7. Cấu trúc của luận văn
2.1.2. Những niềm vui có thật trong cuộc sống
Với đức tính chịu thương chịu khó, biết cóp nhặt từng đồng xu, đã có lúc ta bắt gặp nhân vật của Nguyễn Văn Thọ, trong cuộc sống xa xứ, nở một nụ cười thỏa mãn. Họ đã tìm được niềm vui, họ đã đạt được hạnh phúc nơi xứ người. Họ là ai? Hạnh phúc của họ góp nhặt được, đó là gì?
Trước hết là sự thành đạt trong công cuộc kiếm tiền, những D.m của Đức. Từ khi bức tường Béc lin sụp đổ, năm 1989, lợi dụng chế độ chính trị giữa Đông và Tây Đức còn nhộn nhạo, người Việt đã kiếm được rất nhiều tiền trong việc buôn bán thuốc lá lậu. Người Việt mình vốn cần mẫn, lại nhanh nhạy trong cách kiếm tiền. Họ đã phát hiện ra “Tại tây Berlin bấy giờ, ở ngay các đầu lên và xuống đường hầm tầu điện ngầm, cạnh nhà thờ Cụt, người ta nhìn thấy dăm thanh niên da trắng và da mầu tay cầm vài gói thuốc lá Marlboro bao mềm mời chào khách qua đường. Cũng bao thuốc ấy, trong các cửa hàng bán thuốc lá có tem, giá 4 Dm. Gói thuốc bán trao tay nơi cửa đường hầm kia chỉ bán với giá 3Dm” và “cây thuốc Marl bao mềm với giá 17 Dm một tút. Lập tức, tiền lãi khi bán một gói thuốc được vài người Việt, vốn là khôn vặt, nhẩm tính.” [89]. Buôn lậu thuốc lá, là một kế sinh nhai tốt nhất, nhanh nhất và có tiền nhiều nhất mà đám "thợ khách" khi thất nghiệp ở Đức phát hiện ra. Đây là giai đoạn mà Nguyễn Văn Thọ gọi là “thời kỳ xúc vàng”. Trong bài báo Mười lăm năm người Việt ở Đức, nhà văn có kể lại: “Thời kỳ
ấy, chỉ cần một cái bàn dài ba mét, bầy lên đó bất cứ cái gì cũng chỉ sau nửa ngày là hết vèo! Những dịp lễ hội, như Noel hay ngay lễ trứng, một người Việt chậm chạp ù lì nhất, cũng có thể kiếm cả năm sáu trăm Dm một buổi chợ, bỏ túi như bỡn cợt!” [92]. Và khi trở về nước, chính những người thợ khách đã mang về quê “được một số tiền mà khi đó cả đời nằm mơ cũng không thấy.” [89].
Cũng có những người gặp may mắn, như câu chuyện của H mà nhà văn kể dưới đây: “Cạnh đội tôi ở có người đội phó phiên dịch tên là H. Trước đó hắn còn phải vay tiền be bét để đóng hòm gửi về Việt Nam. Một ngày đẹp trời, hắn lang thang đi kiếm nguồn hàng vô tình gặp phải một nhà buôn quần áo may mặc sẵn người Pakitstan chuyên đánh hàng về từ Anh. Lập tức gã bí mật chuyên chở như điên dăm ô tô hàng về giao lại cho người Việt ngay tại khu tập thể hắn ở. Vụ hè năm ấy, mỗi tuần hắn giao cỡ cả ngàn chiếc áo sơ mi mà đa phần số đo rộng thùng thình giành cho các bà béo ngoại cỡ. Mỗi cái áo bán được chỉ lãi ba đồng Mark. Vị chi người ngu cũng tính được rằng, cả vụ năm ấy hắn ẵm trọn hơn ba trăm ngàn Dm từ cái duyên nói trên. H bây giờ trở thành một đại gia từ như thế. Gã có trong tay hai trung tâm bán buôn tại Berlin và Hale, dăm cửa hàng bán lẻ và bán buôn nữa. Có nghĩa là từ kẻ nghèo như nhiều người hôm nào, hắn hôm nay, có thể xúc đùa một tháng vài cân kí lô vàng ròng!” [92].
Hay như câu chuyện về 5 cô Hà trong tạp văn Chuyện của Hà. Nhà văn cho biết, có năm cô thì chỉ duy nhất một cô thứ 3 là khổ, để đến nỗi thiệt thân nơi xứ người; 4 cô còn lại, trẻ có, già có, đều gặp may và được hưởng hạnh phúc bên chồng, bên… bồ Tây. Hạnh phúc của họ là được chiều chuộng, nâng niu, được sự cảm thông chia sẻ của người bạn trăm năm. Thậm chí như cô Hà 4 và Hà 5 già nua, bệnh tật mà vẫn có được những niềm hạnh phúc mà nhiều cô gái Việt lấy chồng Đức nằm mơ cũng không thấy. Một cô
tuổi đã xế chiều, làm vợ hờ của một gã kiến trúc sư tài ba người Đức. Tuy đã đến tuổi u 60, nhưng lúc nào cũng được đưa đón bằng xe Mercedes năm chấm và “được đảm bảo bằng một tài khoản luôn luôn rót tiền hàng tháng, đều như vắt chanh, giống như hưởng lương một người làm ở công ty.” [90;152]. Cô thường xuyên được đi du ngoạn khắp thế giới cũng bằng tiền của người chồng hờ này. Một cô Hà nữa ốm đau bệnh tật, bị chồng đánh đập, ruông bỏ, nhưng may sao lại gặp được một gã da đen người Silanka, ít hơn mình sáu tuổi, yêu thương hết mực. Một phần do số phận may mắn, nhưng cơ bản vẫn là ở bản thân họ tạo dựng lấy. Trước hết là vốn tiếng Đức khá sõi. Họ lại chịu khó tìm hiểu văn hóa nước chồng, và khéo léo trong cảnh “cơm bưng, nước rót”, săn đón trước sau. Hạnh phúc là "cái giá" - phần thưởng - mà họ được nhận.
Cũng có những người nhờ vào tài năng kinh doanh, khả năng tính toán mà thành đại gia trên đất Đức như: “đại gia M, tài sản không thể lường được” hoặc “một đại gia nữa kinh doanh chợ, khu trung tâm bán buôn Gêlendê ngay từ thời mấy đấng mày râu còn ngu ngơ như bò đội nón về lĩnh vực này”. Và “thành đạt hơn cả phải tính tới cử nhân luật Minh Tâm. […]. Minh Tâm hôm nay là một doanh nghiệp có trong tay cả hơn hai chục quán ăn nhanh sang trọng, thiết kế mầu sắc rất Châu á tại các Zentrum hiện đại vừa xây cất ở nhiều trung tâm và nhà ga đầu mối. Hiện tại, công ty của chị đang thò vòi
chiếm lĩnh trên thị trường phía Tây. Chị đang có kế hoạch trở thành nhà sản xuất chế biến vịt với quy mô vừa, đáp ứng một nhu cầu lớn của ngành ăn uống tại cả Âu Châu.” [92].
Những con người đó, bằng sự nhạy cảm trước thời cuộc, bằng cả nghị lực và sự liều lĩnh cần thiết trong các mối làm ăn lớn, họ đã vượt qua những ngày tháng khổ sở, để hòa nhập một cách vững vàng với thế giới Châu Âu hiện tại và tương lai. Sự thành đạt của họ cả nam và nữ đã làm vinh danh cho cộng đồng người Việt lao động ở nước ngoài.
Sự thành đạt của người Việt ở Đức phải kể đến những thế hệ một rưỡi trở về sau. Tức là những người sang Đức khi còn nhỏ hay được sinh ra và lớn lên trên đất Đức. Trong số đó, có hai em nhỏ được nhà văn hết lời ca ngợi. Đó là một I Na Thùy Dương - thần đồng thơ và một Mai Linh - nhà thiết kế hội họa đầy tài năng. Mai Linh sinh năm 1984, theo cha mẹ sang Đức từ năm 1988, ngay từ nhỏ cậu đã có năng khiếu về hội họa. Cậu tài năng đến mức, người thầy dạy môn Hội họa tuyên bố với gia đình, khi gửi cậu đến học mới có nửa năm, rằng: “tôi hết khả năng dạy con ông bà, hãy cho cháu lên Hamburg hay Berlin tìm thầy khác!” [79]. Lớn lên cậu theo nghề đã chọn, hiện giờ, Mai Linh là giảng viên của ba học viện thiết kế và mỹ thuật công nghiệp Đức. Theo Nguyễn Văn Thọ, bìa cuốn sách Vàng xưa
là do em thiết kế.
Còn Ina Thùy Dương được nhắc đến như một thần đồng về thơ ca tại Đức. Sinh ra trong một gia đình “thợ khách” Việt Nam, Thùy Dương học giỏi và làm thơ bằng tiếng Đức rất hay. Năm 11 tuổi ( 2008) cô bé đã đạt giải vô địch toàn nước Đức trong cuộc thi thơ do Fifa tổ chức, với bài thơ Những ngôi sao huyền diệu. Đây là một cô bé rất có triển vọng. Tài năng của Ina Thùy Dương khiến cho phó thị trưởng thành phố, ngài Bettholr Brehm, gửi một bức thư chúc mừng, khi em đạt giải. Và tờ báo Morgen Spots, một tờ báo có uy tín ở Chemnitz, hết lời khen ngợi: “một cô gái sống ở Chemnitz có bố mẹ đều là người Việt Nam đã cho chúng ta thấy cái hay cái đẹp của ngôn ngữ Đức, chơi chữ để thể hiện cái phong phú của nó. […]. Hằng ngày chúng ta chỉ dùng từ 400 đến 800 từ. Còn những nhà thơ, ví dụ như cô gái nhỏ Thùy Dương của chúng ta, dùng nhiều hơn thế, cho chúng ta thấy tiếng Đức của chúng ta giàu ý tưởng và tính sáng tạo như thế nào.” [90;174].
Ngoài ra, Nguyễn Văn Thọ còn nhắc đến những tài năng người Việt có tên tuổi trong giới âm nhạc, mĩ thuật, khoa học như: ca sĩ Kiều Hưng - Năm
mươi năm ngọt dân ca Việt trên nước Đức, họa sĩ Nguyễn Đại Giang - Người đảo ngược số phận, Đặng Ngọc Long - Cây đàn Rồng ở trời Tây, giáo sư toán học Bùi Trọng Nghĩa - Đôi điều về giáo sư Bùi Trọng Nghĩa. Đặc biệt là Nguyễn Minh Thái - Không tan trong tuyết bỏng - một nhân vật người Việt được cả xã hội Đức tôn vinh vì có công lớn trong việc bảo tồn, trùng tu những giá trị văn hóa của họ.
Thành công của người Việt tại hải ngoại là điều rất đáng trân trọng. Không chỉ bản thân có được hạnh phúc khi giấc mơ đổi đời thành hiện thực mà ngay gia đình họ đang ở quê nhà cũng được nở mày nở mặt. Họ không chỉ làm rạng danh người Việt trên đất người mà từ lượng kiều hối chuyển về cho người thân cũng góp phần không nhỏ trong việc xây dựng quê hương còn nghèo khó. Tuy nhiên con số thành công kể trên chỉ là số ít, quá nhỏ nhoi so với cộng đồng người Việt đông đúc đang sống ở Đức. Và ngay trong số những người thành đạt đó, họ cũng đã từng phải trải qua nhiều bầm dập nơi xứ người.