Đặc điểm của trái phiếu

Một phần của tài liệu HUY ĐỘNG VỐN QUA PHÁT HÀNH TRÁI PHIẾU CỦA CÁC DOANH GNHIỆP BẤT ĐỘNG SẢN.PDF (Trang 26)

Trái phiếu doanh nghiệp có đặc điểm chung sau: Trái chủ được trả lãi định kỳ và trả gốc khi đáo hạn, song không được tham dự vào các quyết định của doanh nghiệp, nhưng cũng có loại trái phiếu không được trả lãi định kỳ, người mua được mua dưới mệnh giá và khi đáo hạn được nhận lại mệnh giá. Khi doanh nghiệp giải thể hoặc thanh lý, trái phiếu được ưu tiên thanh toán trước các cổ phiếu. Có những điều kiện cụ thể kèm theo, hoặc nhiều hình thức đảm bảo cho khoản vay.

Kỳ hạn trái phiếu

Nói chung, kỳ hạn của trái phiếu sẽ tương ứng với số năm mà tổ chức phát hành có thể tạo ra tiền để hoàn trả toàn bộ giá trị của trái phiếu. Như vậy, trái phiếu dài hạn sẽ có lãi suất cao hơn so với trái phiếu ngắn hạn. Lý do là trái phiếu dài hạn có thời gian chịu rủi ro thanh toán lâu hơn: mỗi năm trái phiếu đều phải chịu các rủi ro như rủi ro lãi suất, rủi ro về hoạt động kinh doanh và các yếu tố khác có thể dẫn đến việc mất khả năng thanh toán.

Tiền tệ

Đồng tiền của trái phiếu sẽ phát hành phải phù hợp với loại tiền dự kiến thu được từ việc sử dụng trái phiếu. Điều này nhằm loại bỏ, hoặc ít nhất là giảm thiểu, các rủi ro về ngoại hối.

Quyền mua

Quyền mua hay quy định về quyền mua cho phép tổ chức phát hành có quyền mua lại trái phiếu trước khi đáo hạn với một khoản tiền bù. Tổ chức phát hành sử dụng quyền chọn này khi lãi suất thị trường giảm so với lãi suất danh nghĩa của trái phiếu. Do trái phiếu được mua hoặc mua lại trước khi đáo hạn, nên tổ chức phát hành phải trả một khoản tiền bù.

Đối với trái phiếu không chuyển đổi, ví dụ như ở Mỹ, khoản tiền bù này có thể được ấn định bằng số tiền lãi của một năm nếu trái phiếu được mua lại trong năm đầu tiên, và khoản tiền bù này sẽ giảm dần theo một tỷ lệ không đổi của giá trị tiền lãi hàng năm chia cho số năm đáo hạn gốc.

Ví dụ, khoản tiền bù của một trái phiếu có mệnh giá 1.000 USD, kỳ hạn 10 năm, lãi suất 10% sẽ là 100 USD nếu trái phiếu được mua lại trong năm đầu tiên và 90 USD nếu trái phiếu được mua lại trong năm thứ hai, tức là giảm 10% so với 100 USD.

Như vậy, việc thực hiện quyền mua có thể làm tăng lãi suất của trái phiếu.

Các cam kết

Các cam kết của trái phiếu nhằm cho phép hoặc ngăn cản một số hoạt động của tổ chức phát hành, trừ khi có thoả thuận của người sở hữu trái phiếu. Các cam kết nhằm ngăn cản hoặc hạn chế những hành động cụ thể của tổ chức phát hành được gọi là Cam kết khẳng định. Các cam kết nhằm cho phép tổ chức phát hành thực hiện một số hành động cụ thể được gọi Cam kết phủ định.

Ví dụ:

Cam kết khẳng định:

“Tổ chức phát hành sẽ duy trì tại mọi thời điểm tỷ lệ Nợ trên Vốn Chủ sở hữu không quá 3:1 ở cấp công ty và 7:1 ở cấp tập đoàn (hoặc tổng công ty)”

Cam kết phủ định

“Tổ chức phát hành sẽ không xử lý, bán hoặc chuyển giao, hoặc cho phép xử lý, bán hoặc chuyển giao cổ phần của mình (một cách trực tiếp hoặc gián tiếp) trong bất kỳ công ty con lớn nào của tổ chức phát hành (như được mô tả trong phương án phát hành trái phiếu hoặc bản cáo bạch) dẫn đến việc tổ chức phát hành nắm giữ dưới 51% cổ phần trong những công ty đó (một cách trực tiếp hoặc gián tiếp)”.

Các cam kết được nêu trực tiếp trong phương án phát hành trái phiếu hoặc bản cáo bạch sẽ có giá trị ràng buộc về mặt pháp lý đối với tổ chức phát hành và bảo vệ một cách tối đa lợi ích của người sở hữu trái phiếu. Việc phát hành trái phiếu kèm theo cam kết có thể làm giảm lãi suất trái phiếu do việc cam kết đó có thể cải thiện mức độ tín nhiệm của tổ chức phát hành thông qua việc nâng cao độ tin cậy từ người nắm giữ trái phiếu.

Phát hành ở thị trường nước ngoài

Trong một số trường hợp, công ty có thể phát hành trái phiếu ở thị trường nước ngoài. Lợi ích của việc phát hành trái phiếu ở thị trường nước ngoài là số lượng nhà đầu tư và nguồn vốn huy động sẽ lớn hơn nhiều, đặc biệt ở những thị trường phát triển như Mỹ, Anh hoặc Nhật Bản. Nếu một công ty phát hành trái phiếu ở nước ngoài, trái phiếu đó sẽ được gọi là “trái phiếu toàn cầu”.

Ví dụ như Petronas, một công ty thuộc sở hữu nhà nước của Malaysia, thường xuyên phát hành trái phiếu toàn cầu. Năm 1999, Petronas đã phát hành 5 tỷ Yên Nhật (khoảng 42 triệu Đô la Mỹ) loại trái phiếu chi trả bằng đồng Yên tại thị trường vốn Nhật Bản. Do Petronas là một công ty dầu khí lớn nhất của Malaysia, nhà đầu tư nước ngoài ít nhất cũng sẽ biết đến hoạt động kinh doanh của công ty này và có thể cũng an tâm về mức độ tín nhiệm của trái phiếu này.

Những vấn đề chủ yếu cần phải cân nhắc liên quan đến cơ hội ở thị trường nước ngoài bao gồm lượng vốn mà trái phiếu cần huy động và đặc điểm của hoạt động kinh doanh của công ty phát hành. Xét về lượng vốn huy động, lượng vốn huy động càng lớn, sự cần thiết phải tiếp cận thị trường nước ngoài càng cao để có thể

huy động vốn từ các nhà đầu tư tổ chức lớn trên khắp thế giới. Xét về đặc điểm của hoạt động kinh doanh của công ty phát hành, các công ty trong các ngành dầu khí, công nghiệp nặng, các tổ chức tài chính lớn và các tập đoàn sản xuất đa quốc gia là những điển hình về tổ chức phát hành trái phiếu toàn cầu bởi vì nhà đầu tư toàn cầu có thể biết đến tên tuổi của các công ty này nhiều hơn và do đó, có thể yên tâm đầu tư vào trái phiếu của họ.

Tài sản bảo đảm

Trái phiếu được bảo đảm bằng tài sản được gọi trái phiếu bảo đảm hoặc trái phiếu có thế chấp. Trong trường hợp này, tổ chức phát hành cầm cố một tài sản nhất định để đảm bảo cho việc thanh toán lãi và/ hoặc gốc trái phiếu. Tài sản được cầm cố để bảo đảm cho trái phiếu thường được lập dưới hình thức một bản giao ước hoặc hợp đồng giữa tổ chức phát hành và người sở hữu trái phiếu, trong đó nêu chi tiết về trái phiếu và các thông tin cụ thể về tài sản bảo đảm.

Bất động sản là tài sản phổ biến thường được dùng để bảo đảm cho trái phiếu, do bất động sản có thể được xử lý hoặc bán tương đối dễ dàng trong trường hợp sự kiện mất khả năng thanh toán xảy ra. Ngoài ra, có một số trường hợp sử dụng hàng tồn kho và trang thiết bị sản xuất và/ hoặc kinh doanh làm tài sản bảo đảm.

Việc có tài sản bảo đảm cho trái phiếu sẽ làm giảm bớt rủi ro về khả năng thanh toán vì nếu tổ chức phát hành mất khả năng thanh toán, có thể sử dụng một nguồn thanh toán khác là bán các tài sản bảo đảm. Do đó, trái phiếu được bảo đảm bằng tài sản có thể làm giảm lãi suất trái phiếu do rủi ro về khả năng thanh toán thấp hơn trên cơ sở có sự duy trì và quản lý phù hợp đối với tài sản bảo đảm.

Một phần của tài liệu HUY ĐỘNG VỐN QUA PHÁT HÀNH TRÁI PHIẾU CỦA CÁC DOANH GNHIỆP BẤT ĐỘNG SẢN.PDF (Trang 26)