Giọng xót xa, cay đắng

Một phần của tài liệu Thân phận người việt xa xứ trong văn xuôi nguyễn văn thọ (Trang 107)

7. Cấu trúc của luận văn

3.3.3.Giọng xót xa, cay đắng

Sáng tác của Nguyễn Văn Thọ tập trung giải mã về những thân phận con người xa xứ. Nơi trời Tây xa lạ, có biết bao số phận người Việt mình đang ngày đêm chìm ngập trong nỗi nhục áo cơm. Trên bước đường kiếm sống, họ gặp rất nhiều điều bất hạnh: bị cướp, bị hiếp, bị chính đồng loại của mình lừa lọc, dị nghị, dè bỉu… Khi xa rời môi trường sống quen thuộc, nhiều người đã nhắm mắt đưa chân cặp gá vào một nơi nào đó để được dựa dẫm và đã trở thành kẻ phản bội, thậm chí có người đánh mất luôn linh hồn, chỉ sống với những bản năng thú vật. Tội lỗi, lọc lừa, hận thù, tình yêu, lòng nhân ái, sự chân thành… mọi phẩm giá tốt xấu, hay dở của người Việt nơi xa xứ đều hiện hữu một cách rõ ràng dưới ngòi bút đầy nhân đạo của nhà văn. Khi cắt nghĩa về những cảnh đời trên, ngoài giọng văn bạo liệt, Nguyễn Văn Thọ còn

sử dụng một tông giọng khác: giọng xót xa, cay đắng. Đặc biệt, khi viết về thân phận người phụ nữ giọng điệu này được bộc lộ một cách rõ nét nhất.

Ở phần đầu truyện ngắn Trong bão tuyết, tác giả kể về số phận buồn của người đàn bà không tên bằng một giọng văn đầy nuối tiếc, xót xa. Với nhịp điệu đều đều, buồn buồn, số phận nhân vật hiện dần qua lời kể. "Cái câu có giầu thì giầu rồi mỗi lần gã nói làm người đàn bà đau thót tim. Chị vẫn thế. Số tiền hơn bảy chục ngàn US gửi mẹ đẻ của chị ở Hà Tây đã tiêu tan trong một năm. Mẹ chị đã dùng tiền ấy đầu tư cô em bà ở Sài Gòn. Bà dì chị phá sản, tiền tan như khói. Chị đau xót cắn môi mỗi khi nghĩ lại. Không tin mẹ thì tin ai?" [83;8]. Nỗi đau của chị không chỉ ở việc mất một khoản tiền lớn vì người mẹ, mà cái chua chát là ở chỗ những năm tháng ra nước ngoài kiếm sống để có được đồng tiền, chị đã phải trả một cái giá quá đắt đỏ: mẹ ruột từ bỏ, gia đình tan nát, con cái nghiện ngập, bụi bờ. Bằng một giọng văn đầy cảm thông và rất chân thành nhà văn đã lí giải về sự tham lam, nhầm tưởng chết người của những người thân ở quê nhà khi có con em ra nước ngoài kiếm sống: "Phải rồi, ở quê, ai cũng nghĩ chị giầu có, tiền như nước. Về phép, cả họ có quà. Có ai biết cái nỗi tha hương, mặt gục vào tuyết giá, nhịn ăn nhịn tiêu, nhịn cả tình cảm." [83;9]. Có những đoạn nhà văn không còn giữ được vai trò của người kể chuyện khách quan nữa mà nhiều lúc phải thốt lên đau đớn: "

Hừ, cái đau nhất sau đó để hắn, chồng chị có thể khinh rẻ. […]. Đau lắm.

Đau quá. Giá như chết được. […]. Sự ấy diễn ra lâu rồi. Thế mà nhớ lại, đau thắt! Nước mắt cố kìm lại vẫn lã chã" hay "Trời ơi, người chứ có phải là cục đá mà gói mang đi ngay được." [83;9]. Cứ bằng giọng văn ấy, nhà văn tiếp tục kể về số phận của chị. Ngày xưa, chị vốn là một cô gái đẹp. Chị như hoa tầm xuân vừa hé, nõn nường nhất huyện ai cũng say mê. Vậy mà, ai ngờ số phận đưa đẩy, chị lìa bỏ quê nhà sang lại bên này để cố tích luỹ ít vốn, đồng thời cũng để chạy trốn hiện thực đau đớn. Hiện tại, cuộc sống cũng đang gặp

khó khăn. Ngày ngày cũng cóp nhặt từng đồng, cũng phải ăn tiêu tằn tiện mới có thể tồn tại được nơi xứ người.

Không chỉ có người lao động, người phụ nữ Việt, mà cả đến những số phận người nước ngoài cũng được nhà văn cảm thông, chia sẻ. Vườn Maria, Một người Đức, hay Vết sẹo… là những truyện ngắn được nhà văn sử dụng giọng văn xót xa, cay đắng để thể hiện. Ở Vườn Maria là sự nuối tiếc cho hoàn cảnh lận đận của hai vợ chồng Maria. Sau bao nhiêu năm họ miệt mài, đổ mồ hôi công sức và tiền của để chăm sóc mảnh vườn, tới ngày hái quả, chủ nhân cũ trở về đòi lại và chỉ bồi thường đúng ba chục bạc. Vườn, đối với vợ chồng họ, đó là sự sống, là niềm đam mê, là ao ước cả đời. "Suốt mấy chục năm qua tôi luôn mơ ước sẽ cải tạo nhà vườn thành nơi tử tế. Tôi coi mảnh đất có khu vườn này như mảnh đất quê hương, xứ sở của tôi. Tôi đã sống và sẽ chết tại đây. Mùa hè cũng như mùa đông, tôi không phải giam hãm trong khu nhà tập thể chật chội và tù túng nữa. Sống hẳn trong nhà vườn, tôi sẽ thực sự quên đi tất cả dĩ vãng. Chúng tôi đã dồn tiền bạc xây cất khu vườn. Tôi hi vọng. Thế mà giờ đây chẳng còn nhà vườn nào nữa." [83;219]. Đó là lời tâm sự đẫm nước mắt của Maria. Mọi hi vọng của họ giờ đã tan thành mây khói. Họ rất đau đớn khi phải tự tay phá bỏ đi tất cả những gì mình đã tạo lập.

Giọng văn xót xa trong truyện ngắn Một người Đức được bộc lộ khá rõ nét ở cuối câu chuyện khi "tôi" và vợ đến thăm Hans và đã phát hiện ông ta chết ngồi trên cái ghế bành cũ. Hằng ngày, gia đình nhân vật tôi và Hans sống khá thân thiết. Họ thường xuyên qua lại, giúp đỡ lẫn nhau. Mặc dù cũng có những lúc họ cãi vả vì không cùng quan điểm sống. Lần cuối cùng họ gặp nhau, nhân vật tôi đã khiến Hans nổi cơn thịnh nộ vì nhỡ bàn với Hans chuyện bán căn nhà cũ để dưỡng già. Chính vì thế, khi Hans chết, vợ chồng "tôi" vừa đau đớn vừa hối hận. Đoạn văn cuối truyện nói lên được tâm trạng đó:

Hắn không trả lời. Hans im lặng.

Cả khu vườn đầy tuyết trắng xoá, im lặng. Chỉ có tiếng vọng của tôi, nhoà vang, như từ cõi xa xăm nào run run gọi và. Và tiếng con chó trung thành của ngời bạn già. Nó, phủ phục dưới chân Hans, cái lưỡi đỏ thè dài liếm liếm mãi chiếc gậy to, đen, nhầu cũ, đăm đăm đôi mắt đầy lệ và thi thoảng chu lên thảm thiết.

Vợ tôi gần như khuỵ xuống. Cô run rẩy, trĩu nặng níu chặt lấy tôi và nghẹn ngào nước mắt hai hàng gọi: ối trời ơi! Anh Hans ơi!

Tôi rùng mình.

Hans đã chết!" [83;170].

Đó là sự xúc động thực sự, bởi lẽ, với vợ chồng nhân vật tôi, Hans đã thành người bạn già thân thiết. Cuộc sống ở hải ngoại nhiều khi "đèn nhà ai nhà nấy rạng", hiếm hoi lắm mới gặp được một người bạn chân tình, thực lòng giúp đỡ như Hans. Hans vốn là người Đức chính cống, từng làm công nhân nay về hưu. Vợ chết, con cái đi xa, nay chỉ thui thủi một mình, Hans chỉ biết lấy men rượu làm bầu bạn và quanh quẩn bên quầy hàng của "tôi". Sự chia sẻ của gia đình "tôi" với Hans là một ân tình rất đáng trân trọng nơi đất khách quê người. Vì thế, khi Hans qua đời, họ thực sự đau đớn.

Cũng viết về cái chết, nhưng ở một hoàn cảnh khác, đó là cái chết của Jonh trong truyện ngắn Vết sẹo. Qua đó đã cho thấy ngòi bút nhân đạo sâu sắc của Nguyễn Văn Thọ. Jonh và "tôi" quen nhau trong cuộc họp chợ ở Teltow. Hai người lính đã một thời là kẻ thù trong chiến tranh ở Việt Nam, nay gặp nhau trên đất Đức, họ trở thành bạn, họ chân thành khuyên nhau quên quá khứ để sống tốt hơn. Nhưng không may Jonh đã ra đi ở tuổi chưa đầy năm mươi. Nghe tin bạn mất, "tôi" đã đau đớn khôn cùng:

Tôi ngồi lặng hàng giờ bên bàn viết suy nghĩ về Jonh. Hồi tưởng về người lính Mỹ năm xưa và người bạn hôm nay. Tôi khóc! Ở tuổi anh, Jonh ơi! Ra đi vậy còn trẻ quá! Tôi hình dung khuôn mặt sàm sạm nắng gió của anh. Tôi hình dung, nụ cời chua chát mỗi khi anh nhắc đến những cánh rừng nhiệt đới, những buổi hành quân, bom đạn, chết chóc… Jonh đã ra đi rồi! Con bệnh nào hay di chứng nào ở anh bứt đi một cái lá còn xanh." [83;236]

Bề ngoài Nguyễn Văn Thọ có vẻ rắn rỏi, từng trải, nhưng bên trong, ông lại là người mau nước mắt. Đó là sự đa cảm, dễ xúc động ở một nhà văn nhưng, với Jonh, tiếng khóc nức nở của ông còn cho thấy được nhân cách lớn lao của một người lính giàu lòng vị tha. Nguyễn Văn Thọ đã "bỏ qua" quá khứ đau buồn, mà chính Jonh là người trực tiếp gieo rắc, để dang rộng vòng tay đón nhận một tình bạn chân thành.

Một phần của tài liệu Thân phận người việt xa xứ trong văn xuôi nguyễn văn thọ (Trang 107)