6. Bố cục khoá luận
2.1.3.2. Chính sách tiền tệ
Trong tất cả các biện pháp điều chỉnh kinh tế của Nhà nước, chính sách tiền tệ có tác dụng mạnh và rất nhạy. Chính sách tiền tệ có nhiệm vụ lớn nhất là cung cấp vốn một cách thuận lợi cho sự phát triển kinh tế. Ngân hàng Trung ương của Nhật liên tục thực hiện chính sách lãi suất thấp trong những năm 50, 60. Do vậy, các công ty Nhật đã tích cực sử dụng nguồn vốn đi vay của Ngân hàng hoặc các cơ quan tiền tệ khác để đầu tư mở rộng kinh doanh. Kết quả như trên ta đã thấy là tỷ lệ vốn tự có trong tổng số vốn kinh doanh của các xí nghiệp ở Nhật thường thấp hơn nhiều so với các nước tư bản khác. Ngân hàng Trung ương thông qua mạng lưới các ngân hàng thương mại cung cấp tiền của Nhà nước cho các công ty. Đặc biệt là Ngân hàng phát triển được thành lập tháng 4 năm 1951 nhằm cung cấp vốn dài hạn cho các hoạt động đầu tư và hợp lý hoá các ngành công nghiệp. Tháng 12 năm 1950, Nhật Bản thành lập Ngân hàng xuất khẩu (tháng 4 năm 1952 đổi thành ngân hàng xuất nhập khẩu) có nhiệm vụ cung cấp vốn dài hạn cho các hoạt động xuất khẩu “khoảng 15% tổng số vốn đầu tư vào tư bản cố định là thuộc hệ thống tài chính tín dụng Nhà nước cung cấp” [10, tr.100].
Nhiệm vụ lớn thứ hai của chính sách tiền tệ là điều tiết các hoạt động kinh doanh thông qua biện pháp hạn chế tiền tệ. Nếu xét về chức năng, nhiệm vụ thì cả chính sách tài chính và tiền tệ đều phải phục vụ cùng một lúc hai nhiệm vụ đối lập: vừa đẩy mạnh tăng trưởng, vừa phải điều tiết tình hình kinh tế khi nó bị kích động quá mức. Trong nhiệm vụ thứ hai này chính sách tiền tệ tỏ ra năng động hơn. Do chính sách tài chính duy trì nguyên tắc ngân sách cân bằng , không quá thiên về phát hành công trái khi Ngân hàng bị thiếu hụt, nên nó không đóng vai trò đáng kể trong việc làm giảm các hoạt động kinh doanh khi cấn thiết. Gánh nặng này đều phải giao phó cho chính sách tiền tệ. Chính sách tiền tệ có vai trò quan trọng trong việc kiềm chế tức thời các hoạt động kinh doanh khi nền kinh tế bắt đầu quá nóng.
Ví dụ như từ tháng 9 năm 1951 đến tháng 8 năm 1952, Chính phủ đã thi hành chính sách hạn chế tiền tệ để ngăn chặn sự phát triển quá nóng sau cuộc chiến tranh Triều Tiên. Biện pháp chủ yếu là tăng thêm 0,73% lãi suất chiết khấu, tăng tỉ lệ tiền lệ tiền phạt đối với số tiền vay của Ngân hàng Nhật Bản trên hạn mức chiết khấu và kiểm soát việc cho vay đặc biệt nhằm tài trợ cho một số hạng mục đầu tư trang thiết bị. Các chính sách hạn chế tiền tệ này đã có hiệu lực tương đối nhanh và kết hợp với tình hình kinh tế bị đình đốn, nó đã nhanh chóng đạt mục tiêu đề ra.
Thời kì hạn chế tiền tệ thứ hai thi hành từ tháng 10 năm 1953 đến mùa thu năm 1954 là sự đối phó với cuộc khủng hoảng về thanh toán quốc tế. Chính sách lần này không thay đổi lãi suất chiết khấu mà tăng tỉ lệ tiền phạt đối với những khoản vay của Ngân hàng Nhật Bản quá mức quy định, huỷ bỏ trợ cấp tài chính đặc biệt cho hoạt động xuất khẩu về đề ra một số quy chế mới gọi là “hướng dẫn nghiệp vụ”. Nó quy định giới hạn tăng tiền vay hàng tháng đối với từng Ngân hàng và kiểm tra việc tuân thủ thực hiện các giới hạn đó của các Ngân hàng. Chính sách hạn chế tiền tệ này cũng mang lại hiệu quả nhanh chóng. Cán cân thanh toán quốc tế đã lấy lại được thăng bằng trong vòng một năm và nền kinh tế đã có những khả năng mới để đi vào tăng trưởng.
Những hiệu quả trên đây của chính sách tiền tệ là do, sau chiến tranh Ngân hàng Trung ương Nhật Bản chịu sự quản lý của Bộ Tài chính và các Ngân hàng khác lại chịu sự kiểm soát của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản. Sự phụ thuộc về tiền vay của các Ngân hàng thương mại đối với Ngân hàng Trung ương Nhật Bản đã làm cho chính sách tiền tệ phát huy tác dụng rất nhanh.