đức nghề nghiệp của KTV, biện pháp đảm bảo tính độc lập của thành viên nhóm kiểm toán, Ban lãnh đạo Công ty SVC đã đánh giá được tính độc lập của KTV với công ty khách hàng. Trước mỗi cuộc kiểm toán, Công ty SVC có thực hiện phổ biến các chính sách và thủ tục liên quan đến tính độc lập, chính trực, khách quan, năng lực chuyên môn, tính thận trọng, bí mật, tư cách nghề nghiệp và các chuẩn mực chuyên môn cho tất cả cán bộ, nhân viên chuyên nghiệp trong công ty. Công ty cũng đã thực hiện việc luân chuyển KTV thực hiện kiểm toán tại các công ty khách hàng, mỗi KTV không thực hiện kiểm toán liên tiếp quá ba lần tại cùng một khách hàng. Tuy nhiên, việc kiểm tra thực hiện những chính sách và thủ tục liên quan đến các nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp chưa được thực hiện một cách kỹ lưỡng.
- Kỹ năng và năng lực chuyên môn: Các KTV trong Công ty SVC là những người có kỹ năng và năng lực chuyên môn. Ban lãnh đạo trong công ty
dụng vào Công ty SVC đều phải trải qua ba vòng thi và phải đáp ứng được các phẩm chất đạo đức yêu cầu. Hằng năm, công ty có tổ chức các khóa đào tạo, cập nhật kiến thức cho các KTV cũng như khuyến khích việc cập nhật kiến thức từ các chương trình đào tạo nghề nghiệp ngoài công ty cũng như khuyến khích việc tự học. Các trợ lý kiểm toán khi đủ điều kiện dự thi chứng chỉ KTV do Bộ tài chính tổ chức đều thực hiện đăng ký tham gia.
- Giao việc: Tại Công ty SVC, khi phân chia công việc kiểm toán, Ban lãnh đạo sẽ căn cứ vào kinh nghiệm của từng KTV để phân chia. Các KTV lâu năm sẽ đảm nhận các công việc kiểm toán liên quan đến các khoản mục lớn như: Doanh thu, tài sản cố định, …. Còn đối với các khoản mục nhỏ sẽ được giao cho các KTC mới. Bên cạnh đó, căn cứ vào đặc điểm của từng khách hàng mà số lượng KTV cũng như trợ lý kiểm toán sẽ được phân bổ khác nhau. Việc phân chia KTV như vậy sẽ đảm bảo chất lượng của cuộc kiểm toán và rút ngắn được thời gian thực hiện.
- Tham khảo ý kiến: Tại Công ty SVC, ý kiến của các chuyên gia chưa được công ty quan tâm thực hiện.
- Duy trì và chấp nhận khách hàng: Công việc này được công ty SVC thực hiện khá tốt. Trong quá trình duy trì khách hàng cũ và đánh giá khách hàng tiềm năng, Công ty SVC luôn cân nhắc đến tính độc lập, năng lực phục vụ khách hàng của công ty. Trước khi chấp nhận thực hiện kiểm toán cho các khách hàng mới, KTV có tiến hành thu thập các tài liệu cung cấp các thông tin về khách hàng. Tuy nhiên, như đã trình bày ở các mục trên, việc trao đổi, sử dụng thông tin của các KTV tiền nhiệm vẫn chưa được công ty quan tâm.
- Kiểm tra: Tại Công ty SVC, Giám đốc hoặc Phó Giám đốc công ty sẽ đảm nhận việc kiểm tra công việc thực hiện của các KTV.
Mặc dù việc thực hiện theo Chuẩn mực 220 được Công ty SVC thực hiện tương đối tốt. Tuy nhiên, để nâng cao chất lượng kiểm toán, Công ty SVC cần quan tâm đến sự hài lòng của khách hàng sau cuộc kiểm toán. Đây là yếu tố khá quan trọng trong việc duy trì khách hàng cho công ty, nhất là trong thời buổi cạnh tranh như hiện nay.
4.3.2.8 Chuẩn mực số 330 – Thủ tục kiểm toán trên cơ sở đánh giá rủi
ro
Nhìn chung, các thử nghiệm kiểm soát, thử nghiệm cơ bản được KTV thực hiện đầy đủ theo quy định của chuẩn mực kể cả khi thực hiện ở khách hàng thường xuyên. Tuy nhiên, để tiết kiệm thời gian, các thử nghiệm kiểm soát được thực hiện cùng lúc với thử nghiệm cơ bản, do vậy hiệu quả đạt được
trong cuộc kiểm toán đôi khi không như mong muốn vì mục tiêu của thử nghiệm kiểm soát là đánh giá tính hiệu quả của hoạt động kiểm soát; trong khi đó, mục tiêu của thử nghiệm cơ bản là phát hiện các sai sót trọng yếu trong cơ sở dẫn liệu. Khi rủi ro xảy ra các sai sót trọng yếu lớn thì phạm vi các thử nghiệm cơ bản sẽ phải tăng lên, mà phạm vi mở rộng này sẽ phụ thuộc vào kết quả đạt được từ thử nghiệm kiểm soát. Việc thực hiện song song hai thử nghiệm này sẽ không giúp KTV đưa ra ngay quyết định có nên mở rộng phạm vi các thử nghiệm cơ bản hay không? Bên cạnh đó, như đã trình bày tại Chuẩn mực 400 – đánh giá rủi ro và kiểm soát nội nộ, trong cuộc kiểm toán, KTV không thực hiện đánh giá rủi ro, do đó, việc thiết kế và thực hiện các thủ tục kiểm toán không dựa trên kết quả đánh giá rủi ro.
4.3.2.9 Chuẩn mực số 505 – Thông tin xác nhận từ bên ngoài
Tại Công ty SVC, để kiểm tra tính đầy đủ của nợ phải trả người bán, KTV đã căn cứ vào kết quả gửi thư xác nhận hoặc các thủ tục thay thế khác theo đúng hướng dẫn của chuẩn mực. Tuy nhiên, theo chuẩn mực, thư xác nhận phải do chính KTV gửi và địa chỉ nhận hồi đáp nên là địa chỉ của công ty kiểm toán. Thế nhưng trong thực tế, do nhiều yếu tố tác động, thư xác nhận không được trực tiếp KTV thực hiện mà sẽ do khách hàng thực hiện, KTV chỉ gửi thư xác nhận khi xét thấy các khoản nợ không có thư xác nhận có thể có ảnh hưởng trọng yếu, do đó sẽ tồn tại nhiều rủi ro liên quan tính chính xác số dư phải trả và đảm bảo tính khách quan.
CHƯƠNG 5
MỘT SỐ GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN QUY TRÌNH KIỂM TOÁN KHOẢN MỤC NỢ PHẢI TRẢ NGƯỜI BÁN TẠI CÔNG TY
TNHH KIỂM TOÁN SAO VIỆT CHI NHÁNH CẦN THƠ
Xuất phát từ những hạn chế đã được rút ra từ kết quả đánh giá công việc thực hiện của KTV trong mỗi thủ tục kiểm toán, tác giả xin được đề xuất với Ban lãnh đạo cũng như KTV Công ty TNHH Kiểm toán Sao Việt chi nhánh Cần Thơ một số giải pháp nhằm hoàn hoàn thiện hơn nữa quy trình kiểm toán khoản mục nợ phải trả người bán mà công ty đang áp dụng.