6. Bố cục khoá luận
2.1.7. Chú trọng ứng dụng khoa học kĩ thuật vào sản xuất
Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, do đòi hỏi của mục đích quân sự, kĩ thuật của Nhật Bản giai đoạn này đã được thúc đẩy phát triển nhanh chóng nhất là trong lĩnh vực điện và năng lượng hạt nhân. Trong thời kì này Nhật Bản đã xây dựng được mạng lưới điện rộng khắp trên cả nước. Nhưng cho đến khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, Nhật Bản vẫn là một nước có nền khoa học – kĩ thuật khá lạc hậu so với các nước tư bản phát triển khác. Nhiều loại hình kĩ thuật đã được phổ biến, ứng dụng rộng rãi ở châu Âu và Mỹ nhưng ở Nhật Bản vẫn chưa được áp dụng. Ví dụ như trong công nghệ cán thép tấm mỏng, chế tạo sợi tổng hợp… đã được phổ biến ở các nhà máy thép, dệt ở châu Âu thì ở Nhật Bản những năm đầu sau chiến tranh những công nghệ này vẫn chưa được áp dụng.
Tuy nhiên, chỉ hơn hai mươi năm sau Chiến tranh thế giới thứ hai, cuộc cách mạng khoa học công nghệ do Nhật Bản tiến hành đã giúp nền khoa học – kĩ thuật nước này có bước phát triển nhảy vọt, tác động mạnh mẽ tới các yếu tố của sản xuất như công cụ lao động,đối tượng lao động, nguồn năng lượng cũng như kĩ thuật sản xuất và tổ chức sản xuất.
Đầu những năm 50, Rađiô, máy ghi âm và các thiết bị đo độ trung thực cao (Hifi) của Nhật đã có chất lượng chẳng kém hàng của Mỹ chẳng bao lâu chúng đã chi phối thị trường toàn thế giới, thậm chí ngay trên đất Mỹ. Cho đến đầu những năm 70 của thế kỉ XX, Nhật Bản đã đạt trình độ cao về tự động hóa, về trình độ sử dụng máy tính điện tử trong một số ngành; đã sản xuất và sử dụng được nhiều loại vật liệu tổng hợp.
Sở dĩ Nhật Bản có thể nhanh chóng thoát khỏi tình trạng lạc hậu về khoa học và công nghệ như vậy có một phần vai trò to lớn của Nhà nước.
Trên cơ sở xác định đúng khoảng cách về khoa học công nghệ giữa Nhật Bản với các nước tư bản phương Tây, Chính phủ Nhật Bản đã vạch ra chiến lược phát triển khoa học – kĩ thuật một cách hợp lý.
Trước hết, Nhà nước có chính sách đầu tư phát triển lâu dài khoa học – kĩ thuật trong nước. Nhận thức rõ tầm quan trọng của nguồn nhân lực đối với phát triển kinh tế, khoa học – kĩ thuật, Nhà nước đã có nhiều chính sách phát triển văn hóa giáo dục. Đây là sự đảm bảo vững chắc và lâu dài cho sự phát triển khoa học – kĩ thuật. Mọi lực lượng xã hội Nhật Bản được huy động đến mức tối đa cho chiến lược “khoa giáo quốc hưng”. Bên cạnh việc phát huy nguồn nhân lực, Nhà nước còn tập trung phát triển nền khoa học – kĩ thuật trong nước một cách bền vững bằng việc phát triển các viện nghiên cứu. So với thời kì trước chiến tranh, lĩnh vực nghiên cứu khoa học được tạo mọi điều kiện thuận lợi như ưu đãi cấp vốn đầu tư, có những chính sách ưu tiên phát triển và thu hút nguồn nhân lực… Ngân sách chi cho nghiên cứu phát triển khoa học – kĩ thuật luôn được ưu tiên, tăng liên tục và ít bị cắt giảm trong thời kì khó khăn nhất “Năm 1955, chi phí cho nghiên cứu phát triển ở Nhật Bản mới chỉ đạt 40,1 tỷ yên bằng 0,84% thu nhập quốc dân thì đến năm 1970 chi phí này đã tăng 1200 tỷ yên bằng 1,96% thu nhập quốc dân tức tăng gần 30 lần trong vòng 15 năm” [13, tr.239]. Số vốn đầu tư này là một sự dũng cảm, quyết tâm lớn vì thực tế sau chiến tranh, Nhật Bản vẫn đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn của chiến tranh để lại.
Mặc dù số vốn đầu tư của Nhật Bản ít hơn Mỹ và các nước khác nhưng Nhật Bản lại có sự đầu tư hiệu quả hơn cho sự phát triển kinh tế. Thay vì đầu tư cho mục tiêu quân sự, Nhật Bản dồn hết chi phí cho mục tiêu dân dụng và tập trung vào các ngành then chốt trong sản xuất hàng dân dụng.
Thứ hai, bên cạnh chính sách đầu tư phát triển lâu dài, Chính phủ Nhật Bản thực hiện quá trình “đuổi kịp và vượt” về công nghệ so với các nước tư
bản phương Tây. Bước đầu tiên được thực hiện nhằm thu hẹp khoảng cách về công nghệ là nhập khẩu công nghệ mới của nước ngoài.
Chính phủ Nhật Bản đã can thiệp vào quá trình nhập khẩu công nghệ bằng nhiều phương thức khác nhau. Một là, Chính phủ Nhật Bản tạo điều kiện, khuyến khích nhập khẩu công nghệ và mua các bằng phát minh của nước ngoài. Hướng phát triển này được Nhà nước khuyến khích thông qua hàng loạt các đạo luật “Luật các biện pháp đánh thuế đặc biệt”, “Luật thúc đẩy việc hợp lý hóa các doanh nghiệp”, “Luật chống độc quyền sửa đổi”.
Theo “Luật các biện pháp đánh thuế đặc biệt” được thông qua và đưa vào áp dụng từ năm 1952, các khoản khấu hao gia tốc cho những khoản đầu tư lớn của các tổng công ty được khuyến khích đặc biệt. Thông thường
“Một chiếc máy có tuổi thọ trung bình 10 năm, giá trị của chiếc máy sẽ giảm đi một phần mười mỗi năm; khi số tiền được khấu hao thì tiền tiết kiệm được có khả năng mua được một chiếc máy mới trong thời gian 10 năm. Khoản khấu hao được tính như là một khoản mất mát với công ty. Tuy vậy, trong trường hợp khấu hao nhanh, luật thuế này sẽ cho phép khấu hao 40% hoặc thậm chí 50% giá trị của máy móc và được tính như là một khoản mất mát ngay trong khoảng năm thứ nhất khi lắp đặt máy móc dù chiếc máy giả định có thể kéo dài tuổi thọ 10 năm” [27, tr.264].
Do vậy, khi các công ty xí nghiệp tiến hành đầu tư lớn thì khoản mất mát của họ sẽ tăng lên do khấu hao gia tốc, lợi nhuận giảm xuống và kết quả là các khoản thuế sẽ giảm xuống.
Theo “Luật đẩy mạnh việc hợp lý hóa các doanh nghiệp” đề ra năm 1952, các ngành gang, thép, cán thép, lọc dầu, kim loại, phân bón hóa học, thuốc nhuộm được coi là các ngành công nghiệp được chỉ định áp dụng luật này. Các biện pháp chính sách nhằm vào các ngành công nghiệp này là:
“Các khoản trợ cấp để nâng cấp công nghệ; các khoản cho vay thiết bị và máy móc; rút ngắn thời gian khấu hao cho các cơ sở nghiên cứu và thử nghiệm; các điều khoản đặc biệt giúp mua sắm và lắp đặt thiết bị hiện đại; giảm thuế hàng hóa với máy móc, thiết bị hiện đại. Điều khoản khấu hao đặc biệt 50% và giảm thuế hàng hóa đối với tài sản cố định đã tạo hiệu quả to lớn trong việc khuyến khích các công ty đầu tư nhập máy móc thiết bị hiện đại” [27, tr.265].
Hai là, Chính phủ đã phân bổ nguồn dự trữ ngoại tệ quý hiếm để hỗ trợ cho việc nhập khẩu công nghệ mới. Nhà nước tham gia điều phối nhập dựa trên các tiêu chuẩn công nghệ, quy mô nhập, điều chỉnh quan hệ giữa các bên đối tác để đảm bảo giá cả hợp lí, có lợi cho doanh nghiệp Nhật Bản. Chẳng hạn giai đoạn những năm 50 các đơn xin nhập khẩu phải giải trình tính hữu ích của công nghệ được nhập đối với đối với việc lành mạnh hóa nền kinh tế Nhật Bản; phải thực hiện khả năng và điều kiện của mình trong việc sử dụng có hiệu quả công nghệ này. Giai đoạn tiếp theo là thời kì tự do hóa dần dần việc nhu nhập công nghệ. Các dự án dưới 50 nghìn USD nhìn chung không phải thẩm duyệt. Song các công nghệ nhập phải đảm bảo các nguyên tắc như không kìm hãm sự phát triển công nghệ trong nước, không làm phá vỡ cơ cấu ngành kinh tế, không làm tổn hại các công ty nhỏ…
Ba là, để nắm được kĩ thuật mới Chính phủ còn cho phép các công ty tư nhân được kí kết hợp đồng trao đổi kinh nghiệm với các công ty riêng lẻ của nước ngoài, tích cực tham gia các cuộc hội thảo và triển lãm quốc tế. Thậm chí Chính phủ Nhật và các công ty còn nhận tài trợ cho các dự án khoa học của nước ngoài, quan tâm kích thích ứng dụng khoa học kĩ thuật vào sản xuất các mặt hàng dân dụng có hàm lượng kĩ thuật cao và sức cạnh tranh trên thị trường thế giới.
Bốn là, Nhà nước phối hợp chặt chẽ với các công ty tư nhân và các trung tâm nghiên cứu khoa học. MITI có vị trí rất chủ đạo trong việc theo dõi chặt chẽ những tiến bộ khoa học kĩ thuật của thế giới để lập kế hoạch mua công nghệ mới, định ra trọng tâm nghiên cứu phát triển công nghệ cho cả nước và xác định thế hệ tiếp theo của các công nghệ then chốt. MITI điều chỉnh và hướng dẫn tới 70% xí nghiệp tư nhân triển khai nghiên cứu khoa học theo định hướng của Chính phủ. Chính phủ cũng tạo đề ra đạo luật cấm cạnh tranh mua bán đấu giá bản quyền kĩ thuật công nghệ. Mọi việc mua bán kĩ thuật với nước ngoài đều do MITI đảm nhận. Do vậy, Nhật chỉ cần bỏ ra 9 tỷ USD đã có quyền sử dụng công nghệ tiên tiến mà Tây Âu và Mỹ đã chi phí từ 500 – 1000 tỷ USD mới tạo ra được.
Ngoài MITI, một cơ quan cũng có vai trò quan trọng trong việc nhập khẩu kĩ thuật tiên tiến của nước ngoài là “Thông san tỉnh”. Đây là cơ quan “Thay mặt chính phủ Nhật được thành lập năm 1952, có chức năng nhất và quản lí các bộ ngành sản xuất” [7, tr.31]. Nó rất nhạy cảm đối phó với tình thế. Dựa vào chiến lược phát triển kinh tế ở các giai đoạn khác nhau, kết hợp chặt chẽ giữa nhập kĩ thuật với nhu cầu sản xuất, họ đã có kế hoạch và đưa ra những nguyên tắc đúng đắn nhằm điều chỉnh các kĩ thuật nhập khẩu theo mức độ cấp bách của từng thời kì. Ví dụ năm 1950, thi hành chính sách “sản xuất nghiêng về một phía” (giúp đỡ các ngành sản xuất trọng điểm) cơ quan này đã tập trung vốn đầu tư có hạn lúc đó để chi tiêu, nhập các kĩ thuật tiến tiến Âu – Mỹ công nghiệp nặng và hóa chất. Vì vậy mà đã đặt nền móng vững chắc cho ngành công nghiệp. Trên cơ sở đó với sự phát triển của sản xuất theo hướng tự động hóa và cơ giới hóa, khiến sau những năm 60, kinh tế Nhật Bản đã đi vào giai đoạn tăng trưởng mạnh mẽ.
Thứ ba, Chính phủ Nhật Bản cũng có nhiều chính sách ứng dụng khoa học – kĩ thuật vào phát triển kinh tế. Nhằm đạt được sự tiến bộ nhanh chóng
trong công nghệ sản xuất máy vi tính trong nước, Chính phủ Nhật Bản đã có nhiều chính sách khuyến khích ngành công nghiệp này phát triển. MITI đã đề xuất một số dự án ưu tiên cấp quốc gia “Dự án FONTAC (1962 - 1964), do Fujitsu, Oki và NEC đảm nhiệm, vốn là dự án sản xuất nguyên mẫu đầu tiên một hệ thống máy quy mô lớn, đa mục đích” [24, tr.204]. Kết quả từ các cuộc thảo thuận thương mại ký với các công ty của Mỹ, từ thành công của các dự án phát triển trong nước, đã đưa ngành công nghiệp máy tính của Nhật Bản có những tiến bộ lớn vào cuối thập niên 60. Bên cạnh đó, Bộ công nghiệp và Mậu dịch quốc tế (MITI) còn giới thiệu cho một công ty chế tạo các phụ tùng súng máy thời chiến một bộ thiết kế các phụ tùng máy khâu của một hãng nổi tiếng và yêu cầu công ty này chế tạo. Sau đó, các hãng chế tạo máy khâu của Nhật Bản đã hợp sức lại để sản xuất máy khâu xuất khẩu. Mặc dù các sản phẩm này chỉ là sự sao chép song do các nhà máy Nhật Bản chế tạo. Công nghệ sao chép đã tạo ra đà cho sự ra đời phát triển nhiều ngành công nghiệp mới ở Nhật Bản.
Chính sách trên của Nhật Bản không những giúp Nhật giảm chi phí mà còn nhanh chóng đuổi kịp các nước phương Tây về khoa học – kĩ thuật. Với những biện pháp hỗ trợ đó, có thể khẳng định rằng sau chiến tranh tốc độ tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản cao hơn các nước công nghiệp lớn khác là do mức độ đóng góp của tiến bộ khoa học kĩ thuật đối với sự tăng trưởng kinh tế cao hơn các nước khác. Theo số liệu thống kê được công bố trong sách trắng khoa học kĩ thuật của Nhật thì sự đóng góp của tiến bộ khoa học kĩ thuật đối với việc tăng trưởng kinh tế Nhật Bản có xu hướng tăng lên “ Năm 1955 – 1960 là 20%, 1960 – 1965 là 30%, 1965 – 1970 là 40%, 1970 – 1975 là 45%” [7, tr.31].