10. Cấu trúc của luận văn
1.4.2. Grap nội dung
1.4.2.1. Khái niệm grap nội dung
Grap nội dung của bài lên lớp là hình thức cấu trúc hóa một cách trực quan khái quát và súc tích nội dung của tài liệu giáo khoa đưa ra dạy học trong bài lên lớp.
Nói một cách chính xác và thực chất hơn, grap nội dung là tập hợp những yếu tố thành phần của một nội dung trí dục và mối liên hệ bên trong giữa chúng với nhau và diễn tả cấu trúc logic của nội dung dạy học đó bằng một ngôn ngữ trực quan, khái quát đồng thời rất sức tích.
1.4.2.2. Lập grap nội dung của bài lên lớp
Algorit của việc lập grap nội dung của bài lên lớp có trình tự như sau: a) Xác định đỉnh: Tổ chức các đỉnh gồm các công việc chính sau:
- Chọn kiến thức chốt tối thiểu cần và đủ.
- Mã hóa chúng cho thật súc tích, có thể dùng kí hiệu để qui ước.
- Đặt chúng vào các đỉnh trên mặt phẳng
Tìm kiến thức chốt của bài lên lớp.
+ Hệ thống kiến thức chốt bao gồm những hiểu biết bản chất nhất, mấu chốt nhất, Có thể hiểu đó là hệ thống những hiểu biết cơ bản nhất, quan trọng nhất về hóa học .
+ Nội dung của bước xác định đỉnh: Mỗi kiến thức chốt lại có thể là tập hợp của nhiều kiến thức thứ yếu khác của bộ môn hóa học và có thể của cả những bộ môn hỗ trợ khác. Do đó, trong việc xác định đỉnh của grap, thì một đỉnh có thể là một hoặc nhiều kiến thức cùng loại, có thể thiết lập các đỉnh liên thông với nhau hoặc những đỉnh độc lập.
b) Mã hóa kiến thức chốt:
Mã hóa kiến thức chốt là dùng những kí hiệu để biến nội dung các kiến thức chốt chứa đựng trong các đỉnh của grap thành một bản tính súc tích mà vẫn dễ hiểu đối với HS. Mã hóa kiến thức chốt giúp ta rút gọn được grap, làm cho nó đỡ cồng kềnh mà vẫn dễ hiểu.
c) Xếp đỉnh:
* Tiêu chuẩn xếp đỉnh:
- Sắp xếp đỉnh trước hết phải chú ý tới tính khoa học - Nó phải mang tính sư phạm
- Nó phải dễ hiểu với đặc điểm cá nhân HS và phải trực quan và đẹp.
* Cách xếp đỉnh và phác thảo grap rút gọn:
Nên gộp 2 hay nhiều kiến thức cùng loại, cùng ý nghĩa, cùng nội dung lại một đỉnh thì grap sẽ gọn.
d) Lập cung
Lập cung tức là lập hệ thống các mối liên hệ giữa các đỉnh từng đôi với nhau bằng cách vẽ các mũi tên để diễn tả mối liên hệ phụ thuộc giữa nội dung các đỉnh với nhau làm sao phản ánh được logic phát triển của nội dung bài.
1.4.2.3. Các giá trị của grap nội dung bài lên lớp
a) Những đặc điểm của grap nội dung bài lên lớp
Grap nội dung bài lên lớp được xây dựng theo những quy tắc trên có những đặc điểm sau: tính khái quát, tính trực quan, tính hệ thống và súc tích.
1) Tính khái quát được thể hiện:
- Các kiến thức chọn lọc để xếp vào các đỉnh của grap là cơ bản, trọng tâm nhất của bài lên lớp, của chủ đề kiến thức mà Gv sẽ tổ chức cho Hs tự học tự chiếm lĩnh.
- Các mối quan hệ giữa chúng.
- Nhìn vào grap ta thấy được tổng thể của logic phát triển của toàn bộ nội dung kiến thức.
2) Tính trực quan, thể hiện:
- Việc bố trí các hình khối sao cho đẹp, rõ, có thể dùng các hình học thích hợp cho từng vùng kiến thức.
- Việc sắp xếp các hình và các đường liên hệ giữa các đỉnh (cung) cần rõ ràng, đảm bảo logic của hệ thống kiến thức.
- Dùng các ký hiệu khác nhau, màu sắc, đường nét đậm nhạt để nhấn mạnh những kiến thức quan trọng.
3) Tính hệ thống được thể hiện:
- Nó nêu lên trục chính và các nhánh chi tiết của logic.
- Grap tổng kết bài học, các chủ đề kiến thức hay tổng kết chương nêu lên được kiến thức chốt, chủ yếu cần củng cố và những kiến thức hé mở cho chương sau.
4) Tính súc tích, thể hiện:
- Nội dung của grap nêu lên được những dấu hiệu bản chất của các kiến thức, các khái niệm, định luật… loại trừ các thứ yếu, rườm rà.
- Dùng các ký hiệu, quy ước viết tắt khi viết vào các đỉnh (mã hóa các kiến thức). b) Đánh giá một grap
Một grap tốt hay không còn phải xét xem nó có đạt yêu cầu của logic khoa học bộ môn và của logic tâm lý học dạy học hay không. Có trường hợp sách giáo khoa không mô tả hết những mạch lập luận của logic khoa học của nội dung kiến thức, nhất là sau khi học xong một chương thì các em HS khó hình dung đâu là những kiến thức cần phải nhớ, những kiến thức nào chỉ cần biết và đâu là kiến thức có thể biết. Do đó khi vận dụng các kiến thức vào giải quyết các vấn đề thực tiễn các em sẽ lúng túng.
c) Giá trị của grap về mặt tâm lý học của sự lĩnh hội
- Với những grap nội dung bài lên lớp được xâu dựng như trên, HS sẽ dễ dàng hiểu sâu được bản chất nhất, chủ yếu nhất, quan trọng nhất và cả logic phát triển của nội dung bài học, của một hệ thống kiến thức.
- Hình ảnh trực quan của grap còn là điểm tựa quan trọng cho sự ghi nhớ và tái hiện của HS về nội dung dạy học. Nhớ lời văn chi tiết và dài dòng thì khó hơn là nhớ hình ảnh đã được tri giác và thông hiểu bản chất.
Nhờ những ưu điểm trên, grap còn giúp HS vận dụng kiến thức đã lĩnh hội được tốt hơn vì hiểu sâu, nhớ lâu thì sẽ vận dụng hiệu quả và ngược lại.
1.4.2.4. Thiết kế grap giáo án bài lên lớp hay chuyển grap nội dung thành grap phương pháp của GV
a) Xây dựng grap các hoạt động dạy học trên lớp
Thông thường GV hóa học thường soạn bài theo kinh nghiệm riêng của mình hoặc theo sách GV, nhưng khi thực hiện trên lớp thì theo kinh nghiệm. Với grap nội dung bài lên lớp, ta đã có một cơ sở khách quan và khoa học để chuẩn bị cho bài soạn trên lớp. Tuy nhiên grap nội dung mới chỉ là grap rút gọn cho nội dung bài trên lớp. Nó chỉ cho ta biết thành phần các kiến thức chốt và mối quan hệ giữa chúng với nhau, tức là logic phát triển bên trong. Nó chưa cho biết những thao tác dạy và học của trò trên lớp. Nói cách khác, grap nội dung chưa cho ta biết phải trực tiếp tổ chức các hoạt động dạy học trên lớp như thế nào.
Để thực hiện các hoạt động dạy học cần lập grap PPDH hay grap giáo án. Grap giáo án diễn tả đồng thời grap nội dung và các hoạt động dạy học kết hợp với việc sử dụng các PPDH khác như đàm thoại, thuyết trình và các phương tiện dạy học hiện đại như máy tính, máy chiếu đa năng…
b) Các bước của việc lập grap phương pháp bài lên lớp
Khi soạn grap giáo án Gv cần thực hiện một số bước sau đây: 1) Nêu ra mục đích, yêu cầu của bài lên lớp như vẫn thường làm.
2) Nêu lên hệ thống câu hỏi, bài tập ứng với các đỉnh của grap nội dung. Như vậy ứng với mỗi đỉnh của grap nội dung ta có một đỉnh tương tự ở grap phương pháp.
3) Lựa chọn phương pháp dạy và phương tiện dạy học thích hợp cho mỗi đỉnh và cho toàn bài.