Giọng lãng mạn, dịu êm

Một phần của tài liệu Thân phận người việt xa xứ trong văn xuôi nguyễn văn thọ (Trang 104)

7. Cấu trúc của luận văn

3.3.2. Giọng lãng mạn, dịu êm

Bên cạnh giọng văn bạo liệt, có một gam giọng hoàn toàn trái ngược trong sáng tác văn xuôi Nguyễn Văn Thọ, đó chính là giọng lãng mạn, dịu êm. Chúng tôi nhận thấy những trang văn tả cảnh, những sáng tác về tình yêu, hay những truyện ngắn viết về thế giới trẻ thơ, nhà văn đều sử dụng giọng điệu này.

Truyện viết về chủ đề tình yêu của nhà văn Nguyễn Văn Thọ thường có một nét gì đó bồng bềnh, phiêu lãng. Nó không dữ dội như truyện viết về cuộc sống mưu sinh mà chỉ nhẹ nhàng, thoáng qua. Có những truyện nhà văn khai thác cảm xúc mong manh, mơ hồ của nhân vật, nó chưa đủ lớn để khơi dậy một thứ tình yêu mãnh liệt. (Sẫm Viôlét, Hương Mỹ nhân). Đó thực chất là những cảm xúc, những rung động của một trái tim tinh tế và nhạy cảm của nhà văn trước cuộc đời. Cũng có những câu chuyện kể về các mối tình đẹp, thơ mộng, nhưng đó là những cuộc tình hoàn toàn không có thật bởi các nhân vật của ông chỉ sống trong thế giới ảo - thế giới internet. Nguyễn Thụ và Phượng trong truyện ngắn Cõi ảo là những trường hợp như thế. Họ quen nhau trên một trang web ở mục tự truyện. Nguyễn Thụ là nhà văn đã lớn tuổi, trong khi đó Phượng đang là sinh viên du học tại Úc. Nhân vật nhà văn già trong truyện không hoàn toàn là trí tưởng tượng nghệ thuật của Nguyễn Văn Thọ. Dường như giữa "Nguyễn Thụ" và "Nguyễn Văn Thọ" có một mối liên hệ nào đó kể cả ngữ âm và ngữ nghĩa, và hơn hết, những rung động trong tâm hồn của nhà văn già khi bước vào cuộc yêu thực sự là những cung bậc tình cảm của chính người kể chuyện. Có thể nói câu chuyện như một "bản tường tình" tình cảm của nhà văn bước vào tuổi ông khi yêu. Bằng một giọng văn nhẹ

nhàng, nhà văn đã dẫn dắt người đọc lần theo những xúc cảm của nhân vật. Lãng mạn, tế nhị, sâu sắc, nhưng cũng đầy rạo rực, có khi nhung nhớ, hồi hộp trong đợi chờ, có khi giận dỗi đầy đau khổ. Ban đầu, Nguyễn Thụ trao đổi thư từ với cô gái trẻ chỉ để chia sẽ kinh nghiệm sống và lấy chất liệu cho sáng tác nghệ thuật mà thôi. Còn với Phượng, việc này đối với cô như một trò đùa vô hại trên internet. Thế nhưng sau hơn một năm quen biết trao đổi thư từ, từ chỗ xưng hô bác - cháu đến chú - cháu và sau cùng anh - em, họ đã yêu nhau tha thiết. Vì sống trong cõi ảo nên mối tình của họ rất đẹp và nên thơ. Họ đến với nhau bằng tất cả những gì tinh khiết nhất của tâm hồn và của sự tưởng tượng. Cũng vì thế giới ảo nên mối tình đó không thể nào thành hiện thực. Cuối câu chuyện nhà văn Nguyễn Thụ rút lui trong sự cao thượng nhưng rất đỗi khổ đau. Còn Phượng, cô cũng mạnh dạn bước qua cuộc tình này để ra đi tìm cuộc hôn nhân mới.

Trong tiểu thuyết Quyên, có những đoạn văn miêu tả cảnh sắc thiên nhiên hết sức lãng mạn. Đặc biệt là lần ân ái giữa Quyên và Kuma.

Với truyện ngắn Gửi ông đại tá chờ thư, nhà văn đã chủ tâm thoát khỏi lối sử dụng ngôn ngữ bạo liệt, gai góc tình huống quyết liệt như thường thấy. Ở đây ông đã khai thác đời sống tâm hồn trẻ thơ bằng thứ ngôn ngữ giản dị với một giọng văn nhẹ nhàng, êm ái.

Cô bé Toản Li, nhân vật chính trong truyện, năm nay lên 9 tuổi, là một đứa trẻ ngây thơ, giàu cảm xúc nhưng rất thông minh. Hằng ngày thấy ba đọc một cuốn sách dày, nên nó tò mò tự tìm hiểu. Khi phát hiện ra sách không có một cái hình nào cả, cô bé đã xịu mặt. "Chiều nay từ trường về, Toản chợt nhớ tới cuốn sách bố vẫn đọc. Tại sao mình không xem bố đọc gì? Nó tự hỏi rồi đi tới giá sách của bố. Phải bắc ghế mới với được cuốn sách. Không có một cái hình nào cả. Toàn chữ là chữ. Thế mà bố nó đọc suốt? Chẳng có cái hình nào mà tại sao bố lại thích? Nó tự hỏi và về phòng của mình." [83]. Đoạn

văn trên được diễn đạt bằng một thứ ngôn ngữ rất mềm mại. Nó phản ánh đúng tâm trạng trẻ em: tò mò hiếu sự và rất ngây thơ. Trong thế giới tâm hồn của Toản Li, sách phải có những hình ảnh minh hoạ giống như các câu chuyện cổ tích của cô.

Toản Li rất thương ông nội vì ông chơi với Toản nhiều nhất, lại vẻ tranh Toản cười rất tươi, còn gọi Toản là hoạ sĩ, ông đánh đàn cũng hay. Nhưng ông nội đã mất, điều này khiến Toản buồn lắm. Buồn nhất là khi chứng kiến cái chết của con cánh cam bị kiến tha sau vườn trường và nó liên tưởng đến cảnh ông nội cũng bị kiến tha. Toản Li đã khóc. Hành động đáng yêu nhất của Toản Li là việc quyết định gửi cho ông Đại tá một bức thư. Đây là một tình huống đặc sắc nhất trong câu chuyện mà Nguyễn Văn Thọ đã xây dựng. Với chi tiết này, một lần nữa cho thấy sự ngây thơ đến đáng yêu, sự thông minh và tấm lòng bao dung của cô bé Toản Li. Quyết định viết thư cho ông Đại tá là vì bé nhớ ông nội, vì cảm thông cho nỗi cô đơn của người già, và cũng vì khát khao muốn bộc lộ tâm sự mình bằng tiếng Việt. Một phần nữa, cô đã lầm tưởng nhân vật trong sách với nhân vật thực ngoài đời. Ngôn ngữ mà nhà văn sử dụng trong bức thư cũng rất đáng yêu. Nó hoàn toàn là thứ ngôn ngữ của trẻ thơ, lại là đứa trẻ sống ngoài Việt Nam, nên rất trong sáng và có những nhầm lẫn đáng yêu. Đó là lời khuyên của Toản Li với ông Đại tá: "Ông đừng buồn nhé. Cháu không muốn ông buồn. Ông phải ngoan phải ăn nhiều! Ông biết không, ông nội cháu rất ngoan." [86]. Rõ ràng ngôn từ trong bức thư, Toản Li đã học theo cách viết trong các bức thư của người ông đã mất trước đây gửi cho cô. Trong thế giới tâm hồn của nó, nếu người lớn khuyên nó phải "ngoan" và "ăn nhiều" thì nó cũng có thể động viên người lớn như vậy. Đó là sự quan tâm của một tâm hồn thật ngây thơ và trong sáng.

Câu chuyện được nhà văn dẫn dắt, kể lể bằng một thứ ngôn ngữ rất mềm mại, bằng lối nói của ngôn ngữ trẻ em. Chẳng hạn như đoạn: "Về Việt

Nam, nơi mà bố nó hay nhắc tới từ Quê hương kèm theo ấy, nơi xa ơi là xa,

lâu ơi là lâu mới tới được, nó có nhiều người họ hàng, nói theo người Đức gọi là Than-thờ (Tante)! Nhưng chỉ có ông nội là nó thấy thích nhất, nhớ nhất." [86]. Hay đoạn: "Có một người lính cựu, một Đại tá, chờ một lá thư suốt bao nhiêu là bao nhiêu năm. Ngày lại ngày! Con hiểu không? Đứa trẻ chớp mắt, gật đầu. Giọng người bố thực trầm, ấm áp…" [86]. Đến cả thiên nhiên cũng không còn dữ dội như các truyện khác mà trở nên thơ mộng hơn rất nhiều: "Ngoài trời có mưa tuyết. Nhìn rõ tuyết trắng nhẹ bay khắp mọi nơi giống như cả khu nhà được nhốt trong chiếc máy quay kẹo bông ở chợ trời thị xã cuối tuần." [86].

Bằng giọng văn lãng mạn, dịu êm, một mặt nhà văn đã thể hiện được những rung động tinh tế của mình trước cuộc sống, mặt khác cho thấy cái nhìn đa chiều về cuộc sống đó của ông. Thế giới quan của những người di dân đâu phải chỉ quẩn quanh trong việc kiếm tiền, ở họ còn có những phút giây xúc động, trãi lòng trước cảnh sắc thiên nhiên, số phận của người khác.

Một phần của tài liệu Thân phận người việt xa xứ trong văn xuôi nguyễn văn thọ (Trang 104)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(125 trang)
w