7. Cấu trúc của luận văn
1.3.3. Thái độ của Nguyễn Văn Thọ trong cách nhìn về thân phận người Việt ở
người Việt ở hải ngoại
Trước khi bàn đến quan niệm của Nguyễn Văn Thọ về thân phận người Việt ở hải ngoại, chúng ta cần xét đến vị trí của nhà văn trong dòng văn học khá phức tạp này. Trên thực tế văn học Việt Nam hải ngoại cũng chia nhiều trường phái, nhiều quan điểm khác nhau. Theo Nguyễn Mộng Giác, văn học Việt Nam hải ngoại được hình thành chủ yếu từ hai con đường: những người niềm Nam trong các đợt di tản, vượt biên, hợp thức hóa gia đình, H.O, chủ yếu ở Mỹ, Úc và Canada; và những người thuộc diện xuất khẩu lao động và sinh viên du học tập trung nhiều ở Đông Âu - Liên Xô cũ, họ được xem là nhà văn di dân. Nhà văn Nguyễn Văn Thọ, thuộc nhánh thứ hai. Tức là chưa bao giờ ông được xem là nhà văn lưu vong. Điều này có ý nghĩa vô cùng quan trọng vì nó quyết định đến vấn đề điểm nhìn của nhà văn. Đối với nhà văn hải ngoại lưu vong, dù ít dù nhiều sáng tác của họ đều xuất phát từ "mặc cảm chính trị". Cho nên, nhiều khi những gì viết ra trong tác phẩm của họ vẫn
chưa hẳn xuất phát từ cái nhìn khách quan, nhất là khi nói đến những người "phía bên kia". Còn với nhà văn di dân, vấn đề chính trị ít được quan tâm, họ thường xoáy sâu vào thân phận con người nơi xa xứ. Yếu tố hoài niệm quê nhà và xu hướng hội nhập là đề tài chủ đạo trong sáng tác của nhà văn di dân. Chính vì điều này, cách nhìn của Nguyễn Văn Thọ về đồng bào mình ở hải ngoại là cách nhìn từ một nhà văn di dân.
Qua sáng tác của ông, chúng tôi thấy nhà văn có cái nhìn khách quan và khá công bằng về con người. Nhân vật của Nguyễn Văn Thọ là những con người lao động bình thường, ở họ hội đủ cả mặt tốt lẫn xấu. Hùng trong
Quyên vừa là một gã đưa đường khốn nạn lại là một người đàn ông trượng nghĩa, bao dung. Nhân vật "Hắn" trong Lằn ranh kẻ cắp, trước cuộc mưa sinh cũng có lúc nghĩ đến những việc làm ti tiện: ăn cắp tiền của chủ, song vì lòng tự trọng nên đã biết dừng đúng lúc. Dũng trong Lá bùa là một người đàn ông từng trải, trên con đường kiếm tìm giấc mộng đổi đời đã làm không ít việc xấu xa với chính đồng bào mình nhưng trong thâm tâm luôn nghĩ đến người anh đã hi sinh. Hắn Trong bão tuyết tính nóng như lửa, sẵn sàng "thanh toán" kẻ thù bằng những việc làm tàn bạo nhất nhưng đối với gia đình tạm gá của mình lại rất chu toàn, tình nghĩa…
Nhà văn không ngần ngại chỉ ra những yếu kém của đồng bào ta trong cuộc mưu sinh trên đất khách quê người. Ông mạnh dạn và nghiêm khắc nói đến những hạn chế trong cách ứng xứ với cộng đồng, đến những thói ích kỉ, những sự khôn vặt, sự thô bạo, thói ma mãnh... Đó là những ứng xử tệ bạc của cộng đồng người Việt ở trại tị nạn Godberg trước sự khổ đau của đồng loại; là những việc làm xấu hổ những kẻ buôn bán thuốc lá lậu bị bắt, chỉ vì muốn được tha nên đã quỳ lạy cảnh sát Đức như lạy sống cha mẹ mình; là cái khôn lõi của một gã oắt con người Việt trong bốn năm đã câu sạch cá trong hồ công viền giành cho trẻ em; là những vụ cướp bóc, thanh trừng đẫm máu của Mafia người Việt… (Quyên).
Tuy nhiên, nghiêm khắc chứ không mạt sát, khinh thường. Những trang văn viết về thói hư tật xấu của người Việt luôn là sự trăn trở của Nguyễn Văn Thọ. Ông phơi bày những xấu xa, bệnh tật của đồng bào ta không phải theo kiểu bới móc để sát phạt đối tượng hoặc tạo lập cho mình một thế đứng cao hơn so với cộng đồng mà quan trọng hơn hết là sự cảnh báo về một nguy cơ - nguy cơ đứt gãy văn hóa dân tộc. Từ thực tế đó, ông mong muốn đông bào mình dù trong hoàn cảnh khó khăn ở quê người cũng đừng quên đi truyền thống đạo đức của cha ông.
Nhìn chung, sáng tác văn xuôi Nguyễn Văn Thọ, điều cốt yếu nhất vẫn toát lên một cái nhìn đầy cảm thông, chia sẻ trước những số phận con người lạc bước trời Tây. Nhà văn luôn tin tưởng vào sự "hồi tỉnh" ở mỗi số phận nhân vật, dầu đó là những con người trước đó mang tội lỗi đầy mình. Các nhân vật của ông đều chịu sự bầm dập, đều bị trả giá khá đắt trên bước đường mưu sinh. Tuy nhiên, trên một phương diện nào đó, ta vẫn thấy ở họ có những kết cục "không đến nỗi nào". Hùng dẫu tàn nhẫn nhưng cuối cùng anh được Quyên tha thứ, trong phút lâm chung được gặp lại người anh yêu tha thiết và đứa con gái bé bỏng của mình. Khi chết, tro cốt Hùng được Quyên đưa về an táng tại quê nhà. Phi sống một đời phụ thuộc, chịu nhục nhã trước mụ vợ lăng loàn nhưng khi ra tù anh hưởng trọn khối tài sản khổng lồ Thị để lại. Đến một người đàn bà hư hỏng như Thị nhà văn cũng có cái nhìn đầy cảm thông. (Quyên). Đó là cái nhìn đầy nhân ái, bao dung, độ lượng và lạc quan của Nguyễn Văn Thọ.
Văn học hải ngoại dù được hình thành và phát triển ở ngoài lãnh thổ quốc gia nhưng nó cũng được xem là một bộ phận của văn học Việt Nam. Bởi lẻ, nó đã phản ánh được tâm thức con người Việt trên một phương diện khác. Ban đầu, bộ phận này có vẻ tách rời, không hợp tác với văn học quốc nội, nhưng về sau, ý thức hoà hợp càng biểu hiện rõ nét. Ngày nay, ranh giới
văn học trong/ngoài càng được rút ngắn bởi hệ thống thông tin phong phú và khá đầy đủ trên các trang mạng. Người đọc trong nước biết rõ hơn về đời sống văn học tại hải ngoại và ngược lại. Tiếng nói của nhà văn hải ngoại ngày càng có giá trị hơn, và ngòi bút của họ cũng trở nên điêu luyện hơn trong việc phản ảnh thân phận người Việt xa xứ. Trong số rất nhiều nhà văn đang sinh sống và làm việc tại hải ngoại, Nguyễn Văn Thọ là người có những đóng góp đáng kể cho nên văn học Việt Nam khi viết về chủ đề con người tha hương.
Chương 2
NHỮNG VẤN ĐỀ CƠ BẢN VỀ THÂN PHẬN NGƯỜI VIỆT XA XỨ TRONG VĂN XUÔI CỦA NGUYỄN VĂN THỌ