7. Cấu trúc của luận văn
1.3.2. Quan niệm văn học của Nguyễn Văn Thọ
Đối với bất kì một nhà văn nào, trong suốt cuộc đời cầm bút, dù trực tiếp hay gián tiếp, thì chắc chắn rằng họ sẽ có những phát biểu đây đó để nói lên quan niệm về nghề viết của mình. Nguyễn Văn Thọ cũng thế. Ban đầu ông không có ý định trở thành nhà văn, nhưng những dằn vặt từ chính cuộc đời cay đắng của mình đã khiến ông phải cầm bút. Nguyễn Văn Thọ quan niệm: "viết văn không phải để kiếm tìm danh vọng và giải thưởng" mà viết văn để đạt được cái đích cao cả hơn cho tâm hồn. Nhà văn từng tâm sự: “Có gì đâu, tôi hay nghĩ, tôi sáng tác vì đau khổ, vì muốn chia sẻ, tâm sự có tính đồng loại, chứ đâu phải chiến đấu vì cái giải. Chả nhẽ sự vật vã hàng ngàn đêm trắng để có khi cắt máu ra mà viết chỉ để cho cái giải, thì tôi tầm thường thế ư?” [91].
Khi thực sự "muốn chia sẻ, tâm sự có tính đồng loại" nhà văn phải quên đi cái tôi duy ngã lớn lao của mình. Ông từng khuyên thế hệ trẻ khi cầm bút:
“Bản chất của văn học là phản ánh mối quan hệ giữa con người với con người, chứ không phải chỉ viết để thể hiện cái tôi duy ngã. Cái đó không bao giờ được bạn đọc công nhận và bạn đọc cũng không cần.” [84].
Viết văn đối với Nguyễn Văn Thọ trước hết là để “giải tỏa nỗi cô đơn”, để nói lên những ẩn ức đè nặng tâm hồn khi phải sống trong cảnh li quê nhục nhằn. Ông tâm sự: “Tôi viết từ chính những gì đang diễn ra xung quanh tôi và cộng đồng những người Việt xa xứ. Viết ra để tâm sự, để giải toả chính mình.” [77]. Cuộc sống của những người “thợ khách” lao động làm thuê khi mới đặt chân sang nước ngoài vô cùng khó khăn, vất vả. Vật chất thiếu thốn, phải chịu đói, chịu rét, chịu cảnh lao động nặng nhọc và đặc biệt nhất là chịu
cảnh thiếu thốn về tình cảm. Họ rất cô đơn nơi xứ người. Những tâm sự sau, không hẳn là nỗi niềm riêng của nhà văn mà còn là tâm lí chung của bao người đồng cảnh ngộ: “Vào những năm 80, khi tôi sang Đức, cùng với những người bạn của mình đi kiếm sống lần đầu tiên, tôi nhìn thấy một chiếc tủ lạnh đầy ắp thức ăn: xúc xích, bánh mỳ, sữa tươi, [...], mà thấy ứa nước mắt khi nghĩ đến chiếc tủ lạnh với những chấm đen han gỉ và thủng lỗ chỗ của chị gái mình dùng để chạy đá. Tôi từng chứng kiến cảnh cô gái cùng đoàn giữa đêm chạy vào phòng với lá thư của người chồng, khuôn mặt đẫm nước mắt. Tôi hiểu nỗi nhớ nhà và tình yêu của cô dành cho chồng, nhưng cũng chỉ mấy tuần sau, cô ấy "cặp" với một anh công nhân xây dựng. Tôi muốn hiểu được căn nguyên xâu xa của những sự sa ngã đó và thể hiện nó trên trang viết.” [77].
Viết văn đối với Nguyễn Văn Thọ còn "để thấy mình tử tế hơn". Trả lời câu hỏi: “Thời buổi 'văn chương hạ giới rẻ như bèo' thế này mà anh vẫn nâng niu từng câu từng chữ một như thế, lại còn dành cho tất cả những người viết văn nói chung một thứ tình cảm sùng kính như thế liệu có hơi… lãng phí và lạc hậu quá không?” của phóng viên Thu Hà trên vietbao.vn, Nguyễn Văn Thọ khẳng định: “Viết văn không mang lại tiền bạc, giải thưởng càng không có giá trị vật chất nhưng nếu tôi không viết, làm gì có tôi tử tế như thế này." [30].
Và ông đã cắt nghĩa vì sao viết văn khiến cho mình tử tế hơn: "Khi tôi sống cuộc sống của những thân phận tha hương nơi xứ người; khi chúng tôi phải giành giật từng cơ hội nhỏ nhất để kiếm tiền và để sống sót; khi mùa đông trong khu vườn chỉ có tuyết, trong ngôi nhà có sáu cửa sổ thì cả sáu đều phải đóng đinh để phòng cướp, ba cửa sổ khoét sẵn lỗ để chĩa súng bắn ra, còn mỗi cửa ra vào gác một thanh đao; khi vợ tôi đứng bán hàng ngoài trời mưa tuyết âm 10 độ đủ 18 tiếng mỗi ngày, chúng tôi chỉ có một mong muốn duy nhất là sống được và kiếm đủ ăn đủ mặc. Khi đó, bản năng sinh tồn giúp con người ta vượt qua những hiểm nguy và khốn khó nhất mà không kịp suy
nghĩ gì. Nhưng những đêm dài xa quê hương, những kỳ nghỉ hè mà đàn ông VN ngồi với nhau thì chỉ nghĩ đến chuyện nhà đất, hàng họ, còn đàn ông bản xứ nghĩ đến việc đưa vợ con đi nghỉ ở đâu và làm thế nào để yêu vợ được nhiều hơn; những mùa Giáng sinh, khi cả xã hội quanh mình quay theo vòng quay hội hè và sự hưởng thụ cuộc sống đích thực - một vòng quay mà mình bị văng ra ngoài - lúc ấy tôi thấm thía thế nào là nỗi buồn, là thân phận con người, là sự cách biệt thăm thẳm về văn hóa. Và tôi hiểu là nếu mình không viết thì sẽ chết mất. Chết với một khối thạch khổng lồ đè nặng trong cõi lòng. Vậy là viết, mà càng viết thì càng thấy có nhiều thứ để phải viết ra. Có những lúc nhìn cái gì cũng ra cái nòng súng 12 ly 7 và thằng bạn cùng khẩu đội đã chết, có những khi nằm ở Posdam mà cả đêm cứ nghĩ về con ngõ nhỏ nhà mình ngày xưa, nhớ mùi hương hàng xóm thanh tân, vì cô bé mà mình say mê đầu đời tên là Hương. Kinh khủng nhất là viết về những ngày mình vừa sống qua và đang sống, ngột ngạt, căng thẳng, lạnh giá, nhưng cũng thật là nhiều yêu thương. Như là người vợ đang sống với mình vậy, từng chia sẻ, tin yêu, từng hạnh phúc, rồi từng cay đắng, nghi kỵ, từng phản bội, rồi lại cùng dựa vào nhau mà sống. Tôi viết về tất cả những điều đó để thấy mình đã vượt qua nó như thế nào, để mọi người cùng yêu và ghét với tôi.” [96].
Khi bàn về cách thức viết văn, Nguyễn Văn Thọ đã mượn lời nhân vật ông Bổi trong truyện ngắn Nuốt sách (có tên khác Miếu ông Bổi II) để nói lên quan niệm của mình. Nhà văn cho rằng viết văn cũng giống đóng thuyền. Đây là một công việc rất khó, đòi hỏi kinh nghiệm và sự lành nghề. Tiêu chuẩn đầu tiên để khẳng định bản chất "thợ" của nhà văn là phải làm ra loại "thuyền" nổi được, chở được. Nhưng đã là thợ giỏi phải biết "đóng" nhiều loại thuyền. Cũng giống như nhà văn giỏi, phải viết được những tác phẩm có sức bao chứa nhiều tầng nghĩa. Đối với Nguyễn Văn Thọ, nhà văn giỏi còn phải là người có tâm, có lòng chân thành, tuyệt đối không được dùng xảo ngôn để trí trá, lọc
lừa. Nhà văn phải là "người dùng chữ mà lay động, dung dưỡng tâm hồn kẻ khác". Và "Muốn thế phải biết đau nỗi đau của đời, vui với hạnh phúc của người, giãi bày ngay thẳng tấm lòng tôi mà hợp với ta, san sẻ được với ta." [87]. Trong truyện ngắn Cõi ảo mượn lời nhân vật Nguyễn Thụ, nhà văn còn khẳng định thêm: "Trước khi viết một điều nhân ái, phải biết tập sống nhân ái. Khó lắm, nhưng phải thế!" [83;148].
Ông đề ra các phương châm trong viết lách, đó là tránh lối viết "uốn éo", không nên lạm dụng "đại ngôn" theo kiểu "thùng rỗng kêu to" mà phải viết sao cho "bình nhiên, êm ả chảy". Ý tại ngôn ngoại vẫn là chủ trương trong cách viết của Nguyễn Văn Thọ. Theo ông loại văn "siêu thặng, tuyệt chiêu trong thiên hạ" là loại không nói tới mà tới". Còn loại văn nói tới mà không tới chỉ là loại vất đi [87].