Năm 2009, theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước dư nợ cho vay đầu tư kinh doanh bất động sản xấp xỉ là 200 nghìn tỷ đồng, tương đương với 10,5% tổng dư nợ ngân hàng và 11,76% tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế. Song sẽ là không đủ khi dự báo vốn cho thị trường bất động sản từ nay tới năm 2020 phải cần tới ít nhất khoảng 130 tỷ USD, tức là 13 tỷ USD/năm để đảm bảo cho nhu cầu phát triển.
Mặt khác, với thông điệp kiểm soát cho vay bất động sản của Ngân hàng Nhà nước và mặt bằng lãi suất cho vay đang ở mức cao thì các doanh nghiệp bất động sản vẫn còn rất khó khăn trong việc tìm nguồn vốn từ tín dụng.
Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước, đến cuối tháng 5/2010 tổng dư nợ cho vay bất động sản là 192.000 tỷ đồng, tăng hơn 4%, chiếm 10% tổng dư nợ tín dụng. Cơ chế cho vay bất động sản đang thực hiện là vay lãi suất thoả thuận. Mặc dù mức tăng này thấp hơn so với mức tăng trưởng chung của dư nợ tín dụng nhưng Ngân hàng Nhà nước vẫn sẽ áp dụng các biện pháp kiểm soát để cho vay bất động
sản tăng trưởng ở mức hợp lý. Lãnh đạo một số ngân hàng cho biết, cho vay bất động sản của các ngân hàng này chủ yếu là phát triển qua kênh tiêu dùng. Việc cho vay đầu tư phát triển dự án hiện nay hạn chế. Ví dụ, ngân hàng ABBank cho biết hiện dư nợ bất động sản của ngân hàng đạt 8%, thấp hơn so với mức 12% của những năm trước. Tuy nhiên, đa số là cho vay cá nhân mua nhà đất, sửa chữa nhà ở… thông qua vay tiêu dùng có thế chấp, trả góp. Lãi suất ở mức 15 - 16%.
Các ngân hàng thể hiện rõ chủ trương, không tài trợ các dự án, các nhà kinh doanh BĐS, chủ yếu hỗ trợ vốn cho khách hàng cá nhân mua, sửa chữa nhà, nhưng nâng điều kiện được vay vốn. Hơn nữa, hiện các ngân hàng chỉ được sử dụng 30% vốn huy động ngắn hạn để cho vay trung - dài hạn, thay vì 40% như trước trong khi huy động vốn trung và dài hạn ngày một khó khăn, dù các ngân hàng đã tăng thêm lãi suất nên chính các ngân hàng cũng hạn chế cho vay đầu tư bất động sản vì động nhiều vốn dài hạn. Nếu có cũng là những dự án rất khả thi với lãi suất cao.