Vai trò của Nhà nước trong việc tích luỹ vốn

Một phần của tài liệu Vai trò của nhà nước đối với sự phát triển kinh tế Nhật Bản từ năm 1951 đến năm 1973 (Trang 37)

6. Bố cục khoá luận

2.1.2.1. Vai trò của Nhà nước trong việc tích luỹ vốn

Để tái sản xuất, đòi hỏi phải có tích luỹ - đó là chân lý của mọi chế độ xã hội. Do đó, quá trình tích luỹ vốn được coi là “chìa khoá” của mọi loại hình sản xuất ra của cải vật chất, là cái cốt lõi của mọi nền sản xuất nói chung. Nhật Bản có tỷ lệ tích luỹ cao và không ngừng tăng lên trong tổng sản phẩm xã hội. Tỷ lệ tích luỹ tư bản cố định trong tổng sản phẩm xã hội của Nhật cao hơn nhiều các nước tư bản phát triển khác. Tỷ lệ tích luỹ tư bản cố định trong tổng sản phẩm xã hội bình quân từ năm 1955 đến năm 1968 của

Nhật là 29,2%, hơn 2 lần tỷ lệ tích luỹ của tư bản Mỹ (14,3%), gấp 2 lần của Anh (16,9%). Năm 1966, khi tổng sản phẩm xã hội của Nhật chỉ bằng 81% của CHLB Đức thì tổng số đầu tư vào tư bản cố định của Nhật đã vượt CHLB Đức chút ít 30,6 tỷ USD so với 30,4 tỷ USD. Để có nguồn vốn lớn cho mở rộng sản xuất, Nhà nước đã thực hiện nhiều chính sách, biện pháp khác nhau.

Trước hết, Nhà nước chủ trương duy trì cơ cấu kinh tế hai tầng. Cơ cấu này có nghĩa là sự tồn tại song song của các khu vực truyền thống và hiện đại của nền kinh tế, mà tiêu biểu là sự tồn tại song song của xí nghiệp lớn hiện đại có năng suất cao, sử dụng nhiều vốn và công nhân và đông đảo các xí nghiệp vừa và nhỏ có kỹ thuật và năng suất thấp, cần ít vốn ít công nhân. Sự tồn tại này không chỉ là di sản của quá khứ mà còn là kết quả của việc Chính phủ cổ vũ và tạo điều kiện cho mọi người đầu tư vốn sản xuất kinh doanh. Trước chiến tranh thế giới hai, chế độ sở hữu bao trùm nông thôn. Nông dân bị địa chủ bóc lột tàn khốc, không có điều kiện mở rộng sản xuất cải tiến kĩ thuật nên quy mô sản xuất nông nghiệp vẫn nhỏ. Tiểu thủ công và thủ công nghiệp cũng vậy. Sau chiến tranh, trong điều kiện sản xuất nhỏ còn phổ biến, nhân lực lại thừa, vốn đầu tư có hạn, Nhà nước và các công ty độc quyền đã tập trung vốn vào phát triển khu vực sản xuất hiện đại, vào các ngành công nghiệp mới, đồng thời duy trì khu vực sản xuất kinh doanh nhỏ lạc hậu, biến nó thành nguồn tích luỹ quan trọng. Do đó duy trì cơ cấu kinh tế hai tầng vừa triệt để lợi dụng nguồn lao động thừa vừa thúc đẩy kinh tế phát triển.

Khu vực sản xuất kinh doanh nhỏ có vai trò rất lớn, nó đã thu hút và tận dụng nguồn lao động dư thừa của xã hội Nhật vào guồng máy sản xuất ra giá trị thặng dư. Theo tiêu chuẩn của Bộ Công nghiệp và Mậu dịch quốc tế Nhật Bản, 99% các công ty xí nghiệp Nhật Bản là vừa và nhỏ đã sử dụng tới 80% lực lượng lao động của cả nước. Không những thế chúng còn tận dụng được lao động là người già và trẻ em, cũng như thời gian nhàn rỗi của họ. Phần lớn

các xí nghiệp nhỏ lại là thầu khoán cho các xí nghiệp lớn nên lương công nhân cũng như điều kiện làm việc ở đây rất thấp. Tiền lương công nhân ở các xí nghiệp nhỏ chỉ bằng 1/3 lương công nhân ở các xí nghiệp lớn và hầu như không có chế độ bảo hiểm xã hội. Mặt khác, xí nghiệp nhỏ còn đóng góp lớn vào tổng giá trị kinh tế, riêng trong ngành chế tạo các xí nghiệp vừa và nhỏ đã sản xuất được 53,2% tổng giá trị nguồn hàng trong nước. Chính vì vậy sự tồn tại các xí nghiệp vừa và nhỏ đã góp phần nâng cao sức cạnh tranh cho các xí nghiệp lớn và tạo ra nguồn tích luỹ lớn cho tư bản độc quyền.

Bên cạnh đó, sự tồn tại của cơ cấu hai tầng cũng tạo ra sự linh hoạt trong quản lý. Các xí nghiệp lớn duy trì chế độ làm việc suốt đời, tránh sa thải công nhân của mình thông qua hệ thống đặt thầu gia công cho các xí nghiệp vừa và nhỏ mà không cần tuyển thêm nhân viên, mua thêm máy móc thiết bị rất tốn kém. Nếu sản xuất khó khăn họ cắt giảm đơn đặt hàng và giữ việc làm lại cho công nhân của mình, ép các xí nghiệp vừa và nhỏ phải hạ giá thành sản phẩm thầu hoặc tạm thời chuyển các công nhân về các xí nghiệp vừa và nhỏ làm việc với tiền lương thấp hơn đợi đến khi sản xuất phát triển trở lại. Không những thế các công ty con, các khu vực kinh doanh vừa và nhỏ còn là nơi tiếp nhận các nhân viên về hưu được các xí nghiệp lớn bố trí về tham gia đội ngũ quản lý và giám sát tại các công ty này. Có thể nói các xí nghiệp vừa và nhỏ là chiếc van an toàn cho các xí nghiệp lớn.

Thứ hai, Nhà nước còn huy động vốn bằng cách tiết kiệm trong chi tiêu. Sau chiến tranh, Nhật thực hiện chính sách “kinh tế trước đã”, lại được Mỹ viện trợ quân sự nên đã tạo điều kiện cho Nhật giảm mức chi cho quốc phòng xuống mức thấp nhất so với các cường quốc khác trên thế giới. Theo Hiến pháp mới của Nhật ban hành năm 1946, Nhật Bản tuyên bố từ bỏ chiến tranh. Điều 9 của Hiến pháp quy định “Nước Nhật tuyên bố vĩnh viễn từ bỏ việc phát động chiến tranh, từ bỏ việc đe dọa bằng vũ lực hoặc sử dụng vũ

lực làm phương tiện để giải quyết tranh chấp quốc tế, tuyên bố không duy trì lục, hải, không quân và các lực lượng chiến đấu khác” [25, tr.87].

Quy định về việc từ bỏ chiến tranh được Hiến pháp ghi cũng đã hạn chế đến mức thấp nhất chi tiêu cho phòng thủ ở Nhật Bản và sử dụng quốc lực vào mục đích phát triển kinh tế. Tỷ lệ chi tiêu cho ngân sách phòng thủ trong tổng sản phẩm quốc dân từ 3,3% năm 1950 xuống còn 1% năm 1960; năm 1964 chi tiêu quân sự của Nhật chiếm 8,4% ngân sách Nhà nước trong khi đó của Pháp là 22%, Anh là 26%, CHLB Đức là 34%, Mỹ là 53%. Mặt khác, trong chiến tranh không chỉ riêng tiền bạc, nhân tài được động viên vào chiến tranh thì trong thời bình được động viên vào các ngành kinh tế. Điều đó cũng được coi là sự đóng góp to lớn cho sự phát triển kinh tế.

Bên cạnh đó, chi tiêu của ngân sách Nhà nước cho các cơ quan Chính phủ cũng liên tục giảm 10% năm 1950 xuống 9,7% năm 1960 và 6,6% năm 1970.

Nhà nước còn hạn chế các phương tiện duy trì bộ máy Nhà nước để tăng cường vốn cho đầu tư kinh doanh. Lương nhân viên Nhà nước tương đối thấp. Số lượng người phục vụ trong các cơ quan Nhà nước không quá 1,3 triệu, kể cả người phục vụ trong quân đội. So với Pháp dân số chỉ bằng 1/2 Nhật mà bộ máy Nhà nước thu hút tới 3,314 triệu người. Bởi vậy có hiện tượng khác ở các nước tư bản phát triển khác là tỷ lệ chi tiêu của Nhà nước vào việc mua hàng hoá và thuê dịch vụ trong tổng sản phẩm quốc dân có xu hướng giảm dần trong những năm 50 và 60. Giảm tương đối chi tiêu của Nhà nước vào lĩnh vực phi sản xuất có nghĩa là tăng tương đối khoản đầu tư của Nhà nước vào kinh doanh. Đó là điểm mạnh của nước Nhật so với các nước tư bản phát triển khác trên mặt trận kinh tế.

Thứ ba, Nhà nước hạn chế gắt gao các phúc lợi xã hội. Nhà nước triệt để bòn rút quần chúng lao động qua con đường thuế khóa và các con đường

khác không phải để giải quyết nhu cầu công cộng của xã hội mà là để phục vụ lợi ích của tư bản độc quyền. Sau chiến tranh, mỗi gia đình người Nhật phải nộp khoảng 13,5% thu nhập vào các khoản thuế, trong đó ở Mỹ, ở Pháp tỷ lệ này là khoảng 4%. Hàng năm Nhà nước chỉ chi 5,7% thu nhập quốc dân cho các mục tiêu xã hội, trong khi đó ở Mỹ là 8%, ở Anh là 34,6%, ở Thụy Điển là 15,6%, ở Pháp là 20,3%, ở CHLB Đức là 21%. Do đó, Nhật Bản trở thành nước mà quần chúng phải đóng thuế cao nhưng phúc lợi công cộng lại rất thấp.

Thứ tư, Nhà nước đẩy mạnh tích luỹ vốn bằng cách đẩy nhanh tốc độ tích luỹ cá nhân, pháp nhân bằng các chính sách thuế ưu đãi hợp lý. Để khuyến khích tích luỹ cá nhân, Nhật Bản không đánh thuế thu nhập có tích luỹ như ở Anh và một số quốc gia khác mà giữ tỷ lệ thuế thu nhập thấp so với thu nhập quốc dân. Nhà nước áp dụng các biện pháp đặc biệt như không đánh thuế lợi tức, tiết kiệm tiểu ngạch, không thu nhập từ tiền bảo hiểm sinh mạng… Đối với các công ty . Nhà nước ưu đãi về thuế theo hướng giữ mức thuế công ty càng thấp thì thu nhập sau khi nộp thuế của Công ty càng tăng, Nhà nước hạ mức thuế công ty do đó từ năm 1950 thuế công ty liên tục giảm. Nhà nước cũng có thể đánh giá lại tài sản được tiến hành trên sổ sách theo luật đánh giá lại tài sản năm 1950 nhằm tránh đánh thuế vào vốn gốc. Nhà nước còn rút ngắn tuổi thọ tài sản theo luật định (chế độ khấu hao nhanh). Cuối cùng là thực hiện các biện pháp đặc biệt như tăng thuế trực thu, giảm thuế gián thu nhằm mở rộng thị trường và kích thích sản xuất.

Với những biện pháp như trên Nhật Bản đã tích lũy được nguồn vốn lớn để phục vụ các mục tiêu kinh tế.

Một phần của tài liệu Vai trò của nhà nước đối với sự phát triển kinh tế Nhật Bản từ năm 1951 đến năm 1973 (Trang 37)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(89 trang)