7. Cấu trúc của luận văn
3.1. Văn xuôi Nguyễn Văn Thọ mang đậm yếu tố tự truyệ n kiểu nhân vật xưng “tôi”
nhân vật xưng “tôi”
3.1.1. Tự truyện và đặc điểm của tự truyện trong văn học
Theo Từ điển thuật ngữ văn học (Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi đồng chủ biên, Nxb Giáo dục - 1992), tự truyện là "tác phẩm văn học thuộc thể loại tự sự do tác giả tự viết về cuộc đời của mình." [31;265]. Lại Nguyên Ân trong 150 thuật ngữ văn học (Nxb Đại học quốc gia Hà Nội, năm 2004), đưa ra định nghĩa: "Tự truyện là những tác phẩm văn học thuộc thể loại tự sự, thường được viết bằng văn xuôi, trong đó tác giả tự kể và miêu tả cuộc đời của bản thân mình." [4;375]. Như vậy, về cơ bản cả hai khái niệm trên đều đi đến thống nhất: đây là tác phẩm văn học, thuộc thể loại tự sự, do nhà văn viết về bản thân.
Tự truyện được nảy sinh trong môi trường văn hóa Tây Âu thời cận đại, khi con người có nhu cầu tự bộc bạch, tự phân tích bản thân. Hình thức đầu tiên của nó xuất phát từ việc xưng tội của tín đồ Thiên chúa giáo. Tác phẩm tự truyện tiêu biêu đầu tiên là cuốn Tự thú của Thánh Augustinus (354 - 430). Năm 1764, khi Jean Jacques Rousseau (1712 - 1778) cho ra đời cuốn Tự thú, đã đưa thể loại này đạt sự hoàn thiện. Ở nước ta, tự truyện ra đời muộn hơn, vào những năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, khi cái tôi cá nhân trong văn học bắt đầu hình thành. Theo Lê Tú Anh, trong Phan Bội Châu niên biểu (Phan Bội Chu) và Giấc mộng lớn (Tản Đà) - Những bước đi đầu tiên của tự
truyện Việt Nam, thì "thể loại này có dấu hiệu xuất hiện ngay từ tác phẩm văn xuôi bằng chữ quốc ngữ đầu tiên: Thầy Lazarô Phiền (Nguyễn Trọng Quản). Đến chặng hoàn tất của quá trình hiện đại hoá văn học (1930 - 1945), tự truyện đã chính thức có mặt và cùng với các thể loại khác, làm nên một diện mạo mới cho nền văn học Việt Nam." [3].
Tự truyện có nhiều điểm gần gũi với tiểu thuyết, nhất là tiểu thuyết Tây Âu thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX (Adolphe (1816) của Benjamin Constant, Tự thú của một đứa con của thời đại (1836) của Alfred de Musset) và tiểu thuyết thuộc trường phái tự nhiên chủ nghĩa ở Nhật Bản (Gia đình của Shimazaki Tōson , Bên con lạch của Masamune Hakuchō, Tấm đệm của Tayama Katai, Phát triển của Iwano Hōmei).
Tự truyện cũng có những nét giống với bản tự thuật về tiểu sử, lí lịch của nhà văn, đều viết về những sự kiện đã diễn ra trong cuộc đời họ. Tuy nhiên, nếu tự thuật là "sự thông báo về quá khứ" thì tự truyện là "tác phẩm nghệ thuật làm cho quá khứ tái sinh". Nhà văn "được sống lại một lần nữa đoạn đời đã qua của mình". [31;265]. Tự thuật chỉ trình bày một cách súc tích, chính xác các sự kiện, còn "tự truyện lại yêu cầu nhà văn tái hiện đoạn đời đã qua của mình trong tính toàn vẹn, cụ thể - cảm tính, phù hợp với một lí tưởng, xã hội - thẩm mĩ nhất định." [31;265], đồng thời các yếu tố đời tư chỉ đóng vai trò như một chất liệu để sáng tạo nghệ thuật. Chính vì vậy tác giả tự truyện có quyền hư cấu, thêm thắt hoặc sắp xếp lại các chi tiết cuộc đời mình sao cho phù hợp. Do đó con người thực của nhà văn với số phận nhân vật chính trong tự truyện có độ chênh nhất định.
Có những văn bản tự kể về cuộc đời của một nhân vật nào đó nhưng vẫn không được xem là một tác phẩm văn học vì nó chưa có giá trị về nội dung lẫn nghệ thuật ngôn từ. Theo Lê Tú Anh, trong Phan Bội Châu niên biểu (Phan Bội Chu) và Giấc mộng lớn (Tản Đà) - Những bước đi đầu tiên
của tự truyện Việt Nam, tự truyện được xem như một thể loại văn học cần đảm bảo các yếu tố sau:
"Thứ nhất, tác giả - người kể chuyện và nhân vật chính của tác phẩm là một. Nghĩa là, tự truyện là chuyện đời của chính người viết. Có một lưu ý cho quy ước này, chuyện đời của người viết phải là những chuyện có thực, là cuộc đời nhà văn đã nghiệm sinh. Nói cách khác, tác giả tự truyện phải là con người hữu thể, thực tính, đã sống thật.
Thứ hai, người viết tự truyện phải đặt cái “tôi” của mình ở vị trí trung tâm tác phẩm để tự quan sát, đào xới, lý giải bằng nhãn quan cá nhân. Nghĩa là, nhà văn viết tự truyện phải sử dụng điểm nhìn nội quan (introspetion) trong trần thuật. Tuy nhiên, trong khi đi tìm cái “tôi”, một tự truyện đích thực phải đạt tới cái “chúng ta”.
Thứ ba, nhà văn kể lại chuyện đời mình trong tinh thần sám hối, thú tội, tự vấn lương tâm. Có nhà nghiên cứu cho rằng, tự truyện “in dấu nếp sống của tín đồ Thiên Chúa giáo, rõ nhất là việc xưng tội.” [3].
Nhiều tác giả trong tác phẩm của mình đã sử dụng yếu tố tự truyện như một phương thức sáng tác. Đó là những tác phẩm mặc dù không trực tiếp kể về cuộc đời nhà văn nhưng vẫn thấy hình bóng tác giả hiện lên khá rõ nét. Rõ nét như trường hợp các nhân vật: Thứ (Sống mòn - Nam Cao), Khải (Mực mài nước mắt - Lan Khai), Tự (Đám cưới không có giấy giá thú - Ma Văn Kháng), Tiệp (Gia đình bé mọn - Dạ Ngân).