Chính sách tài chính

Một phần của tài liệu Vai trò của nhà nước đối với sự phát triển kinh tế Nhật Bản từ năm 1951 đến năm 1973 (Trang 44)

6. Bố cục khoá luận

2.1.3.1.Chính sách tài chính

Điều chỉnh tức là luôn tìm cách thích nghi với những biến động để phát triển. Để có thể thích nghi với những biến động kinh tế Nhà nước đã đưa ra các chính sách điều chỉnh kinh tế. Chính sách đầu tiên là chính sách tài chính.

Đặc điểm chung của nền tài chính Nhật sau chiến tranh là hạn chế chi trong phạm vi thu, đảm bảo cân bằng ngân sách. Song chính sách tài chính đã được vận hành có lợi cho tăng trưởng và cùng với nhiều chính sách khác như chính sách tiền tệ, chính sách đầu tư… thực hiện chức năng điều tiết nền kinh tế.

Thứ nhất, chi tiêu tài chính tập trung cao độ cho các mục tiêu tăng trưởng. Trong toàn bộ chi tiêu ngân sách, tỷ trọng cho quốc phòng, các cơ quan Chính phủ liên tục giảm. Trong khi đó khoản chi cho các chính quyền địa phương tăng liên tục từ 15% năm 1955 lên 19,1% năm 1960; 19,3% năm 1965 và 21,6% năm 1970. Tỷ trọng chi cho các công trình công cộng cũng tăng nhanh: 13% năm 1955 lên 16,9% năm 1960 và 19,2% năm 1965. Đáng chú ý là chi tiêu cho các công trình công cộng được tập trung chủ yếu vào cơ sở hạ tầng của nền kinh tế - đây là những khoản chi rất có lợi cho sự tăng

trưởng. Chỉ từ cuối những năm 60, khi vấn đề môi trường trở nên nghiêm trọng thì tỷ trọng chi cho bảo vệ môi trường và bảo hiểm xã hội mới tăng vượt các khoản mục chi khác “đạt 17,2% năm 1975 và còn cao hơn nữa vào đầu những năm 70, đạt 21,7% năm 1975” [6, tr.229]. Điều đó nói lên rằng chi tiêu tài chính đã tập trung cao độ vào các mục tiêu tăng trưởng khi có điều kiện.

Thứ hai, Nhà nước thông qua các biện pháp thuế khóa để điều chỉnh nền kinh tế. Trước hết, Nhà nước sử dụng biện pháp giữ mức thuế thấp để kích thích đầu tư sản xuất kinh doanh. Do giữ mức thuế thấp nên tỷ lệ thuế trong thu nhập quốc dân ở Nhật Bản thấp hơn các nước tư bản khác. Ví như “năm 1968, tỷ lệ thuế quốc gia và địa phương trong tổng thu nhập quốc dân ở Nhật Bản chỉ đạt 12,4% so với 18,6% của Mỹ, 33% của Anh, 25,7% của Tây Đức, 23,8% của Pháp, 22,1% của Italia” [13, tr.227]. Để tăng nguồn thu ngân sách, Nhà nước phải vay tiền bằng công trái để tài trợ cho các mục tiêu tăng trưởng và lợi dụng nguồn tiết kiệm cao ở Nhật Bản. Với mạng lưới dày đặc những ngân hàng, công ty bảo hiểm, quỹ tiết kiệm của Nhà nước và bản thân các xí nghiệp, tư bản độc quyền đã thu hút toàn bộ số tiền tiết kiệm của quần chúng vào hoạt động kinh doanh

Trong điều kiện các khoản chi được ưu tiên cho các mục tiêu tăng trưởng, tổng ngân sách hàng năm lại tăng lên rất nhanh và do vậy tác động của tài chính đối với tăng trưởng lại càng lớn hơn. Ở đây chúng ta thấy rằng Nhật Bản duy trì mức thuế thấp, hạn chế nguồn thu ngân sách nhưng trên thực tế lại tăng nhanh khoản chi trong khi phải giữ nguyên tắc ngân sách cân bằng. Đó là do ngân sách được bổ sung từ các nguồn thu khác như công trái, tiền tiết kiệm, nhưng quan trọng hơn đó là tỷ lệ thuế thấp sẽ kích thích đầu tư sản xuất và tổng số thuế sẽ không ngừng tăng lên nhờ đó doanh thu sẽ được mở rộng.

Bên cạnh việc giữ mức thuế thấp, Nhà nước còn tăng thuế đối với quần chúng và giảm thuế đối với các công ty độc quyền. Từ năm 1955 đến năm 1966, trong vòng 11 năm, Nhà nước đã 7 lần giảm mức thuế cho các công ty, mặc dù mức thuế đánh vào các công ty ở Nhật Bản sau chiến tranh đều thấp hơn các nước tư bản phát triển khác. Năm 1969, thuế thu của các công ty chỉ chiếm 43,8% tổng số thuế trong ngân sách, so với 56,1% ở Mỹ, 50% ở Pháp, 49,1% ở CHLB Đức, 45% ở Anh. Hơn nữa, Nhà nước thường thay đổi thuế biểu đối với những ngành và những công ty cá biệt, cho hoãn kỳ hạn thanh toán thuế hoặc quy định tiền phạt đối với các trường hợp thiếu thuế của các công ty…

Do đó, thông qua những biện pháp thuế khoá, Nhà nước không chỉ có khả năng kích thích sản xuất của các tổ chức độc quyền mà còn kích thích các công ty phát triển các ngành công nghiệp mới hoặc hạn chế các ngành sản xuất xét thấy không cần phát triển. Ví dụ như đối với ngành công nghiệp điện tử, Nhà nước cho phép tăng phần thu nhập không phải nộp thuế lên 80%.

Thứ ba, thông qua Ngân hàng Trung ương Nhật Bản Nhà nước đã điều chỉnh một cách hiệu quả các hoạt động kinh doanh.

Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, cơ chế tài chính ở Nhật rất đáng chú ý vì nó luôn ở tình trạng cho vay quá mức. Trong các xí nghiệp có một thực tiễn chung là phụ thuộc nặng nề vào các Ngân hàng thương mại để được cấp vốn cần thiết cho sự phát triển kinh doanh của họ. Các xí nghiệp phải đi vay gần 80% số vốn kinh doanh trong đó già nửa là đi vay ngắn hạn với lãi suất 9 – 10%. Về phần các Ngân hàng thương mại lại vay rất nhiều vốn của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản. Kết quả là tỷ lệ phần trăm số vốn của riêng các công ty so với tổng số vốn hoạt động của họ đã giảm xuống rất nhiều, trong khi tỷ lệ vốn đi vay lại tăng lên.

Thực tiễn này đã khiến cho vị trí tài chính của các ngân hàng ở Nhật Bản rất bấp bênh, và các Ngân hàng thương mại thường cung cấp nhiều tín dụng cho các xí nghiệp vượt quá khả năng có thể cung cấp được. Các Ngân hàng thương mại Nhật thường cho vay quá 95% vốn khoản của ngân hàng. Nhờ biện pháp táo bạo này, Nhật không những tận dụng triệt để mà còn nhân lên gấp nhiều lần số vốn chu chuyển trong sản xuất. Đây là cách phát triển kinh tế mạo hiểm. Nhiều nhà kinh tế phương Tây gọi đây là biện pháp “đi trên dây”, chỉ cần một vài công ty lớn phá sản sẽ dẫn tới tình trạng vỡ nợ dây chuyền.

Chính cơ chế và thực tiễn như vậy đã làm cho Ngân hàng Trung ương có thể điều chỉnh được một cách hiệu quả các biến động trong kinh doanh bằng cách nâng tỷ suất triết khấu chính thức và cả bằng cách thực hiện cái gọi là “sự hướng dẫn cửa sổ”, có nghĩa là một Ngân hàng Trung ương kiểm soát các Ngân hàng thương mại về khối lượng tín dụng các Ngân hàng cung cấp cho các ngành công nghiệp. Khi nền kinh tế phát triển quá nóng, nhập khẩu đã tăng lên làm trầm trọng thêm địa vị của Nhật trong cán cân thanh toán thì Ngân hàng Trung ương sẽ tác động mạnh mẽ đến các ngành công nghiệp này bằng cách hạn chế cho các Ngân hàng tư nhân vay. Và nếu số thu của quốc tế vượt số chi ra trong một thời gian mà suy thoái vẫn tiếp diễn thì Ngân hàng Trung ương sẽ nới lỏng các hạn chế về tiền tệ và thường thì tiếp theo đó là một sự tăng trưởng bột phát của kinh doanh.

Tóm lại, tình trạng cho vay quá mức đã cho phép nền kinh tế Nhật Bản tăng trưởng với tốc độ tối đa có thể được cho đến khi vị thế trong cán cân thanh toán xấu đi và lúc đó sẽ được uốn nắn bằng những biện pháp tiền tệ thắt chặt của Ngân hàng Trung ương. Hình thức hoạt động tài chính này là một nhân tố quan trọng góp phần vào tăng trưởng kinh tế nhanh của Nhật Bản.

Một phần của tài liệu Vai trò của nhà nước đối với sự phát triển kinh tế Nhật Bản từ năm 1951 đến năm 1973 (Trang 44)