Khát vọng đổi đời của người Việt xa xứ

Một phần của tài liệu Thân phận người việt xa xứ trong văn xuôi nguyễn văn thọ (Trang 41)

7. Cấu trúc của luận văn

2.1.1. Khát vọng đổi đời của người Việt xa xứ

Trước khi trở thành nhà văn nổi tiếng, Nguyễn Văn Thọ từng là "thợ khách" ở Đông Đức, chắc hẳn ông cũng có những tâm lí như bao nhiêu người sang phương Tây tìm kiếm giấc mộng đổi đời. Là người trong cuộc, hơn ai hết, Nguyễn Văn Thọ đã hiểu sâu sắc về những mơ ước, khát vọng và cuộc sống của những người cùng cảnh ngộ. Đời sống của người Việt sau chiến tranh nhìn chung còn nghèo khổ. Vì thế đi Tây, đi xuất khẩu lao động để được đổi đời là mơ ước của biết bao người. Đó là khát vọng sống chân chính. Vả lại, khi chứng kiến người bà con, hàng xóm mình từ Tây “về phép” với quà cáp, tiền bạc và quần áo xúng xính, nên phương Tây là "miếng mồi nhử" đầy béo bổ, quá hấp dẫn đối với những người ở nhà quanh năm đói nghèo. Trên thực tế, đã có nhiều người về nước như thế. Họ mua sắm đủ thứ, họ xây nhà cửa, tậu đất, cung cấp vốn liếng cho người thân kinh doanh… Nhìn vào gia cảnh những người "bên kia" về, những người ở nhà tìm mọi cách để ra đi thỏa giấc mơ làm giàu.

Hầu hết nhân vật trong sáng tác của Nguyễn Văn Thọ đều mang một tâm lí chung: sang Tây có thể "xúc vàng" một cách dễ dàng để đưa về nước hưởng thụ. Các truyện ngắn và tiểu thuyết của ông, viết về thân phận người Việt xa xứ, đều đề cập đến đồng tiền. (trừ truyện Gửi ông đại tá chờ thư). Đồng tiền có một ma lực ghê gớm khiến con người lao vào bất chấp sống chết.

Vì tiền, nhiều người sẵn sàng bán cả cơ nghiệp, hoặc cầm cố cửa nhà, đất đai để bằng mọi cách lo lót sang Tây, dù là con đường vượt biên

bất hợp pháp. Trong bài báo Mười lăm năm người Việt ở Đức, Nguyễn Văn Thọ có kể lại: "Năm ngoái tôi và cô Chu Vân Anh cháu nội cố thượng tướng Chu Văn Tấn gặp một người ngu ngơ như vậy trên đường phố Berlin. Trả hơn bẩy ngàn U.S cho một người tên là X, người đàn ông đã hơn bốn chục tuổi này qua Nga được đưa tới Đức. Sau hơn một tuần chỉ ăn mì và uống nước lã trong một khu rừng bí mật hẻo lánh, anh bị đẩy ra đường phố trong túi không một đồng Cent, quần áo lấm lem bẩn thỉu và trong trạng thái đói lả. Trong khi nuốt vội bánh mỳ và súp nóng do Vân Anh mua tặng, anh nghẹn ngào kể:

- Tôi chót bán hết gia sản, một cái nhà nát bên đường một tại Việt nam, sang tới Nga rồi qua đây. Họ đã giam tôi hơn một tuần trong rừng để buộc tôi thanh toán thêm số tiền 500 Eu nữa phát sinh vì những điều quái quỷ nào đó. Thực ra tôi không thể thanh toán bởi người quen tôi ở đây bặt âm vô tín và họ buộc thả tôi tại thành phố này từ một cái xe con rồi mất biến." [92].

Tám trong truyện ngắn Lá bùa, mặc dầu xuất hiện một cách mờ nhạt, nhưng lại là dạng nhân vật đại diện cho những con người đi tìm giấc mộng đổi đời. Gia đình Tám rất nghèo, qua lời kể của nhân vật "tôi", thì "mợ tôi ở dưới quê, cái vùng chiêm trũng, nước đóng váng gạch cua tháng hạ, người nhiều hơn ruộng! Cậu tôi hy sinh trong chiến tranh biên giới để lại gánh nặng, bốn nách con cho mợ." [83;189]. Do túng quẫn lại thấy cảnh "nhà tôi nghèo thế mà bỗng dưng có những mấy ngàn USD, lại ti-vi màu bóng nhẫy, chình ình trong cái nhà hẹp mười mấy mét vuông thì ai chả nghĩ, sang bên Đức có thể xúc ra tiền!" nên "muốn vay tiền để đứa con gái lớn của mợ, em tôi sang Đức", với một hi vọng mong manh "ngộ may có đổi đời như nhà các cháu.” [83;189]. Tám là một cô gái xinh xắn, dễ thương, giàu tình cảm, dễ xúc động nhưng cuộc đời cô đang còn ở phía trước. Hạnh phúc, sung sướng hay khổ đau vẫn còn phải chờ.

Sự tham lam khiến người ta ngộ nhận về một tương lai sán lạn đang chào đón mình ở xứ người. Chính vì điều này mà Huệ (tiểu thuyết Quyên), một cô gái trẻ, bất chấp tất cả để nhắm mắt đưa chân sang tận Ba Lan làm vợ "Việt kiều". Huệ sinh ra trong một gia đình nghèo, đông con ở vùng nông thôn miền Trung. Vì gia cảnh, cô phải bỏ học giữa chừng. Trong con mắt của những cô gái ở làng như cô thì "những người ở nước ngoài trở về rõ là cực kì sung sướng. Ai nấy ăn mặc thật đẹp, tiền tiêu như nước." [82;395-396]. Các cô không cần quan tâm đến thời gian quen biết nhiều hay ít, hình thức của các chàng "Việt kiều" xấu hay đẹp mà chỉ nghĩ đến cái túi của họ có bao nhiêu tiền. Vì thế dù anh chàng kia "răng hơi vâu vâu", dù chỉ mới hai tháng làm quen, khi được hỏi cưới, Huệ và cha mẹ cô đã đồng ý ngay tắp lự. Cô tâm sự: "con gái như tụi em ở làng, lấy được một người ở thành phố đã là ghê lắm rồi, nay lại lấy chồng làm ăn tận ở châu Âu, thì may mắn quá! Còn gì bằng? Cha mẹ em hả hê ra mặt.” [82; 396]. Rõ ràng vì tiền, vì cuộc sống con người ta sẵn sàng dấn thân, đánh đổi cả hạnh phúc cá nhân để có được những đồng ngoại tệ mạnh.

Khát vọng đổi đời không chỉ đơn giản là ở giấc mộng đi kiếm tìm tiền bạc mà có những cuộc ra đi để thỏa lòng thèm khát công danh sự nghiệp nơi xứ người. Dũng, chồng Quyên trong tiểu thuyết cùng tên, là một ví dụ điển hình. Dũng sang Nga học tiến sĩ, hết hạn, anh vượt biên sang Đức với hi vọng “sang bên này với cái bằng tiến sĩ, có ngày được Đức nó sử dụng.” [82;89]. Rõ ràng, đó là mơ ước đẹp đẽ và đầy lãng mạn của kẻ trí thức.

Cũng có những cuộc ra đi để sum họp vợ chồng, thỏa những ngày tháng xa cách như Quyên. Quyên vốn là cô gái nổi tiếng đẹp và thông minh, ra trường đại học làm cô giáo dạy văn gần nhà (Hà nội). Quyên lại có chồng làm tiến sĩ ở nước ngoài, cuộc sống thật hạnh phúc nếu như chồng cô trở về rồi cùng sinh con đẻ cái. Ấy vậy mà giấc mơ tìm kiếm tìm danh vọng của

Dũng, chồng cô, nơi trời Tây hấp dẫn kia buộc cô gái mơn mởn đào tơ bỏ cả sự nghiệp, gia đình và quê hương đi theo tiếng gọi tình yêu. (các nhân vật này trong tiểu thuyết Quyên)

Rồi cũng có những kẻ bỏ xứ ra đi vừa vì đồng tiền vừa để xác thực lại tình cảm của vợ chồng: Hùng, Phi, cũng trong tác phẩm Quyên.

Hùng là cán bộ lâm nghiệp, anh yêu rừng như yêu vợ. Cuộc sống khó khăn, vợ anh đi xuất khẩu lao động tại Nga. Một năm ở nhà, dẫu có được niềm vui trong những chuyến phiêu lưu nơi rừng nguyên sinh đầy bí mật thì nỗi nhớ nhung người vợ xứ trời Tây vẫn không thể nguôi ngoai trong anh. Anh nhớ “mùi tóc, mùi nách, mùi miệng” nhớ đến cả “những lần ân ái”, nhớ một cách da diết, “miên man”, và “cồn cào”. Rồi bao điều tiếng thị phi anh nghe được về những chuyện cặp bồ, bịch không hay ở đội quân xuất khẩu lao động, Hùng quyết chí ra đi.

Trường hợp của Phi cũng tương tự Hùng. Ở Việt Nam, Phi là giáo viên dạy nghề tại một trường phổ thông ngoại thành Hà Nội. Phi cũng có vợ đi xuất khẩu lao động. Nhưng vợ Phi không đẹp như vợ Hùng, có điều thị là tuýp người có “ma lực với đàn ông”. Phi là người hiểu vợ hơn ai hết. Bây giờ cô ta được tháo củi sổ lồng nơi xứ người. Làm sao mà Phi yên tâm công tác? Anh quyết dứt áo, bỏ lìa quê hương ra đi. Đi để được chứng thực, đi để giữ vợ.

Có những người do chán cảnh sống với chồng con nơi quê nhà nên ra nước ngoài tìm kiếm hi vọng mới. Đó là trường hợp hợp nhân vật "Chị"

Trong bão tuyết, hoặc nhân vật "tôi" ở truyện ngắn Nhà ba hộ cũng thế. Mười hai năm sống ở căn nhà ba hộ, chịu đựng bao điều nhục nhằn vì cảnh nghèo túng, con cái nheo nhách bệnh tật, tình cảm vợ chồng đổ vỡ tới mức không thể cứu vãn, "tôi" quyết sang Đức để "có tiền mà tay vẫn sạch" và "cũng nên biết ở xứ khác, người ta sống thế nào." [89;135]. Nhưng lí do quan trọng cho

cuộc ra đi đó vẫn là một sự chạy trốn, một sự giải tỏa tâm lí cho cả hai vợ chồng. Hòng hi vọng một luồng gió mới.

Như thế, ra đi vừa là một khát vọng đồng thời lại là giải pháp cần thiết của nhân vật trong sáng tác Nguyễn Văn Thọ. Có người đi trong tâm trạng hân hoan, phấn khởi, tràn ngập hi vọng lại có kẻ đi mà lòng còn trăm mối ngỗn ngang, … Lại có người đi như một sự giải thoát, đi mà không biết tương lai về đâu, nhưng dẫu sao vẫn còn hơn ở nhà.

Một phần của tài liệu Thân phận người việt xa xứ trong văn xuôi nguyễn văn thọ (Trang 41)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(125 trang)
w